Chương 3 - Ánh Trăng Đẫm Máu
Ông tôi đáp: “Đã định giết mấy lần rồi, nhưng bà nhà tôi cứ ngăn cản, nên mới kéo dài đến giờ.”
Bà Tám nhắm mắt, bấm đốt ngón tay tính toán, sắc mặt lập tức biến đổi.
“Xong rồi, con súc sinh đó đã hại người rồi.”
Ông nội tôi vội phản bác: “Không thể nào, cả nhà tôi đều ở trong nhà cả.”
Bà Tám lắc đầu chắc nịch.
“Tôi nói hại là hại rồi đấy.”
Đúng lúc đó, anh Đại Cường nhà bên hớt hải chạy đến.
“Nhị gia, không xong rồi, thím Tạ ngã xuống sông chết đuối rồi!”
Cái “nhị gia” mà Đại Cường gọi chính là ông nội tôi, còn “thím Tạ” là bà nội.
“Cậu đừng ăn nói linh tinh.” – ông tôi tức giận.
“Tôi không nói bậy đâu! Tôi lùa đàn dê đi ngang qua bờ sông, thấy thím ấy nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Bộ đồ đó tôi nhận ra được, chính là bộ mà thím ấy hay mặc hàng ngày.”
Ông tôi giậm chân, gào lên: “Hỏng rồi! Bị con Đại Hoàng hại chết thật rồi!”
Cả nhà vội vàng chạy ra bờ sông.
Quả nhiên, bà nội tôi đang nằm ngửa, nổi lềnh bềnh trên mặt nước, mái tóc phủ kín cả khuôn mặt.
Ông nội tức giận quát: “Đã bảo đừng có ra ngoài, cứ cứng đầu làm gì, giờ thì xong rồi!”
Tam thúc tôi sợ đến mức quỵ xuống tại chỗ, mặt mày tái mét.
Cái gùi của bà nội vẫn còn đặt trên bờ sông, xung quanh đầy dấu chân chó.
Bà nội tôi… cứ thế mà chết.
Bà Tám Cái nói: “Tóc đen phủ mặt là điềm đại hung, phải để thi thể lại ba ngày, sau đó thiêu xác cùng quan tài luôn, nếu không bà ta sẽ quay lại hại các người đấy.”
Ông nội tôi gật đầu: “Tất cả làm theo lời bà cả.”
Bà Tám lại quay sang nhìn tam thúc tôi, ông ấy gật đầu lia lịa như gà mổ thóc.
Bà Tám nói: “Tiểu Lý, con gọi bà nội về đi.”
Tôi cất giọng thật to: “Bà ơi, mình về nhà thôi!”
Thi thể bà vẫn bất động, không chút phản ứng.
Thấy vậy, bà Tám bắt đầu lầm rầm đọc chú, miệng phát ra toàn những âm thanh kỳ lạ.
Tôi lại gọi lần nữa: “Bà ơi, mình về nhà thôi!”
Lần này, thi thể bà chợt run lên một cái, rồi từ từ trôi về phía chúng tôi.
Ông nội tôi bước tới, lặng lẽ ôm lấy thi thể của bà nội.
Không nói một lời nào.
6
Linh đường được dựng ở giữa sân, vì bà nội tôi chết bất đắc kỳ tử, nên không đủ tư cách đặt quan tài vào gian chính.
Tang lễ của bà được tổ chức rất long trọng, ông nội tôi dặn đám thanh niên mổ con heo duy nhất trong nhà – con heo vốn để dành cho dịp Tết.
Rất nhiều con cháu trong họ ở lại qua đêm để canh linh.
Hai đêm liên tiếp trôi qua không có chuyện gì bất thường xảy ra.
Bà Tám Cái nói, người đông thì dương khí thịnh, con chó Đại Hoàng không dám quấy phá, bà nội tôi càng không dám.
Tối ngày thứ ba, đến lúc đưa bà đi hỏa táng.
Bất ngờ, một trận cuồng phong nổi lên dữ dội.
“Đừng hỏa táng! Trong quan tài không phải là thím Tạ đâu! Tôi dắt đàn dê lên núi, nhìn thấy thím ấy rồi!”
Đại Cường thở hổn hển chạy tới, nói to với mọi người.
Bà Tám Cái lập tức ra lệnh cho mấy thanh niên mở nắp quan tài ra.
Quả nhiên, trong quan tài nằm đó không phải là người – mà là con Đại Hoàng, lông lông ướt nhẹp.
Bà Tám nghiêm mặt nói: “Con chó tinh này có chút đạo hạnh rồi, xem ra lần này chúng ta gặp đối thủ thật sự. Nó muốn hưởng hương khói thay người.”
Bà lấy từ trong tay áo ra một cây kim thép, lạnh lùng ghim thẳng vào trán con Đại Hoàng.
Con chó vùng vẫy dữ dội, chân tay đạp loạn, nhưng chẳng mấy chốc đã nằm yên bất động.
Ông nội tôi nhăn mặt, ngạc nhiên hỏi: “Làm vậy là sao?”
“Là để khóa linh.”
“Người thì có hồn người, chó cũng có linh hồn của chó. Kim thép này vừa cắm vào là trấn linh, từ giờ nó không thể tác quái được nữa.”
“Mèo có chín mạng, chó có ba linh. Dù vậy, chúng ta vẫn nên cẩn thận, nó chưa chắc đã hết hại người.”
Ông tôi nghe xong thì ngây người, chỉ biết gật đầu.
Lúc này bà Tám mới ra lệnh cho mọi người đem quan tài đi thiêu sạch.
Đêm ấy, từ làng xóm, ruộng đồng, bờ sông đến rừng núi đều vang lên từng hồi tiếng chó tru ai oán.
7
Tối hôm đó, ông nội tôi tiễn bà Tám Cái về làng.
Lúc chia tay, ông đưa cho bà năm đồng.
Vào thập niên 80, năm đồng đúng là một khoản tiền lớn.
Bà Tám đi được mấy bước, lại quay đầu trở lại.
“Nhị gia nhà họ Du, ông là người tốt, tôi cũng không giấu gì nữa.”
Nói rồi, bà lấy từ trong ngực áo ra một cái chai nhỏ màu trắng, bên trong chứa chất lỏng đục ngầu.
“Đây là nước tiểu gấu, chuyên trị chó tinh. Ông mang về chia nhỏ ra, mỗi người trong nhà giữ một chai. Con Đại Hoàng đã thành tinh rồi, nó chỉ hại người trong nhà. Thứ này có thể giữ mạng cho các người.”
Ông tôi run rẩy nhận lấy.
“Con chó tinh đó đã mất ba hồn hai vía, vẫn còn một linh, vẫn chưa xong chuyện đâu. Ông cũng nên cẩn thận.”
Ông tôi cúi đầu cảm tạ.