Chương 4 - Chị Gái Giả Vờ Chăm Chỉ
“Bà ấy trút hết bực tức lên con, là mẹ con sai rồi…” – giọng bà nghẹn ngào – “Đa Đa, đừng để trong lòng, bà thương con.”
Tôi ôm chặt đầu gối, trán tựa vào bức tường lạnh ngắt.
Trước khi dập máy, tôi nghe bà lặp lại mãi một câu: “Phải biết tự chăm sóc mình, nếu khổ quá… thì quay về với bà.”
Tôi thầm hạ quyết tâm, sau này nhất định phải ngẩng cao đầu, cho bà được sống sung sướng.
Mẹ không thương tôi, bà đặt tất cả hy vọng vào chị tôi.
6
Thời gian đến kỳ thi đại học ngày càng gần.
Thế mà chị tôi chẳng hề có ý định tập trung ôn luyện.
Chị đăng ký một chương trình học tập trải nghiệm ở nước ngoài.
Nói là sẽ được tham quan học viện mỹ thuật bên trời Tây.
“Mẹ ơi, là Paris đó! Mẹ có biết bao nhiêu họa sĩ mơ được treo tranh trong bảo tàng Louvre không?” – chị bắt đầu làm nũng.
“Nếu con được đi, chắc chắn sẽ học được rất nhiều điều người khác không có đâu.”
Chị nói như rót mật vào tai.
Mẹ thì không hiểu gì, chỉ hỏi một câu: “Bao nhiêu tiền thế?”
Chị lướt qua như không có gì: “Không nhiều lắm, tầm… mười triệu.”
“Mười triệu?!” – mẹ siết chặt chiếc điện thoại, giật mình.
“Cái này… chẳng phải hơi đắt sao…”
“Mẹ à——” chị tôi bất ngờ rưng rưng nước mắt.
Chị dùng móng tay cào lên tờ brochure quảng cáo của học viện mỹ thuật Paris, phát ra âm thanh chói tai.
“Mẹ có biết cơ hội này khó thế nào không? Cái chị khóa trên năm ngoái cũng đi chương trình như thế này, học chuyên ngành đứng top 10 toàn tỉnh, cuối cùng còn đậu vào Học viện Mỹ thuật Trung ương đấy!”
Bố tôi đặt tờ báo xuống, nhíu mày: “Thư Hoa, con mới vừa đăng ký lớp luyện thi nghệ thuật, nộp cả trăm triệu rồi. Gần đây tài chính gia đình cũng khó xoay vòng…”
“Bố nói gì vậy?” – chị tôi bĩu môi, “Lúc trước bố mẹ cho con học vẽ có bao giờ nói hết tiền đâu? Giờ là giai đoạn nước rút mà lại chùn bước sao?”
Chị bất ngờ ngã vật ra ghế sô pha: “Thôi quên đi, nếu biết sớm sinh ra trong cái nhà như này, con đã chẳng học mỹ thuật. Đến chút đầu tư nhỏ cũng không chịu bỏ ra, sau này làm gì có hi vọng làm họa sĩ lớn.”
Tôi thật sự khâm phục chị tôi với màn nước mắt, ăn vạ, trách móc đầy đủ.
Chị không nên học mỹ thuật, mà nên thi vào trường sân khấu.
Cuối cùng, không chịu nổi tiếng khóc than của chị và mẹ lải nhải bên tai.
Bố cũng gật đầu đồng ý: “Đây là lần cuối. Cửa hàng đâu thể mãi chi tiền cho các con như thế này.”
Khi chị đang thu dọn hành lý, tôi nghe thấy chị ghé tai mẹ thì thầm:
“Mẹ ơi, túi xách ở Paris đẹp lắm. Con sẽ mang về cho mẹ vài cái.”
Mẹ bị chị làm cho vui ra mặt: “Đúng là con gái ngoan của mẹ. Chỉ cần con học hành tốt là mẹ mãn nguyện rồi!”
Sau đó mẹ đưa cho chị một tấm thẻ: “Trong này có mười triệu, là tiền riêng của mẹ, con cầm lấy đi.”
Nhìn cảnh mẹ con họ ríu rít vui vẻ, tay tôi rịn đầy mồ hôi.
Tôi khẽ giọng nói, sợ phá vỡ bầu không khí “ấm áp” trong phòng khách.
“Mẹ, trường con sắp tổ chức đi tham quan mùa xuân mỗi bạn phải đóng năm chục ngàn.”
Mẹ đang giúp chị xếp hành lý, tay khựng lại, mặt lập tức cau có.
“Cái trường gì mà suốt ngày đòi tiền? Đi tham quan với chả gì, không lo học hành!”
Tôi cúi đầu lí nhí: “Cả lớp đều phải đi, đến thăm bảo tàng khoa học công nghệ. Không tham gia sẽ bị ghi chú, nhà nào khó khăn quá thì phải gọi điện báo với cô giáo…”
Câu này là tôi bịa ra.
Mẹ tôi rất sĩ diện, chắc chắn sẽ không gọi điện cho giáo viên.
Vì làm vậy chẳng khác gì thừa nhận nhà mình nghèo đến mức không có nổi năm chục ngàn, hoàn toàn phá vỡ hình tượng “quý bà sang chảnh” của mẹ.
“Cầm lấy. Đúng là đồ đòi nợ.” – mẹ miễn cưỡng nhét tiền vào tay tôi.
So với số tiền chị tiêu trong mấy năm qua thì phần của tôi chẳng khác gì hạt muối bỏ bể.
“Đừng suốt ngày nghĩ đến đi chơi, học hành cho nghiêm chỉnh vào. Học chị mày kìa, nó còn phải đi nước ngoài học mỹ thuật đấy.”
Tôi cúi mắt xuống, khẽ nói một câu tiếng Anh: “Sister, can you communicate with foreigners?”
Chị tôi sững người một chút, rõ ràng không hiểu.
“Mày lải nhải cái gì đấy?” – mẹ tôi khó hiểu nhìn tôi.
Tôi nhét tiền vào túi: “Con chúc chị lên đường bình an.”
Chị đến từ “special” còn không hiểu, mà còn dám nói ra nước ngoài để học hành.
7
Sau khi đến Pháp, chị tôi gần như mỗi ngày cập nhật hơn chục bài lên mạng xã hội.
Từ cung điện Versailles đến nhà thờ Đức Bà Paris, rồi bờ sông Seine.
Mỗi bức ảnh đều là những kiểu tạo dáng tinh tế đến mức giả tạo.
Lố bịch nhất là loạt ảnh chị chụp trước cổng Học viện Mỹ thuật Paris.
Trong ảnh, chị đứng ngẩng đầu làm dáng như thể đang thành kính cầu nguyện, kèm theo một đoạn caption dài lẫn lộn tiếng Anh với tiếng Pháp.
Tôi nhìn mớ chữ như mật mã đó mà phát hoảng, phải nhờ bạn học dịch giúp.
Chị bạn đó đang học cao học chuyên ngành tiếng Pháp.
Cô ấy nhìn màn hình một lúc, bỗng cười đến không đứng dậy nổi: “Ngữ pháp sai tơi tả. Như câu này này—”
Cô ấy chỉ từng chữ dịch: “Cố gắng hiểu thì nghĩa là… ‘con khỉ ngu ngốc’.”
“Đa Đa, chị cậu đúng là biết diễn. Nói đi học, chứ rõ ràng là đi du lịch thì có.”
Cô ấy kéo tiếp những bài đăng trong trang cá nhân của chị tôi, giọng đầy khinh thường: “Cậu nhìn video này xem, bảo là đang học ở học viện, mà nền phía sau đâu phải lớp học mỹ thuật.”