Chương 7 - Bát Cơm Thiu Và Hôn Ước Đã Quên
Hắn định chạy lên chính viện xin mời đại phu, lại bị Thôi Hằng ngăn lại:
“Nếu bọn thái y kia thực sự hữu dụng, ta còn để thứ độc xương này hành hạ đến hôm nay ư?”
Hắn không chịu đổi thầy thuốc, cũng không muốn làm ầm ĩ ra ngoài.
Chứng bệnh ấy cứ thế mỗi ngày một nặng hơn.
Nhìn hắn gầy yếu tiều tụy, ta cũng không đành lòng.
Bởi bệnh này khác hẳn ngây dại như Tống Trường An.
Tống Trường An dẫu bệnh, cũng chỉ là si ngốc mà sống lâu.
Nhưng Thôi Hằng nếu không trị được, e là sẽ mất mạng.
Nghĩ nát óc, cuối cùng ta cũng tìm ra được một cách.
Thuở trước ở Tống gia, từng có lần Tống Trường An leo lên giả sơn mà trượt ngã gãy tay.
Dù Tống gia mời khắp danh y trong kinh, cũng không trị được tật run nơi cánh tay ấy.
Mãi đến khi nghe nói trên Tây Hoa Sơn, cách kinh thành năm mươi dặm, có một suối nước nóng có thể tiêu ứ thông mạch.
Triệu thị bèn sai ta đưa Tống Trường An lên đó ở lại nửa tháng, sau quả nhiên bệnh tay run của hắn dần dần khỏi hẳn.
Nay nghĩ lại, nếu thật sự đưa Thôi Hằng lên Tây Hoa Sơn điều dưỡng, e là không thể hoàn toàn trị dứt căn bệnh đau chân, nhưng ít nhất cũng có thể giảm bớt được đôi phần.
Nghĩ vậy, ta bèn đánh bạo nói hết ý mình ra.
Ngỡ rằng Thôi Hằng sẽ không chịu thuận theo, không ngờ hắn lại đáp lời rất dứt khoát:
“Tây Hoa Sơn? Được, vậy thì lại đi một chuyến.”
Khi ấy ta chỉ mừng thầm rằng công việc sáu lượng bạc một tháng của mình tạm thời giữ được, chưa kịp nghĩ sâu về chữ “lại” trong câu nói kia.
Mãi đến lúc tới chân núi Tây Hoa, ta mới biết, nguyên lai Thôi Hằng từng đến đây từ trước.
“Nhị công tử chân cốt đau lại, năm năm trước cũng từng đến nơi này điều dưỡng, chỉ không rõ giờ suối ấy còn chảy không.”
Tất nhiên là còn.
Sau khi bệnh run tay của Tống Trường An khỏi hẳn, Triệu thị càng tin Tây Hoa Sơn có thần hiệu.
Mỗi khi Tống Trường An có chút bệnh tật, bà ta lại sai ta theo hầu lên núi trú một thời gian.
Lần gần nhất cũng chỉ mới nửa năm trước.
Trừ phi ba tháng đại hạn, bằng không con suối ấy hiếm khi nào cạn.
Đường núi Tây Hoa cao dựng, muốn tắm suối nóng phải đi đến lưng chừng núi mới có nhà nghỉ và giếng suối.
Thôi Hằng vốn chân đau, lẽ ra nên ngồi kiệu mềm.
Nhưng chẳng khéo đúng hôm ấy trời lại đổ mưa, đường núi lầy lội, ba con lối nhỏ đều phong bế.
Còn con đường duy nhất có thể cho kiệu đi thì cũng bị chặn, nói là có một vị phu nhân lên núi điều dưỡng, lúc đi kiệu lấm bẩn váy áo nên đang thay y phục, chưa rõ khi nào mới thông lối.
Thành ra muốn lên núi, chỉ còn cách đi bộ qua một nghìn bậc đá xanh trước sơn môn.
Con đường này ta chẳng phải chưa từng đi qua, nhưng Thôi Hằng thì…
Hắn chỉ cười, giọng thản nhiên:
“Đã muốn mượn suối nóng nơi đất linh thiêng, tự nhiên phải kính cẩn cúng tế sơn thần. Chuyến này cũng coi như biểu lộ lòng thành.”
Đã như vậy, thì còn gì để nói.
Thôi phủ người hầu vốn ít, lại phải có người trông xe ngựa, khuân vác hành lý.
Chấp Kỳ bận đi mời thầy thuốc, không theo được.
Việc dìu đỡ Thôi Hằng lên núi, tự nhiên rơi vào tay ta.
Mưa vừa dứt hôm qua, đá xanh trơn trợt, đầu gối phải của Thôi Hằng mang bệnh, mỗi bước đi đều chậm chạp nặng nề, gần như cả trọng lượng cơ thể đều đè lên người ta.
Ta một tay cầm ô, một tay đỡ ngang hông hắn, từng bước leo lên bậc đá lạnh ướt.
Gió núi lồng lộng, ẩm hơi nước quất lên mặt, nhưng chẳng thể xua nổi vệt đỏ ửng trên gò má Thôi Hằng.
Chẳng phải đỏ vì tình ý, mà là vì hổ thẹn.
Trong núi người qua lại không ít, những ánh mắt dõi theo thân hình hắn.
Ban đầu là kinh ngạc, tiếp đó là ngạc nhiên, sau cùng biến thành tiếng thở dài đầy tiếc nuối:
“Công tử tuấn nhã như ngọc thế này, sao lại…”
Ánh mắt Thôi Hằng dần dần tối lại.
Ta biết, loại ánh nhìn này, hắn hẳn đã nếm trải quá nhiều lần.
Mà ngay khoảnh khắc ấy, mọi lời an ủi đều thành vô nghĩa nhạt nhòa.
Cuối cùng ta cố nén nỗi nghẹn trong lòng, lại buột ra một câu hết sức vô duyên:
“Không biết nhị công tử có từng nuôi gà chưa?”
Thôi Hằng sững người:
“… Chưa từng.”
Ta siết chặt ô trong tay, tay kia càng níu chặt lấy hông hắn, tiếp tục gắng sức leo bậc đá:
“Thuở nhỏ ở quê nhà, ta từng nuôi. Khi ấy Túc Châu chưa hạn hán, gia cầm chó lợn đều có ăn, nuôi cũng chẳng khó gì, duy chỉ có nuôi gà con là vất vả.”
Thôi Hằng ngẩn ra, rốt cuộc cũng bị ta dắt chuyện:
“Sao lại vất vả?”
“Đều là gia cầm cả, nhưng vịt với ngỗng lúc phá vỏ đã mạnh mẽ hơn, chỉ cần cho ăn uống là được. Riêng gà con yếu mềm, cần canh chừng kĩ lưỡng, bằng không sẽ bị gà mẹ giẫm gãy chân.”
“Có lần ta bận cắt cỏ lợn, không kịp ngó chuồng, để một con gà con bị giẫm gãy chân.”
“Phụ thân bảo nó chắc chắn sống không nổi, nhưng ta nhìn nó đã to bằng nắm tay, thật không nỡ vứt đi. Ngày ngày chuẩn bị nước cơm, còn dùng cả ống lúa nhét tận miệng nó mà đút.”
“Cha mẹ đều mắng ta ngu dại, ai ai cũng nói con gà ấy thế nào cũng chết. Nhưng nhờ ta ngày đêm trông nom cẩn thận…”
“Cuối cùng gà sống được ư?” Thôi Hằng tò mò hỏi.
“Chết rồi.”