Chương 4 - Giữa Hai Thế Giới Tình Yêu

9.

Ta mơ thấy đêm động phòng với Hầu gia. Trong chén hợp cẩn, thứ được rót vào không phải là rượu giao bôi, mà là… canh phá thai.

Chàng nhìn ta, nói:

“Diệu Liên, với xuất thân của nàng, không thích hợp sinh ra trưởng tử của Hầu phủ.”

Ta nhìn bát canh trong tay chàng, lại nhớ đến đêm trong thiên lao, ta đút từng muỗng hoành thánh cho chàng, còn chàng nói rằng: “Nếu thoát khỏi kiếp nạn, nhất định sẽ không phụ nàng.”

Thì ra… cái “không phụ” ấy, lại là như vậy sao?

“Uyển Như sắp vào cửa rồi. Phụ thân nàng ấy nói, trưởng tử của Hầu phủ không thể do thiếp thất sinh ra.”

Uyển Như vị hôn thê cũ của chàng, là thiên kim tiểu thư của Thượng thư Bộ Binh, Đỗ đại nhân.

Năm xưa Hầu phủ gặp nạn, Đỗ gia ngoảnh mặt làm ngơ.

Nay Hầu gia rửa sạch tội danh, vẫn muốn cưới nàng ta về.

Vì muốn cưới nàng, chàng thà hy sinh cả sinh mệnh cốt nhục trong bụng ta.

Trong mộng, ta lập tức vùng dậy bỏ chạy, nhưng bị gia đinh phục sẵn ngoài cửa túm lấy, cưỡng chế lôi trở lại, mạnh mẽ ép ta uống canh phá thai.

Ta còn mơ thấy… cả phần đời còn lại của mình.

Vì mất con, ta phát điên.

Một lần có khách mang hài tử đến Hầu phủ bái phỏng, cơn bệnh tái phát, ta giật đứa trẻ ấy vào lòng, cứ thế ôm chặt không buông, gào khóc loạn cả phủ.

Hôm sau, khắp kinh thành đều biết chuyện: Đông Xương Hầu phủ có một “di nương điên loạn”.

Hầu phủ lấy ta làm nỗi nhục, giam ta vào tiểu viện.

Tầng tầng lớp lớp cửa nẻo, đều khóa trái.

Kể từ ngày ấy, ta chưa từng bước ra khỏi tiểu viện, cũng chẳng còn được gặp ai bên ngoài.

Chỉ lặng lẽ nhìn những mùa hoa ngô đồng trong sân nở rồi lại rụng, ngày qua ngày, năm này sang năm khác, âm thầm khâu từng chiếc áo nhỏ cho đứa con chưa kịp chào đời.

Cuối cùng, vào đúng ngày đứa con trai trưởng dòng chính của chủ mẫu Thẩm Uyển Như làm lễ đội mũ tuổi hai mươi, ta ôm bộ lễ phục nhỏ bé ta từng khâu cho con, lặng lẽ chết đi, không một tiếng động.

Khi tỉnh khỏi giấc mộng ấy, lòng ta run rẩy đến thắt lại, nhưng vẫn chưa dám tin là thật.

Cho đến lúc vú Từ mang áo cưới tới, và ta thấy chiếc áo ấy, giống hệt với trong giấc mơ.

Một cơn lạnh toát bỗng ập khắp toàn thân, mồ hôi lạnh thấm ướt cả y phục.

Ta lập tức quỳ xuống, dập đầu cầu xin vú Từ cứu ta, giúp ta thoát khỏi nơi này.

Hầu phủ gặp đại nạn năm xưa, chỉ còn lại hai người chúng ta.

Nửa năm cùng nhau chịu khổ, sớm tối nương tựa, chẳng phải là cũng có chút nghĩa tình?

Bà là tia hy vọng cuối cùng ta có thể bấu víu.

Lúc đầu vú Từ còn không tin, nhưng sau khi lặng lẽ ra ngoài dò xét một vòng, quay về, vành mắt bà đã hoe đỏ.

Miệng lẩm bẩm:

“Lão phu nhân với Hầu gia… sao lại tàn nhẫn đến thế.”

Câu ấy… khiến ta biết chắc, giấc mộng kia không phải mộng.

Có lẽ là mẹ ta nơi suối vàng đã âm thầm báo mộng cho ta, bà trên trời nhìn thấy tất cả, không nỡ để ta chôn vùi cả một kiếp người như vậy.

Vú Từ động lòng trắc ẩn, đồng ý giúp ta.

Bà lặng lẽ tráo bát thuốc phá thai, lại đến lò mổ xin một túi máu heo, dặn ta đổ lên vạt váy, giả làm máu hư sau khi sảy thai.

Quả nhiên, ta thật sự đã lừa được cả Hầu gia lẫn Lão phu nhân.

Kể từ đó, ta ẩn mình trong tiểu viện, không gặp ai.

Miệng thì nói là vì sảy thai mà thương tâm, nhưng kỳ thực… là đang lặng lẽ thu xếp hành lý, chờ cơ hội trốn đi.

Một tháng sau, thời cơ cuối cùng cũng tới.

Tết Nguyên Tiêu năm ấy, Hầu gia và Lão phu nhân lên Vạn Tuế Tự ngoài kinh thành dâng hương cầu phúc, mang theo không ít gia nhân, nô bộc.

Đến tối, đám nha hoàn ở lại trong phủ, thấy chủ tử vắng mặt, liền cả gan bỏ việc, kéo nhau ra phố xem đèn hoa.

Ta thay xiêm y của nha hoàn, khoác thêm một chiếc áo choàng, xách theo tay nải, lặng lẽ bước ra từ cổng nhỏ bên hông phủ.

Vừa ra khỏi cổng, ta thoáng thấy dưới tàng cây phía xa… hình như có một người đang đứng, mơ hồ không rõ bóng.

Lòng run lên, hồn vía lên mây.

Nhưng rồi chỉ thấy bóng người ấy khẽ nghiêng mình, rẽ về hướng khác.

Ta lúc ấy mới nhẹ một hơi, thầm cười mình như chim sợ cành cong.

Không chần chừ thêm, lập tức hướng thẳng đến bến tàu, lên một chiếc thuyền đêm.

Cách biệt năm năm ta rốt cuộc đã trở lại cố hương Giang Nam.

10.

Năm năm sống trong Hầu phủ, ta luyện được một tay nghề thêu thùa xuất sắc, lại từng thấy qua vẻ huy hoàng của thế gia đại tộc, cũng bồi dưỡng cho mình gu thẩm mỹ thanh nhã, vượt trội thường nhân.

Trở về Giang Nam, những điều ấy… đều hóa thành tài sản vô hình.

Giang Nam nhiều thêu phường, ta vào một xưởng thêu làm nữ công.

Tay nghề của ta tỉ mỉ khéo léo hơn bất kỳ thêu nữ nào, những món vải vóc do chính tay ta làm ra luôn cung không đủ cầu trên thị trường.

Sau một năm tích lũy được danh tiếng, ta nảy ra ý định tự mình lập nghiệp.

Ta có vốn.

Trước khi rời khỏi Hầu phủ, vú Từ cứng rắn nhét vào tay nải của ta một tờ ngân phiếu hai trăm lượng bạc.

Bà nói đó là số tiền bà lén mang trang sức của Lão phu nhân đi cầm mà có.

“Con một thân một mình, sau này còn phải nuôi con, không có tiền bên người thì sao mà sống nổi?”

“Số bạc này là Hầu phủ nợ con. Lão phu nhân và Hầu gia không chịu trả, thì vú Từ ta trả thay cho họ.”

Quả thật người trượng nghĩa thường là hạng mổ heo giết chó, kẻ tuyệt tình phần nhiều lại là bậc đọc sách thi thư.

Ta đem ngân phiếu đổi thành bạc trắng, dùng một trăm lượng để mua lại một xưởng thêu đang sang nhượng, chính thức trở thành bà chủ.

Ban đầu làm khăn tay, sau làm giày thêu, rồi tiến lên làm cả y phục thành phẩm.

Có tay nghề, có tiếng tăm, chịu khó, nhẫn nại việc gì ta cũng đích thân làm.

Đến năm thứ tám kể từ khi quay lại Giang Nam, khi con trai ta, Hoài Ngọc, chính thức nhập học tại thư viện, thì “Cẩm Vân Hiên” của ta đã là thêu phường nổi danh nhất cả thành Ninh Châu.

Ta trở thành tấm gương điển hình của giới thương nhân Ninh Châu, không chỉ làm ăn giỏi, mà mỗi khi triều đình quyên góp cứu tế thiên tai, ta cũng đều hào sảng quyên bạc không tiếc tay.

Ai ai cũng gọi ta một tiếng: “Chủ nhân Thẩm.”

Những ngày tháng làm nô tỳ trong Hầu phủ, đã xa xôi đến mức mơ hồ như chuyện tiền kiếp.

Cho đến năm thứ ba sau khi lão Hoàng đế băng hà, tân đế đăng cơ, một ngày nọ, có một vị khách mang giọng Quan thoại đậm chất Kinh thành bước vào thêu phường của ta.

Tiểu nhị nghe không hiểu, vội chạy vào hậu viện tìm ta.

Ta theo tiểu nhị ra tiền sảnh, vừa vén rèm trúc lên, liền bất ngờ chạm mặt một gương mặt xa cách đã lâu.

Chưa kịp rút bước, hắn đã quay đầu lại.

Bốn mắt giao nhau, trong khoảnh khắc ấy, hắn đỏ hoe mắt, giọng khàn đi: “Diệu Liên… không ngờ kiếp này, ta còn có thể gặp lại nàng.”

Ta bình thản nhìn hắn: “Khách quan, ở đây chẳng có ai tên Diệu Liên cả. Ta là Thẩm Chu – chủ nhân của tiệm này.”

Hầu gia chết lặng.

Ta vừa định mở miệng tiễn khách, ngoài cửa chợt vang lên tiếng gọi trong trẻo: “Nương ơi! Nương ơi! Hôm nay trong lớp con chép lại Luận Ngữ, chỉ sai có một chữ thôi đó!”

Tim ta thót lên một nhịp.

Hoài Ngọc đã chạy tới, tay cầm tờ giấy, vừa nhảy vừa cười, phấn khởi dâng lên trước mặt ta.

Hầu gia sững sờ nhìn đứa bé, hồi lâu mới nghẹn ngào cất tiếng: “Đây… đây là con trai ta sao?”

Ta lập tức phủ nhận: “Không phải. Hầu gia chẳng phải đã quên rồi sao? Ta đã bị ép uống canh phá thai.”

Hầu gia bước lên một bước: “Nếu không phải con ta, thì còn có thể là ai? Thằng bé nhìn chừng bảy tám tuổi, vừa khéo trùng khớp với thời điểm ta và nàng…”

Mồ hôi túa ra đầy lòng bàn tay.

Ta… không biết phải giấu đến khi nào nữa.

Vốn dĩ đứa trẻ ấy là do chính hắn không cần.

Giờ lại truy vấn ép hỏi, bộ đang diễn trò cho ai xem?

Giữa lúc căng thẳng chưa có hồi kết, ngoài cửa chợt vang lên một giọng nam trong trẻo, rành rọt như tiếng ngọc va kim: “Hầu gia e là nhớ con đến phát điên rồi, sao lại tùy tiện nhận vợ con nhà người khác như thế?”

Một nam nhân trẻ tuổi, vận áo bào lam bảo, xốc mạnh rèm cửa bước vào, sải chân đến trước mặt ta.

Không ai khác chính là Tri phủ đại nhân của Ninh Châu thành.