Chương 3 - Cuộc Đời Thê Tử Chết Chóc
Ta bỗng thấy mong chờ — khi Trần Hằng biết được chính tay mình đã chém rơi đầu ta, chặt xác ta ra từng khúc rồi ném xuống hào nước thành…
Cái mặt nạ si tình của chàng, liệu còn diễn được đến bao giờ?
Đêm ấy, Trần Hằng ngủ không yên giấc, trong mộng liên tục là hình bóng ta.
Là ta khi cùng chàng đính ước, trốn sau bình phong lén nhìn chàng.
Là ta vào buổi chiều sau thành thân, nép trong vòng tay chàng, nghe chàng nói muốn ta sinh cho chàng một đứa trẻ.
Là ta khi chàng bận nối lại tình duyên với Thẩm Tú, còn ta thì lặng lẽ buồn thương.
Về sau, không rõ mộng thấy điều gì, chàng bỗng giật mình tỉnh dậy, hơi thở dồn dập.
Chàng lấy ra những thứ ta từng để lại, nhìn chằm chằm bức thư rất lâu.
Cuối cùng chỉ buông một câu:
“Thật là hồ đồ.”
9
Sáng sớm ngày hôm sau, đám thị vệ trong phủ đã báo cho Trần Hằng tung tích của ta.
Nói rằng đêm qua ta cầm ngọc bài chủ mẫu rời khỏi cổng Đông nhưng tại cửa quan không có ghi chép xuất nhập, hẳn là ta vẫn còn quanh quẩn gần kinh thành.
Nghe xong, Trần Hằng có vẻ khá hài lòng, trước khi rời đi còn dặn một câu:
“Ở Trân Bảo Các có đôi khuyên tai phỉ thúy mới đến, đi mua về cho phu nhân.”
Ban ngày ta theo Trần Hằng lên triều trực, đến tối chàng lại ngồi lên chiếc kiệu nhỏ.
Ta cứ ngỡ chàng định hồi phủ, nào ngờ lại bị đưa tới một con ngõ nhỏ hẻo lánh.
Cửa vừa mở, Thẩm Tú đã như con chim nhỏ lao vào lòng Trần Hằng.
Ta khẽ cười lạnh.
Trước mặt người ngoài thì si tình với ta là thế.
Người còn chưa chính thức vào cửa, đã vội vàng che giấu tình nhân trong “Kim ốc”.
Ta chẳng buồn nhìn trò diễn giữa hai người họ nữa, lặng lẽ quay đi.
Nơi này cách hộ thành hà không xa, ta đứng bên bờ sông, nhìn mặt nước phẳng lặng trước mắt.
Dòng nước xa xăm ấy đã nuốt trọn mọi dấu vết về ta.
Phụ thân ta vốn là Thượng thư Lễ bộ, tháng trước đã bị hạ ngục, dù may mắn thoát tội cũng sẽ bị biếm khỏi kinh thành.
A đệ của ta vì bảo toàn cho cả nhà, đã tự xin đến biên ải để lập công chuộc tội, còn mẫu thân ta thì đã qua đời nhiều năm.
Sẽ chẳng còn ai đến tìm ta nữa.
Vừa hay, Trần Hằng đã “giải quyết” ta một cách sạch sẽ.
Từ nay về sau, thế gian này sẽ không còn Hứa Minh Nguyệt.
Phụ thân và huynh đệ ta, cũng sẽ không còn phải đau lòng nữa.
10
Khi ta quay về phủ Trần, liền nghe thấy Trần Hằng lại đang nổi giận.
Trong phòng đèn đuốc sáng trưng, phân nửa gia nhân trong phủ đều đang quỳ rạp dưới đất, co ro không dám thở mạnh.
“Sao đến giờ vẫn chưa có tung tích của phu nhân?”
Tên thị vệ dẫn đầu chỉ thấy khổ mà không dám nói:
“Đại nhân, thuộc hạ đã cố gắng tìm kiếm, nhưng người trong thành đông đúc phức tạp, phu nhân… có lẽ là cố tình giấu hành tung…”
“Vẫn cần thêm thời gian…”
“Hoang đường!”
Trần Hằng vung tay áo, giữa hai hàng mày là nỗi bực dọc không thể che giấu.
“Nàng ấy là một phụ nhân, không tiền bạc bên người, nhà mẹ đẻ lại chẳng còn ai nương tựa, lấy đâu ra bản lĩnh lớn đến mức qua mặt được cả Đại Lý Tự?”
“Hừ!”
Ta khẽ bật cười.
Sao ta có thể qua mặt được?
Là vì chàng không yêu ta đấy, Trần Hằng.
Nếu chàng chịu để tâm thêm một chút, chỉ một chút thôi cũng được…
Với năng lực của Đại Lý Tự khanh như chàng, lẽ ra đã sớm nhìn ra sơ hở rồi.
Trong mắt chàng, ta vẫn mãi là Hứa Minh Nguyệt luôn lấy chàng làm trọng.
Ta đã mong mỏi bao lâu mới có thể trở thành thê tử của chàng, làm sao có thể dễ dàng buông tay?
Vì vậy ta để lại thư hòa ly, âm thầm rời đi — đối với chàng mà nói, chẳng qua là chiêu “lạt mềm buộc chặt” mà thôi.
Tất cả đều bị xem như thủ đoạn ghen tuông, vì không muốn để Thẩm Tú bước chân vào phủ.
Nhìn từng nhóm thị vệ được cử đi rồi lại thất bại trở về, Trần Hằng tức đến nghiến răng ken két:
“Hứa Minh Nguyệt, có bản lĩnh thì kiếp này đừng quay lại nữa!”
11
Trong phủ thiếu vắng ta, dường như chẳng có gì thay đổi.
Tin Trần Hằng muốn cưới Thẩm Tú đã lan truyền ngày một rộng.
Xe ngựa đi lại nườm nượp trong phủ để lo việc mua sắm, hôm nay là lụa đỏ, ngày mai lại là trang sức.
Bao cửa hàng trong thành đều bận rộn, hoặc là may xiêm y cưới, hoặc là chuẩn bị sính lễ và hồi môn.
Giờ đây ai ai cũng biết, Thẩm Tú là một nữ tử có số hưởng.
Đại Lý Tự khanh si tình với nàng ta, dù nàng từng góa chồng, tái giá, vẫn có thể gương vỡ lại lành với một nhân tài trẻ tuổi như Trần đại nhân.
Trần Hằng lại chẳng hòa nhập nổi với bầu không khí hân hoan ấy.
Chàng ngày càng bất an, tâm trí rối bời.
Từng đợt thị vệ được phái ra ngoài đều không thu được kết quả, chàng liền đến Kinh Triệu Phủ mượn người, mở rộng phạm vi tìm kiếm.
Chàng đưa tất cả hạ nhân từng ở trong phủ ta về Đại Lý Tự, sau mỗi buổi hạ triều đều chong đèn thẩm vấn suốt đêm.
Hỏi bọn họ rằng ta đã đi đâu.
“Có thể xóa thân phận nô tỳ, có thể thưởng vàng bạc châu báu.”
Trần Hằng đưa ra những điều kiện ấy, thậm chí không ngại mạo hiểm mà mời cả vu y, hy vọng dùng cổ chú ép họ phải mở miệng.
Tiếc là… chàng vốn đã định sẵn sẽ thất vọng.