Chương 6 - Người Chồng Lạnh Nhạt Và Nỗi Đau Của Tình Cũ
Hơi nước bốc lên từ tách trà nóng…
Hạ Hoành ngồi trên ghế sofa trong phòng khách. Cái ghế đơn đó, đối với anh, lại có vẻ chật chội một cách kỳ lạ.
Còn Trần Tư Đình thì như một chú chó nhỏ, đi theo tôi vòng quanh trong bếp.
“Không sao đâu, tôi không uống trà.”
“Sao cơ, muốn ép nước cam cho tôi à?”
“Ừm, tôi biết chỗ rồi. Không phải lần đầu đến mà, để tôi tự làm.”
…
Trà nguội rồi.
Hạ Hoành vẫn chưa rời đi, cũng chẳng nói lời nào.
Tôi đành hỏi: “Anh còn chuyện gì nữa không? Tôi chuẩn bị nghỉ rồi.”
Hạ Hoành liếc nhìn Trần Tư Đình, bỗng dưng bật cười, đầy mỉa mai: “Quả nhiên, em vì một thằng trai mặt búng ra sữa như thế này mà bỏ đi.”
“Các người bắt đầu từ bao giờ?”
Tôi vừa trải qua một ngày dài tập múa, mệt đến mức chẳng còn hơi sức để giải thích gì nữa:
“Anh nói sao cũng được.”
“Được.” Hạ Hoành gật đầu, đặt tách trà xuống, vẻ mặt vẫn duy trì phong độ, nhưng mu bàn tay nơi cổ tay áo lại nổi gân xanh.
“Lâm Mãn, em nhất định sẽ hối hận vì lựa chọn của mình.”
Anh đứng dậy, lạnh lùng quay người rời đi.
Sau khi anh đi, Trần Tư Đình bất ngờ hỏi: “Tôi có làm phiền hai người không?”
Tôi liếc nhìn anh một cái, trêu: “Ừ, rất phiền.”
Trần Tư Đình “ồ” lên một tiếng, chậm rãi nói: “Vậy thì… tôi phải chịu trách nhiệm à?”
Anh không cười, cũng không nhúc nhích, mí mắt mỏng cụp xuống, ánh mắt như đang rất nghiêm túc nhìn tôi.
Tôi lớn hơn Trần Tư Đình ba tuổi, cũng học múa sớm hơn anh, được coi là tiền bối của anh.
Hồi đó, mỗi khi anh phải kiêng ăn để giữ cân mà đói đến lả người, tôi hay lén kéo anh ra ngoài mua đồ ăn vặt.
Khi bị thầy giáo phát hiện, mắng tôi một trận, anh luôn đứng ra chắn trước mặt tôi, vừa khóc vừa nhận lỗi về mình.
Có lẽ vì thế, dù biết anh luôn được bạn bè cùng lứa yêu quý, tôi vẫn chỉ xem anh như em trai.
Không biết từ bao giờ, Trần Tư Đình đã lớn thật rồi.
“Tôi chỉ đùa thôi mà.” Tôi vội vàng giải thích.
“Nhưng tôi thì không đùa đâu.” Trần Tư Đình nói.
Gió lạnh từ chiếc máy lạnh cũ thổi vù vù.
“Xin lỗi.”
Trần Tư Đình thở dài: “Thôi được rồi, coi như bị từ chối một lần.”
Anh giả vờ như không có gì, đi đến cửa, mở ra: “Muộn rồi, tôi không làm phiền nữa.”
Tôi nhìn anh sắp rời đi, chần chừ một lúc rồi hỏi: “Vậy… mai tôi vẫn đến đoàn tập được chứ?”
“Không được.”
Tôi ngẩn người nhìn anh.
“Em thật sự tin à?” Trần Tư Đình trừng mắt, “Anh trông giống người lợi dụng quyền lực à?”
Tôi thở phào nhẹ nhõm, đứng dậy tiễn anh: “Vậy mai gặp?”
Trần Tư Đình đứng ở cửa, nhìn tôi một cái: Lâm Mãn.”
“Hả?” Tôi cúi đầu lại gần.
“Dù anh đang rất buồn… nhưng đây mới chỉ là lần đầu. Em vẫn còn 100 cơ hội nữa để từ chối anh.”
Nói xong, anh lập tức quay lưng bỏ đi:
“Mai gặp.”
Tôi đóng cửa, đứng ngây ra một lúc rồi trở lại phòng khách, định đóng nốt cửa sổ phía sau.
Ánh đèn đường chiếu xuống, lấp lánh một đốm đỏ.
Hạ Hoành đứng đó, tay kẹp điếu thuốc, khuôn mặt mờ ảo giữa làn khói.
Dưới ánh trăng, ánh mắt anh nhìn Trần Tư Đình lạnh băng đến mức đáng sợ.
12
Vở múa sẽ biểu diễn vào tuần sau.
Đến khi tổng duyệt, tôi mới biết Trần Tư Đình đã nói giảm đi rất nhiều.
Cái gọi là “rạp nhỏ” ấy, thực ra là Nhà hát Bảo Ninh lớn nhất thành phố — nơi hầu như tất cả các vở kịch và sân khấu đình đám toàn quốc đều từng diễn qua.
Lúc tổng duyệt, Trần Tư Đình còn cẩn thận mang theo máy quay DV, ghi lại toàn bộ quá trình.
“Sau này nếu nổi tiếng còn làm được phim tài liệu,” anh vừa nói vừa hướng máy quay về phía tôi, “Nào, nữ chính của chúng ta, nói gì đi chứ.”
“Mong buổi diễn thành công rực rỡ, vé bán cháy sạch.” Tôi nói.
“Nghe sáo rỗng quá. Nói lại cái khác đi.”
“Trần Tư Đình!” Có người gọi anh, “Tổng giám đốc Lục tìm anh.”
Anh rời đi, tôi mở lại đoạn video vừa ghi để xem phần biểu diễn ban nãy.
Tim vẫn còn đập thình thịch sau khi vận động mạnh.
Điệu múa dân tộc Dao lần này tên là “Thanh Điểu” — kể về một con chim thần sống giữa rừng sâu.
Trong video, tôi mặc trang phục lông vũ màu xanh cầu kỳ, trang điểm mắt xanh nhạt, trông như một chú chim thần bí, nhẹ nhàng, phiêu dật.
Các thành viên trong đoàn ríu rít bàn xem buổi diễn xong nên đi đâu ăn mừng.
Trần Tư Đình từ trên lầu bước xuống, sắc mặt không tốt.
Anh ho nhẹ rồi thản nhiên thông báo:
Buổi diễn đầu tiên sẽ bị dời lịch, địa điểm cũng đổi sang một nhà hát khác.
Đoàn lập tức ồn ào náo loạn:
“Tại sao chứ?!”
“Nhà hát kia hiệu ứng sân khấu cực tệ! Trần Tư Đình, anh muốn phá nát danh tiếng của mình à?”
Mặc cho ai nói gì, nét mặt Trần Tư Đình vẫn rất bình tĩnh:
“Nhà nhỏ thì sao? Khán giả vẫn như vậy thôi. Chúng ta chỉ cần làm tốt vở diễn là được.”
Nói thì nói thế, nhưng vài ngày sau, tôi nghe người trong đoàn kháo nhau rằng — nhà hát mới cũng từ chối hợp tác với chúng tôi.
Ngay cả người chậm hiểu nhất cũng bắt đầu cảm thấy có điều gì đó không đúng.
“Trước giờ là người ta tranh nhau mời đoàn mình diễn mà, làm gì có chuyện bị từ chối kiểu này?”
“Chẳng lẽ ai đó đã đắc tội với người lớn?”