Chương 1 - Tôi Muốn Là Chính Mình Không Còn Là Tống Phu Nhân
Tôi và Tống Liêm cùng trọng sinh.
Anh vẫn giống như kiếp trước, mang theo đầy kỳ vọng đến cưới tôi.
Còn tôi thì từ chối.
Tống Liêm kinh ngạc.
“Sao vậy?”
“Chúng ta đã kết hôn năm mươi năm, luôn sống rất hạnh phúc mà.”
Tôi lạnh lùng lắc đầu.
“Bị gọi là ‘Tống phu nhân’ cả đời, tôi cũng muốn có một cái tên của riêng mình.”
Tống Liêm không hiểu, tưởng tôi đang giận dỗi.
“Không có anh, em còn làm được gì? Đến quét đường cũng chưa chắc có phần!”
Anh chờ tôi hối hận.
Nhưng suốt bao năm dài đằng đẵng, anh chỉ có thể trơ mắt nhìn tôi đứng trên đỉnh cao.
Trở thành người mà anh mãi mãi không thể với tới.
1
Ngày Tống Liêm được trường đại học mời làm giáo sư danh dự cũng chính là ngày kỷ niệm năm mươi năm ngày cưới của chúng tôi.
Hai đứa con trai lo liệu, tổ chức một bữa tiệc chúc mừng rộn ràng ngay tại nhà.
Giữa bữa tiệc, có một cô phóng viên trẻ tới phỏng vấn tôi.
“Tống phu nhân, nếu có kiếp sau, bà còn nguyện ý gả cho Giáo sư Tống không?”
Cô gái chỉ vừa hơn hai mươi tuổi, ánh mắt sáng như sao, như chú nai nhỏ tò mò nhìn chiếc nhẫn cưới trên tay tôi và Tống Liêm, trong mắt tràn đầy sự ngưỡng mộ đối với tình yêu.
Tôi hiểu ý cô ấy.
Tôi và Tống Liêm là cặp đôi nổi tiếng ân ái, từng nhiều lần được truyền thông ca ngợi.
Chúng tôi là bạn học thời đại học, cùng xuống nông thôn lao động, cùng ở một thôn quê, không rời không bỏ, nắm tay nhau đi qua sáu mươi năm gió sương.
Tôi vừa chăm sóc hai đứa con, vừa đảm đương việc lớn nhỏ trong nhà, còn phải chăm sóc mẹ chồng đau ốm.
Còn anh, hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp, từ một cậu sinh viên nghèo chẳng ai biết tới, từng bước trở thành giáo sư trường danh tiếng, gia nhập Viện Khoa học Xã hội, nhận được vô số danh hiệu cao quý.
Chồng lo việc ngoài, vợ quán xuyến trong nhà — hình mẫu vợ chồng chuẩn mực trong sách giáo khoa.
Ai cũng nói tôi may mắn.
Chồng thành đạt, hai đứa con trai cũng tốt nghiệp đại học danh tiếng, công việc và tương lai đều sáng sủa.
Nhưng chẳng ai biết, đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng ấy, là một cuộc đời người phụ nữ không hề được nhìn thấy.
Những năm qua tôi chưa từng thật sự hạnh phúc.
Tôi khẽ mở miệng, còn chưa kịp trả lời, Tống Liêm đã nâng ly chen vào, mạnh mẽ cắt ngang lời tôi.
“Dĩ nhiên rồi, đời này cô ấy sống sung sướng còn chưa đủ nữa là.”
Hai đứa con trai cũng phụ họa theo.
“Mẹ tụi con mà lấy được ba, đúng là thắp nhang cầu khấn tám đời mới được đó.”
“Ông ngoại còn nói, tổ tiên nhà mình chắc bốc khói xanh rồi. Nếu có kiếp sau, mẹ nhất định không thể để ba chạy mất.”
Tống Liêm kéo nhẹ khóe miệng, nếp nhăn nơi đuôi mắt chồng chất lên nhau, lộ ra một nụ cười cưng chiều.
“Chạy cũng không nổi.”
“Khoản bám người của mẹ tụi con, lợi hại lắm đấy.”
Cô phóng viên trẻ mắt sáng bừng, buột miệng thốt lên.
“Giáo sư Tống, nghe vậy thì lúc đầu là Tống phu nhân theo đuổi ông ạ?”
Là tôi theo đuổi Tống Liêm.
Chuyện này, truyền thông từng nhắc đến, cô phóng viên cũng không thể không biết.
Tống Liêm nghe vậy thì đắc ý mím môi, lại mang câu chuyện cũ kỹ đã nói hàng trăm lần ra kể lại một lần nữa.
Tôi chủ động mang cơm cho anh, giặt áo cho anh.
Lúc anh ốm, tôi chủ động ra đồng thay anh làm việc.
Tình yêu này là do tôi chủ động, vậy nên cả đời này, Tống Liêm luôn đứng trên cao, còn tôi thì phải hầu hạ anh.
Đó là cái giá mà tôi phải trả.
Cô phóng viên nghe xong cười khúc khích, thán phục:
“Ở thời đó, Tống phu nhân thật sự rất can đảm!”
2
Hai chữ “can đảm” nghe vào tai, lại bất ngờ trở nên chói tai.
Từ lúc lấy Tống Liêm, tôi đã không còn liên quan gì tới hai chữ đó nữa.
Mẹ chồng là một người phụ nữ khôn khéo và cực kỳ áp đặt.
Một đại gia đình sống chung, từ chuyện ăn mặc sinh hoạt đều phải theo ý họ.
Từ việc lớn như sắp xếp đồ đạc trong nhà, đến việc nhỏ như vỏ gối, chăn ga trong phòng, thậm chí cả việc tôi chọn vải gì, may quần áo ra sao, cũng không được tự quyết.
“Miếng vải chàm này già nua xấu xí, ngày mai mặc bộ xanh lam mẹ để trên đầu giường cho con nhé.”
“Đèn bàn này, để trên tủ đầu giường cho tiện, sao con lại chuyển lên cái tủ phụ rồi?”
“Con quơ tay trúng hoài, sợ làm rơi vỡ.”
“Thì con cẩn thận chút là được, đèn cứ để đầu giường cho tiện đêm hôm dậy đi lại.”
Mẹ chồng vừa nói vừa tự tay đặt lại đèn lên tủ đầu giường, ánh mắt sắc bén lướt một vòng khắp phòng, còn mở tủ quần áo ra, chỉnh đốn lại mọi thứ theo ý bà.
“Quần dài của con, tuyệt đối không được để đè lên quần áo của Tống Liêm nhé. Phụ nữ đè đàn ông một đầu, sao mà tốt được?”
“Quán Nguyệt, không phải mẹ trách con, nhưng con làm việc chẳng biết điều gì hết.”
Ban đầu tôi không quen, có ý kiến với Tống Liêm. Anh cau mày, nhìn tôi như thể không hiểu nổi.
“Mẹ cũng vì muốn tốt cho chúng ta thôi, em không thể nhường mẹ một chút sao?”
“Mẹ lớn tuổi rồi, những chuyện trong nhà mẹ còn rành hơn em, em nghe mẹ chẳng phải xong à?”
Thời đó, tư tưởng vẫn còn lạc hậu, tôi cũng không dám trái ý mẹ chồng.
Vậy là tôi nhượng bộ.
Từng chút một, tôi nhẫn nhịn sự áp đặt của mẹ chồng, sự xét nét của Tống Liêm, những trò nghịch ngợm của hai đứa con trai, sự hỗn láo của nàng dâu.
Nhẫn nhịn cả đời.
Trong thế giới nhỏ bé của mình, tôi từng bước lùi lại, từng bước thu mình.
Cuối cùng chỉ còn lại một cái vỏ trống rỗng.
Họ còn gọi đó là “sống sung sướng”.
Đối mặt với ánh mắt đầy ngưỡng mộ và kỳ vọng của cô phóng viên trẻ.
Tôi thật sự không đành lòng để cô ấy tiếp tục sống trong những ảo tưởng đẹp đẽ đó.
3
“Không đồng ý.”
Tôi nâng cao giọng, dứt khoát lắc đầu.
“Tôi không muốn tái giá với Tống Liêm nữa.”
“Bị gọi là ‘Tống phu nhân’ cả một đời, nếu được sống lại, tôi cũng muốn có một cái tên của riêng mình.”
Phòng tiệc vốn đang náo nhiệt lập tức lặng ngắt như tờ.
Mọi người đồng loạt quay đầu nhìn tôi, cô phóng viên mở to mắt, hiển nhiên không ngờ tới câu trả lời này.
Nụ cười trên môi Tống Liêm đông cứng lại.
Anh bất lực nhún vai, nắm lấy tay tôi.
“Đúng là bà già này…”
“Hôm qua còn giận tôi, giờ thì giở trò vùng vằng trước mặt mọi người.”
“Em xem kìa, già rồi còn trẻ con.”
Mọi người trong bữa tiệc cười ồ lên, bầu không khí nhanh chóng trở lại nhẹ nhàng.
Hai đứa con trai cũng lắc đầu than vãn.
“Mẹ con tính tình vậy đó, ba con lúc nào cũng phải nhường mẹ.”
“Mẹ à, trước mặt bao nhiêu người, cũng cho ba chút thể diện đi.”
Cậu út còn nhún vai.
“Mẹ bị ba chiều hư rồi.”
Mọi người thi nhau khen ngợi, nói rằng giáo sư Tống và phu nhân tình cảm quá mức, còn giống như cặp đôi mới yêu đang giận dỗi.
Tống Liêm kéo tôi vào thư phòng, đóng sầm cửa lại. Khuôn mặt vừa cười tươi đó lập tức tối sầm xuống.
“Quán Nguyệt, em định làm gì vậy? Cố tình chống đối anh hả?”
Anh liếc ra ngoài cửa kính, thấp giọng hỏi.
“Vì chuyện hôm trước anh nhờ em nấu mì cho Chu Hà Phương à?”
“Em xem này, cô ấy giờ đã lấy chồng rồi, chúng ta chẳng còn gì cả, em không thể rộng lượng chút sao?”
Chu Hà Phương là học trò cũ của Tống Liêm.
Cô ấy từng say mê sự uyên bác và phong độ nho nhã của người thầy, từng theo đuổi anh rất mãnh liệt.
Tống Liêm cũng từng dao động.
Anh cùng cô ấy đi xem phim, mỗi ngày ngồi ăn với cô ở căn tin, nhẫn nại giảng bài, thậm chí còn thêm tên cô vào luận văn mình chuẩn bị suốt một thời gian dài.
Nhưng chỉ đến thế mà thôi.
Anh hiểu rõ ranh giới trong lòng mình.
Hai đứa con, người vợ đã đồng hành nửa đời, một mái ấm vững chắc, danh tiếng và sự nghiệp ổn định.
Cái nào nặng, cái nào nhẹ, anh cân nhắc rất rõ.
Khi mọi chuyện có dấu hiệu mất kiểm soát, anh dứt khoát từ chối Chu Hà Phương, thậm chí mời cô đến nhà chơi.
Trước mặt Chu Hà Phương, anh cùng tôi nấu ăn, ân cần giúp tôi buộc tạp dề, khiến cô khóc chạy khỏi nhà.
Sau đó, cô ấy nhanh chóng chuyển trường, hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của chúng tôi.
Mãi đến năm ngoái, chồng của Chu Hà Phương được điều chuyển công tác, về trường đại học của Tống Liêm.
Hai người nối lại liên lạc, nhưng đều ngầm hiểu mà không nhắc tới quá khứ.
Lần đó, vợ chồng cô ấy tới nhà chơi, trò chuyện về chuyện xưa.
Chu Hà Phương cười nói:
“Phu nhân làm mì sườn heo ngon tuyệt, hồi xưa em còn hay tranh thủ ăn ké thầy đấy.”
“Chuyện nhỏ thôi mà.”
Tống Liêm phẩy tay, quay sang tôi:
“Quán Nguyệt, em đi nấu cho cô ấy một tô mì đi.”