Chương 1 - Hạnh Phúc Bên Người Đã Quên

Vào ngày đầu tiên tân trí thức về quê lao động, ánh mắt của Trình Cẩm bỗng dừng lại, nhìn không chớp.

Anh ấy nói cô gái đó rất giống tôi của ngày xưa.

Vui vẻ, lạc quan, như một mặt trời nhỏ.

Còn tôi bây giờ thì mệt mỏi, uể oải, suốt ngày chỉ nghĩ đến điểm công và kiếm tiền.

Trình Cẩm đùa: “Biết trước em sẽ thành ra thế này, anh đã không yêu em rồi.”

Tôi tưởng anh ấy nói chơi.

Cho đến khi tôi và Lam Thư cùng bị sốt, Trình Cẩm lấy xe đạp của tôi chở cô ấy đi bệnh viện, còn bảo tôi ráng chịu một chút.

Lúc đó tôi mới tin, thì ra anh không hề đùa.

Khi có thông báo được về lại thành phố, tôi đã cắt đứt hoàn toàn liên lạc với anh.

Sau này, Trình Cẩm thi đậu vào đại học ở quê tôi, mang giấy báo nhập học đến tìm tôi.

“Cho anh một cơ hội nữa… được không?”

1

Ra khỏi bưu điện, tôi đợi rất lâu, nhưng Trình Cẩm – người nói sẽ đến đón tôi – vẫn không thấy đâu.

Tôi đã mặc ba lớp áo mà vẫn lạnh đến run răng, tay tê cứng.

Anh ấy hiếm khi thất hứa.

Lo anh gặp chuyện gì, tôi không dám đợi nữa.

Kéo theo cái túi vải còn to hơn cả tôi, lết ra đầu phố, mất hai xu để đi xe trâu về.

Trên xe đông người, tôi hơi ngại, ôm chặt túi vải không dám buông. Đến khi về đến điểm tập trung của trí thức trẻ, tay tôi đỏ ửng vì lạnh, cả cánh tay cũng ê ẩm.

Tôi còn chưa kịp thở phào vì suốt đoạn đường không gặp Trình Cẩm thì đã nghe thấy tiếng ồn ào bên trong.

“Trình Cẩm anh chơi gian, ai lại chơi kiểu đó!”

“Thôi được rồi Lam Thư, anh chịu thua, được chưa?”

“Không được không được, hiếm lắm mới không phải đi làm, em còn muốn chơi tiếp – ồ, trí thức Mạc về rồi!”

Tiếng cười nói chợt im bặt, Lam Thư phấn khích vẫy tay với tôi: “Trí thức Mạc mau vào chơi bắn nước đi!”

Tôi không đáp, quay sang nhìn Trình Cẩm.

“Thì ra anh không đón em… vì mải chơi bắn nước à?”

Anh cầm khẩu súng nước tự chế, trên mặt vẫn còn ửng đỏ, thở nhẹ, rồi cúi đầu như một chú chó nhỏ làm sai chuyện, lí nhí xin lỗi tôi.

“Ban đầu anh định đi đón em thật, nhưng Lam Thư một mình không an toàn, anh nghĩ chỉ chơi với cô ấy một lúc, đợi người khác về rồi đi đón em… không ngờ em lại về trước.”

“Vậy còn em một mình thì an toàn chắc?”

“Trình Cẩm, anh đã hứa sẽ đến đón em. Hôm nay…” Tôi nhìn anh với đôi mắt hoe đỏ. Tôi muốn nói hôm nay rất lạnh, muốn nói đồ em mang rất nặng, muốn nói em đợi anh rất lâu rất lâu… Nhưng chưa kịp nói xong, Trình Cẩm đã siết chặt môi, cắt ngang lời tôi.

“Thôi mà Lệ Hoa, Lam Thư là người mới, chưa quen nơi này, để cô ấy một mình anh không yên tâm. Còn em là người cũ, có gì phải lo?”

Tôi im lặng, cắn chặt môi dưới đến phát đau, không cho mình khóc.

Thấy vậy, Trình Cẩm dịu giọng lại: “Anh biết thất hứa là anh sai. Nhưng không phải em cũng đã về rồi sao.”

Rồi anh tự nhiên cầm lấy túi vải trong tay tôi, né tránh chủ đề.

“Cái này là gì vậy, nặng thật đấy.”

“Chăn bông.”

“Em có một cái chăn bông rồi mà, sao bố mẹ lại gửi thêm cho em?”

Cái chăn này là bố mẹ gom góp từng nhúm bông nhỏ mới may thành, ban đầu tôi định mang về để tạo bất ngờ cho Trình Cẩm. Nhưng khi nhìn vệt nước loang lổ còn chưa khô trên sàn, tôi đột nhiên không muốn nói nữa.

Tôi hít một hơi: “Ừ, bố mẹ sợ em không đủ ấm.”

Nói rồi giật lại cái túi, bước nhanh về phòng.

Trình Cẩm đi theo, lại gần tôi làm nũng: “Lệ Hoa, em giận rồi đúng không?”

“Đừng giận nữa mà, lần sau anh nhất định sẽ không để em lại một mình nữa, được không?”

Anh nắm tay tôi, đưa vào lòng ngực, mắt đầy vẻ xót xa.

Ngay khoảnh khắc đó, tất cả tủi thân trong lòng tôi bỗng trào dâng không thể kiềm được. Tôi nghẹn ngào hỏi anh:

“Nếu em và Lam Thư cùng gặp chuyện, anh cũng sẽ chọn cứu em trước chứ?”

Tôi biết câu hỏi này thật khó xử, nhưng tôi sợ. Tôi cần một lời hứa từ anh.

Tôi đã hy vọng, thậm chí nghĩ rằng nếu anh có thể không chút do dự mà chọn tôi, tôi sẵn sàng tiếp tục yêu anh.

Nhưng Trình Cẩm lại chần chừ.

Phải mất hai giây, anh mới khẽ gật đầu: “Ừ.”

Lúc đó, tôi biết… mình đã có câu trả lời.

2

Hôm sau, chúng tôi được phân công đi gặt lúa mì.

Tôi và Trình Cẩm ở tổ hai, còn Lam Thư ở tổ ba.

Trước đây, anh ấy đi trước gặt, tôi đi sau gom – phối hợp rất ăn ý.

Nhưng lần này, Trình Cẩm làm chậm hơn hẳn, cứ thẫn thờ, ánh mắt liên tục dõi về phía tổ ba.

Nhiều lần lưỡi liềm trong tay anh lướt sát qua đầu tôi, thậm chí còn cắt mất mấy lọn tóc.

Tôi không nhịn được nữa, nhắc nhở:

“Anh làm vậy nữa là tụi mình không kịp tiến độ đâu!”

Cùng lúc với lời tôi nói vang lên, là tiếng hét thất thanh của Lam Thư.

Cô ấy chậm tay chậm chân, bị dì Hồng Hoa đi cùng cắt trúng bắp chân, nước mắt tuôn như suối.

Trình Cẩm hoảng hốt, nhét vội lưỡi liềm vào tay tôi:

“Lệ Hoa, em tự gặt tạm đi, anh đưa Lam Thư đi xử lý vết thương.”

Anh bế Lam Thư rời đi, mọi ánh mắt liền đổ dồn về phía tôi.

Dì Hồng Hoa phì một tiếng, liếc về hướng hai người họ bỏ đi, hừ lạnh:

“Cái cô Lam trí thức này làm việc thì chậm, mà sao yếu ớt quá trời. Vết thương còn chẳng dài bằng ngón tay tôi.”

“Trước kia cô Mạc mới tới có ai thấy cô ấy như vậy đâu…”

Nói rồi, dì lại nháy mắt với tôi, lén lút hỏi nhỏ:

“Mạc này, chẳng phải cô với cậu Trình đang quen nhau sao? Sao cậu ta lại quan tâm Lam trí thức kia dữ vậy?”

Tôi chỉ cười, không trả lời. Dì Hồng Hoa lập tức lộ vẻ “à, hiểu rồi”, rồi bắt đầu khuyên tôi đừng quá cố chấp.

Khi Trình Cẩm quay lại, anh không nhận lấy lưỡi liềm tôi đưa.

“Lam Thư bị thương không làm việc tiếp được, anh làm nốt phần của cô ấy rồi quay lại. Lệ Hoa, em cố gắng gặt tạm trước nha.”

Tay tôi lơ lửng giữa không trung, rồi lặng lẽ rút về.

Lại như thế nữa rồi…

Trước đây tôi từng nghĩ, Trình Cẩm yêu tôi nhiều như vậy, sao có thể chia ánh mắt cho người con gái khác?

Nhưng ngày Lam Thư mới về quê, ánh mắt anh như chết lặng.

Anh nói Lam Thư giống tôi ngày trước.

“Vui vẻ, lạc quan, như một mặt trời nhỏ. Ai nhìn cũng sẽ bị cô ấy thu hút.”

“Còn anh thì sao, anh cũng sẽ bị cô ấy thu hút sao?”

Lúc đó Trình Cẩm nhìn tôi rất nghiêm túc, anh nói sẽ không. Anh nói trái tim anh nhỏ lắm, chỉ đủ chỗ cho mình tôi.

Tôi tin.

Thế nên khi Trình Cẩm hào hứng chia kẹo trái cây của tôi cho Lam Thư, tôi nghĩ anh chỉ là hiếu khách.

Khi anh thay Lam Thư xin lỗi vì cô ấy quên nấu cơm, tôi nghĩ anh chỉ là người tốt.

Khi anh quên mua cho tôi hộp kem dưỡng da như đã hứa, nhưng lại nhớ mua báo cho Lam Thư, tôi cũng tự thuyết phục bản thân rằng chắc anh chỉ vô ý quên.

Nhưng tôi không ngốc.

Lần đầu gặp Trình Cẩm, anh rất lạnh lùng và nhạy cảm, trong mắt luôn mang vẻ đề phòng.

Anh ít nói, thường lặng lẽ một mình.

Vậy mà khi tôi bị lưỡi liềm cắt trúng tay, anh lặng lẽ làm hết phần việc còn lại của tôi.

Tôi cảm kích, nấu mì trường thọ chúc mừng sinh nhật anh.

Hôm đó anh lần đầu rơi nước mắt, gỡ bỏ vỏ bọc lạnh lùng, kể cho tôi rất nhiều chuyện.

Anh nói anh chưa từng được tổ chức sinh nhật, tôi là người đầu tiên nhớ ngày sinh của anh.

Anh kể mình là đứa con thứ hai bị cả nhà bỏ quên, không ai quan tâm.

Anh nói anh không muốn về quê lao động, nhưng chỉ có anh là phải đi.

Anh nhìn tôi, trong mắt phản chiếu hình bóng tôi:

“Mạc trí thức à, em giống như mặt trời nhỏ, ai cũng sẽ bị em hấp dẫn.”

Lần đầu tiên, tôi cảm nhận được con người thật của Trình Cẩm.

Tôi thương anh – một người chưa từng cảm nhận được tình yêu.

Ba năm về quê, tôi dành cho Trình Cẩm tất cả tình cảm mình có, còn anh cũng dồn hết sự ưu ái cho tôi.

Tôi từng nghĩ, chúng tôi rồi sẽ thuận theo tự nhiên, khi được quay về thành phố sẽ kết hôn, nếu không được thì sẽ tổ chức đám cưới ở làng Đại Vũ, dưới sự chứng kiến của dân làng.

Nhưng giờ đây… trong mắt anh đã có hình bóng của người khác.

Vì Lam Thư, Trình Cẩm lại một lần nữa bỏ rơi tôi.

Những bó lúa mì đếm không xuể, tôi chỉ có thể một mình cúi xuống, từng nhát từng nhát gặt lấy. Anh không quan tâm tôi có mệt hay không, cũng chẳng bận lòng ánh mắt khó chịu của mấy người dân trong đội.

Anh chỉ nhớ rằng công việc của Lam Thư không thể bị chậm trễ.

Tôi nhìn bóng lưng Trình Cẩm, bỗng nhiên thấy lòng nhẹ bẫng.

Trình Cẩm à, hãy đi theo đuổi mặt trời mới của anh đi.

Tôi đã quyết định rồi — sẽ quay về thành phố.

3

Trình Cẩm thì trẻ khỏe, còn dì Hồng Hoa thì dày dạn kinh nghiệm.

Lúc hai người họ đã gặt xong hết lúa, tôi vẫn còn hơn phân nửa chưa xong.

Tôi hy vọng Trình Cẩm sẽ quay lại, làm nốt phần việc của cả hai.

Nhưng anh đi tới, giọng dứt khoát không để tôi từ chối:

“Hôm nay tới lượt Lam Thư nấu cơm, nhưng em cũng thấy rồi đấy, cô ấy bị thương không tiện. Anh về xem có giúp được gì không. Phần này giao lại cho em nhé.”

Nói xong, anh gần như chạy đi mất.

Tôi ngây người nhìn bóng lưng anh rời đi, rồi quay đầu nhìn mảnh ruộng sau lưng. Bỗng thấy… buồn cười thật đấy.

Những người dân chưa về hết lại một lần nữa ném ánh mắt thương hại, xen lẫn tò mò về phía tôi. Như có kim châm vào lưng.

“Vì một người đàn ông vô tâm như vậy không đáng đâu. Phụ nữ chúng ta cũng có thể gánh vác được cả bầu trời!” Cô bạn cùng phòng của tôi – Châu Tiểu Hòa – vác lưỡi liềm, đập nhẹ vào vai tôi, ánh mắt kiên định khiến tôi thấy yên lòng.

“Xem như hôm qua cậu mời tôi ăn kẹo, hôm nay tôi giúp lại nha.” Cô ấy ưỡn ngực đầy tự tin, còn nháy mắt với tôi có chút kiêu kỳ. “May là tôi làm xong phần mình rồi. Mau lên, biết đâu còn kịp bữa tối!”

“Tớ cảm ơn cậu, Tiểu Hòa.” Tôi nói khẽ, mắt có lẽ lại đỏ lên rồi.

Sổ ghi chép công điểm của đội vẫn còn đó, tôi kéo Tiểu Hòa đi đến, chỉ vào ruộng của tôi và Trình Cẩm, yêu cầu ghi phần điểm đó vào tên tôi và Tiểu Hòa.

“Anh cũng thấy rõ đấy, hôm nay Trình Cẩm toàn làm việc giúp Lam trí thức.”

Yêu cầu của tôi rất hợp lý, người ghi chép gật đầu đồng ý. Tiểu Hòa vừa ngạc nhiên vừa phấn khích.

“Lệ Hoa, cậu giỏi thật đấy! Không ngờ còn có cách này!”

Khi chúng tôi quay lại điểm tập trung của trí thức trẻ, vừa kịp lúc mọi người đang ăn tối.

Điều kiện ở đây không tốt, mỗi ngày đều có người luân phiên nấu ăn rồi cùng nhau dùng bữa. Nhưng hôm nay Lam Thư bị thương, người nấu là Trình Cẩm.

Chương 2