Chương 10 - Cuộc Đời Của Liên Chi

10

Hoài Viễn và Ngân Nhi cũng dần quen việc trong quán, ta bèn thong dong lười biếng hơn.

Phía quán rượu bên cạnh, Trương nương tử vốn tính tình dễ mến, thường ghé sang ngồi chơi.

Bà ta nhìn bụng ta cười nói:

“Xem chừng là song thai rồi đó.”

Ta cũng cười đáp:

“Vậy thì hay quá! Con trai con gái đều có đủ, phụ thân chúng nó về nhìn chắc mừng lắm.”

“Gần cuối năm rồi, cha chúng nó bao giờ mới về? Hai mẹ con lẻ loi thế này.”

“Cũng sắp rồi, nghe nói chàng được thăng chức, hình như làm phó tướng gì đó, ta cũng không rành lắm.”

Trương nương tử nghe xong ánh mắt đầy hâm mộ, về nhà lại mắng chồng mình cả buổi, nói chỉ biết bán rượu mà chẳng nên thân.

Đêm trừ tịch, Hoài Viễn sớm đã đóng cửa về nhà.

Khắp thành đèn đuốc sáng trưng, ta cùng Ngân Nhi dọn chút rượu đồ ăn, dựa bên cửa sổ nhìn bọn trẻ dưới phố đốt pháo hoa.

“Nương tử, người còn nhớ Vương gia không?”

Ngân Nhi uống cạn một chén nhỏ, khẽ hỏi.

Ta nhìn ra ngoài cửa sổ.

Tuyết rơi rồi.

Không biết nơi đó, có ai vì chàng mà thêm áo không?

Cái phủ đệ to lớn ấy, mỗi người đều mong mỏi được chàng ân sủng, có mấy kẻ thật lòng vì chàng?

“Không nhớ. Nhớ để làm gì? Chàng có Thẩm Như Nguyệt là đủ. Ta chỉ cần sống vui vẻ với ngày của ta.”

“Người thật sự buông xuống được sao?”

“Buông hay không cũng thế cả thôi.”

Ngoài cửa sổ có người đi ngang.

Ta mỉm cười nhìn theo:

“Trương nương tử nói ta mang song thai, không biết có đúng không nữa.”

“Chờ ít ngày nữa là rõ.”

Pháo nổ tưng bừng, tiếng người cười nói rộn rã.

Năm mới đã tới.

Tất cả đều là khởi đầu mới.

Mùng bảy tháng Giêng, ta hạ sinh An nhi và Lạc nhi.

Hàng xóm tới chúc mừng, ai cũng khen ta phúc lớn, sinh được cả trai lẫn gái.

Ta cũng thấy thế.

Dù trước kia khổ cực đến mấy, nhưng chỉ cần sau này có An nhi, Lạc nhi, và Ngân Nhi kề bên, được bình an sống hết đời đã là tốt lắm rồi.

Ngày qua ngày yên ả, thoáng cái ba năm trôi qua.

An nhi, Lạc nhi đã lớn, chạy khắp phố khắp ngõ.

Chúng hay níu lấy ta hỏi:

“Nương ơi, nương ơi, cha bao giờ mới về với chúng con?”

Ta chỉ biết thở dài.

Quả thật đau đầu, ta biết đi đâu tìm một người cha cho chúng đây?

Một ngày, có một lão bà tới trọ.

Ta từ trên lầu bước xuống, vô tình chạm mặt bà ta.

Vừa nhìn thấy ta, lão bà liền quỳ sụp xuống trước mặt:

“Tiểu thư! Lão nô tìm người khổ quá rồi!”

Ta vội vàng đỡ dậy:

“Lão bà, sợ người nhận lầm rồi.”

“Không thể lầm! Đôi mắt này, giống y hệt phu nhân khi xưa!”

Ta mỉm cười, lui về sau quầy:

“Lão nhân gia, thiên hạ rộng lớn, người giống nhau cũng thường. Ta từ nhỏ côi cút, sao có thể là tiểu thư nhà ai.”

Bà ta lập tức theo sau, khẩn khoản:

“Xin thứ cho lão nô mạo phạm, nhưng vẫn muốn xác nhận cho rõ.”

“Xác nhận thế nào?”

Ta nhìn thẳng vào mắt bà, thấy trong ấy ánh lên nét lo lắng gấp gáp.

“Xin cho lão nô nhìn vai phải của người. Nếu lão đoán không lầm, nơi đó hẳn có một bớt hình mai hoa. Lão nô trông người lớn lên từ nhỏ, quyết không thể sai.”

Ta khẽ thở dài, dẫn bà ta lên lầu, từ từ cởi y phục vai phải.

Quả nhiên nơi ấy, có một vết bớt hình hoa mai màu xanh nhạt.

Bà nắm lấy tay ta, nước mắt rưng rưng:

“Tiểu thư ơi… A Nguyệt của lão nô đây rồi, rốt cuộc tìm được người rồi.”

Trong đầu ta chỉ còn ký ức về những ngày gió cát Tây Bắc, còn lại thì chẳng nhớ được gì.

Ngân Nhi bưng trà tới, khẽ nói:

“Hay là để lão bà và nương tử ngồi trên lầu hàn huyên đi.”

Từ miệng bà – Tôn mụ mụ – ta mới biết, ta vốn họ Thẩm, tên Như Nguyệt.

Là con gái trưởng của Thẩm Trung Thừa đương triều.

Chín tuổi theo mẹ về quê bái tổ, rồi sau đó mất tích…

Ta nghe mà thấy thật khó tin.

Thẩm Như Nguyệt ấy, chẳng phải chính là tân Vương phi của Vương gia ư?

Nàng ta thì có can hệ gì tới ta chứ?

Tôn mụ mụ vội vàng giải thích:

“Nàng ấy à, tám phần là con của ả tiện nhân họ Liễu kia đấy.”

“Liễu di nương vốn là chị em khác mẹ với tiểu thư. Năm đó Thẩm đại nhân và phu nhân sớm đã đính ước, tình sâu nghĩa trọng.”

“Nhưng Liễu di nương cũng ngấp nghé Thẩm đại nhân, bày mưu tính kế, mang thai trước, cuối cùng hai chị em cùng gả vào Thẩm phủ.”

“Lần ấy về quê bái tổ, Liễu di nương chỉ dẫn theo Thẩm Lưu Chu trở về, lại cứ khăng khăng nói đó chính là A Nguyệt. Hai người vốn giống nhau như đúc, chỉ khác duy nhất là vết bớt hình hoa mai trên vai phải.”

“Khi ấy lão thái thái muốn kiểm tra, nhưng vừa vén áo lên thì thấy vai Lưu Chu máu thịt be bét, Liễu di nương nói bị cây cào rách, ngay cả da lẫn thịt đều không còn.”

“Giờ nghĩ lại, thật là độc ác. Đến con ruột cũng dám hạ thủ như vậy.”

“Chuyện ấy cũng thôi đi, nếu không phải ba năm trước lão thái quân và lão nô tình cờ gặp cô ngoài thành.”

Báo cáo Nếu phát hiện thiếu chương hoặc bất kỳ vấn đề nào, hãy phản hồi cho tôi! :)