Chương 7 - LỘT TRẦN BỘ MẶT MẸ CHỒNG
7
Mặt Lưu Tiêu đỏ như gấc, chạy tới kéo tôi: “Vợ à, em bớt nói lại chút đi.”
Tôi lạnh lùng nhìn anh ta: “Là em muốn nói hả? Là mẹ anh đứng đây gào lên, mà anh còn bênh bà ta!”
Anh ta như muốn khóc: “Anh đâu có bênh mẹ, nhưng mà có nhiều người nhìn vậy, để mẹ vào nhà đi đã!”
Tôi nói: “Không cho vào. Nếu anh thương họ thì dẫn họ về quê mà ở.”
Tôi tuyệt đối không để họ chiếm lấy căn nhà này.
Mẹ chồng tôi ôm chặt lấy khung cửa, Lưu Tiêu kéo không nổi.
Tôi bước lên gỡ từng ngón tay bà ra.
Bà ta hét toáng lên:
“Con dâu đánh người rồi! Nó đánh mẹ chồng!
Đứa con bất hiếu muốn đuổi mẹ chồng ra khỏi nhà! Mau gọi công an giùm tôi với!”
Một bà hàng xóm già lên tiếng can ngăn: “Hồ Đào à, buông tay đi con, mẹ chồng con cũng đâu đến nỗi.
Mỗi lần lên thành phố đều mang rất nhiều đồ cho tụi con, còn chia quà cho cả hàng xóm chúng tôi nữa.
Nể tình Lưu Tiêu, con đừng chấp người già làm gì, dìu bà vô nhà đi, nói chuyện đàng hoàng, đừng để người ta cười chê…”
Tôi bật cười, ngắt lời bà ta: “Bà ấy mỗi lần lên đều mang nhiều đồ cho chúng tôi?
Chúng ta làm hàng xóm 6-7 năm rồi, bà thấy bà ấy lên đây mấy lần?”
Bà cô ấy trả lời: “Cô nhớ có hai lần. Một lần cho nhà tôi khoai tây, lần kia là bột ngô.”
Hai hộ khác cũng gật đầu: “Nhà tôi cũng được cho.”
“Nhà tôi cũng có phần.”
Tôi cười mỉa: “Đúng rồi, họ lên đây thì đi từng nhà phát quà, nên mọi người đều biết ba mẹ chồng tôi là người hào phóng tốt bụng.”
Trước đây, mẹ chồng tôi từng nói rằng chúng tôi nên giao lưu nhiều hơn với hàng xóm láng giềng để giữ quan hệ tốt.
“Bà con xa không bằng láng giềng gần, lỡ có chuyện gì xảy ra, tụi tôi ở xa không đến kịp, thì hàng xóm sẽ là người đầu tiên giúp đỡ.”
Lời bà nói không sai, nhưng tôi thì không có ý định thực hiện.
Tôi đáp:
“Trên thành phố, ai cũng sống khép kín, đóng cửa ai lo việc nấy, không có thói quen qua lại thăm hỏi, mà có khi họ cũng chẳng muốn.”
Mẹ chồng lập tức phản bác:
“Làm gì có ai không thích giao lưu?
Chẳng qua là mấy đứa trẻ các con mặt mũi mỏng, ngại ngùng thôi.
Bà với ba con thì khác, bọn ta mang bao nhiêu khoai tây lên đây là để biếu hàng xóm, giúp tụi con tạo quan hệ.
Dù sao cũng là đồ nhà trồng, mỗi nhà cho hai ba ký, chẳng đáng bao nhiêu mà lại lấy được lòng người.”
Quả thật, họ đi phát từng nhà thật.
Hai năm sau, họ lại mang lên một bao bột ngô, mỗi nhà chia hai ký.
Giờ tôi mới hiểu, thì ra tất cả là chiêu trò bề ngoài của mẹ chồng.
Bà dùng chút quà quê rẻ tiền để mua lòng hàng xóm, khiến mọi người nghĩ rằng: bà đối đãi với người ngoài còn tử tế như thế, thì chắc chắn cũng đối xử tốt với tôi.
Có người hỏi: “Vậy mấy năm nay, ba mẹ chồng cô chỉ đến đúng hai lần thôi à?”
Tôi gật đầu:
“Lưu Tiêu và ba mẹ anh ấy đang đứng đây, mọi người có thể hỏi trực tiếp.
Lần đầu mang theo một bao khoai tây, chính bà ấy nói là hai mươi ký.
Lần thứ hai là mười ký bột ngô, mỗi nhà hai ký, còn dư lại bốn ký là phần của tụi tôi.
Vậy đó, bà ấy gọi là ‘mang rất nhiều đồ cho tụi tôi’.
Mỗi lần lên, tôi đều tiếp đãi như khách quý. Không bắt họ nấu cơm rửa chén, cũng không nhờ đưa đón con.
Tôi còn dẫn hai người họ ra phố mua đồ ăn, mua quần áo. Thịt bò, thịt cừu, đồ quay, quần áo, giày dép. Tổng cộng mất vài triệu bạc!
Mọi người nói xem, rốt cuộc là mẹ chồng tôi đối tốt với tôi, hay tôi là người đối tốt với họ?”
Có người bừng tỉnh:”Thì ra việc bà ấy đi phát quà chỉ là chiêu trò đánh bóng hình ảnh!”
Những người khác cũng hiểu ra: “Trời ơi, bà cụ này đúng là cáo già.”
“Gặp loại mẹ chồng như vậy nguy hiểm lắm, con dâu hiền lành là bị tính hết sạch.”
“Lại thêm một lý do để người ta sợ lấy chồng.”