Chương 2 - Cuộc Gọi Từ Tương Lai
2
Trên bàn, mấy quả mận vườn quý giá bố mẹ tôi gửi tới cũng đã bị lũ cháu chén sạch không còn một hột.
Tôi chợt nhớ hồi nhỏ có nạn châu chấu, bọn cháu này cũng chẳng khác gì lũ châu chấu ấy, đi tới đâu là nơi đó sạch trơn.
Tề Phương – em chồng tôi – nhìn thì như đang chăm hoa chăm cỏ, nhưng ánh mắt không nhịn được cứ lén lút liếc về phía tôi.
Mẹ chồng đưa tay ra, mặt thì cười nhưng giọng lại làm bộ khó xử:
“Bản thân mẹ thì không có tài quản lý nhà cửa, nhưng vẫn là Tiểu Ngụy tin tưởng mẹ, chịu để mẹ thay con quán xuyến trong ngoài, nên mẹ cũng đành mặt dày lo liệu thay các con một chút.”
Tôi kéo lại áo khoác nửa khoác trên người, lúng túng nói:
“Mẹ à, tháng này con không làm đủ công, tổ trưởng nói sẽ khấu trừ lương, coi như phạt cảnh cáo thôi. Mẹ cũng biết mà, con mới ra tháng chưa lâu…”
Mẹ chồng nghe đến đây, sắc mặt lập tức lạnh đi, nụ cười đông cứng lại, gượng gạo như cười mà không cười:
“Làm sao lại thế được… Thế thì tháng này, nhà mình thật sự sắp nhịn đói rồi.”
Mí mắt phải của tôi giật giật.
Tôi không ngờ mẹ chồng lại phản ứng như vậy, nhưng vẫn giả vờ bất lực:
“Chắc đành phải dựa vào mấy phiếu của Tề Quân, mua chút gạo về ăn tạm vậy…”
Tôi còn chưa nói xong, Tề Phương đã quăng bình tưới hoa xuống, giận dữ sầm mặt đi về phía tôi:
“Không thể nào! Trên áo khoác của chị dính dầu ớt, đó là loại chỉ có ở mấy quán hoành thánh ngoài phố! Chị có tiền ăn hoành thánh, nhất định là lĩnh lương rồi!”
“Chị dựa vào cái gì mà giấu riêng? Mau nộp hết tiền lương với phiếu ra đây!”
Tôi lùi lại một bước, sắc mặt trầm xuống:
“Lương với phiếu của tôi liên quan gì đến bà con thân thích như cô? Cho dù tôi có nhận rồi mà không đưa ra, giữ lại cho mình cũng chẳng có gì sai cả.”
Khuôn mặt vốn xinh đẹp của Tề Phương vặn vẹo hẳn lại:
“Tôi còn trông chờ vào lương và phiếu của chị…”
Cô ta còn chưa kịp nói hết câu đã bị mẹ chồng đưa tay bịt miệng.
Bà vội vàng tiếp lời, giọng đầy oán trách:
“Tiểu Ngụy, đều là người một nhà, cần gì phải giấu giấu giếm giếm. Chúng ta cũng đâu phải nhòm ngó gì của con, chỉ là một nhà, thì phải biết đoàn kết chứ. Ăn riêng thì ra thể thống gì?”
“Huống hồ, cả cái nhà to như thế này, chẳng lẽ chỉ dựa vào mỗi Tề Quân đi làm nuôi cả nhà sao?”
Sắc mặt tôi vốn dĩ còn ôn hòa, giờ cũng lạnh hẳn.
Bình thường, Tề Quân giữ lương cho mình, hoặc mang đi trợ cấp cho em gái, mẹ chồng chưa từng trách nửa lời.
“Tôi đã nói là không có thì là không có. Tề Quân mỗi tháng được bốn mươi đồng, còn nhiều hơn tôi năm đồng. Chỉ cần nuôi ba người lớn, hai đứa trẻ thì thừa sức!”
“Những người thân không liên quan, không cần thiết phải nuôi. Nhất là những người có công việc đàng hoàng!”
“Một nhà hai người có thu nhập, sao lại cứ muốn trông chờ vào tôi – người mới ra cữ – nuôi cả nhà?”
Tề Phương nghe xong thì mặt đỏ gay lên, quay người bỏ chạy ra ngoài.
Trước đây mỗi khi tôi nhận lương và phiếu, mẹ chồng là người vui nhất.
Bà ấy thường tỏ ra thương tôi, nhất là vào ngày lĩnh lương.
Còn đặc biệt luộc hai quả trứng gà cho tôi tẩm bổ.
Nào giống bộ dạng mặt lạnh hôm nay đâu.
Ngay cả Tề Phương, cũng từ cô em gái mềm mỏng ngọt ngào biến thành bà chằn nanh nọc, mồm mép bén như dao.
Xem ra, những gì cuộc điện thoại kia nói về việc mẹ chồng lấy tiền và phiếu của tôi để đưa cho Tề Phương, quả thật không phải không có dấu hiệu.
Tôi càng phải đề phòng chặt chẽ hơn nữa.
Cho con bú xong, dạ dày tôi nóng rát đến mức chịu không nổi, đói đến hoa mắt chóng mặt.
Tôi đành vịn tường, đi vào bếp như thường lệ, tự pha cho mình một ly trứng gà đường đỏ uống cho đỡ mệt.
Nước vừa pha xong, còn chưa kịp lấy muỗng, mẹ chồng đã mặt lạnh đi vào, bưng ly trà trứng ra ngoài:
“Lương cũng không mang về, mà đòi uống trà trứng, đúng là chẳng biết xấu hổ.”
Tôi cố chịu cho khỏi ngất, về phòng lấy viên kẹo sữa mà chị công nhân bên cạnh mua hộ trong giờ làm, cho vào miệng.
Cơn chóng mặt cuối cùng cũng dịu đi.
Tôi bế con bước ra phòng khách, mới thấy ly trà trứng ban nãy đang nằm trong tay Tề Phương.
Cô ta nhìn tôi với vẻ hả hê, cố tình hút từng ngụm nhỏ kêu “rột rột” cho tôi nghe thấy.
Tôi trừng mắt nhìn cô ta:
“Mẹ, sao mẹ lại đưa trà trứng của con cho Tề Phương? Nó thèm thì tự đi pha, thiếu tay thiếu chân chắc?”
“Con không mang lương về, cũng chỉ là chuyện một tháng này thôi. Còn bao nhiêu thứ trong nhà, bàn ghế, sô pha, có món nào không phải con bỏ tiền ra mua?”
Tôi chỉ cảm thấy lạnh lòng:
“Trước kia mẹ nói muốn để dành lương của Tề Quân, tháng nào cũng dùng tiền lương của con để mua thịt, con cũng vì cái nhà này mà bỏ ra không ít mà.”