Chương 1 - Cuộc Đời Thay Đổi Nhờ Một Loại Nấm

Mẹ và bà nội bất đồng trong quan điểm nuôi dạy con, lấy tôi và em trai làm chuột bạch.

Mẹ theo đuổi kiểu giáo dục tinh anh, dốc toàn bộ tài nguyên để nuôi dưỡng em trai.

Còn bà nội thì tin rằng “trời sinh voi sinh cỏ”, đem tôi về quê nuôi theo kiểu thả rông.

Trước năm 18 tuổi, em trai mang đủ loại hào quang kỹ năng, luôn vượt trội hơn tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt coi thường.

Nhưng sau 18 tuổi, em bị áp lực tinh thần đè nặng dẫn đến thất bại thảm hại trong kỳ thi đại học.

Còn tôi – đứa ở quê trồng rau – lại vô tình nuôi ra một loại siêu nấm, chỉ sau một đêm đã nổi tiếng khắp mạng xã hội.

Khi thấy lượng fan của tôi tăng vọt, thậm chí các chuyên gia nông nghiệp còn mời tôi vào phòng thí nghiệm làm việc, em trai bắt đầu căm ghét tôi.

Đến mức lén lút vào bếp khi tôi đang ngủ trưa, bỏ nấm độc vào đồ ăn, đầu độc tôi chết!

Lần nữa mở mắt, tôi quay về cái ngày bị đưa ra làm lựa chọn.

Lần này, em trai hất tay mẹ ra, nhào đến ôm chặt lấy bà nội:

“Giáo dục tinh anh chẳng ích gì, buông xuôi mới là con đường phát tài!”

Còn tôi, nắm tay mẹ, không giấu được sự xúc động—

Kiếp này cuối cùng cũng thoát khỏi móng vuốt của bà nội, được đường đường chính chính học hành thi đại học rồi!

1

Em trai tôi, Lâm Nham, nhào vào lòng bà nội, giọng điệu đầy nịnh nọt:

“Cháu trai thương bà nhất, cháu muốn được bà dạy dỗ ạ!”

Thằng bé còn nhỏ tuổi, nhưng trong mắt đã ánh lên vẻ tinh quái không hợp tuổi, tay thì ôm chặt lấy chân bà không buông.

Nhìn cháu trai làm nũng đáng yêu thế này, bà nội cười tít cả mắt:

“Ôi chao cháu ngoan của bà, nhưng bà già rồi, sợ không chăm nổi cháu đấy.”

Em trai tôi vội vàng nũng nịu:

“Cháu là đàn ông con trai rồi, cháu có thể chăm sóc bà!”

Một tràng phát ngôn ngọt xớt khéo léo khiến bà vui sướng đến nở hoa trong lòng, cười đến không khép nổi miệng.

Ngay sau đó bà vỗ tay quyết định: “Thế thì thằng hai đi theo bà nhé.”

Rồi quay sang mẹ tôi, hừ lạnh một tiếng:

“Để tôi xem cái gọi là giáo dục tinh anh của cô dạy được gì ra hồn ở thằng cả không.”

Em trai liếc tôi ánh mắt đầy thách thức, mặt mày rạng rỡ.

Mẹ tôi điềm đạm, nhìn tôi nghiêm túc hỏi:

Lâm Mặc, con có sẵn sàng đi theo mẹ để tiếp nhận giáo dục tinh anh không?”

Em trai đứng bên chen lời, hả hê như được xem kịch vui:

“Học với mẹ thì vất vả lắm đấy, em thì thích được ở cạnh bà hơn.”

“Nếu là anh thì chắc chắn sẽ chịu khổ được, chắc chắn sẽ đồng ý theo mẹ học, đúng không?”

Nó còn lè lưỡi trêu chọc, nhưng mẹ vẫn giữ vẻ mặt nghiêm nghị.

Tôi nắm lấy tay mẹ, kiên định nói:

“Mẹ, con sẵn sàng theo mẹ học hành tử tế, ngày ngày tiến bộ.”

Trên gương mặt mẹ thoáng hiện vẻ bất ngờ.

Bà nhìn tôi thật lâu, rồi khẽ gật đầu.

Tôi phải cố kiềm chế sự phấn khích trong lòng, giữ vẻ mặt bình tĩnh.

Kiếp này, cuối cùng tôi cũng có thể đường đường chính chính được đi học rồi.

2

Sau đó, em trai cùng tôi về nhà thu dọn hành lý, chặn tôi lại trên cầu thang.

“Lâm Mặc, không ngờ đúng không, cả hai chúng ta đều trọng sinh rồi!”

“Rõ ràng cái gì mày cũng kém tao, vậy mà chỉ nhờ ăn may mà cuối cùng sống còn tốt hơn tao, còn thành cái gọi là thiên tài khoa học gia!”

“Còn tao thì chịu khổ hơn chục năm, đến kỳ thi đại học cũng rớt thảm, ngay cả cao đẳng cũng không đậu nổi!”

“Kiếp này, mày cứ theo cái mặt đơ kia học hành khổ cực đi! Ông đây thì đi hưởng phúc đây!”

Nó túm cổ áo tôi, gương mặt méo mó giận dữ.

Trong mắt nó, tất cả những gì tôi có ở kiếp trước đều là ăn may, còn bất hạnh của nó là vì đã chọn đi theo mẹ.

Tôi đẩy tay nó ra, chỉnh lại cổ áo mình, bình thản nói:

“Em trai, thu dọn xong thì đi đi.”

“Hy vọng sau này em sẽ không hối hận vì lựa chọn hôm nay.”

Nó hừ lạnh:

“Hối hận? Tao thấy người phải hối hận sau này sẽ là mày mới đúng!”

Đúng lúc đó, mẹ đã ôm một chồng tài liệu học tập bước vào phòng tôi.

Em trai cười khẩy, châm chọc:

“Anh à, huấn luyện địa ngục của anh tới rồi đó, ráng mà chịu nghen, ha ha ha…”

Nó cười phá lên, kéo vali rời khỏi biệt thự.

Kiếp trước, nó không muốn về quê sống khổ với bà nội, bám lấy mẹ, khóc lóc năn nỉ đi theo mẹ.

Nhưng sau đó, dưới sự giúp đỡ của Chú hai giàu có, bà nội mua nhà ở thành phố, hai bà cháu dọn đến ở ngay cạnh nhà mẹ và em trai.

Tôi chẳng phải chịu bao nhiêu khổ ở quê, trái lại còn sống nhàn nhã không bài vở ngay giữa thành phố.

Em trai mỗi ngày học hành từ sáng sớm đến tối khuya, nhìn tôi chẳng cần học hành gì mà ghen tức ra mặt mỗi khi gặp.

Báo cáo