Chương 3 - Hũ Tiền Và Hôn Ước

Tam tiểu thư lập tức nở nụ cười qua làn nước mắt, mặt cũng thoáng chút ngượng ngùng:

“Táo mật ấy, là ta tự tay chọn từng quả một, còn cẩn thận tách hết hạt.”

Nhìn cảnh hai người kẻ ôn nhu người e thẹn, giống như một đôi bích nhân trời sinh, lòng thiếu gia như có hạt táo cứng ngắt đâm vào, khó chịu vô cùng.

Nhưng vì bị phu tử răn dạy, rằng phải giữ trọn nghĩa đồng môn, thiếu gia đành mím môi nén giận, mời Tào công tử cùng lên thuyền nghe khúc.

Tào công tử khẽ liếc qua những vị hoa khôi xinh đẹp diễm lệ, chỉ nhàn nhạt lui về một bước, ôm quyền thi lễ:

“Tào mỗ đã có hôn ước.”

Lại khiến mấy nàng hoa khôi thở dài buông lời cảm thán: “Dễ kiếm được châu báu vô giá, khó gặp được tấm chân tình.”

Nghĩ đến đây, Chu Nghiễn Lễ nghiến răng, lạnh lùng cười nhạt:

“Tào gia vừa nghèo vừa keo kiệt, đến khi cưới vợ về, sợ là đêm tân hôn cũng phải bỏ chạy.”

“Ai mà gả cho cái tên Tào ngốc ấy, chỉ tổ chịu khổ thôi!”

“Đến tay nữ nhân còn chưa từng chạm qua hắn biết thương hoa tiếc ngọc là gì chứ?”

Nghĩ tới dáng vẻ cứng nhắc, khô khan của Tào công tử.

Lại nghĩ đến việc thiếu gia nhà mình đã vất vả chuẩn bị biết bao nhiêu thứ chỉ để cưới Tam tiểu thư Lục gia.

Rượu phải là loại ủ hơn hai mươi năm, áo cưới nhất định phải dùng tơ lụa thêu tay thượng hạng của Tô Châu, còn kiệu hoa thì phải mời tới mười vị thợ khéo ngày đêm gấp rút chế tác.

Dẫu có cưới tiên nữ trên trời, cũng chưa chắc được như vậy!

Thường Lạc vội vàng hùa theo, nịnh nọt:

“Người nào gả vào Tào gia, chẳng khác nào thủ tiết sống!”

“Chỉ có thiếu gia mới từng lăn lộn trong chốn phong nguyệt, mới hiểu nặng nhẹ ấm lạnh, nên Tam tiểu thư mới khổ cực gom góp từng đồng, quyết tâm gả về đây.”

“Đợi đến khi Tào gia kiếm đủ bạc mà cưới vợ, e rằng thiếu gia với Tam tiểu thư đã có con bồng bế ra chợ mua dấm từ lâu rồi!”

Nghe Thường Lạc nói một hồi làm cao hứng, Chu Nghiễn Lễ quạt nhẹ cây quạt trong tay, làm ra vẻ miễn cưỡng:

“Ban đầu cũng chẳng có lòng muốn cưới, chỉ là thấy nàng dụng tâm như vậy, miễn cưỡng thu nhận thôi.”

“Đợi nàng vào cửa rồi, để ta từ từ mài giũa tính tình nàng, bảo đảm khiến nàng một lòng một dạ, không rời được.”

Thường Lạc nghe vậy, lấy làm tò mò, bèn hỏi:

“Nhưng tại sao mười ngày trước, thiếu gia còn sai ta đi lấy tiền của Tam tiểu thư? Không sợ nàng nổi giận không chịu gả nữa sao?”

Chu Nghiễn Lễ khẽ nhếch môi cười, ánh mắt thản nhiên:

“Thẩm thẩm của nàng ta còn chẳng muốn giữ lại một miệng ăn, nàng không có chỗ dung thân.”

“Nàng không gả cho ta, thì còn biết gả cho ai?”

Thường Lạc nghĩ ngợi hồi lâu, cũng cảm thấy thiếu gia nhà mình quả thật mưu tính như thần.

Lúc ấy, chưởng quầy tiệm bạc bên cạnh thấy Chu Nghiễn Lễ xuất thủ hào phóng, bèn vội vàng tiến tới chào mời:

“Công tử ghé xem tiểu điếm, chọn cho phu nhân tương lai bộ trang sức ngũ kim, công phí rất phải chăng.”

Trong lúc thợ bạc lách cách đập rèn, ánh mắt Chu Nghiễn Lễ bỗng dừng lại nơi chiếc giá gỗ lim, nơi ấy treo một chiếc khóa trường mệnh nhỏ nhắn bằng bạc.

Chu Nghiễn Lễ như nghĩ tới điều gì, không khỏi khẽ nhếch môi cười, rồi chỉ tay:

“Thêm cho ta một chiếc khóa trường mệnh nữa.”

Thường Lạc lại mờ mịt không hiểu.

Chẳng lẽ đợi Tam tiểu thư Lục gia sinh được tiểu thiếu gia rồi, cũng chỉ đeo cho con một chiếc khóa trường mệnh bạc mỏng manh thế này thôi sao?

Không, không phải vậy.

Là lòng đố kỵ nơi Chu Nghiễn Lễ lại âm thầm trỗi dậy.

Tào gia nghèo túng, ngay cả một hai lượng bạc cũng khó mà lấy ra.

Tào công tử ấy, tất nhiên chẳng thể nào cưới được cô nương nào tốt hơn Lục Thiền Nhi.

Chu Nghiễn Lễ thầm mong mỏi, muốn nhìn thấy Tào Dự Thanh – kẻ dù thắng được mình cũng luôn tỏ ra nhàn nhạt – sẽ ra sao khi bị vị hôn thê tham vinh hoa phụ bạc, ném bỏ.

“Đợi khi vị hôn thê của Tào ngốc tới nơi, ta sẽ hậu hĩnh tặng quà cho đôi phu thê mới cưới.”

“Để xem, cái mà Tào ngốc cưới về, rốt cuộc là hạng gì.”

3

Kiệu hoa dừng lại dưới gốc cây táo già ở đầu thành phía nam.

Ta hé đầu ra nhìn, mới giật mình nhận ra mình gả đi cũng có phần vội vã.

Khi khăn hồng được vén lên, đập vào mắt chỉ là những mái nhà cũ kỹ xiêu vẹo.

Chiếc bàn thấp hơn một chân phải lót thêm một mảnh ngói vỡ, trên bàn đặt hai chén rượu nhạt, có lẽ dùng để làm lễ hợp cẩn.

Trên giường chỉ trải một chiếc chiếu trúc sạch sẽ, vừa đủ cho một người nằm.

Ta quay đầu hiếu kỳ nhìn hắn, thấy Tào Dự Thanh đỏ bừng vành tai, nhất thời không biết nói gì, chỉ cúi gằm đầu chăm chú nhìn vào cái cán cân trong tay, tựa như từ đó có thể nhìn ra hoa lệ.

Trong lòng ta len lén nghĩ:

“Thôi thôi, người này tuy diện mạo không tệ, nhưng dường như có hơi khờ dại, đem hết gia sản đi thuê kiệu hoa rồi.”

Chỉ nghe hắn lắp bắp giải thích:

“Thuê kiệu hoa đẹp… là vì nghe nói cô nương ở Chu gia chịu nhiều ấm ức, muốn cho cô nương được nở mày nở mặt một chút.”

“Không ngờ thuê kiệu, mướn phu kiệu, tốn kém thật nhiều tiền…”

Những lời ấy khiến lòng ta âm thầm ấm áp, vui vẻ không thôi.

Ta vừa định mở miệng, nói rằng: nghèo không sao cả, sau này chàng chăm chỉ đọc sách, thiếp ở nhà dệt chiếu thêu thùa, phu thê đồng lòng, ngày tháng tự khắc sẽ tốt đẹp.

Chỉ là chưa kịp thốt nên lời, Tào Dự Thanh như chợt nhớ ra điều gì, vội vàng cầm lấy chiếc hũ thô đựng rượu trên bàn, đưa cho ta:

“Thứ này, cho nàng.”

Chiếc hũ sành thô kệch này so với hũ đường Chu gia từng đưa tới, còn nhỏ bé hơn một chút.

Ta lập tức hiểu ra: thì ra cũng giống như Chu Nghiễn Lễ, lại muốn ta tự mình gom góp tiền bạc.

Trong lòng ta dâng lên chút bực bội, thầm trách: “Sao nơi này nam nhi ai nấy cũng giỏi tính toán như thế?” Nghĩ tới ta từng ngây thơ cho rằng hắn là người tốt, lại càng thấy buồn cười.

Dẫu vậy, ta cũng không chịu kém người, liền ngẩng đầu nói:

“Vậy chàng nói rõ cho ta biết, ta ở đây mỗi tháng tốn bao nhiêu tiền thuê phòng, mỗi ngày ăn uống mất bao nhiêu, ta tuyệt không chiếm chút tiện nghi nào của chàng.”

Tào Dự Thanh sững người, vội vàng chỉ vào chiếc hũ sành:

“Không, không cần tiền của nàng đâu. Cái hũ này… về sau để dành bạc lẻ cho nàng tiêu dùng, muốn gì thì tự lấy.”

Ta bán tín bán nghi.

Bởi lẽ ta đã từng nếm trải, dùng một tờ giấy, một bát cơm cũng bị Chu Nghiễn Lễ tính toán chi ly. Đến khi thực sự cầm lên, lại thành món nợ để người ta đem ra tính sổ.

Nhìn nét mặt đề phòng của ta, Tào Dự Thanh còn muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng lại nuốt ngược vào trong lòng.

Dầu đèn đã cạn, ngoài cửa chỉ còn ánh trăng lưỡi liềm nhàn nhạt, không đủ soi thấu lòng người, chỉ còn một mảng xám mờ.

Tào Dự Thanh đem chiếc chiếu trúc duy nhất trải cho ta nằm, còn bản thân thì mặc nguyên y phục, nằm nghiêng trên một lớp rơm cũ nát.

Tay ta khẽ sờ lên chiếu trúc dưới thân, trong lòng chợt nảy sinh chút hối hận: “Có lẽ… ta cũng không nên nghĩ xấu cho người ta như vậy.”

Ta vừa muốn mở miệng, định hỏi hắn một câu: rằng hắn có thật lòng muốn cùng ta chung sống những ngày tháng về sau hay không.