Chương 1 - Người Cười Cuối Không Phải Em

Sau khi sống lại, việc đầu tiên tôi làm là về nhà cắt đứt quan hệ với bố mẹ, tách hộ khẩu riêng.

Vào thập niên 90, đó là hành động bị xem là cực kỳ bất hiếu.

Chỉ vì kiếp trước, tôi cùng em gái ôn thi lại nhưng nó vẫn thi trượt. Bố mẹ tôi thương nó học hành cực khổ, liền tự ý tráo giấy báo trúng tuyển của tôi và nó, bắt tôi nhường chỗ cho nó vào đại học.

Thanh mai trúc mã của tôi, vì tôi trượt đại học mà tiếc nuối, rồi dứt khoát chia tay.

Tôi chỉ đành nghe lời bố mẹ, vào xưởng làm việc, ngày đêm khuân vác, chỉ để gom đủ học phí cho em gái.

Cho đến một ngày, em gái tôi dắt thanh mai trúc mã về nhà, bố mẹ lại bắt tôi bỏ tiền tổ chức đám cưới cho họ, lúc ấy tôi mới biết — chính hắn là người đưa ra ý tưởng tráo giấy báo trúng tuyển năm đó.

Hắn và em gái tôi đã qua lại sau lưng tôi từ lâu.

Còn bố mẹ tôi, chính là đồng l/õ/a.

Tôi tức giận định kiện họ ra toà, nhưng lại bị cả bọn hợp sức hại chếc.

Mở mắt ra lần nữa, tôi quay về năm 1994 — đúng ngày nhận giấy báo trúng tuyển.

1

Tôi chặn người giao giấy ở đầu ngõ, nhân lúc anh ta không để ý liền tráo đổi giấy báo của tôi và em gái, sau đó cẩn thận trả lại, bảo anh ta phải tận tay mang về nhà giao.

Xong xuôi, tôi mới lên thị trấn làm thuê.

Triệu Nam Châu đã đứng chờ sẵn ở tiệm nơi tôi làm, tay xách một túi trứng đỏ, vẫy tay gọi tôi — hắn đậu rồi, muốn chia sẻ niềm vui.

Hắn nói với tôi:

“Lý Nhu, tớ đậu rồi, cậu học giỏi thế thì chắc chắn không vấn đề gì đâu. Học phí đừng lo, tớ lo được.”

Kiếp trước, tôi chính vì câu nói đó mà cảm động đến rơi nước mắt, thề trong lòng rằng cả đời này chỉ có thể là hắn.

Sau đó, tôi không chỉ làm hai công việc để lo học cho em gái, mà còn chắt chiu từng đồng đưa thêm cho Triệu Nam Châu.

Khi ấy trong lòng tôi chỉ có một suy nghĩ: chỉ cần hai người họ sống tốt, tôi khổ thế nào cũng được.

Mỗi ngày, tôi dậy từ mờ sáng đi phụ quán ăn sáng, sau đó lại ra công trường làm việc, đến tận nửa đêm mới về.

Thậm chí có lần đầu bị vật rơi trúng, máu chảy đầm đìa, chỉ để tiết kiệm tiền mà tôi bôi tạm tro than rồi cố chịu, không dám đến bệnh viện.

Thế mà sau này, vì muốn mua nhà ở thành phố, bọn họ lại xúi bố mẹ bán tôi cho một lão già góa để lấy tiền sính lễ. Cũng lúc ấy tôi mới hiểu, những năm tháng cực khổ của mình chẳng khác nào cho chó ăn.

Thực ra tôi đã đậu đại học danh tiếng ngay từ năm đầu tiên. Năm đó, Triệu Nam Châu thi trượt, còn em gái tôi thì học sau tôi một năm. Mẹ tôi sợ tôi đi học rồi sẽ không có ai kèm cặp em, liền tìm đủ cách khuyên tôi ở lại ôn thi.

Sau này tôi mới biết, lúc đó Triệu Nam Châu và em tôi đã qua lại. Chính hắn là người bày ra chuyện giữ tôi lại ôn thi, sợ em tôi không đỗ, hắn lại không lo nổi.

Còn bố mẹ tôi chấp nhận cũng là vì, ngay từ đầu họ chưa từng có ý định cho tôi đi học đại học.

2

Về đến nhà, bố mẹ tôi vui mừng ra mặt, bởi vì em gái tôi nhận được giấy báo trúng tuyển của Đại học A.

Em tôi giơ cao tờ giấy, vừa thấy tôi bước vào liền khoe khoang:

“Chị ơi, em đậu rồi! Chị còn bảo em thi đại học đã là khó, giờ em còn được vào trường top đó nhé!”

Lần này, nó chẳng thèm giả vờ nữa.

Nhìn cái vẻ đắc ý đó, tôi chỉ bật cười lạnh trong lòng.

Bọn họ đâu có biết — tờ giấy đó đã bị tôi tráo từ lâu.

Tôi đã lấy giấy báo thật của mình, thay bằng một cái giấy trúng tuyển giả vào một trường cao đẳng.

Còn tờ của em tôi, thì được đổi thành giấy báo giả từ Đại học A.

Tôi muốn bọn họ phải trả giá cho những gì họ đã làm với tôi ở kiếp trước.

Trả giá cho những năm tháng tăm tối, tuyệt vọng mà tôi đã phải chịu đựng.

Mẹ tôi thật sự rất vui vì em tôi đậu đại học, còn bắt bố tôi đi mua nguyên cái đầu heo về làm tiệc ăn mừng.

Nhưng khi nhìn thấy tôi, bà lập tức giả bộ như không cố ý, đẩy đầu heo vào dưới khăn bàn, lại còn làm bộ lau nước mắt:

“Nhu Nhu à, con và em gái đều là bảo bối trong lòng mẹ. Mẹ biết con trượt nên trong lòng khó chịu, nhưng mà…”

Bà ta nhìn tôi đầy khó xử, khoé mắt còn thật sự ép được vài giọt nước.

Nếu không phải tôi đã biết trước bà định nói gì, có lẽ tôi đã thật sự bị bộ dạng đó làm cho mủi lòng.

“Nhưng mà em con đã ôn thi lại một năm rồi, trong khi nhà mình chỉ có bố con làm lặt vặt kiếm sống, mẹ thật sự là…”

Tôi không nhịn được mà cười lạnh trong lòng — nói không có tiền cho tôi ôn thi lại? Vậy mà tiền mua cái đầu heo mừng em tôi đậu đại học, chắc còn nhiều hơn học phí ôn thi ấy chứ.

Chẳng qua là bọn họ không muốn tốn thêm một đồng nào cho tôi thôi. Dù gì thì nếu tôi đi ôn thi, vài tháng nữa học phí đại học của em gái, chẳng phải sẽ do họ tự lo sao?

Tuy nghĩ vậy, nhưng ngoài mặt tôi vẫn giữ vẻ điềm nhiên, dịu giọng nói:

“Con hiểu mà mẹ. Ngày mai con sẽ tìm chỗ làm khác lương cao hơn, phụ thêm chi tiêu trong nhà.”

Mẹ tôi vừa nghe, mắt đã sáng rực, liên tục khen tôi là đứa con ngoan, nuôi bao năm không uổng công.

Em gái tôi thì hừ lạnh một tiếng, rồi giơ tờ giấy báo trúng tuyển dí sát mặt tôi, cười khinh bỉ:

“Nên mới nói, ông bà ta nói đúng — người cười đến cuối cùng, mới là người thắng.”

Tôi cười như không cười:

“Nếu nói vậy, thì năm ngoái tôi không nên ở lại ôn thi cùng cô, mà phải đi học đại học từ lâu rồi.”

Con bé trừng mắt nhìn tôi không tin nổi:

“Là chị tự đồng ý mà, ai ép chị đâu, chị trách tôi à? Đừng có mà đổ lên đầu tôi! Với lại, đây là số trời định rồi, chị sinh ra là số đi làm công!”

Rồi lại quay sang mẹ tôi làm nũng:

“Mẹ nhìn chị con kìa, thi trượt thì trút giận lên con, đúng là kiểu người gì không biết.”

Mẹ tôi đỏ bừng cả mặt, rõ ràng là muốn bênh con út, nhưng lại còn muốn tôi đóng tiền học cho nó sau này, nên không dám thiên vị công khai, đành phải nói lấy lệ cho qua chuyện:

“Thôi nào, Khê Khê, con cũng đừng nói nhiều. Chị con đi làm là vì muốn tốt cho con đấy. Sau này tiền học phí, tiền sinh hoạt của con, ba mẹ cũng khó xoay sở, còn chẳng phải là chị con giúp con đấy à? Mau xin lỗi chị đi.”

Em tôi bèn liếc tôi một cái rõ sắc, rồi sầm mặt bỏ ra ngoài, đóng cửa cái “rầm”:

“Bắt một sinh viên đại học đi xin lỗi con nhỏ làm thuê? Nói ra không sợ người ta cười à!”