Chương 1 - Những Bưu Thiếp Bí Ẩn
Tôi phát hiện ra nét chữ của chồng mình trên một tấm bưu thiếp khi đi du lịch ở cổ trấn.
“Nguyện đời này có thể ngoái đầu nhìn lại tháng năm, và cùng người thương đi hết quãng đời bạc đầu — Triệu Tùng Diễn, Lâm Vãn, để lại tại Ô Trấn.”
Ngày ký tên trên bưu thiếp là 11 tháng 9 năm 2008.
Thời điểm đó, tôi vừa mới sinh đứa con thứ hai của tôi và Triệu Tùng Diễn.
Con bé bị sốt cao rồi hôn mê. Tôi còn chưa hết tháng ở cữ đã ôm con chạy đến bệnh viện.
Nhưng vẫn chậm một bước, con mãi mãi không thể tỉnh lại nữa.
Tôi ôm lấy thân hình bé nhỏ ấy, ngồi giữa hành lang nồng nặc mùi thuốc sát trùng, vừa khóc vừa gọi điện cho Triệu Tùng Diễn.
Thế nhưng anh ta vội vàng cúp máy, chỉ nhắn lại một tin: “Anh đang đi công tác.”
Thì ra, khi đó anh ta đang thề non hẹn biển với mối tình đầu.
1
Lần đầu tiên tôi đi du lịch theo tour, chọn tuyến cổ trấn vùng Giang – Chiết.
Triệu Tùng Diễn nghe tôi nói muốn đến cổ trấn chơi, thì ngẩng đầu khỏi cuốn sách.
“Lâm Thư, em chẳng hiểu gì về lịch sử, đến mấy chỗ đó làm gì? Không bằng bay ra Bắc, lên Thượng Hải, đến mấy thành phố lớn mà đi dạo.”
Tôi vừa ủi áo sơ mi cho anh ta, vừa cười nói: “Chính vì không hiểu, nên mới muốn đến để cảm nhận.”
Triệu Tùng Diễn là giáo sư lịch sử của một trường đại học 985, các cổ trấn lớn nhỏ trong nước anh ta đều từng đến.
Tôi từng nghe anh kể về Tềng Tác mưa bụi mờ ảo, Chu Trang nước chảy dưới cầu, Hồng Thôn mái đen tường trắng…
Nghe nhiều rồi, tôi cũng sinh lòng muốn đi.
Vất vả lắm con cái mới yên bề gia thất, tôi mới có thời gian rảnh, cuối cùng cũng có thể ra ngoài nhìn ngắm thế giới.
“Tùng Diễn, anh có muốn đi cùng em không? Có chỗ nào em không hiểu, anh có thể giảng cho em nghe mà.”
“Không có thời gian.”
Triệu Tùng Diễn lại cúi đầu giở sách: “Tháng sau còn có một buổi hội thảo học thuật, anh phải ở nhà chuẩn bị.”
Anh ấy lúc nào cũng bận rộn, tôi cũng không ép nữa, xoay người vào phòng thu dọn hành lý.
2
Tôi phát hiện tấm bưu thiếp cũ kỹ đó ở Ô Trấn.
Không thể trách tôi để ý, vì nó được chủ tiệm đặt ngay chính giữa quầy.
Trên đó viết:
“Ngày 11 tháng 9 năm 2008. Nguyện đời này có thể ngoái đầu nhìn lại tháng năm, và cùng người thương đi hết quãng đời bạc đầu — Triệu Tùng Diễn, Lâm Vãn, để lại tại Ô Trấn.”
Nét chữ cứng cáp, mạnh mẽ, quá đỗi quen thuộc, vừa nhìn là biết ngay là nét bút của Triệu Tùng Diễn.
Khoảnh khắc nhìn thấy, tôi cảm giác lạnh buốt từ đầu đến chân.
Tôi lại nhớ đến đêm mưa tầm tã ấy, đến mùi thuốc sát trùng nồng nặc trong bệnh viện, và đứa trẻ đã tắt thở trong vòng tay tôi.
Con bé… còn chưa đầy một tháng tuổi, đã rời bỏ tôi.
Trong lúc tuyệt vọng, tôi gọi điện cho Triệu Tùng Diễn, nhưng anh ta vội vàng cúp máy,
chỉ nhắn lại một câu: “Anh đang đi công tác.”
Mãi đến tận bây giờ, tôi mới biết, lúc đó anh ta đang bận thề thốt với mối tình đầu.
Tôi cúi mắt nhìn xuống, lại thấy tên của Triệu Tùng Diễn lần nữa.
“Ngày 1 tháng 9 năm 2014. Quay lại chốn xưa, tình cảm vẫn như thuở ban đầu. — Triệu Tùng Diễn, Lâm Vãn để lại.”
Tôi nhớ năm đó con trai vừa thi đại học, tháng 9 tôi đưa nó lên trường nhập học.
Tôi bảo Triệu Tùng Diễn đi cùng, nhưng anh lắc đầu, nói mình phải viết đề án nghiên cứu, không có thời gian.
“Ngày 3 tháng 8 năm 2022. Yêu thương làm sao có thể vơi cạn, khi bùng lên lần nữa chỉ càng mãnh liệt hơn. — Triệu Tùng Diễn tặng cho Lâm Vãn.”
Tôi ngây người nhìn dòng chữ đó, rồi nghe thấy chủ tiệm giới thiệu:
“Ba tấm bưu thiếp này là do một giáo sư lịch sử viết. Ông ấy và vợ tình cảm lắm, đã đến Ô Trấn ba lần, lần nào cũng ghé tiệm tôi.”
“Thầy Triệu luôn nắm tay cô Lâm Họ cùng nhau dạo bước trên con đường đá xanh vào buổi sáng sớm, nghỉ ngơi trong thuyền gỗ giữa trưa, rồi lại tay trong tay về nhà trọ trong làn mưa bụi lúc đêm xuống.”
“Còn nữa, họ là mối tình đầu của nhau.” — Chủ tiệm cười đầy ngưỡng mộ. “Chắc đây chính là dáng vẻ của tình yêu.”
Tôi nhìn ba tấm bưu thiếp, cả người như sắp đổ gục.
Cảm giác như bị rút cạn hết sức lực, tôi lảo đảo đẩy cửa ra ngoài, ngồi thẫn thờ bên dòng sông nhỏ rất lâu.
Năm nay, là năm thứ ba mươi tôi và Triệu Tùng Diễn kết hôn.
Vậy mà suốt hơn mười năm trời, anh đã phản bội cuộc hôn nhân này.
3
Sau khi cưới Triệu Tùng Diễn, tôi mới biết anh từng có mối tình đầu, tên là Lâm Vãn.
Lâm Vãn là cô giáo dạy sử thời đại học của anh, hơn anh năm tuổi.
Hai người yêu nhau trong khuôn viên trường, nhưng khi Triệu Tùng Diễn yêu đến độ si mê, thì Lâm Vãn lại chọn lấy chồng khác.
Bởi vì điều kiện gia đình của Triệu Tùng Diễn quá tệ, còn Lâm Vãn thì là tiểu thư nhà giàu, sinh ra đã được nuôi nấng trong nhung lụa.
Sau khi Lâm Vãn rời đi, Triệu Tùng Diễn vẫn không yêu thêm ai.
Thời gian trôi qua anh cũng đến tuổi, gia đình bắt đầu giục cưới, thường xuyên sắp xếp cho anh đi xem mắt.
Mà tôi, chính là một trong những đối tượng xem mắt đó.
Hôm đó anh có vẻ rất mệt mỏi, vừa nhìn thấy tôi đã dụi điếu thuốc đang hút, rồi chủ động hẹn gặp.
Hẹn được vài lần, anh hỏi tôi có muốn cưới anh không.
Tôi thấy anh ngoại hình sáng sủa, lại có học thức, nên đồng ý.
Thời đó, chuyện kết hôn đơn giản lắm.
Bố mẹ tôi cũng quen nhau qua mai mối, nhưng cả đời thương yêu, nắm tay nhau đi hết một kiếp người.
Tôi từng nghĩ, tôi và Triệu Tùng Diễn cũng sẽ như thế.
Dù anh luôn kiệm lời và có chút xa cách, nhưng tôi cho rằng đó là nét điềm đạm vốn có của người trí thức.
Đến bây giờ tôi mới hiểu — Đó không phải là sự điềm đạm, mà là sự khinh thường của một kẻ đọc nhiều sách dành cho tôi.
Trong mắt anh ta, tôi – một người phụ nữ xuất thân từ nông thôn – thật ra vốn chẳng xứng với anh.
Dù tôi đã cùng anh đi qua những năm tháng vô danh đến khi anh thành học giả nổi tiếng, sinh con cho anh, nuôi dưỡng cha mẹ anh đến lúc họ mất.
Anh vẫn luôn khinh thường tôi, từ trong xương tủy.
Đến cả một cổ trấn mang tính thương mại hóa, anh cũng thấy tôi – một kẻ không có học vấn – không đủ tư cách để đến.