Chương 8 - Hứa Từ Từ Bí Mật

30

Tống Diễn đau khổ hỏi tôi: Tại sao…?”

Tôi nghĩ một lúc, quay người vào nhà, lấy cuốn nhật ký của Hứa Từ Từ đặt vào tay cậu ta.

Cậu im lặng đọc khi lật đến trang cuối, sắc mặt cậu trắng bệch như tờ giấy.

Tống Diễn mấp máy môi, dường như muốn nói gì đó… nhưng cuối cùng lại không thốt nên lời.

Tôi nói:

“Cậu tưởng mình che giấu giỏi lắm à? Nhưng Hứa Từ Từ sớm đã nhìn ra cậu yếu đuối thế nào. Cô ấy nghĩ hai người giống nhau, đều cô độc, đều rách nát trong lòng… Nên cô ấy muốn sưởi ấm cho cậu, cũng là để tự sưởi ấm mình.”

“Thế nhưng có người đã lôi tấm lòng đó ra, giẫm đạp nó, lôi cô ấy lên giàn hỏa, thiêu cháy bằng những lời ác độc. Lúc cô ấy bị bắt nạt ở trường, cậu đã không đứng ra bảo vệ. Cô ấy chưa bao giờ làm gì quá đáng với cậu, chưa từng quấy rối, chưa từng vượt giới hạn. Cô ấy chỉ lặng lẽ đứng xa xa, nhìn cậu… Cậu nói cậu không sai. Vậy còn cô ấy thì sao? Cô ấy… đã sai ở chỗ nào?”

Tống Diễn mấp máy môi lần nữa, cổ họng khẽ chuyển động.

Tôi nhìn thẳng vào mắt cậu ấy, tiếp tục:

“Ngày 18 tháng 3, sinh nhật của cậu—còn nhớ không? Cậu được người người vây quanh, tung hô, chúc mừng… Còn ngay bên kia bức tường, trong con hẻm tối om, Hứa Từ Từ suýt nữa bị cưỡng bức.”

Con ngươi Tống Diễn chấn động mãnh liệt, toàn thân khẽ run.

Tôi nói từng chữ, từng lời rõ ràng: “Hôm đó, cậu không thèm để tâm tại sao cô ấy không đến sinh nhật. Cô ấy ngồi đó, trong bóng tối, khóc suốt cả đêm. Khi tiệc đã tàn, mọi người ra về, cô ấy… vẫn còn khóc. Và có thể—không chỉ là hôm đó, mà còn rất nhiều ngày khác.”

Tống Diễn cuối cùng cũng sụp đổ. Cậu ôm đầu, toàn thân run rẩy, lẩm bẩm trong tiếng nức nở:

“Xin lỗi… Tôi không biết… Tôi thật sự không biết… Xin lỗi… xin lỗi…”

Tôi khẽ thở dài. “Tống Diễn, cậu về đi. Cậu đúng là không trực tiếp làm gì sai… nhưng chính sự im lặng của cậu còn tàn nhẫn hơn nhiều. Vì vậy, tôi sẽ không thay Hứa Từ Từ tha thứ cho cậu.”

Tống Diễn nhìn tôi, giọng khàn: “Vậy… Hứa Từ Từ ở đâu? Tôi muốn gặp cô ấy, tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bù đắp.”

Tôi nhếch môi cười: “Vậy… cậu thích cô ấy à?”

Cậu ta không trả lời. Không lắc đầu. Không gật đầu. Chỉ im lặng.

Sự thật là… trước đây tôi cũng từng nghĩ đến chuyện trả thù Tống Diễn. Tôi nghĩ, loại người như cậu ta, phải để yêu rồi bị đá, để biết thế nào là bị người ta khinh thường, mới đáng.

Vì thế tôi mới theo cậu ta đến tận đại học, suốt ngày vờ vĩnh bám lấy, muốn dùng chiêu “gần nước giành trăng”.

Nhưng sau đó—tôi lại cảm thấy, cậu ta cũng đáng thương. Mỗi lần cậu ấy ngồi một mình, ánh mắt trống rỗng, giống như đang nhớ đến một điều gì đó xa xăm… hoặc một người nào đó đã mất.

Ánh mắt đó, tôi quá quen thuộc rồi.

Hôm tôi vớt Hứa Từ Từ lên từ lòng sông, cô ấy cũng mở to mắt như thế—trống rỗng, nhưng đã chết từ bên trong.

31

Cuối năm.

Ông bố suốt ngày lái xe rác, đi sớm về muộn của tôi, bỗng nhiên… rảnh.

Tối hôm đó tôi về nhà, ông ấy hiếm hoi ở nhà, thậm chí còn không mặc cái áo gile vàng kinh điển mọi khi.

Trên bàn là cả một mâm cơm đầy món. Ông ấy phất tay gọi tôi: “Lại đây ăn đi, bố nấu từ chiều giờ đấy!”

Tôi lặng lẽ liếc sang cái hộp cơm mua sẵn trong thùng rác, rồi mới ngồi xuống không nói gì.

Ba rót cho tôi một ly rượu, tôi vội xua tay: “Con còn nhỏ, không uống được đâu.”

Ba cười khà khà: “Chỉ lần này thôi, uống với ba một ly.”

Lúc nói câu đó, ông tránh ánh mắt tôi. Tôi cảm thấy có gì đó không ổn, tim bỗng siết lại, liền hỏi: “Sao thế ba?”

Ba tôi lấy ra một xấp giấy tờ—là visa— cười ha hả: “Bị lừa rồi chứ gì! Thật ra là ba chuẩn bị đi du lịch nước ngoài đó!”

Tôi nhìn gương mặt cười toe toét của ông một lúc, nghiêng đầu hỏi: “Tự dưng sao lại muốn ra nước ngoài?”

Ba trợn mắt: “Con gái gì mà chẳng có chút lương tâm! Ba nuôi con mười tám năm, giờ mới rảnh rỗi, có tiền rồi, còn không cho ba đi chơi à?”

Tôi cúi đầu, gẩy cơm trong bát, lẩm bẩm hỏi: “Thế… ba định đi đâu?”

Ba gãi đầu, nghĩ ngợi: “Ờ… thì đi xem cái tháp sắt gì đó nè rồi mấy cái bãi biển xanh xanh… Trời rộng đất lớn, kiểu gì chả có chỗ để đi!”

Tôi nói: “Vậy thì chúc ba đi chơi vui vẻ.”

Ba ngửa đầu cạn ly, cổ họng khục khặc như mắc đờm, một lúc sau mới khàn khàn nói: “Con gái của ba… cũng phải sống vui vẻ nhé.”

Tôi giật lấy ly rượu trong tay ông, nghiêm mặt: “Không uống được thì bớt uống đi.”

Ba lắc lư như sắp ngủ, giọng ngà ngà: “Có thời gian… nhớ đi thăm mẹ con nhiều một chút.”

32

Hôm sau, tôi tiễn ba ra sân bay. Lúc chia tay, ông ôm tôi một cái thật chặt, rồi bất ngờ hạ giọng nói: “Phải nói… con diễn cũng giống đấy chứ.”

Tim tôi thót lên một nhịp, khẽ lùi lại hỏi: “Ba nhìn ra từ lúc nào vậy?”

Ba nheo mắt nhìn tôi, vẻ mặt đắc ý: “Ba là ba của con mà, sao lại không nhìn ra?”

Nói rồi ông vỗ vỗ vai tôi: “Ba đi đây… Từ Từ sau này giao cho con. Ba đã trả gần hết món nợ đời này với mẹ con bé, giờ cuối cùng cũng coi như đã thanh thản.”

Tôi im lặng một lát, rồi hỏi: “Vậy… có chuyện này ba có thể giải thích giúp con không? Tại sao ba lại giấu Hứa Từ Từ chuyện nhà mình giàu?”

Ba hơi khựng lại, lát sau mới nói: “Vì ba không muốn rời khỏi nơi đó.”

Ông hít một hơi, tiếp tục: “Năm Hứa Từ Từ bảy tuổi, nhà bị cháy do chập điện. Mẹ con bé đã liều mạng cứu con ra khỏi đám cháy… Còn ba—ba đang đi thu gom ve chai, không về kịp. Khi ba quay về…”

Giọng ông nghẹn lại, phải mất một lúc mới cất lời tiếp: “Hôm đó bà ấy gọi cho ba hơn chục cuộc… Nhưng ba không nghe máy. Sau khi mẹ con bé mất, ba bị sốc nặng, tâm lý không ổn định một thời gian. Lúc nào cũng tưởng tượng rằng bà ấy vẫn còn ở đó… Chỉ cần ba giữ nguyên mọi thứ như cũ, bà ấy sẽ không rời đi.”

“Vậy nên… dù sau này ba có tiền, có mở trạm thu mua phế liệu, cũng vì lòng ích kỷ mà giấu Hứa Từ Từ chuyện đó.”

Tôi thở dài, nhìn ông nói nhỏ: “Ba thật sự rất ích kỷ.”

Ba tôi ôm mặt, giọng nghẹn ngào hỏi: “Từ Từ chắc hẳn hận ba lắm đúng không? Con bé ngoan lắm… Lúc nào cũng nghĩ nhà nghèo nên chưa từng xin thêm đồng nào, không như mấy đứa trẻ khác, thứ gì cũng muốn. Là ba có lỗi với con bé…”

Tôi nhớ đến những dòng chữ trong cuốn nhật ký của Hứa Từ Từ:

“Ba dậy từ sáu giờ sáng mỗi ngày, ba vất vả lắm. Mình thật muốn làm gì đó giúp ba… nhưng lại chẳng làm được gì cả.”

“Hôm nay ba lại nhớ mẹ. Mình cũng nhớ mẹ, nhưng không dám nói… Mình không muốn ba lo lắng.”

“Tối qua ba uống rượu, hỏi mình có hận ba không. Có hận ba đã khiến mẹ chết, hận ba bất lực.”

“Ba là người ba tốt nhất trên đời này. Mình rất yêu ba.”

Tôi nhìn người đàn ông đang day trán khổ sở trước mặt, khẽ cười, nhẹ giọng nói:

“Không phải đâu, ba à. Từ Từ từng nói—được làm con gái ba, là điều khiến con bé hạnh phúc nhất trên đời.”

33

Tháng Tám năm sau, Trùng Khánh Tam Trung tổ chức kỷ niệm thành lập trường. Trường gửi thư mời các cựu học sinh trở về tham dự.

Là thủ khoa tỉnh năm ngoái, tôi được nhà trường nhấn mạnh phải có mặt cho bằng được.

Trong hội trường hôm đó, hiệu trưởng phát biểu hùng hồn về thành tích học tập của tôi, cao hứng đến mức vỗ bàn tuyên bố:

“Hứa Từ Từ là niềm kiêu hãnh của Tam Trung! Tôi muốn đưa tên em ấy vào sử sách nhà trường!”

Nói xong liền rút bút viết ngay tại chỗ.

Nhưng khi đặt bút xuống, ông khựng lại mấy giây, quay sang hỏi giáo viên chủ nhiệm:

“Chữ ‘Từ’ trong tên ‘Hứa Từ Từ’ ấy… là chữ nào nhỉ?”

Giáo viên chủ nhiệm giật giật khóe miệng, nhỏ giọng đáp: “…Chữ ‘Từ’ có bộ thảo trên đầu.”

Sau phần lễ kỷ niệm là tiết mục diễn thuyết trong khuôn viên trường. Mọi năm, đến phần này, phụ huynh và học sinh thường nghe mà nước mắt như mưa, cảm động không thôi.

Nhưng lần này— hiếm ai rơi lệ.

Diễn giả đẩy sách một hồi, cảm thấy bầu không khí vô cùng ngại ngùng, bèn cầm mic hỏi xuống dưới: “Sao hôm nay mọi người không xúc động chút nào vậy?”

Một phụ huynh ngồi hàng đầu dõng dạc nói: “Bài phát biểu của anh vô dụng rồi, chúng tôi muốn nghe Hứa Từ Từ phát biểu!”

Tôi: “???”

Ủa? Chương trình của tôi đâu có tiết mục này đâu?

Lời vừa dứt, bên dưới nhao nhao tán đồng, phản ứng còn nhiệt tình hơn cả đại hội thể thao.

Hiệu trưởng vội vã bước lên hỏi họ lý do:

— “Con trai tôi nghe xong câu chuyện truyền cảm hứng của Hứa Từ Từ, hiện đang cố gắng học hành, điểm số tăng hơn trăm bậc!”

“Con gái tôi coi em ấy là hình mẫu lý tưởng, ngày nào cũng hét rằng muốn thi vào Thanh Hoa để đi ‘đu idol’!”

“Con tôi từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Nhờ có Hứa Từ Từ, nó mới dám đối mặt với vấn đề này. Giờ thì không ai dám bắt nạt con bé nữa.”

“……”

Tiếng hô vang càng lúc càng dữ dội. Dưới ánh mắt khẩn khoản lặp đi lặp lại của hiệu trưởng, tôi đành… bước lên bục phát biểu.

Cầm micro trong tay, trí óc tôi hoàn toàn trống rỗng.

Ánh mắt vô thức lướt qua những gương mặt phía dưới— những người từng là bạn học cũ của tôi, những kẻ từng… không tin tưởng, từng cười nhạo tôi.

Tôi hít sâu một hơi, chợt nở nụ cười: “Vậy đi, tôi kể cho mọi người một câu chuyện nhé?”

34

Tôi nói: “Bốn năm trước, tôi quen một cô bé.”

“Cô bé đó xinh xắn, ngoan ngoãn. Dù gia cảnh không khá giả, nhưng bố mẹ cô bé rất yêu thương con. Cô ấy chăm chỉ học tập, cuối cùng thi đỗ vào ngôi trường cấp Ba mơ ước, mang theo trong lòng vô vàn hy vọng về cuộc sống học đường rực rỡ như trong tiểu thuyết.”

“Nhưng… mộng đẹp chẳng kéo dài được bao lâu.”

“Cô bé ấy… thích một nam sinh được xem là ‘nam thần’ của trường. Biết bản thân không đủ tốt, nên cô chỉ dám âm thầm thích, không dám bày tỏ. Thế rồi, chuyện ấy bị các bạn nữ trong lớp phát hiện.”

“Họ chế giễu cô bé, cười nhạo không tiếc lời. Cô không dám biện minh, vì sợ càng nói lại càng khiến người kia gặp rắc rối. Cô ấy chọn cách im lặng, âm thầm chịu đựng.”

“Nhưng sự im lặng ấy—bị xem là yếu đuối, là mềm mỏng dễ bắt nạt. Họ bắt đầu thực sự ra tay.”

“Tạt nước bẩn. Dí đầu thuốc lá. Nhốt cô trong kho suốt một ngày trời.”

“Ngày qua ngày, cô bé sống trong bóng tối không lối thoát. Kết quả học tập trượt dốc. Tâm lý trở nên nhạy cảm, tự ti. Cả cuộc đời… như thể đã bị phá hủy chỉ trong vài năm trung học.”

Một giọng nói từ phía dưới vang lên khẽ khàng: “Sau đó thì sao?”

Tôi nắm chặt micro, mắt nhìn thẳng về phía trước: “Sau đó… cô ấy chết rồi.”

Mọi người đều lộ vẻ kinh hoàng, sững sờ.

Tôi khẽ cười: “Sau khi cô ấy chết, mọi thứ lại trở nên ‘tốt đẹp’ một cách kỳ lạ.”

“Bạn học của cô ấy đến nói xin lỗi.” “Những kẻ từng bắt nạt cô ấy cũng nói xin lỗi.” “Nam thần từng khinh thường cô ấy, cũng nói xin lỗi.” “Ngay cả người cha—người mà cô ấy yêu thương nhất, cũng nói với cô ấy: xin lỗi.”

“Nhưng… cô ấy làm gì sai mà phải nhận về từng ấy lời ‘xin lỗi’? Cô ấy giết người? Cô ấy phóng hỏa? Không hề. Cô ấy chẳng làm gì sai cả.”

“Cô ấy chỉ muốn được đối xử tử tế.”

Câu chuyện quá nặng nề, u ám đến mức cả sân trường chìm vào im lặng. Không ai dám nói gì.

Bạn học cũ của tôi, người từng ngồi cùng lớp suốt ba năm, giờ đây ngơ ngác nhìn tôi, mắt mở to, môi mím chặt. Trên khuôn mặt họ lần lượt hiện lên—day dứt, buồn bã, hối hận.

Tôi chờ ba phút. Sau đó, đột nhiên bật cười: “Lừa mọi người đấy.”

“Cô ấy sau này thi đỗ đại học mơ ước, có một cuộc sống hạnh phúc viên mãn.”

Lúc này, họ mới thở phào, khuôn mặt cuối cùng cũng nở nụ cười nhẹ nhõm.

Nhưng tôi thì sao? Tôi đã lừa tất cả mọi người… Liệu tôi có lừa được chính mình không?