Chương 5 - Bà Ngoại Tôi Và Những Cuộc Đốt Vàng
14
Sáng hôm sau, tin tức cậu hai và em họ ngã chết ở khe núi truyền đến.
Tối hôm trước, nhà cậu hai và dì út vẫn còn trên núi tìm tro cốt của bà ngoại.
Đến khuya, dì út chịu không nổi nên về trước.
Chỉ còn cậu hai và em họ cố chấp ở lại mò mẫm trong bóng tối.
Dì út lúc đó còn nói đùa một câu:
“Cũng kiên trì thật đấy, bảo sao họ phát tài.”
Ai ngờ, hôm sau đã nghe tin hai người mất mạng.
Bàn thờ của anh họ còn chưa kịp tháo dỡ, thì bàn thờ của cậu hai và em họ đã lập lên.
Chỉ trong thời gian ngắn ngủi, nhà chúng tôi chết đến bốn người.
Hai đứa cháu trai đều đã mất, cậu cả thì đã có tuổi, không thể có con nữa.
Dòng họ Trương… chính thức tuyệt hậu.
Chuyện này, với người trong làng, chẳng khác gì trời sập.
Ai nấy đều nói nhà tôi đã bị nguyền rủa, là dòng họ xui xẻo.
Không ai dám lại gần.
Thậm chí mấy hộ ở sát bên còn dọn đi trong đêm, trốn sang nhà bà con để tránh tai họa.
Lời đồn cứ thế lan khắp làng.
Còn những tội nghiệt giấu trong bóng tối… cũng dần dần lộ ra ánh sáng.
“Không phải nói bà cụ nhà họ Trương chết rồi sẽ phù hộ cháu con sao? Sao lại thành ra nguyền rủa thế?”
“Hừ, cái đám con cháu bất hiếu kia, bà ấy mà phù hộ thì mới là chuyện lạ.
Mấy người không biết chứ gì, bà Trương là bị bỏ đói đến chết đấy!
Hai đứa con dâu chẳng ra gì, hai thằng con trai thì cạn tàu ráo máng, còn con gái út thì gả lên phố, cũng chẳng thèm ngó ngàng.”
…
Nửa năm trước, khi bà ngoại đang hái chè trên núi thì không may bị ngã, gãy chân.
Chi phí phẫu thuật hơn ba vạn, sau mổ còn phải ngồi xe lăn suốt đời.
Biết tin đó, cậu cả và cậu hai lập tức từ chối chữa trị.
Chọn cách “điều trị bảo tồn”: đưa bà đi tìm thầy lang xoa bóp, dán cao cho đỡ đau.
Từ đó bà nằm liệt giường, không thể làm việc, ăn uống cũng thành vấn đề.
Cậu hai và dì út đều sống ở thành phố, mỗi người bận rộn hơn cả người làm quan, chẳng ai lo cho bà.
Cậu cả thì lo buôn bán,
nên việc chăm sóc bà ngoại được giao hết cho mợ cả.
Mợ cả là người hẹp hòi, bụng dạ nhỏ nhen, chỉ nhìn tiền là sáng mắt.
Bình thường, bà ngoại chỉ hái vài mớ rau trong vườn nhà mợ cũng đủ để bị chửi ầm ĩ.
Làm sao có chuyện bà ta tận tâm chăm sóc?
Ai cũng biết, nhưng chẳng ai muốn xen vào.
Để bà ngoại không bị đói, mẹ tôi và tôi cố gắng trích từ số tiền lương ít ỏi ra mỗi tháng gửi một ngàn cho mợ cả — gọi là tiền cơm nước và tiền công chăm sóc.
Lúc nhận tiền, mợ cả cười ngọt như mía lùi, hứa chăm bà chu đáo.
Nhưng sau lưng lại độc ác hành hạ bà.
Bà từng thiên vị cậu hai, nên giờ bị trả thù.
Có những ngày, bà chỉ được ăn một bữa duy nhất, thứ ăn nhiều nhất là nước vo gạo từ nồi cơm để qua đêm, gọi là “cháo cặn”.
Bà từng nhờ hàng xóm gọi điện cho các con.
Cậu hai và dì út không thèm về.
Chỉ có mẹ tôi lặn lội về quê một lần.
Nhưng vừa đến nhà, đã bị mợ cả quát tháo:
“Giỏi thì mang bà về mà nuôi!”
Mẹ tôi định đón bà đi, nhưng chính bà ngoại không chịu.
Bà nói, cả đời bà thiếu nợ mẹ tôi quá nhiều, đến cuối đời không thể lại gây thêm gánh nặng.
Bà thuộc thế hệ trọng nam khinh nữ.
Đất đai chia hết cho hai con trai.
Phần tài sản ít ỏi còn lại, khi ông ngoại mất, cũng để hết cho hai đứa cháu trai.
Mẹ tôi vì cuộc sống mưu sinh, đành phải rời quê lên thành phố làm thuê.
Trước khi đi, bà để lại thêm năm trăm đồng, chỉ mong mợ cả cho bà ăn đủ ba bữa mỗi ngày.
Mợ cả nhận tiền…nhưng cuối cùng, bà ngoại vẫn chết đói.
Lúc chết, trên thân chỉ còn da bọc xương, nửa thân dưới đã bắt đầu hoại tử, sinh giòi.
Khi sống thì chẳng ai đoái hoài, lúc chết, ba đứa con “vô tâm” lại lo tổ chức lễ tang linh đình.
Mong bà dưới suối vàng phù hộ, giúp họ phát tài.
Thật là chuyện nực cười!
15
Liên tiếp có bốn người chết, dì út sợ đến mức quỳ sụp trước linh vị bà ngoại.
“Con không liên quan gì hết, mẹ à! Oan có đầu, nợ có chủ. Con gái gả ra ngoài rồi, chuyện phụng dưỡng đâu còn thuộc về con. Mẹ có oán thì cứ oán những kẻ hại mẹ, đừng kéo con theo…”
Bà vừa dập đầu, vừa lặp đi lặp lại. Đầu đã bật máu, bà vẫn không dám ngừng.
Chồng dì út đã vội vã về thành phố trong đêm.
Ban đầu dì út cũng định đi theo, nhưng chồng bà nói thẳng:
“Chuyện nhà bà chưa rõ ràng, đừng hòng về nhà tôi. Nếu mang xui xẻo về, tôi đánh chết!”
Không còn cách nào, dì út đành ở lại quê, cầu xin bà ngoại tha thứ.
Từ sáng tới tận nửa đêm, bà vừa dập đầu vừa lẩm bẩm khấn vái:
“Mẹ, con là con gái ruột của mẹ mà… Xin mẹ tha cho con! Con sai rồi… Từ giờ mỗi năm thanh minh, con nhất định sẽ đốt thật nhiều tiền vàng cho mẹ.”
Nhìn cảnh bà ta khúm núm, thành khẩn như vậy… tôi chỉ thấy nực cười.
Đêm khuya.
Tôi nép mình trong góc tường, lặng lẽ quan sát.
Một lúc sau, rốt cuộc cũng thấy một bóng đen len lén bước ra khỏi nhà.
Vừa tới gần, tôi đã cất tiếng:
“Cậu cả, nửa đêm rồi, cậu đi đâu vậy?”
Ông giật mình khi thấy tôi, trong mắt thoáng lên sự ngạc nhiên:
“Sao cháu lại ở đây? Tránh ra! Trẻ con đừng xen vào chuyện người lớn.”
Tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ, không nhúc nhích.
“Giết người… cũng là chuyện người lớn à?”
Cậu cả trừng mắt, mặt biến sắc:
“Cháu nói cái gì vậy?”
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông, từng chữ như dao đâm:
“Chẳng lẽ… cậu không phải là người đã đẩy cậu hai và em họ xuống núi sao?”
Ông ta cố làm ra vẻ bình tĩnh:
“Cháu nói bậy cái gì đấy?”
“Là cháu nói bậy, hay là cậu có tật giật mình?”
Cậu cả lùi lại vài bước, ánh mắt bỗng sắc như dao, đầy sát ý:
“Cháu… sao cháu biết? Đêm đó rõ ràng chỉ có một mình ta…”
Cảm thấy mình lỡ lời, ông lập tức ngậm miệng.
Tôi – đứa trẻ từ nhỏ không cha, mẹ thì tha hương cầu thực – bị bỏ lại quê một mình.
Không ai hiểu rõ mảnh núi này bằng tôi.
Đi theo ai trong rừng mà không để họ phát hiện… đối với tôi, dễ như trở bàn tay.
Cậu cả khẽ đặt tay ra sau lưng.
Dù ông cố che giấu, nhưng tôi đã để ý kỹ từ đầu.
Đúng lúc ông chuẩn bị ra tay…
Mẹ tôi xuất hiện.
“Anh cả… thật sự là anh giết anh hai và Tiểu Thành sao?”
Sát khí trong mắt cậu cả thoáng tan đi,
giết tôi dễ, nhưng giết cả hai người ở đây — lại là điều bất khả.
Chưa kể nơi này không phải trong rừng sâu, hô một tiếng là có người nghe thấy.
“Em út à… anh làm vậy… là để báo thù cho Thành.
Nếu không phải vì tụi nó tham lam dùng máu tế, đoạt hết vận khí của Thành,
nó đâu có bị mê muội đến mức tự sát?”
Mẹ tôi nhìn ông bằng ánh mắt đau đớn:
“Đó chỉ là suy đoán của anh! Anh vì một suy đoán mà giết người… giết cả em ruột mình.
Anh… điên thật rồi.”
Cậu cả nắm chặt tay mẹ tôi:
“Em út à, mình là ruột thịt mà.
Từ nhỏ anh thương em nhất, em sẽ giúp anh đúng không?
Coi như em không biết gì… giữ chân Nan Nan lại cho anh đi.”
Tôi bật cười lạnh:
“Haha… thương yêu? Thương đến mức hại chết chồng em gái, để cô ấy góa bụa cả đời à?”
“Cái gì…?”
Mẹ tôi run rẩy, nhào tới hỏi tôi:
“Nan Nan… con nói vậy là sao?”
Tôi giơ tay lên, từng đầu ngón tay vì tức giận mà run rẩy:
“Mẹ hỏi cậu cả ấy! Hỏi xem ba con… chết như thế nào?”
Mẹ tôi hét lên như xé ruột:
“Anh cả! Rốt cuộc là chuyện gì?!”