Chương 6 - Nỗi Ám Ảnh Của Thẻ Thanh Toán

Quay lại chương 1 :

Hôm sau, tôi lại bị chuyển chỗ.

Ánh mắt khó hiểu của Thẩm Việt như con dao cắm thẳng vào ngực tôi.

Tan học, mẹ đích thân gặp giáo viên chủ nhiệm, yêu cầu “tránh các ảnh hưởng xấu”.

Từ hôm đó, Thẩm Việt nhìn tôi với ánh mắt y hệt như những người khác: vừa thương hại, vừa xa cách.

Ba năm cấp ba, mẹ tôi nâng cấp việc kiểm soát lên mức độ gần như tuyệt đối.

Điện thoại cài định vị. Mọi mật khẩu mạng xã hội phải nộp. Lịch sử trình duyệt bị kiểm tra mỗi đêm.

Thậm chí, bà còn lục cả thùng rác để xem tôi có lén vứt bỏ mấy món “bữa ăn dinh dưỡng” mà bà chuẩn bị không.

Ba tháng trước kỳ thi đại học, tôi lén giấu dưới bàn học một cuốn tài liệu giới thiệu của khoa Văn học.

Dưới ánh đèn bàn lúc khuya, những dòng mô tả về ngành Sáng tác sáng tạo như một cánh cửa nhỏ cho tôi hít thở.

Khi mẹ phá cửa xông vào, tờ tài liệu giới thiệu ngành học vẫn còn ép chặt trên ngực tôi, như thể chỉ cần thế thôi là những dòng chữ kia có thể ngấm vào máu.

“Cái này là gì?”

Bà giật lấy cuốn tài liệu nhàu nhĩ.

“Ngôn ngữ và văn học Hán? Con muốn làm nhà văn nghèo mạt hả?”

Móng tay bà cắm vào cánh tay tôi.

“Ngành kế toán, trường đại học tài chính trong thành phố, đó mới là lựa chọn an toàn cho con.”

Đến ngày hạn chót nộp nguyện vọng, tôi phát sốt, được mẹ dìu vào tiệm net.

Một tay bà giữ chặt vai tôi, tay kia điều khiển chuột, cố định tương lai của tôi theo lộ trình bà đã định sẵn.

Khi dòng chữ “nộp nguyện vọng thành công” hiện lên, tôi ói thẳng lên bàn phím.

“Không biết tốt xấu.” Mẹ lau vết nôn bên mép tôi.

“Lớn lên con sẽ biết ơn mẹ thôi.”

Ngày thư báo trúng tuyển đại học được gửi tới, mẹ ngồi trong phòng khách khóc nức nở.

Bà ôm tôi, nói:

“Mẹ chỉ còn mỗi con, con nhất định phải sống thật tốt, thật tốt…”

Khoảnh khắc đó, tôi chợt nhìn thấy sự thật đáng buồn.

Sự kiểm soát của bà không phải vì tôi cần bị quản lý, mà vì bà cần được kiểm soát một ai đó.

Kể từ khi bố rời đi, tôi trở thành thứ duy nhất trong cuộc đời mẹ mà bà có thể hoàn toàn nắm chặt.

Mỗi lần tôi phản kháng là một cú đấm vào thế giới của bà, mỗi chút tự chủ của tôi là một sự phản bội đối với quyền lực bà đang nắm.

Bà yêu tôi, nhưng tình yêu đó giống như tình yêu của loài nhện — dùng những sợi tơ siết chặt con mồi cho đến khi nó biến thành thứ đúng như bà mong muốn.

Tôi lấy chiếc điện thoại cũ giấu dưới gối ra. Trong album ảnh chỉ có duy nhất một tấm ảnh gia đình thời thơ ấu.

Lúc ba tuổi, tôi ngồi trên vai bố, mẹ đứng bên cạnh mỉm cười. Khi ấy, ánh mắt bà vẫn chưa đầy sự kiểm soát ngột ngạt như sau này.

Góc ảnh ghi lại thời gian chụp — một năm trước khi bố rời đi.

Tôi chợt hiểu nỗi sợ sâu thẳm của mẹ: bà sợ tôi sẽ rời khỏi tầm kiểm soát như bố, sợ bị bỏ lại một lần nữa.

Thế là bà dùng “quan tâm” dệt nên một cái lồng, lấy danh nghĩa tình yêu để áp đặt và trói buộc.

Ngoài cửa sổ, ánh trăng ẩm ướt hắt lên tờ thông báo vòng hai cuộc thi viết.

Tôi nhẹ nhàng vuốt lên dòng chữ dưới tiêu đề: Trương Nhiệm Sanh — không phải “con gái của ai đó”, mà là một con người độc lập.

Tôi lấy chiếc kéo giấu trong ngăn bàn, bước vào nhà vệ sinh ký túc xá.

Trong gương, cô gái với ánh mắt mệt mỏi, mái tóc dài xõa ngang vai — chiều dài “phù hợp với một quý cô” như mẹ luôn nhấn mạnh.

Lưỡi kéo khép lại, mái tóc đen như cánh bướm gãy cánh rơi xuống từng mảng.

Cô gái tóc ngắn trong gương mỉm cười với tôi — nụ cười vừa lạ lẫm vừa thân thuộc.

Tôi như nhìn thấy cô gái trên tháp cắt đứt mái tóc dài, ném dây thừng về phía tự do.

9

Sau khi mẹ hủy thẻ thân thiết, tôi cắn răng chịu đựng.

Nhờ khoản tạm ứng 800 tệ từ chị Lý và ca đêm lén làm ở quán cà phê, tôi tạm đủ trang trải chi tiêu.

Bản thảo dự thi đã chỉnh sửa xong, chỉ còn chờ nộp.

Nhưng với một người mẹ cố chấp đến mức bệnh hoạn, sao có thể để tôi yên?

Ba ngày trước hạn nộp vòng hai, tôi thức đêm ở thư viện để chỉnh sửa bài.

Bỗng điện thoại rung lên — là cuộc gọi từ thầy cố vấn.

“Nhiệm Sanh, mẹ em vừa đến trường, hiện đang ở văn phòng.”

Giọng thầy Lý đầy ái ngại:

“Bà ấy nhất quyết đòi gặp em, nói là có chuyện quan trọng.”

Ngón tay tôi lạnh buốt.

Khi tôi tới nơi, mẹ đang ngồi ngay ngắn trên sofa, trước mặt là một tách trà nóng.

Bà mặc áo khoác be quen thuộc, trang điểm kỹ càng, trông như một người phụ nữ trí thức lịch thiệp — hoàn toàn không giống người từng bêu rếu tôi ở căng tin.

“Nhiệm Sanh.” Bà cười dịu dàng, như thể giữa chúng tôi chưa từng xảy ra chuyện gì.

“Mẹ đến để giúp con làm thủ tục… rút khỏi cuộc thi.”

Đồng tử tôi co lại.

“Thủ tục gì cơ ạ?” Giọng tôi run lên.

Mẹ lấy từ trong túi ra một tập giấy, đẩy đến trước mặt tôi.

Đơn xin tự nguyện rút khỏi cuộc thi.

Mọi nội dung đã được điền sẵn, chỉ chừa lại phần ký tên.

“Ký đi.” Bà nhẹ giọng, như đang dỗ một đứa trẻ bướng bỉnh.

“Đừng làm khó mẹ.”

Tôi nhìn chằm chằm vào tờ giấy, tay siết chặt đến mức móng tay bấm sâu vào lòng bàn tay.

“Con không ký.”

Nụ cười của mẹ khựng lại một giây, rồi bà lại trở về vẻ bình tĩnh.

Bà quay sang thầy cố vấn, giọng nói dịu dàng nhưng đầy áp lực:

“Thầy Lý, dạo này cháu nhà tôi áp lực tinh thần rất lớn, cảm xúc cũng bất ổn.”

“Cuộc thi này cần thức đêm, viết lách nhiều, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý.”

“Là phụ huynh, tôi có quyền yêu cầu cháu dừng lại.”

Thầy nhìn tôi đầy khó xử, rồi thở dài:

“Nhiệm Sanh, hay em cứ… nói chuyện với mẹ em trước đã?”

Hừ, mẹ lại thắng. Bà luôn thắng.

Tôi chộp lấy tờ đơn, lao khỏi văn phòng. Tiếng giày cao gót của mẹ rượt theo sát phía sau.

“Con tưởng con chạy được đi đâu?”

Bà nắm lấy cổ tay tôi trong hành lang, móng tay cắm sâu vào thịt.

“Không có mẹ, con đến học phí còn không trả nổi!”

Tôi gạt mạnh tay bà ra, giọng khản đặc:

“Vậy thì con nghỉ học!”

Mặt mẹ tôi cuối cùng cũng vỡ vụn, để lộ cơn giận dữ đầy méo mó bên dưới.

“Nghỉ học? Mày dám?!”

Bà giật lấy balô của tôi, lục tung mọi thứ bên trong.

“Bản thảo vòng hai đâu? Đưa đây!”