Chương 1 - Bí Mật Nghề Nghiệp Của Gia Đình Tôi

Đêm trước giao thừa, chú Hai ở quê lên nhà tôi gây chuyện.

Ông ta đòi ba tôi chuyển nhượng căn nhà mới mua ở Thiên Tân cho con trai ông ta.

Lý do là vì tôi là con gái, sau này cũng phải đi lấy chồng, vốn dĩ không tính là người nhà họ Lý.

Còn anh họ tôi sắp cưới vợ, lấy căn hộ dạng thông tầng ở thành phố lớn làm nhà tân hôn thì vừa tiện nghi vừa nở mày nở mặt. Sau này sinh hai ba đứa con cũng không bị chật chội.

Ba tôi tức đến mức bật cười, nhẹ nhàng giải thích rằng căn nhà đó vẫn còn nợ hơn một triệu tệ tiền vay, giờ mỗi tháng tôi đang là người trả góp.

Vậy mà chú Hai lại gật đầu rất đương nhiên:

“Vậy thì để Văn Văn tiếp tục trả đi.”

Ngay sau đó còn hỏi tiếp:

“Nhưng có ảnh hưởng gì đến việc sang tên không? Sau này Văn Văn có giành nhà với tụi nó không?”

Tôi đi giành nhà á?

Căn nhà đó là ba tôi trả tiền đặt cọc, tôi trả góp hàng tháng, giấy tờ chỉ ghi mỗi tên tôi, tôi có lý do gì phải tranh giành với ai chứ?

1

Ba tôi cố nhẫn nại giải thích: căn nhà đó là mua cho tôi, sau khi sửa sang xong thì tôi sẽ dọn vào ở, chẳng liên quan gì đến con trai ông ta cả.

Nói đến nước này rồi mà chú Hai vẫn tự mình tưởng tượng, cho rằng ba tôi đang đùa.

“Anh nói linh tinh gì thế? Bao nhiêu tài sản của anh, sớm muộn gì cũng phải để lại cho con trai tôi chứ! Nó là con trai duy nhất của nhà họ Lý đó! Không được sửa nhà! Để nó tự sửa, nhỡ đâu con dâu tôi không thích kiểu trang trí của mấy người thì sao…”

Thấy ba tôi nghẹn lời thở phì phì, chú vỗ vai ba tôi, mặt mày đầy vẻ thắng thế:

“Được rồi em trai, đừng đùa nữa. Căn nhà này lo mà làm thủ tục chuyển nhượng cho lẹ, cưới vợ là chuyện lớn, làm anh thì đừng gây thêm rắc rối.”

Ba tôi làm kinh doanh, ngày thường hay khoác lác trong nhà rằng ông từng gặp đủ loại người trên đời, “rừng ngoài kia rộng lớn, chim gì mà tôi chưa thấy”.

Nhưng đến khi con chim kỳ dị đó lại chính là ông anh ruột của mình, ông hoàn toàn bất lực.

Chỉ có thể một lần nữa nhấn mạnh, tất cả tài sản ông dành dụm suốt mấy chục năm, đều là để lại cho tôi.

Tôi là người thừa kế hợp pháp, đời nào đến lượt anh họ tôi.

Nghe đến đây, chắc chú Hai cũng bắt đầu tin là ba tôi không nói đùa.

Chỉ tay vào tôi, ông ta không tin nổi mà hét lên:

“Cho Văn Văn á? Nó là con gái, sau này phải đẻ con cho nhà khác! Nó có chết cũng không được ghi tên vào gia phả!”

Đã thế còn đúng dịp Tết mà ông ta mở miệng nguyền tôi chết.

Mẹ tôi – một giảng viên đại học cả đời dịu dàng nho nhã, chưa từng đỏ mặt cãi vã – cuối cùng cũng tức đến mức gân cổ chửi thề.

Chửi xong thì tối sầm mặt mày, ngã phịch xuống ghế không thở nổi, bảo tôi mau đưa thuốc hạ huyết áp.

Suýt nữa thì vào ICU, may mà anh họ tôi kịp thời đến, mới dẹp được màn kịch này.

Lúc lôi chú Hai ra ngoài, ông ta vẫn còn lèm bèm:

“Lão Tam! Không có con trai tao thì tao cho mày làm nửa đứa con, vợ mày cũng mãn kinh rồi, mày sớm muộn gì cũng tuyệt hậu!”

Ra tới cầu thang rồi mà chú còn không quên gào vào nhà tôi như muốn cho cả khu chung cư nghe thấy “nỗi oan ức” của mình:

“Đừng quên cái ơn của tao! Đừng quên chuyện tao đã làm vì mày năm đó…”

Mẹ tôi thở hổn hển giễu ba tôi:

“Chuyện gì? Giúp anh giấu bồ à?”

Ba tôi bất lực lắc đầu:

“Chỉ là mấy chuyện hồi nhỏ, còn gì to tát đâu…”

2

Có một người thân kỳ dị như vậy, cả nhà tôi ăn Tết không yên.

Vậy nên vừa rồi vào dịp nghỉ lễ 1/5, khi ba tôi bảo cả nhà phải về quê dự đám cưới anh họ, tôi và mẹ đều phản đối kịch liệt.

“Dù sao cũng là người một nhà, năm đó ba học đại học không có tiền đóng học phí, là chú Hai cấy lúa nuôi ba đi học mà…”

Ba tôi mang câu chuyện cảm động cũ mèm ra, còn nhắc lại vụ lộn xộn hồi Tết:

“Lần đó cũng làm to chuyện quá, chú Hai biết sai rồi, nói lần này sẽ xin lỗi đàng hoàng.”

Tôi quay đầu lườm ông một cái:

“Xin lỗi kiểu gì? Đợi con chết rồi mới cho con lên gia phả hả?”

Tôi thì cứng rắn phản đối, còn mẹ tôi thì vẫn hiền lành như mọi khi.

Ba tôi từ chỗ mẹ mềm lòng mà thuyết phục, cuối cùng cũng dụ được cả hai mẹ con tôi lên xe về quê.

Nhưng không hiểu sao, suốt cả đoạn đường cao tốc, mí mắt tôi cứ giật liên hồi.

Lúc đang tranh thủ trả lời email, tôi còn lướt xem tử vi, nói rằng tuần này tôi có thể gặp phải chuyện “khó tin đến mức kỳ quặc”.

Chẳng hiểu vì sao, tôi lại tiện tay lướt xem điện thoại của ba, trong đó có một dòng khiến tôi sững người:

“Phải cẩn thận, có khi bí mật năm xưa sắp bị người ta khui ra.”

Cái quái gì vậy?

Tôi cũng không để tâm lắm. Rất nhanh sau đó, xe đã rời khỏi cao tốc, tới đầu làng.

Lúc xếp hàng làm xét nghiệm COVID, cách đó không xa có một người đàn ông trung niên khoảng năm mươi tuổi, cứ cười nham nhở nhìn về phía chúng tôi.

Ông ta cúi đầu nhìn biển số xe của ba tôi như đang xác nhận điều gì, rồi lại ngẩng lên nhìn tôi chằm chằm, đảo mắt từ đầu đến chân, nhe hàm răng vàng khè ra cười, khiến tôi rợn cả người.

“Ba, ai thế?”

Tôi vòng ra phía sau ba, liếc về hướng ông ta rồi thì thầm, “Ông ấy cứ nhìn con chằm chằm.”

“Chắc người trong làng thôi, có khi là họ hàng bên nhà dì Hai mày.”

Tôi quay đi, không thèm để ý nữa, cúi xuống trả lời tin nhắn công việc trong điện thoại.

Vì đến hơi trễ nên vừa vào làng là chúng tôi đến thẳng nhà chú Hai để dự tiệc cưới.

Chú Hai vốn sĩ diện, tiệc cưới tổ chức rất rình rang, thịt cá ê hề bày ra từ sáng, mời tới ba bốn chục bàn, gần như nửa cái làng đều tới.

Tôi ngồi cạnh mẹ, ở một bàn sát bàn chính.

Từ sau cú sốc hồi Tết, huyết áp mẹ tôi vẫn chưa ổn định.

Tôi đang định lấy thuốc cho mẹ uống trước khi ăn thì bất ngờ có hai bàn tay đè mạnh lên vai tôi.

“Văn Văn đến rồi à, càng lớn càng xinh.”

Tôi quay lại, là chú Hai.

Ông ta cười thân thiện, thậm chí có phần nịnh bợ, như thể đã quên sạch những chuyện đã gây ra hồi Tết – nào là lật tung nhà tôi lên, nào là rủa ba tôi tuyệt hậu.

“Bàn này toàn người lớn, Văn Văn ngồi đây không tiện. Qua bên kia đi, chú để sẵn chỗ cho con rồi.”

Ông lại khoác vai ba tôi, vồn vã như anh em thân thiết:

“Tối nay phải uống với anh vài ly đấy. Hai anh em mình là ruột thịt, máu mủ với nhau mà. Siêu Siêu nhà anh cũng là con trai của em, con trai em cưới vợ, em không say không về.”

“Nhưng em yên tâm.” – ông ta đột nhiên đổi giọng, hứa hẹn chắc nịch –

“Cái gì trong nhà em là của Văn Văn hết, không ai giành đâu.”

Nghe vậy, tôi thoáng nghi ngờ – chẳng lẽ ông ta thật sự thông suốt rồi?

Còn chưa kịp hiểu chuyện gì, tôi đã bị chú Hai đẩy tới một bàn ở khá xa chỗ ba mẹ, ngồi cạnh một người đàn ông trẻ dáng vẻ hiền lành, mộc mạc.

“Đây là Lưu Bằng, chắc con còn nhớ. Hồi nhỏ, mỗi lần về quê là con với nó lại rủ nhau ra đồng bông chơi.”

Nói thật thì tôi chẳng nhớ gì mấy, chỉ thấy lạ vì chú Hai bỗng dưng tử tế lạ thường.

“Lưu Bằng học hết tiểu học thì theo ba đi làm công trình, xây cho làng mình biết bao nhiêu nhà. Giờ là đại gia hạng nhất hạng nhì ở đây, nhiều cô gái nhăm nhe lắm đấy.”

Chú Hai vừa nói vừa nháy mắt với Lưu Bằng một cái rõ mạnh:

“Đây là Văn Văn, cháu gái chú. Tối nay tranh thủ nói chuyện nhiều vào nhé, lâu không gặp, đừng để xa cách quá.”

Lưu Bằng gãi đầu cười ngại ngùng.

Chú Hai thì tiếp tục tâng bốc, nói anh ta nào là hiếu thảo, giỏi giang, biết kiếm tiền, chẳng ai sánh bằng.

Còn tôi thì bị ông ta miêu tả thành một “gái già” gần ba mươi tuổi, học cao quá, lo làm việc nên ế chỏng chơ.

Trong suốt bữa tiệc, tôi và Lưu Bằng đều khá gượng gạo, chẳng biết nói gì cho hợp.

Chúng tôi trò chuyện qua loa vài câu, rõ ràng không hợp nhau.

Anh ta vừa nghịch điện thoại vừa hào hứng khoe:

“Chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ tối nay, là có thể đưa nữ streamer anh thích lên bảng xếp hạng.”

Anh còn chìa điện thoại ra cho tôi xem – một cô gái uốn éo nhảy nhót gọi “anh ơi” ngọt như mật, đọc cả nickname của anh là “Tiểu Bằng ca lãng tử si tình.”

Tôi nghe mà nổi da gà, còn anh thì cười đến tít cả mắt.

Không thể tiếp tục được nữa.

Tôi chỉ ăn qua loa vài miếng, rồi quay đầu nhìn về phía ba mẹ.

Chú Hai đang hồ hởi kéo ba tôi cụng ly liên tục, hai người cười nói cứ như đang mặc chung một cái quần.

Tôi không còn chút khẩu vị nào.

Bỗng có một người đàn ông trung niên tiến đến gần.

Chính là người đã nhìn tôi chằm chằm lúc ở cổng làng.

“Đây là Văn Văn nhà họ Lý đúng không?” – ông ta khoác vai Lưu Bằng, trông rất thân thiết.

“Tao là chú Lưu của con đây, hồi nhỏ còn bế con cơ mà.”

Vừa nói, ông ta vừa giơ chén rượu lên, không cho tôi từ chối mà rót đầy nửa ly, rồi rót cho Lưu Bằng một ly đầy tràn nữa.

“Thằng ranh này, tiếp khách kiểu gì mà để người ta ngồi không có rượu hả?” – vừa nói, ông ta vừa búng mạnh vào trán Lưu Bằng một cái, lập tức đỏ lòm một mảng.

“Uống nào, Văn Văn. Chú mừng con tốt nghiệp thạc sĩ, không dễ gì đâu.”

Tôi từ chối không nổi, đành nhấp vài ngụm cho xong.

Chương 2 ở đây nha: