Chương 2 - Mẹ Tôi Và Những Giấc Mơ Chưa Từng Đến

4

Tối hôm đó, tôi ngủ trong phòng vốn là của em gái.

Điện thoại bất ngờ đổ chuông.

Là mẹ tôi gọi.

Một luồng khó chịu dâng lên từ đáy lòng.

Tôi tắt máy, sau đó nhắn tin cho bà:

“Nếu có việc gì mẹ nhắn tin được không? Con thật sự không muốn nghe điện thoại.”

Màn hình hiện dòng chữ: “Đang nhập…”

Nhưng cuối cùng chẳng có tin nhắn nào được gửi đến.

Một lúc sau, điện thoại lại vang lên dai dẳng.

Tôi tắt máy nhiều lần.

Nhưng mẹ vẫn cố chấp gọi tiếp.

Cuối cùng, tôi đành bắt máy.

Tiếng mẹ tôi vang lên với giọng cổ vũ:

“Đúng rồi đấy.”

“Càng không muốn nói thì càng phải luyện tập nhiều.”

“Cứ trò chuyện với người khác là ổn thôi.”

“Con là con gái của Trần Việt, không được phép gục ngã.”

Tôi mệt mỏi mở miệng:

“Rốt cuộc mẹ gọi con có chuyện gì?”

Giọng mẹ tôi lập tức hào hứng hẳn:

“Mẹ gửi cho con mấy bộ đề thi, hai ngày tới làm thử đi nhé.”

“Trong lớp cao nhất là Thẩm Trân, con bé thi được 678 điểm đó.”

“Con ngày xưa đâu có thua nó.”

Tôi khàn giọng nói:

“Mẹ không bảo con sang năm thi lại à?”

Giọng mẹ tôi đầy bất mãn:

“Mẹ nói thế, nhưng chẳng lẽ năm nay con định bỏ bê thật sao?”

“Đã hơn người ta một năm ôn tập, thì càng phải thi cho ra trò, lội ngược dòng một cách rực rỡ!”

“Một người nếu đã buông xuôi thì coi như bỏ đi rồi.”

Đầu dây bên kia, mẹ tôi vẫn đang lải nhải không ngừng.

Nhưng tôi không còn nghe lọt tai bất cứ lời nào nữa.

Tôi thấy mình không thở nổi.

Muốn gào thét, muốn khóc òa, muốn nhảy khỏi tầng lầu.

Nhưng cuối cùng, tôi chỉ nhẹ nhàng hỏi một câu:

“Mẹ… mẹ đã từng kiểm tra thuốc của con chưa?”

Mẹ tôi không nghe rõ:

“Hả?”

“Thôi không nói nữa, mẹ phải soạn bài đây.”

“Nhớ làm bài tập đấy nhé.”

Bà cúp máy.

Toàn bộ sức lực trên người tôi như bị rút cạn.

Tôi nằm bẹp trên giường, trân trân nhìn lên trần nhà. Bên tay là lọ thuốc.

Mẹ tôi chưa từng phát hiện — thuốc ngủ bác sĩ kê, tôi tích góp từng viên, dần dần gom thành một lọ đầy.

Thật ra, bác sĩ tâm lý đã từng nhắc mẹ tôi rằng tình trạng của tôi không ổn định, cần thường xuyên kiểm tra thuốc men.

5

Lười ra ngoài lấy nước, tôi nuốt từng viên thuốc khô, cổ họng rát buốt, ý thức dần mơ hồ.

Tôi nghĩ, khi một người kết thúc sinh mệnh, có lẽ sẽ rơi vài giọt nước mắt, để tiễn biệt cuộc đời chật vật của chính mình.

Nhưng mắt tôi khô đến mức chẳng nhỏ nổi giọt nào.

Ngược lại, một viên thuốc mắc lại trong cổ họng khiến tôi nôn khan.

Ngay sau đó, cửa phòng bị đẩy mạnh bật ra.

Dì Tiêu xông vào.

Tôi bực bội nhíu mày:

Phiền thật, lần này lại chết không thành, phải tích lại từ đầu rồi…

Không ngờ, điều khiến tôi bất ngờ nhất là — dì Tiêu không mắng, không hoảng loạn, mà lao đến ôm chặt lấy tôi.

Giọng bà run rẩy nhưng đầy quyết liệt:

“Nhu Nhu, con còn chịu đựng được không?”

“Nếu thật sự quá đau khổ, sống tiếp nổi nữa… thì mẹ sẽ không gọi xe cấp cứu.”

“Nhưng nếu… trong con vẫn còn một chút xíu thôi, ý nghĩ muốn sống tiếp.”

“Thì mẹ tuyệt đối không để ông trời cướp mất con đâu!”

Tôi sững sờ nhìn bà.

Trên khuôn mặt tròn trĩnh ấy, một giọt nước mắt lăn dài.

Nó rơi thẳng vào hốc mắt tôi.

Tôi bỗng bật khóc, rồi dốc hết chút sức lực cuối cùng để cố móc họng nôn thuốc ra.

Cùng lúc đó, dì Tiêu gọi xe cấp cứu.

6

Lần nữa tỉnh dậy, tôi đang truyền nước trong bệnh viện.

Dung dịch truyền có chứa kali, chạy vào người vừa đau rát vừa lạnh buốt.

Nhưng trên cánh tay, lại có một cảm giác ấm áp lan tỏa.

Tôi khó nhọc quay đầu nhìn.

Chỉ thấy dì Tiêu đang ngồi bên tay phải tôi, một tay cầm điện thoại xem mấy clip ngắn rẻ tiền, tay còn lại xoa xoa nhẹ trên cánh tay tôi, như để giảm bớt cơn khó chịu.

Phía tay trái là bố tôi — người đã kết thúc chuyến công tác sớm để đến bệnh viện, đã lâu không gặp.

Thấy tôi tỉnh lại, ông vô thức cau mày, có vẻ định mắng tôi quá bốc đồng.

Nhưng bị dì Tiêu tát bốp một cái vào đầu.

Bà trợn mắt:

“Anh nghĩ kỹ rồi hẵng nói!”

Bố tôi lập tức im re, rồi nhẹ nhàng xoa đầu tôi:

“Từ nay theo bố và dì Tiêu sống, được không?”

Tôi ngẩn người.

Mẹ tôi luôn nói rằng bố tôi bị “mỡ lợn che mắt”.

Từng là du học sinh, học hành xuất sắc, vậy mà lại cưới một người vợ mới “quê mùa thô kệch”.

Bà khẳng định chắc nịch:

“Biết đâu con nhỏ đó bỏ bùa bố mày rồi!”

Nhưng lúc này, tôi dần hiểu vì sao sau khi ly hôn, bố lại chọn dì Tiêu.