Chương 1 - Cuộc Sống Kỳ Quái Trong Ngôi Nhà Cổ
Mẹ tôi vứt luôn cái nồi cơm điện đi rồi.
Bây giờ bà dùng ba cục đá xếp thành bếp,trong nồi đất sôi ùng ục bên trong toàn là nước thuốc đen sì.
Bố tôi, hôm qua còn than đau lưng vì thoát vị đĩa đệm, giờ thì cởi trần ở sân sau, vung cây búa sắt nặng năm mươi cân, đập một thanh sắt đỏ rực.
Tia lửa bắn cả vào lưng đẫm mồ hôi mà ông không nhăn mặt lấy một cái.
Em gái tôi, tên là Thẩm Tú, mới học cấp hai, đang soi mình trong cái gương đồng mờ mờ, dùng một cây trâm gỗ được vót nhọn cố gắng búi lên một kiểu tóc cổ trang phức tạp. Miệng còn lẩm bẩm:
“…Vấn xong mây tóc lại soi gương…”
Tôi dựa vào khung cửa, tay cầm ly mì bò hầm Khang Sư Phụ mới mua ở tiệm tạp hóa đầu làng, hút một miếng.
Ừm, vẫn là mùi vị quen thuộc.
Đây là nhà tôi.
Chuyển vào căn nhà cổ xập xệ được đồn là có tuổi đời hơn trăm năm này mới tròn một tháng.
Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ ngày thứ ba sau khi dọn vào.
Đầu tiên là bà nội.
Bà nội tôi – cụ Giang Hạc Lai – một “lão tiền bối” có đến bảy mươi năm kinh nghiệm nằm dài, đi đứng cẩn thận như thể chỉ cần nhúc nhích là trật lưng.
Sáng hôm đó, trời còn mờ mờ, tôi dậy đi vệ sinh thì thấy ngoài sân có bóng người đang chuyển động.
Tưởng mình hoa mắt, tôi dụi dụi mắt nhìn lại.
Bà nội tôi, mặc áo vải cổ chéo cũ bạc màu, tóc búi gọn sau gáy bằng một chiếc đũa, đang múa một bài quyền – kiểu quyền pháp mà phải nói là uyển chuyển như nước chảy, mạnh mẽ như hổ vồ, chắc chắn có thể chiếm vị trí vedette ở công viên. Mỗi động tác đều phát ra tiếng rít phá không khí.
Tôi khẽ gọi: “Bà…?”
Bà khựng lại, thu thế, quay người rất từ tốn và bình thản, mặt không đỏ, hơi không gấp:
“Ồ, Vi con dậy sớm thế? Bà vận động gân cốt tí thôi.”
Giọng bà tự nhiên như thể sáng nào bà cũng tập quyền vậy.
Vận động gân cốt?
Trước đây “vận động” của bà chỉ là từ ghế sofa lết ra ghế nằm ngoài ban công mà!
Tôi không nói gì, chỉ ôm tô mì đứng nhìn. Trong lòng thì radar kêu “tít tít tít” không ngừng.
Tiếp theo là mẹ tôi – bà Tô Minh Tịch.
Mẹ là dân tài chính lâu năm, tay chưa bao giờ dính nước rửa chén, đến chợ còn hiếm khi bước vào.
Ấy vậy mà giờ lại mê mẩn mảnh đất hoang sau núi.
Ngày nào cũng vác cuốc đi, lúc về thì người lấm lem bùn đất, trong giỏ là đủ loại cỏ dại tôi gọi không nổi tên.
“Má ơi, má đào mấy cái cỏ này làm gì vậy?” – tôi hỏi, khi thấy bà đang tỉ mỉ trải cỏ lên cái mâm tre để phơi nắng.
“À, mấy cái này phơi khô dùng được. Thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu viêm, toàn thứ tốt đấy.” – bà không ngẩng đầu, vừa làm vừa nói.
Tôi chỉ vào một bụi cỏ:
“Cái này… chẳng phải là cỏ dại mọc đầy công viên sao? Dùng làm thuốc được á?”
Bà khựng lại một chút, ngẩng đầu nhìn tôi, ánh mắt hơi lơ đãng:
“Cái đó xưa gọi là ‘xa tiền thảo’, thanh nhiệt lợi tiểu. Con biết gì.”
Giọng bà chắc nịch, không chấp nhận nghi ngờ.
Bố tôi – ông Thẩm Thanh Sơn – kỹ sư cơ khí, thế mạnh là máy hàn và máy tính.
Giờ thì không biết lôi đâu ra một đống sắt vụn, dựng luôn cái lều tạm sau vườn, gõ đập leng keng suốt ngày.
“Ba định mở tiệm rèn hả ba?” – tôi hỏi.
Ông lau mồ hôi, cười hề hề:
“Rảnh cũng rảnh mà. Con coi cái liềm này đi, sắc bén dễ cầm, xịn hơn đồ mua siêu thị nhiều!”
Ông giơ cái liềm mới rèn còn sáng loáng, huơ huơ trước mặt tôi.
Tôi lùi lại một bước.
Dù đồ siêu thị không sắc bén lắm… nhưng nó an toàn mà!
Nhưng bất ngờ nhất là em tôi – con bé Thẩm Tú.
Trước đây là con nghiện anime, mở miệng ra là nè nè nè “kawaii” các kiểu. Giờ thì mỗi lần nhìn tôi đều mang ánh mắt… nói sao nhỉ, hơi hơi thương hại? Như thể tôi là người tiền sử chưa khai hóa vậy.
Nói chuyện thì bắt đầu văn vở sách vở.
“Chị ơi, nơi này cảnh sắc hữu tình, đừng để phí mất thanh xuân.”
Nó ngồi trên băng đá trong sân, nhìn mấy con cá chép lờ đờ trong ao mà ngâm thơ.
Tôi: “…Nói tiếng người đi.”
Nó thở dài, nhìn tôi như thể gỗ mục không thể khắc được:
“Chị, phong cảnh ở đây đẹp lắm, đừng suốt ngày ôm cái điện thoại.”
Tôi nhìn xuống điện thoại mình – một vạch sóng.
Ờ ha, cũng chẳng làm được gì với cái điện thoại.
Cả nhà tôi đều thay đổi.
Họ… hoàn toàn thích nghi với căn nhà cũ kỹ tồi tàn này, thích nghi với cuộc sống không wifi, không đồ ăn giao tận nơi, thậm chí không có bồn cầu xả nước.
Dường như chỉ có tôi là vẫn lạc lõng.
Tôi – Thẩm Vi – một nhân viên văn phòng tiêu chuẩn thế kỷ 21, linh hồn gắn chặt với máy lạnh, đồ ăn giao tận nơi và Internet.
Giờ thì giống như một con bug kẹt giữa hai dòng thời gian, lạc lõng và khó hòa nhập.
Tôi cố tìm ra nguyên nhân.
Bị nhập? Không giống. Mắt họ vẫn sáng, đầu óc tỉnh táo, lý luận rõ ràng.
Cả nhà phối hợp diễn trò? Không có cửa. Bố tôi là kiểu người nói dối là tai đỏ bừng, thế mà giờ lại đập sắt đập thép vô cùng tự nhiên, tự tin.
Xuyên không? Ý nghĩ đó thoáng qua đầu rồi bị tôi bóp chết ngay.
Quá hoang đường. Đã xuyên thì xuyên cả lũ, sao lại bỏ mình tôi?
Huống hồ, họ vẫn nhớ hết mọi thứ về thời hiện đại, chỉ là… hành vi thì như bị đổi mode hoàn toàn.
Tôi trở thành “người hiện đại” duy nhất trong nhà – một kẻ lạc loài, quan sát tất cả bằng ánh mắt của người ngoài cuộc.
Tôi im lặng, giống như đang nghiên cứu một nhóm mẫu thử có hành vi kỳ lạ trong phòng thí nghiệm, mà nghi ngờ trong lòng thì ngày càng lớn dần như quả cầu tuyết lăn từ đỉnh núi.
Cho đến một chiều nọ.
Tôi ra sân sau tìm bố để mượn cái kìm sửa lại cửa sổ cứ cót két suốt ngày.
Vừa đi ngang qua phía sau cái lán, tôi nghe thấy tiếng thì thầm bên trong. Là giọng của bố tôi và mẹ tôi.
“…Thanh Sơn, thế này không ổn đâu, con bé Vi kiểu gì cũng nghi ngờ.” – là mẹ tôi, Tô Minh Tịch, giọng có chút lo lắng.
“Tôi biết.” – bố tôi, Thẩm Thanh Sơn, nghe mệt mỏi ra mặt – “Nhưng nhiệm vụ của hệ thống là… ‘nắm vững kỹ năng rèn cơ bản’, tôi chỉ còn chút kinh nghiệm nữa thôi. Giờ bỏ giữa chừng thì tiếc lắm.”