Chương 3 - Lời Hứa Đằng Sau Lần Cuối

5

Mùa hè ở Hồng Kông, mưa cứ rơi mãi không dứt. Dù là lúc sống chen chúc trong khu nhà tạm của dân tị nạn, hay khi đã chuyển đến biệt thự ở Hương Sơn về sau, mỗi cơn mưa đều khiến vết thương ở chân phải tôi lại đau nhức trở lại.

Hồi đó là một buổi chiều khi tôi mười tám tuổi. Trên đường về nhà, tôi bị một đám lưu manh chặn lại.

Khi không còn đường lui, Lương Hữu Dự – người vẫn âm thầm theo sau tôi – bất ngờ lao tới.

Cậu thiếu gia học kiếm đạo và nhu thuật từ bé, nhưng trước đám du côn vẫn bị đánh thê thảm.

Cuối cùng, anh còn bị cướp ví và cả áo khoác.

Lương Hữu Dự ngồi phịch dưới đất, máu chảy khắp mặt, tức giận mắng:“Tại sao ngay cả giày của tôi cũng không tha?!”

Tôi đứng lặng trong vũng nước bẩn bên cạnh, tim như chùng xuống.

“Bao… nhiêu tiền, tôi sẽ đền cho anh.”

Anh ngẩng đầu nhìn tôi: “Không cần tiền. Em… có thể làm bạn với tôi không?”

Trong con hẻm nhỏ hẹp và tối tăm ấy, ánh mắt Lương Hữu Dự sáng lấp lánh. Tôi không hiểu vì sao anh lại cố chấp đến vậy – rõ ràng giữa chúng tôi là cả một vực sâu không thể vượt qua.

Thế nhưng, đó là tấm chân tình của một chàng trai mười tám tuổi. Cũng là sự chân thành của Lương Hữu Dự. Tôi không cách nào từ chối được.

Anh cười tươi rói, rồi lo lắng hỏi: “Còn em? Có bị thương ở đâu không?”

Tôi mỉm cười lắc đầu, giấu đi vết xước trên chân phải khi chắn cho anh.

Nhưng tôi không ngờ vết thương ấy đã để lại di chứng lâu dài.

Về sau, mỗi lần cãi nhau với Lương Hữu Dự, nỗi đau nơi vết thương cũ tái phát, tôi đều âm thầm chịu đựng.

Vì tôi biết, anh ấy đã hy sinh cho tôi nhiều hơn.

Giống như ngày hôm đó trong con hẻm, anh ấy đầy mình máu, thẳng thắn và nhiệt thành.

Còn tôi chỉ có một vết thương nhỏ – lặng lẽ và chẳng đáng kể.

Nhưng tôi lại quên mất một điều – đã là vết thương, thì vết nào mà không đau?

Giống như tôi từng nghĩ rằng mình đã quen với những ngày mưa ẩm ướt ở Hồng Kông. Cho đến khi tôi nhìn thấy ánh nắng rực rỡ trải dài ở California, tôi mới nhận ra…

Thì ra tôi không phải đã quen với mưa. Tôi chỉ là… đã quen với việc cam chịu.

Trong đêm mưa, Lương Hữu Dự lại gọi điện đến. Giọng anh có chút men say.

Anh hỏi tôi: “Thẩm Yên… quà của em đâu?”

Lúc đó tôi mới sực nhớ ra — hôm nay là sinh nhật lần thứ 32 của anh ta.

Tôi không trả lời. Tôi cũng sẽ không bao giờ chuẩn bị quà cho anh nữa.

Bởi món quà từng mất đi năm đó, đã khiến tôi đau đến tận xương tủy.

Anh bật cười lạnh, như đang giễu cợt chính mình: “Thẩm Yên, em cũng nhẫn tâm thật đấy.”

Tôi cũng bật cười: “Lương Hữu Dự, câu đó mà anh cũng nói ra được sao?”

Giọng anh trêu chọc, có phần châm biếm: “Em biết không? Vị hôn thê của tôi năm nay tặng tôi một món quà rất tuyệt vời. Là món quà hay nhất tôi từng nhận được.”

“Không giống em, trước giờ toàn tặng mấy thứ rẻ tiền. Nào là khăn choàng len tự đan, rồi cả cái ly sứ tự làm.”

“Buồn cười thật, tôi muốn gì mà không có? Thế mà lại để em lừa dỗ, giữ lại một đống đồ vớ vẩn.”

Tôi điềm đạm đáp: “Vậy trả lại cho tôi đi.”

Khăn choàng ấy là tôi dành dụm cả năm mua len, lén tranh thủ từng lúc rảnh giữa mấy công việc làm thêm, từng mũi từng mũi, dựa theo ảnh mẫu thời trang trên tạp chí mà đan ra.

Không ngờ lại trùng với thiết kế của một thương hiệu xa xỉ. Nhưng khi đó, Lương Hữu Dự cười mãn nguyện, mùa hè cũng quàng cái khăn nhái ấy đi khắp nơi, không cho ai chê bai. Vì anh biết, đó là tấm chân tình của Thẩm Yên.

Cái ly là tôi mất cả tháng đi học làm gốm. Làm đi làm lại, dưới cái nóng hầm hập trong xưởng nung, cuối cùng cũng làm ra một cái ưng ý nhất.

Nhưng dù Thẩm Yên có cố gắng đến đâu, vẫn không xứng với sự cao quý trời sinh của Lương Hữu Dự.

Tôi còn nhớ bà Lương từng nhìn tôi, giọng đầy khinh bỉ:

“Cô có biết không, cô là người đầu tiên tặng cho con tôi toàn đồ rẻ tiền như vậy đấy!”

Giọng Lương Hữu Dự trầm xuống: “Đốt rồi.” “Đống rác đó, em nghĩ tôi còn giữ lại à?”

Tôi gật đầu: “Vậy cũng tốt.”

Dù sao chúng tôi cũng đã không còn liên quan, giữ lại bất kỳ kỷ vật nào cũng chỉ là thêm phiền phức.

Anh hỏi tiếp: “Không muốn biết vị hôn thê của tôi tặng gì sao?”

Tôi thở dài, quyết định chiều theo anh một lần cuối.

“Là gì?”

“Là… một đứa con. Cô ấy mang thai rồi.”

Giọng anh vang lên qua điện thoại, mang theo tiếng cười nhẹ và niềm vui lặng lẽ. Lần đầu tiên không còn sự hằn học dành cho tôi, mà là sự hân hoan thật lòng.

Trong đêm mưa của Hồng Kông, trái tim tôi một lần nữa trở nên trống rỗng.

Tôi cố gắng nhếch môi lên cười, nhưng rồi lại phát hiện mình không thể thốt ra được lời chúc phúc nào cả.

Tôi nhớ đến mùa mưa năm ấy, sau cái chết của Lương Ngọc. Khi bị nhà họ Lương lần nữa đuổi ra khỏi cửa,món quà sinh nhật tôi từng chuẩn bị cho Lương Hữu Dự hóa thành máu, tuôn ra từ chân tôi, trôi tuột theo làn mưa đêm đó.

Cũng là ngày mọi thứ kết thúc.

Từ đó, nơi tim tôi luôn vương lại một cơn ẩm ướt không bao giờ khô cạn.

Đầu dây bên kia, Lương Hữu Dự mơ màng trong cơn say, như bất lực thì thầm: “Phải làm sao đây Thẩm Yên, lần này… tôi sẽ thực sự không cần em nữa rồi.”

Tôi nhẹ nhàng trả lời:

“Không sao đâu, vì Thẩm Yên… cũng đã quyết định, sẽ không cần Lương Hữu Dự nữa.”

Nhưng anh ta đã cúp máy từ lâu.

6

Nửa đêm, sấm sét đì đùng, tôi trằn trọc mãi không ngủ được.

Trong cơn bứt rứt, Tạ Hứa Bạch gọi video tới.

Gương mặt anh đẹp trai không tì vết, nhưng giọng lại có vẻ… dỗi hờn:

“Em mất tới một phút tám giây mới nhấn nghe, Thẩm Yên, em có phải đã đổi lòng rồi không?!”

Tôi ngoan ngoãn đáp: “Không có đâu.”

Anh vẫn chưa chịu thôi càm ràm:

“Em rõ ràng có thể nhân lúc anh đang giận, bắt ngay một chuyến bay đến bên anh, ôm lấy anh, nũng nịu xin lỗi ‘chồng ơi em sai rồi’, rồi để anh muốn làm gì thì làm… Thế mà em không làm vậy!”

“Yêu hay không yêu, thật sự rất dễ nhận ra!” Tôi mỉm cười điềm tĩnh: “Lát nữa lại đòi hủy kết bạn cho xem.”

Tạ Hứa Bạch lập tức “quỳ gối” trong chưa đầy một giây: “Được rồi, lẽ ra khi biết vợ mình phải mất tận một phút tám giây mới bắt máy, tôi nên lập tức bay đến bên cô ấy, ôm lấy cô ấy dỗ dành ‘vợ ơi anh sai rồi’, sau đó muốn em thế nào thì em cứ làm vậy, đúng không?”

“Cho nên Thẩm Yên, bây giờ, lập tức, mở cửa cho ông chồng đáng yêu của em đi!”

Tôi ngỡ ngàng nhìn Tạ Hứa Bạch đang đứng ngay trước cửa: “Sao anh lại đến đây?”

Bờ vai anh còn ướt sũng một bên, giọng thì dửng dưng: “Thì em từng nói với anh là em sợ sấm sét mà. Anh thấy Hồng Kông đang bước vào mùa mưa, nên đến sớm một chút.”

Công ty của anh đang chuẩn bị niêm yết, mấy hôm trước còn bận đến mức không có thời gian thở. Tôi chẳng biết anh đã dời bao nhiêu việc để có thể dành chút thời gian cho tôi.

Tôi bất lực nhìn anh: “Anh tưởng mình đang đóng phim thần tượng à, anh Cảnh Sát?”

Tạ Hứa Bạch chui hẳn vào chăn, dúi đầu vào: “Không nghe không nghe, anh ngủ rồi.”

Tôi lắc đầu, xoay người xuống bếp nấu cho anh một tách trà gừng nóng.

Khi quay lại phòng, Tạ Hứa Bạch đã ngủ say. Quầng thâm lờ mờ dưới mắt anh vẫn còn đọng lại.

Điện thoại của anh để ở đầu giường, không ngừng sáng lên vì tin nhắn đến.

Tôi cầm lên nhìn thử — là tin nhắn từ thư ký Ngô:

“Tổng giám đốc Tạ, mấy bên truyền thông kia đều đã xử lý xong, những nội dung liên quan đến phu nhân đều được xóa bỏ, em cũng cảnh báo họ không được đăng lung tung nữa.”

“Vé máy bay tới Hồng Kông tối nay đã đặt, các cuộc họp mấy ngày tới em sẽ dời lại giúp anh.”

Thư ký Ngô lại nhắn thêm một tin:

“Không thành vấn đề đâu ạ, tổng giám đốc. Anh lại đi chăm vợ đúng không?Không phải sợ vợ giận à? Úi giời úi giời ~~~”

Tạ Hứa Bạch trả lời:

“Lát nữa lại hủy kết bạn cho xem!”