Chương 10 - Chiếc Tủ Thuốc Bí Mật
10
Sau khi vào đông, Nam Kinh đón trận tuyết đầu tiên.
Tôi ngồi ở ban công, nhâm nhi ly trà hoa cúc kỷ tử, ngắm tuyết trắng phủ đầy mái ngói ngoài khung cửa.
Điện thoại báo có tin nhắn.
[Mẹ, Thừa An được chọn thi hùng biện cấp thành phố vào cuối tuần này. Cô giáo chủ nhiệm đề cử.
Con không dám gọi, nhưng… con mong mẹ sẽ đến.]
– Mộng Kỳ
Tôi nhìn tin nhắn, im lặng một lúc, rồi nhắn lại bốn chữ:
“Ngoại sẽ đến.”
[Thời gian và địa điểm?]
Mười phút sau, tin nhắn hồi âm với địa chỉ, thời gian cụ thể, kèm theo một câu:
[Nếu mẹ có thể đến, Thừa An chắc chắn sẽ rất vui.]
Hôm thi, tôi đến từ rất sớm, ngồi ở hàng ghế giữa trong khu vực khán giả.
Từng bạn nhỏ lần lượt lên sân khấu, đề tài hôm đó là “Gia đình của em”.
Đến lượt Thừa An, thằng bé bước lên bục, đảo mắt tìm quanh hội trường rồi ánh mắt chợt sáng lên khi nhìn thấy tôi.
Tôi nhẹ nhàng gật đầu với nó.
Khi nói, giọng thằng bé không lớn, nhưng rõ ràng và chắc chắn:
“Gia đình của em là người bạn dũng cảm nhất của em.”
“Người ấy vừa pha trà thuốc vừa kể chuyện cổ xưa, người ấy ngồi bên em làm bài tập nhưng chưa bao giờ mắng em ngốc.”
“Người ấy từng nói: ‘Người lớn mắc sai lầm là chuyện của người lớn, còn trẻ con mãi mãi là người trong nhà.'”
Khán phòng im lặng mấy giây, sau đó vang lên tràng pháo tay như vỡ òa.
Khoé mắt tôi nóng lên, nhưng không rơi lệ.
Tôi chỉ lặng lẽ lấy khăn giấy, khẽ chấm nhẹ khóe mắt.
Kết thúc buổi thi, tôi chưa vội rời đi thì một bóng dáng quen thuộc đã bước tới chắn trước mặt.
Là Mộng Kỳ.
Nó mặc áo khoác tối màu, mặt mộc, ánh mắt lúng túng và dè dặt.
“Mẹ, mẹ đến thật rồi.”
Tôi chỉ “ừ” một tiếng.
Nó ngập ngừng một chút rồi đưa cho tôi một tập hồ sơ:
“Đây là nhật ký công việc mấy tháng gần đây của con. Con đang làm một dự án quản lý bệnh mãn tính trong cộng đồng… không có cơ quan nào hỗ trợ, con tự viết đề án, tự đi xin nguồn lực.”
“Không phải để khoe khoang, chỉ là muốn mẹ biết, con không phải nói suông.”
Tôi nhận lấy, không mở ra xem, chỉ nhẹ nhàng nói:
“Nhớ chăm sóc bản thân cho tốt.”
Mộng Kỳ cắn môi, đôi mắt đỏ hoe:
“Mẹ, tuần sau con… có thể đến nấu cơm cho mẹ một bữa được không?”
Tôi không trả lời.
Nhưng nó hiểu — lần này, tôi không từ chối.
Ngoại truyện.
Sau này, tôi được mời làm cố vấn đặc biệt cho Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Thành phố Nam Kinh, quay lại với công việc.
Mỗi ngày tôi chạy xe điện nhỏ giữa bảo tàng và phòng trưng bày, thỉnh thoảng về nhà trồng vài loại thảo dược.
Còn Mộng Kỳ, đều đặn mỗi tháng một lần đến thăm, mang theo Thừa An, mang theo cơm hộp do chính tay nấu, mang theo báo cáo công việc — lặng lẽ tiến gần lại mái ấm mà chính nó từng đẩy ra xa.
Tôi không dễ dàng tha thứ.
Nhưng cũng không còn khép lòng.
Giống như một câu trong bức thư chưa từng gửi đi mà tôi từng viết:
“Con đường mẹ con, có đi xa, cũng không phải không thể quay về.”
“Chỉ cần con chịu quay đầu, dù chậm rãi từng bước một… mẹ vẫn đứng đây, chờ con.”
— Hết —