Chương 5 - Một Bọc Hành Lý Bước Vào Mệnh Số Của Người

12

Vội vã xuôi ngược, Hách lão gia cuối cùng cũng kịp về dùng bữa tất niên đêm ba mươi.

Chuyến trình tấu lần này, ông được đánh giá xuất sắc, nghe đâu năm tới còn có thể được đề bạt thăng chức, khi vào cửa liền đầy vẻ phong quang đắc ý.

Chẳng may, mấy hôm trước ta bị nhiễm phong hàn.

Tối nay Hách Tầm một mình đi thỉnh an lão thái thái.

Ta uống thuốc xong, cuộn mình trong chăn, nửa mơ nửa tỉnh lim dim ngủ.

Không biết đã qua bao lâu, chỉ nghe “két” một tiếng, cửa phòng bị đẩy ra.

Hách Tầm sắc mặt tái nhợt, trông như vừa bị uất ức lắm.

Chàng lặng lẽ bước tới, đá văng đôi giày, định trèo thẳng lên giường ta.

Ta vội vàng chống người ngồi dậy, đưa tay đẩy trán chàng:

“Đừng lại gần! Ta còn đang bệnh, đừng để truyền sang ngươi!”

Chàng vừa hồng mắt, vừa ra sức vùng vẫy dưới tay ta, tay chân quơ loạn nhưng vẫn không tiến được nửa bước.

Hai mắt Hách Tầm đỏ bừng vì giận:

“Chu Đường!”

Ta vừa nghe gọi, tim liền mềm nhũn, rốt cuộc cũng buông tay.

Chàng liền thừa cơ nhào tới, cả người đổ sập vào lòng ta, đôi tay gầy nhỏ vòng chặt lấy cổ ta không buông.

Lực siết quá mạnh, ta suýt nữa bị nghẹt thở.

Ta kéo tay chàng ra, thế mà không kéo nổi.

Một lúc sau, ta cảm thấy cổ mình trở nên ẩm ướt.

Hách Tầm tựa đầu vào tai ta, giọng nghẹn ngào như sắp khóc:

“Chu Đường, ta muốn lớn nhanh, muốn chớp mắt là mười sáu tuổi.

Chu Đường, tỷ đợi ta… đợi đến lúc ta mười sáu, ta sẽ thành thân với tỷ.”

Cả người ta nổi hết da gà.

Sau đó, Thu Sương lặng lẽ nói với ta một câu.

Hóa ra, Hách lão gia đã chọn cho Hách Tầm một mối hôn sự danh giá ở kinh thành.

Ta lặng lẽ uống thuốc, chỉ cảm thấy đắng hơn mọi khi.

Chắc là do nấu thuốc, nước cho hơi ít.

Lúc nói những lời đó, Thu Sương còn liếc mắt dò xét sắc mặt ta, thấy ta chẳng mảy may phản ứng, tựa hồ còn có chút ngạc nhiên.

Thế nhưng Hách Tầm lại cứng cổ không chịu thuận theo, khiến Hách lão gia tức giận đến mức đập vỡ cả chén rượu.

“Di nương Tống vốn định đem mối hôn sự ấy dành cho nhị thiếu gia, ai ngờ lão gia chỉ một câu đã chặn họng bà ta không cãi lại được.” Thu Sương ngồi bên ta, giọng mang chút hả hê.

“Lão gia nói, một đứa con thứ, sao có thể xứng với cháu gái đích tôn của Hộ bộ Thị lang.”

“Di nương Tống nghe xong, về phòng liền đập phá tan nát cả gian nhà!”

Cuối cùng Thu Sương hừ lạnh một tiếng, kết luận:

“Phải rồi, đáng đời!”

Nói cho cùng, Hách Tầm thật ra phải gọi di nương Tống một tiếng biểu di.

Bà ta là biểu muội của mẫu thân Hách Tầm.

Năm đó, khi Hách phu nhân mang thai, bà ta mượn cớ chăm sóc biểu tỷ mà dọn vào ở trong phủ. Ai ngờ chẳng rõ từ khi nào lại cùng lão gia Hách dây dưa không rõ.

Giá như bọn họ cẩn thận giữ mình một chút thì đã không đến nỗi như vậy.

Hách phu nhân chịu cảnh chồng phụ, muội muội phản, đau lòng quá độ khiến động thai khí, cuối cùng mất luôn cả tính mạng.

Tôn ma ma là nha hoàn hồi môn của Hách phu nhân, mỗi lần nhắc tới Tống di nương đều nghiến răng nghiến lợi, một câu “hồ ly tinh” gọi không thiếu.

Thu Sương và mấy người kia đều là do Tôn ma ma dạy dỗ từ nhỏ, lòng dạ tự nhiên cùng chung một mối thù.

“Hồi ấy náo loạn ghê gớm, lão gia ban đầu còn định đoạn tuyệt, nhưng bà ta liều mình đòi sống đòi chết, cuối cùng chấp nhận vào phủ làm thiếp.

Giờ thì hay rồi, coi như cũng đến lúc quả báo.”

Thoắt cái đã nhiều năm trôi qua dù có sinh được Hách Trưng, lão gia cũng chưa từng đề cập đến việc nâng bà ta lên làm kế thất.

Có lẽ chính câu “con thứ” nơi cửa miệng lão gia đã gieo một mầm oán hận trong lòng Tống di nương, khiến bà ta từng bước trượt vào ngã rẽ.

13

Từ sau cái hôm Hách Tầm ôm ta khóc, nói muốn lớn thật nhanh, thân thể chàng chẳng thấy trưởng thành vượt bậc, nhưng tính tình thì mỗi ngày một thêm bướng bỉnh.

Trước kia mở miệng đều là “tỷ tỷ” ngọt ngào, bây giờ lại dám gọi thẳng tên ta, một tiếng rồi lại một tiếng, không biết mệt.

“Chu Đường, chúng ta đi thả hoa đăng đi!”

“Chu Đường, tại sao tỷ không cài cây trâm ta tặng?”

“Chu Đường, đừng nói chuyện với Hách Trưng nữa, ta giận rồi, mau tới dỗ ta đi!”

“Chu Đường…”

Năm này qua năm khác, tiếng gọi của chàng như muốn khuấy động cả tâm can ta.

May mắn là có người kịp thời ngăn lại.

Nếu không, một khi trái tim đã lạc mất, về sau biết sống thế nào cho yên ổn đây?

Lão thái thái từng hứa với ta, đợi Hách Tầm mười sáu tuổi sẽ cho ta gả vào phủ.

Nhưng dạo gần đây, dường như bà đã đổi ý.

Có lẽ, cũng chẳng phải mới đổi trong một sớm một chiều.

“Đường nha đầu.”

Lão thái thái vẫn hiền hòa, từ ái, ánh mắt tựa như buổi đầu ta gặp bà.

Chỉ là ta nay đã hai mươi hai tuổi tròn, lại còn bị gọi là “nha đầu”, nghe thế chỉ thấy ngượng ngập trong lòng.

Lão thái thái tựa hồ cũng khó mà mở lời.

Ta xưa nay chẳng phải người lanh lợi gì, nhưng khoảnh khắc ấy, bỗng nhiên liền hiểu rõ hàm ý của bà.

Ngày thứ hai ta vào Hách phủ, Đông Nguyệt từng nói với ta:

“Ngươi tưởng mình thực sự có thể một bước lên trời, trở thành thiếu phu nhân Hách gia sao?

Đừng có nằm mơ nữa!

Nếu chẳng phải thiếu gia thể nhược nhiều bệnh, thầy tướng số nói phải cưới một nữ tử mệnh tiện bên người để trấn họa trừ tà, thì một con nha đầu quê mùa như ngươi, làm gì có tư cách bước chân qua cửa Hách phủ!”

“Chờ đến khi thiếu gia an ổn trưởng thành đến tuổi mười sáu, thì ngươi từ đâu đến tự mình cút về đó đi cho ta!”

Giờ đã qua tháng Chạp mười chín, Hách Tầm chẳng mấy chốc sẽ tròn mười sáu.

Công đức ta đã viên mãn, đến lúc công thành thân lui.

Tiên sinh ở thư viện từng nói, mùa thu sang năm, Hách Tầm tất sẽ đỗ kỳ thi Hương.

Chàng tiền đồ rộng mở, tương lai là quan lớn nơi triều đình, còn ta—vụng về dốt nát, chỉ là một thôn phụ tầm thường.

Nếu không phải vì lời đoán mệnh bày bừa mà thành mối nhân duyên kỳ quái này, thì ta và chàng… vốn chẳng thể có bất kỳ liên quan nào.

Xét cho cùng, nhân duyên này, nói ra chỉ là khiên cưỡng.

Lão thái thái vẫn giữ nụ cười hiền hòa, nắm lấy tay ta, không ngớt lời khen ngợi:

“Đúng là một đứa trẻ hiểu chuyện, biết phân phải trái.”

Bà hỏi ta có muốn được bồi thường gì chăng.

Ta nghĩ một hồi, cảm thấy Hách gia đã bỏ bạc chuộc ta về, những năm qua cho ta đủ ăn đủ mặc, tránh được gió mưa bệnh tật, thật ra cũng chẳng nợ gì ta cả.

Ta nói:

“Trả lại khế ước bán thân cho ta đi.

Coi như đã làm một cuộc mua bán suýt lỗ vốn.”

14

Ra khỏi cửa, ta ngẩng đầu nhìn trời, mây xám vần vũ, mờ mịt mông lung.

Chắc sắp có tuyết rơi.

Đi được vài bước, vết thương cũ ở chân lại nhói lên đau đớn.

Quả nhiên, chưa tới xế chiều, trời đã bắt đầu rơi từng hạt băng nhỏ, chầm chậm chuyển thành tuyết trắng dày như lông ngỗng.

Hách Tầm vốn là người ưa chưng diện, trời có lạnh đến mấy cũng nhất định không chịu mặc áo bông dày cộm.

Ta lục tung rương áo lấy ra chiếc áo choàng, gọi Đông Nguyệt đến, bảo nàng mang đến Tụ Tuệ Lâu.

Hách Tầm hẹn đồng môn đến đó bàn chuyện học hành.

Đông Nguyệt giọng bén nhọn:

“Tuyết rơi dày như thế mà còn sai ta đi, sao ngươi không tự đi mà đưa?”

Nàng không chịu, ta đành tự đi vậy.

Tụ Tuệ Lâu là nơi thanh nhã, văn nhã, các nho sinh thường tụ hội ở đây.

Chương 6 tiếp: