Chương 3 - Người Vô Hình Trong Chính Gia Đình Mình

7.

Có lẽ tiếng ồn ào quá lớn, tôi vừa dứt câu tuyên bố ly hôn, người trong dòng họ nhà họ Chu, cùng mấy bà buôn chuyện trong thôn, đã tụ lại đầy ngoài cửa.

Nam nữ có khác, họ không tiện vào phòng Lý Tân Lan, chỉ biết chen nhau ló đầu nhìn vào, như xem kịch.

Có gì đáng xem chứ?

Lý Tân Lan mặt mũi đầy vết quất của chổi, Chu Hải Từ nằm lăn dưới đất rên rỉ vì đau, Còn tôi thì đứng đó, vẻ mặt lạnh tanh như chính thất bắt gian.

Cảnh tượng này khiến tất cả người ngoài đều đứng hình.

Chẳng ai cười nổi.

Không cần chúng tôi phải giải thích, trí tưởng tượng phong phú của họ đã tự động ghép nối hết mọi tình tiết.

Người có tiếng nói nhất trong nhà – tứ thẩm, lập tức quát to:

“Chu Hải Từ, mày là cái đồ súc sinh! Còn không mau lăn ra đây! Tính nằm trong đó luôn tới Tết hả?”

“Lần sau vợ chồng có đánh nhau thì đánh trong phòng mình, đừng có động đến phòng em dâu nữa, bà đây không tha cho mày đâu!”

Cách nói của bà ta cực kỳ khéo:

Một câu, gạt hết trách nhiệm ngoại tình sang thành ‘vợ chồng xô xát’.

Xong, bà ta quay sang chĩa mũi nhọn vào tôi:

“Còn cô đấy! Cứ như đàn bà chợ búa, nhảy nhót như lên đồng! Ở cữ mà sung sướng quá rồi hả?”

“Mai bắt đầu xuống ruộng làm việc lại đi, đừng tưởng không có mẹ chồng thì cô muốn làm gì thì làm!”

Mỗi lời bà ta nói ra, ánh mắt cũng như dao găm thẳng vào người tôi, như thể chỉ cần tôi mở miệng, bà ta sẽ xé tôi ra làm trăm mảnh.

Mấy bà nhiều chuyện ngoài cửa rõ ràng không tin lời Tứ thẩm, nhưng cũng chẳng dám vạch trần ngay tại chỗ.

Còn người nhà họ Chu thì sao?

Họ chẳng buồn xác minh đúng sai, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt giống hệt Tứ thẩm:

khinh bỉ, coi thường, hằn học.

Tôi hiểu rất rõ— trong mắt họ, tôi vốn chẳng có bao nhiêu giá trị.

Chu Hải Từ là sinh viên đại học, quý như vàng ở cái làng này.

Còn tôi?

Chỉ mới học hết cấp hai, vậy mà lại gả được cho anh ta.

Tất cả mọi người đều cho rằng:

Tôi trèo cao.

Phụ nữ thì ghen ghét vì tôi may mắn, đàn ông thì xót xa cho “tương lai sáng lạn” của Chu Hải Từ bị tôi làm lỡ.

Trước kia, vì muốn giữ yên cửa yên nhà, tôi chưa từng cãi lại một câu.

Còn bây giờ?

Tôi sắp ly hôn với Chu Hải Từ rồi, tôi cũng chẳng việc gì phải nhịn họ nữa.

Tôi còn chưa kịp mở lời, Chu Hải Từ đã vội vàng xua tay xin xỏ, nói với đám người ngoài:

“Chuyện nhỏ thôi, sau này tụi con sẽ chú ý hơn.”

Bọn họ còn muốn nói thêm, nhưng cũng hiểu thời điểm này không tiện nhiều lời, nên đành tức tối bỏ đi.

Chỉ là lúc quay lưng, ánh mắt từng người đều như chó sói đói nhìn tôi, muốn ăn tươi nuốt sống.

Tôi chẳng ngán.

Cúi xuống nhặt cái ấm nước nóng, ném thẳng ra chân họ, nước sôi bốc khói nghi ngút:

“Nhìn cái gì mà nhìn? Đừng có tưởng tôi sợ!”

“Không phải đánh nhau rồi lỡ chạy vào đây đâu!

Tôi là CỐ TÌNH vào đây đánh người đấy! Ai không phục thì nhào vô!”

Cả đám tức đến đỏ mặt tía tai, Tứ thẩm còn trề môi lệch cả mặt.

Thấy tôi vừa ném cái ấm nước, trong tay còn cầm thêm một cái khác, cả đám người ngoài lập tức biết điều, không dám manh động nữa.

Bọn họ lầu bầu chửi vài câu, rồi bị người nhà kéo đi như kéo xác, miệng vẫn chưa chịu ngậm lại.

Dù vậy, tin đồn về Chu Hải Từ và Lý Tân Lan vẫn bắt đầu lan khắp làng.

Có người còn dựng chuyện đến mức lố bịch, bảo rằng đứa con trong bụng Lý Tân Lan là của Chu Hải Từ.

Trưởng thôn cũng phải vài lần đích thân tới nhà.

Chỉ là thấy Chu Hải Từ vẫn tỏ ra điềm tĩnh, ăn nói đâu ra đấy, không hề mất kiểm soát, nên chỉ cảnh cáo vài bà tám nhiều chuyện, dặn họ đừng lan truyền linh tinh nữa.

Nhưng mồm thiên hạ thì sao bịt hết?

Tin đồn vẫn bay khắp làng như mùi mắm nát giữa mùa hè.

Hai kẻ chính trong câu chuyện thì vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra, đối mặt với lời ra tiếng vào bằng vẻ mặt “lương tâm trong sáng” khiến người ta muốn đấm.

Tứ thẩm mấy lần gọi tôi sang nhà, bảo là “có chuyện muốn nói riêng”.

Tôi chẳng thèm đi.

Bà ta không chịu bỏ cuộc, liền sai mấy mợ trong nhà đến dằn mặt, bảo tôi phải biết điều một chút.

Tôi không chỉ không biết điều, mà còn tuyên bố toẹt ra:

“Các người dám uy hiếp tôi? Vậy tôi cũng dám kể hết mọi lời ‘dạy dỗ’ đó cho cả làng nghe!”

Câu đó vừa buông ra, mấy mợ tái mét mặt, mắt trợn trắng, tức đến độ mắt long sòng sọc nhưng không dám bén mảng đến nữa.

8.

Cả buổi chiều hôm ấy, Chu Hải Từ không hề bước vào phòng tôi.

Tôi chỉ thấy anh ta từ phòng Lý Tân Lan đi ra, múc một bát nước lạnh từ chum uống ừng ực, rồi xách đồ ra khỏi nhà.

Ngay sau đó, tam thẩm của Chu Hải Từ lại bước vào phòng Lý Tân Lan.

Lúc ấy tôi mới để ý—mỗi lần Chu Hải Từ ra ngoài, tam thẩm đều sẽ vào phòng em dâu “giúp một tay”.

Không cần đoán cũng biết—là anh ta gọi đến.

Thật là, “chu đáo” ghê.

Càng nghĩ, tôi càng thấy ghê tởm.

Dạ dày quặn thắt, tôi nôn khan mấy lần, nhưng vì trưa không ăn gì, chỉ nôn ra một bụng dịch chua.

Đúng lúc đó, con gái tôi cũng tỉnh giấc.

Không ai giúp tôi bồng con, tôi chỉ còn cách vừa ôm con cho bú, vừa tự mình hấp hai cái bánh bao để ăn qua bữa.

Tới sáu giờ tối, Chu Hải Từ vẫn chưa quay về.

Anh ta trước đó đã xin nghỉ làm cả tháng, nói là để ở nhà chăm tôi ngồi cữ.

Giờ thì không biết anh ta đi đâu, và tôi cũng chẳng buồn quan tâm.

Tam thẩm nấu bữa tối cho Lý Tân Lan, đút cho cô ta ăn xong, dọn bát đũa ra ngoài, vô tình nhìn thấy tôi vẫn chưa ăn gì.

Bà ta hỏi khẽ:

“Có cần tôi nấu gì đó giúp cô không?”

Tôi không muốn nợ ai điều gì, nên lắc đầu từ chối.

Tam thẩm nhìn tôi, ánh mắt nửa muốn nói, nửa lại nuốt vào trong.

Sau cùng, chẳng nói câu nào, quay người lặng lẽ rời đi.

Tôi dỗ con gái ngủ xong, tự mình vào bếp nấu một bát mì.

Trong chuồng gà còn ba quả trứng, tôi đập hết bỏ vào nồi.

Đàn ông đã không còn đáng tin, vậy thì từ nay, tôi phải đối tốt với chính mình.

Ăn xong tô mì thì cũng hơn tám giờ tối.

Lo mình hôm nay vận động quá nhiều, sợ sau này bị hậu sản, tôi liền đun một nồi nước ngải cứu gừng tươi để lau người và ngâm chân.

Vừa mới lau xong chân, Chu Hải Từ từ ngoài trở về.

Anh ta trông có vẻ mệt mỏi, nhưng việc đầu tiên làm không phải là nhìn tôi một cái, mà là chui thẳng vào phòng Lý Tân Lan.

Tôi nghe loáng thoáng vài từ: “thuốc mỡ”… “không để lại sẹo”…

À, thì ra…

anh ta đi thị trấn mua thuốc cho Lý Tân Lan bôi vết thương.

Lúc từ phòng cô ta bước ra, tôi còn lười nhìn anh ta một cái.

Vậy mà anh ta lại chủ động mở miệng giải thích:

“Vài hôm nữa Hải Tinh sẽ quay về. Anh sợ thấy mặt em dâu bị thương sẽ nổi giận, nên mới mua thuốc về bôi cho cô ấy. Vết thương khỏi rồi thì cũng chẳng ai làm khó em.”

Ngữ khí đó…

cứ như anh ta vừa giúp tôi giải quyết hậu quả, còn tôi nên cảm ơn vì được “anh bao che”.

Tôi cười thành tiếng, giọng lạnh như gió cuối mùa đông:

“Thế thì nhân tiện nói luôn với em cậu đi, rằng vợ cậu ấy ở cữ, đồ lót là do anh trai nó giặt hộ đấy.

Xem thử nó giận tôi, hay tẩn anh trước?”

Chu Hải Từ mặt tối sầm, hai hàm răng nghiến vào nhau phát ra tiếng “rắc rắc”, trông như thể đang vắt óc suy nghĩ xem nên dùng từ ngữ cay nghiệt nào để chửi tôi cho hả giận.

Tôi thì chẳng chờ anh ta nghĩ xong.

“Cạch!”

Tôi đóng cửa đánh một cái rõ to, vặn khóa, cắt đứt hết mọi âm thanh lẩm bẩm bên ngoài.

Tôi không muốn nhìn thấy anh ta, cũng không muốn nghe thêm bất cứ lời dối trá nào từ cái miệng đó nữa.

9.

Sự thật chứng minh: phụ nữ càng biết vùng lên, càng dễ giành được thứ mình đáng có.

Sáng hôm sau, Chu Hải Từ như quên sạch mọi chuyện hôm qua.

Trời chưa sáng hẳn đã ra chuồng bắt gà, giết một con nấu canh.

Một con gà nguyên vẹn, đùi, ức – phần ngon nhất, đầy đủ cả, được dọn lên ngay trước mặt tôi.

Hôm trước, khi tôi cần dinh dưỡng, cần người đỡ đần, anh ta giả điếc, giả câm.

Giờ đây, khi tôi không cần nữa, anh ta lại bày trò săn sóc.

Con người này thật sự… đê tiện đến mức đáng kinh ngạc.

Thấy anh ta định đặt tô canh xuống bàn, tôi lạnh lùng liếc mắt:

“Tôi sợ có độc, đừng mang tới gần tôi.”

Chu Hải Từ khựng lại, gân tay nổi đầy mu bàn tay.

Anh ta rít lên, vẻ mặt bị tổn thương:

“Em nhất định phải nghĩ anh độc ác như vậy sao? Em là mẹ của con gái anh, dù anh có tệ cỡ nào cũng không đến mức ra tay với mẹ của con mình!

Chứ không như em, động tí là đánh người!”

Đến cuối cùng, anh ta còn tỏ vẻ mình mới là người bị tổn thương.

Tôi bật cười chua chát, giọng đầy mỉa mai:

“Ồ, bây giờ mới nhớ ra tôi là mẹ của con anh à?”

“Tôi ngồi cữ, thiếu chất, mấy lần suýt mất sữa.

Anh có từng nghĩ đến con gái anh sẽ phải chịu đói không?”

“Anh đau giùm tôi không nổi, anh đau cho nó dùm cũng không nổi luôn à?”

Chu Hải Từ bị nghẹn họng, lần đầu tiên không phản bác nổi.

Anh ta im lặng hồi lâu, rồi giở bài thương hại, đưa tay xoa mấy vết trầy trên mặt, như muốn nhắc tôi:

hôm qua em đánh anh đấy, đánh rồi thì nguôi đi chứ, đừng dằn dai mãi nữa.

“Là anh xử lý không khéo.

Chuyện ở chỗ em dâu… không giống như em nghĩ đâu.

Không phải toàn bộ gà đều đưa cho cô ấy ăn.”

“Anh chỉ mang một cái đùi gà cho cô ấy thôi.

Còn lại là anh ăn, với… anh mang đi biếu người ta.”

“Lúc trước anh không nói với em, là sợ em nghĩ lung tung.

Không ngờ… lại thành ra phản tác dụng.”

“Yên tâm đi, lần sau anh sẽ chú ý hơn, em cũng đừng giận nữa, không tốt cho sức khỏe.”

Anh ta đích thân múc một bát canh gà, trong bát còn có hai chiếc đùi gà to, vàng óng hấp dẫn.

Tôi không đón lấy.

Tôi chỉ đang nghĩ:

lúc anh cưới tôi, rốt cuộc là có bao nhiêu phần là thật lòng?

Ngay cả khi tôi tận mắt bắt được chuyện anh lén lút với Lý Tân Lan, anh vẫn có thể tiếp tục nói dối không chớp mắt, chỉ để dỗ cho tôi nguôi giận, rồi quay lại chăm sóc “người anh thật lòng quan tâm”.

Lần đầu tiên, tôi thấy con người này…

đáng sợ đến vậy.

May mà— chuyện tôi muốn ly hôn, không phải là nói cho có.

Mà là thật.

Chu Hải Từ thấy tôi không nhận bát canh, cũng không dám ép.

Thái độ khác hẳn mọi khi, ngay cả to tiếng cũng không dám.

“Em để đó lát nữa ăn lúc còn nóng nhé.

Anh ra bờ sông giặt đồ, giặt xong về trông con giúp em.

Tối qua em mệt cả đêm rồi, ăn xong nghỉ ngơi đi.”