Chương 5 - Tình Yêu Giữa Những Cuộc Chiến
5
Tôi đứng im tại chỗ, ngơ ngác nhìn bóng lưng anh.
Nửa phút sau, Quý Nhượng như thở dài một hơi thật sâu.
Rồi quay lại bước về phía tôi.
“Được rồi, anh sai.”
Giọng trầm thấp, mang theo ý nhượng bộ:
“Vừa nãy không nên gắt với em.”
Bị anh dỗ, nỗi ấm ức bỗng chốc dâng trào.
Tôi cúi đầu, giấu đôi mắt hoe đỏ, không nói gì.
Anh đưa tay chỉnh lại chiếc khăn quàng cổ cho tôi.
“Hắn đến rồi, chủ nhật em vẫn đi xem phim với anh chứ?”
“Đương nhiên rồi.”
Tôi ngẩng đầu lên, cứng rắn:
“Chúng ta đã hẹn rồi.”
Anh khẽ ừ một tiếng, giọng mũi nặng, như là đang cười.
“Vậy mai em đi chơi với hắn đi cho xong.”
“Chủ nhật anh đến đón, em dẫn anh đi ăn quán canh kia.”
Quý Nhượng bỏ về.
Tôi đưa Tống Cẩn sang một quán khác.
Còn quán có món canh bổ dưỡng kia, tôi vẫn muốn để dành đến chủ nhật đi cùng Quý Nhượng.
Tống Cẩn ngồi đối diện tôi, giọng đầy ẩn ý:
“Mới về được mấy tháng, em với cậu ta đã thân vậy rồi à?”
Tôi đẩy đĩa cá đặc trưng về phía anh ấy.
“Từ nhỏ bọn em đã rất thân rồi, anh Tống Cẩn.”
“Sau này em ra nước ngoài học mới dần xa cách.”
Nụ cười của anh nhạt nhẽo, không nói thêm gì.
“À đúng rồi.”
“Anh này, anh có quyên góp cho trường em không?”
Anh gật đầu, “Cơ sở vật chất của trường tệ quá, anh bỏ chút tiền để họ sửa sang lại, để em học cũng đỡ vất vả hơn.”
Việc sửa sang chắc phải tốn mấy trăm vạn.
Giọng anh nói nhẹ tênh, như thể chỉ vài trăm đồng.
Trong lúc tôi còn thán phục số tiền lớn ấy, cũng nhận ra mình đã hoàn toàn quen với cuộc sống ở đây.
Những ngày xa hoa trước kia giờ như giấc mơ xa xôi.
Thứ bảy, tôi dẫn Tống Cẩn đi dạo quanh thị trấn.
Chiều tối, hai người cùng đi bộ trên phố.
Anh đột nhiên hỏi:
“Có muốn về lại thành phố học không?”
“Vẫn là học trường quốc tế trước kia, học phí và mọi chi tiêu đều để anh lo.”
Tôi mở to mắt:
“Sao ạ?”
“Đừng nghĩ nhiều.” Anh cười nói, “Anh chỉ thấy em ở đây khổ quá.”
“Anh nhìn em lớn lên, cũng coi như nửa anh trai, chăm sóc em nhiều hơn chút cũng bình thường thôi.”
Tôi lắc đầu:
“Không cần đâu, em ở đây thấy cũng ổn mà.”
Xài tiền của người khác, thật sự khó mà yên tâm.
Tống Cẩn dừng lại:
“Hy Hy, phải lý trí một chút.”
“Nơi này không có môi trường học tốt, cũng không có điều kiện sống tốt.”
“Nếu cứ ở lại đây, sau này muốn quay về cuộc sống trước kia sẽ càng khó hơn.”
Tôi còn đang định đáp lại thì trong tầm mắt thoáng thấy một bóng dáng quen thuộc.
Quý Nhượng – ở thái dương có một vết thương đang chảy máu.
Giữa ngón tay kẹp nửa điếu thuốc.
Anh hiển nhiên cũng không ngờ gặp được chúng tôi, bước chân khựng lại.
Tôi vội chạy tới:
“Anh bị thương nữa rồi sao?”
“Anh lại đánh nhau hả?”
Quý Nhượng không nói, sắc mặt căng chặt, xem như thừa nhận.
Sau lưng tôi, Tống Cẩn lên tiếng:
“Hy Hy, em không chịu đi là muốn tiếp tục dây dưa với loại người này à?”
“Nó sẽ làm em hư hỏng đấy.”
“Về thành phố A với anh đi.”
Thấy tôi im lặng, anh ta lại lạnh giọng chất vấn Quý Nhượng:
“Hy Hy được bảo bọc lớn lên, đơn thuần chẳng hiểu chuyện.”
“Còn cậu thì sao, cũng không hiểu chắc?”
“Ở lại đây như vậy là tốt cho con bé hay xấu, cậu không rõ à?”
“Không khuyên nhủ, định để nó ở đây mục ruỗng cùng cậu sao?”
Hiếm hoi lắm Quý Nhượng mới nhẫn nhịn nghe anh ta trách móc.
Anh cúi đầu nhìn tôi, yết hầu chuyển động, dường như muốn nói gì đó.
“Tôi không đi.”
Tôi giành nói trước.
Rồi quay sang nhìn Tống Cẩn:
“Tôi không đi không liên quan gì đến Quý Nhượng, anh đừng làm khó anh ấy.”
“Đơn giản là, tôi thấy quan hệ giữa tôi với anh cũng chưa tới mức để tôi thoải mái tiêu tiền của anh.”
“Cảm ơn anh đến thăm, cũng cảm ơn anh đã bỏ tiền ra sửa nhà vệ sinh trường tôi.”
“Ngày mai anh về, tôi sẽ không tiễn.”
Nói xong tôi không nhìn gương mặt tối sầm của anh nữa, kéo tay Quý Nhượng bỏ đi.
Ban đầu tôi còn định giận chuyện anh lại đi đánh nhau, chẳng thèm nói chuyện với anh.
Một mình đi phía trước, cúi đầu hậm hực.
Nhưng anh đột nhiên mở miệng:
“Này, Lương Hy.”
“Em cảm ơn nhầm người rồi.”
Giọng anh nhàn nhã chậm rãi:
“Nhà vệ sinh trường, không liên quan gì đến anh Tống Cẩn đâu. Là anh Quý Nhượng này bỏ tiền ra sửa.”
“Tiền anh Tống Cẩn cho ấy à, cùng lắm đủ xây một cái vườn hoa thôi.”
Tôi quay phắt đầu lại, sững sờ nhìn anh:
“Anh lấy đâu ra tiền?”
“Em đoán xem.”
“Là ba anh cho sao…?”
Mẹ Quý Nhượng mất năm anh bảy tuổi.
Năm đó, bố anh đón bồ nhí và đứa con riêng về nhà.
Đứa con riêng chỉ nhỏ hơn anh hai tuổi.
Vì thế anh trở mặt với bố, cắt đứt quan hệ, về ở với bà nội ở thị trấn.
Anh kể, bao năm qua bố anh luôn tìm cách bù đắp.
Thẻ ngân hàng bố đưa, cộng dồn cũng mấy chục triệu.