Chương 6 - Câu Chuyện Ly Hôn Không Ngờ

11

Tôi không ngờ trong chuyến đi Hồng Kông tìm viên hồng ngọc cho khách, tôi lại gặp Tống Kỵ Bạch.

Chắc đúng câu “tình trường thất ý, sự nghiệp đắc ý”.

Xưởng trang sức của tôi nhận được một đơn hàng lớn.

Một bà mẹ nhờ tôi thiết kế món trang sức cho lễ trưởng thành 18 tuổi của con gái.

Sinh nhật tháng 7, hồng ngọc là lựa chọn hợp nhất.

Chúng tôi chạm mặt nhau ở sân bay.

Tôi kinh ngạc nhìn anh ấy, vai rộng chân dài, áo khoác màu lạc đà, bên trong là vest công sở may đo chỉn chu, so với thời trẻ vẫn đẹp trai nhưng chín chắn hơn nhiều.

Lâu rồi không gặp, giữa chúng tôi có chút xa cách.

Anh ấy ngại ngùng gãi mũi: “Đường Kỳ không yên tâm để cậu đi một mình, bảo tớ đến làm hướng dẫn viên địa phương.”

Chúng tôi quen nhau từ bé, mặt dày cũng có thể gọi là thanh mai trúc mã.

Chỉ là sau khi tôi quen Lục Tự Nam, anh ta không thích tôi thân thiết với Tống Kỵ Bạch như trước, nên chúng tôi dần dần ít liên lạc.

Đêm ở bến cảng Victoria, pháo hoa rực rỡ.

Anh ấy dẫn tôi đi ăn mấy món ăn vặt ven đường.

Trong một quán ăn lâu đời đông nghịt người, chúng tôi bị dồn vào một góc nhỏ, ngồi gần nhau ăn phần của mình.

Trà chanh lạnh mùa đông còn đã hơn mùa hè, uống một ngụm khiến tôi nổi hết da gà.

Giữa không gian ồn ào rộn rã, chúng tôi ăn ý chẳng ai nhắc chuyện hiện tại chỉ cùng nhau ôn kỷ niệm.

“Quán trà sữa trước cổng trường cấp 3 còn mở không?”

“Còn, chỉ là đổi chủ rồi nhưng vẫn giữ nguyên kiểu trang trí.”

“Thật á? Tớ mấy năm rồi chưa ghé lại.”

“Chủ cũ còn nhắc cậu đó. Tớ thi thoảng ghé mua trà sữa, bà ấy hỏi thằng nhóc năm xưa mùa đông mặc áo da cứ đòi dựng cổ giờ đi đâu rồi.”

Tống Kỵ Bạch hút mì, tai đỏ ửng.

Không tin nổi: “Trời ơi, bao nhiêu năm rồi mà bà ấy còn nhớ! Mắc cỡ chết đi được, tớ sợ nhất ai nhắc mấy trò ngu hồi cấp 3.”

Tôi trêu: “Ai bảo cậu cả mùa đông không chịu mặc áo phao, cứ khoác trên tay để ra vẻ ngầu.”

Anh ấy đặt đũa xuống, lau miệng rồi phản công: “Cậu thì hay rồi, dám vớt hết cá vàng của hiệu trưởng trong hồ lên để cho con mèo thả rông của hiệu phó ăn!”

Trong quán ăn đầy mùi đời, chúng tôi cười lớn đối mặt nhau.

Thật sự rất sảng khoái.

Cuộc gọi từ thư ký của Lục Tự Nam đến một tuần sau khi tôi đáp xuống Hồng Kông.

Anh ta có vẻ lo lắng, nhưng không muốn mất mặt tự gọi, nên sai thư ký hỏi tôi khi nào về.

Sắp Tết rồi, trong nhà còn nhiều việc phải chuẩn bị.

Tôi nhờ thư ký nhắn lại: Đã định ly hôn thì không cần về ăn Tết cùng, sau này có chuyện cứ liên hệ luật sư của tôi.

Khi Lục Tự Nam nghe xong lời này, anh ta đang giúp Ôn Kiều xem di chúc của chồng thứ hai của cô ta.

Di chúc có nhắc tới Ôn Kiều, để lại cho cô ta một tòa lâu đài cổ nhìn thì đẹp nhưng vô dụng.

Dù ở hay không ở, phí bảo trì mỗi năm cũng đắt đến giật mình.

Điều khoản pháp luật lại rắc rối, Ôn Kiều nhờ anh ta giúp.

Anh ta bận rộn cả ngày ở nhà Ôn Kiều, đến tận 9 giờ tối mới đặt tài liệu xuống, nghe thư ký nhắc lại lời vợ.

“Được rồi, hôm nay đến đây thôi.”

Anh ta quay sang nhìn Ôn Kiều.

Ôn Kiều mặc váy ngủ lụa trắng, rõ ràng vẫn là dáng vẻ trong ký ức anh ta, nhưng anh ta đã không còn tình cảm nữa.

Bất ngờ, anh ta lại muốn gặp Hướng Vãn Tinh, muốn gặp vợ mình.

Anh ta thu dọn đồ nhanh hơn, không để ý nụ cười gượng gạo của Ôn Kiều.

Đang dọn thì tay bị nắm lấy, truyền đến hơi ấm.

“Đi à? Tối nay em hẹn video call với con, ở lại đi, nó muốn nói với ba vài câu.”

Đứa bé đó là ngoài ý muốn, đêm đó cũng là ngoài ý muốn.

Ôn Kiều nói là con anh ta, vì không muốn cô ta khó xử nên hai người chưa từng nhắc tới chuyện xét nghiệm ADN.

Nhưng cô ta càng nhắc đến con, anh ta lại càng muốn gặp vợ.

Anh ta đi rất vội.

Xe vừa đậu dưới công ty, anh ta quyết định tối nay làm thêm, tranh thủ mấy ngày sau bay sang Hồng Kông tìm vợ.

Còn ly hôn?

Từ đầu anh ta đã không xem đó là chuyện quan trọng.

Anh ta biết vợ rất yêu mình, biết cô không còn ai thân thiết, ly hôn chỉ là cơn “7 năm ngứa ngáy”.

Dỗ dành là xong.

Báo cáo