Chương 5 - Tôi Thuê Phòng Trọ Và Phát Hiện Mình Đang Sống Trên Một Cái Xác
5
Phá án giống như yêu đương—
Phải thử sai, phải chịu lỗi, phải sửa sai. Mà còn tốn thời gian kinh khủng. Nhưng tình yêu thì có thể chậm, còn phá án thì bắt buộc phải nhanh và chính xác.
Hiện trường đầu tiên là căn gác mái của bà chủ nhà.
Vậy thi thể thì sao? Bị phi tang ở đâu?
Nếu giết người xong còn phải chuyển thi thể đàn ông trưởng thành từ trên gác xuống, sao bà chủ lại không hề hay biết?
Tôi liên tiếp dồn dập hỏi những câu đó, khiến Lý Minh không nói được lời nào, liền vớ lấy áo và bao thuốc, xông thẳng ra khỏi ký túc xá.
Tôi lại quay về với sách vở chuyên ngành, tiếp tục đọc.
Tận ba giờ sáng, Lý Minh mới về. Anh đi nhẹ đến mức không một tiếng động, sợ làm tôi tỉnh. Nhưng tôi đã mơ màng ngồi dậy, “tạch” một tiếng bật đèn bàn. Gương mặt anh phờ phạc, cằm đã lún phún râu.
Tôi hỏi: “Thế nào rồi?”
“Ngủ vài tiếng đã, sáng lại phải quay lại.” Lý Minh chẳng buồn thay đồ, nằm vật luôn lên giường. Giọng khàn khàn pha lẫn mệt mỏi, như hỏi tôi, mà cũng như đang hỏi chính mình:
“Phải tìm ở đâu bây giờ?”
Cảnh sát có hàng vạn cách để kiểm tra. Họ có thể phân tích hình dạng vệt máu văng ra, xác định hướng, tốc độ rơi, rồi từ đó suy ra tư thế nạn nhân khi bị hại, có vùng vẫy phản kháng không, hung thủ cần bao nhiêu sức lực để gây án… để củng cố phán đoán của họ.
Còn tôi… chẳng có câu trả lời nào cho Lý Minh cả.
Vì vậy tôi đưa tay tắt đèn bàn, để căn phòng nhỏ chìm vào bóng tối.
Rồi tôi quay lưng về phía anh, thì thầm: “Mã Tín Trung là tài xế taxi.”
Hôm sau, tôi đến tổ kỹ thuật hình sự báo danh. Trong phòng chỉ còn hai người—một anh họ Vương, một anh họ Thiệu, đều gọi là “anh”.
Tôi bắt đầu phối hợp với họ làm công việc kiểm nghiệm.
Ban ngày làm việc ở sở, buổi tối lại về phòng ôn thi. Lý Minh đi sớm về muộn, tôi và anh hầu như chẳng gặp nhau. Có chăng, cũng chỉ chào nhau một tiếng khi lướt qua trong ký túc xá.
“Trần Thuật!”
Tôi ngoái đầu lại. Lý Minh xách theo một túi đồ không rõ là gì, vẻ mặt đầy phấn khích vẫy tay chào.
Tôi nhướng mày: “Anh Lý, sao hôm nay qua tổ kỹ thuật thế?”
Lý Minh giao túi đồ cho một cảnh sát trong phòng, rồi bước đến vò đầu tôi: “Tìm thấy xe taxi của Mã Tín Trung rồi! Trong xe có khá nhiều thứ có thể điều tra được đấy.”
Tôi đang rửa ống nghiệm, môi bất giác cong lên: “Tốt quá. Thế đã tìm được thi thể chưa?”
Lý Minh hơi nghiêng người tựa vào bàn thao tác: “Chưa. Xe được vớt lên từ dưới sông. Trong xe không có thi thể hay mô cơ thể gì cả.”
Tôi tắt vòi nước, nhíu mày: “Dưới sông á? Làm sao mà rơi xuống sông? Có camera không? Ai là người lái xe đến đó?”
“Vài ngày trước trời mưa, đội cứu hộ sợ trẻ con ngã sông nên đi tuần, rồi phát hiện ra xe.”
Lý Minh lắc đầu:
“Camera giám sát lâu nhất cũng chỉ lưu được ba tháng. Mà đây là chuyện bốn năm trước rồi…”
Tôi cúi đầu:
“Vậy các anh định điều tra tiếp thế nào?”
Lý Minh nhếch môi cười, ánh mắt liếc sang túi vật chứng anh vừa mang đến, ra hiệu cho tổ kỹ thuật:
“Tiếp theo, phải nhờ đến các cậu rồi.”
Trong túi vật chứng có ví tiền, điện thoại, ảnh chụp.
Chiếc ví bị ngâm nước lâu đến căng phồng, lớp da bong tróc gần hết, chẳng còn nhận ra màu sắc ban đầu.
Điện thoại thì khỏi nói, bị ngâm nước suốt bốn năm, đừng nói là phục hồi dữ liệu, đến bật nguồn thôi cũng là một kỳ tích.
Còn ảnh chụp—
Ảnh… lại có điều gì đó rất bất thường.
Theo lời Lý Minh kể, tấm ảnh được cất trong hộc tay vịn của xe, nên dấu vết bị ngâm nước không rõ ràng lắm. Chỉ có điều, tất cả gương mặt trong ảnh đều bị dao rạch xước, không nhìn ra mặt ai – giống như ai đó đang trút giận.
Tôi đang chăm chú quan sát tấm ảnh thì anh Thiệu mang đến một chồng giấy A4:
“Trần Thuật, làm phiền cậu chạy một chuyến, đưa báo cáo này đến đội hình sự. Tôi đã gọi báo trước cho Lý Minh rồi, cứ mang qua là được.”
Tôi nhận lấy, là bản phân tích giám định chiếc ví da. “Được ạ.”
Khi tôi đến, Lý Minh đang ở trong phòng thẩm vấn. Ban đầu tôi chỉ định để lại báo cáo rồi đi, nhưng lại bị hình ảnh trên màn hình giám sát thu hút sự chú ý – là bà chủ trọ của tôi: Phương Giai Huệ.
“Bà Phương, ngày 14 tháng 11 năm 20XX, bà đang làm gì?”
“Anh bị điên à? Làm sao tôi nhớ nổi mình làm gì cách đây bốn năm?”
“Chúng tôi đã trích xuất video giám sát. Bà đoán xem liệu có thấy được bóng dáng của bà không?”
Phương Giai Huệ rõ ràng bị chột dạ, nét mặt khựng lại, cơ thể cũng trở nên bối rối:
“Cái chết của Mã Tín Trung chẳng liên quan gì đến tôi hết, anh tìm ra tôi thì làm được gì? Tôi – Phương Giai Huệ – chưa từng giết người!”
“Bà Phương,” Lý Minh bỗng cười nhẹ, “hệ thống camera chỉ lưu tối đa ba tháng. Và tôi nói là năm năm trước cơ.”
Ánh mắt Lý Minh sắc như dao, nhìn thẳng vào bà ta:
“Tại sao bà lại buột miệng nói là bốn năm trước? Chúng tôi chưa từng nói với bà Mã Tín Trung chết vào thời điểm nào.”
“Cho dù bà không phải là hung thủ giết Mã Tín Trung, thì chắc chắn bà biết chuyện gì đó.”
Lý Minh hạ giọng, dịu đi:
“Bà có gặp lại mẹ mình mấy năm nay không? Mấy hôm trước tôi đến thăm, thấy bà cụ già đi nhiều lắm.”
Nét mặt của Phương Giai Huệ thoáng dao động. Lý Minh nhân cơ hội, kiên nhẫn dụ dỗ:
“Nếu bà nói ra những gì mình biết, chúng tôi có thể giúp bà xin giảm nhẹ, thậm chí lập công chuộc tội.”
Nhưng chỉ chớp mắt sau, Phương Giai Huệ đã khôi phục vẻ hung hăng: “Tai nào của anh nghe thấy tôi giết người? Tôi không cần xin giảm nhẹ hay lập công gì hết!”
Quả là cứng đầu cố chấp.
Tôi rời màn hình giám sát, đặt báo cáo lên bàn làm việc của Lý Minh, xé một tờ giấy nhớ viết mẩu tin nhắn.
“Viết gì đấy?” Giọng của Lý Minh vang lên phía sau, khàn đặc vì mệt, khác hẳn tiếng nói trong màn hình vừa nãy – vì giờ anh đang ở ngay sau lưng tôi.
“Tôi viết ‘đã gửi báo cáo’, còn chưa xong thì anh đã tới rồi.”
Tôi vo tờ giấy nhớ lại ném vào thùng rác.
“Vẫn chưa moi được gì từ Phương Giai Huệ à?”
“Cứng miệng lắm, nhưng thái độ của bà ta với cái chết của Mã Tín Trung rất kỳ lạ.”
Lý Minh nhíu mày:
“Kẻ giết người thường hoặc là hốt hoảng lúng túng, hoặc là giả vờ thờ ơ. Nhưng bà Phương thì không giống ai cả – cứ như thể đang giấu một thứ gì đó, nên mới phải gào to như vậy để che đậy.”
“Bà ta với Mã Tín Trung… Phương Giai Huệ và Mã Tín Trung…” Lý Minh đang mải mê với dòng suy nghĩ riêng. Tôi búng tay trước mặt anh kéo lại sự chú ý.
“Tôi có một phát hiện trong tấm ảnh, tuy chưa có kết quả giám định, nhưng anh có muốn nghe suy luận của tôi không?”
ĐỌC TIẾP: