Chương 1 - Tình Yêu Giữa Những Mâu Thuẫn
Bố mẹ sống an dưỡng tuổi già ở nhà tôi đã mười năm.
Nhà cũ ở quê bị giải tỏa.
Tiền đền bù ba triệu tệ, anh cả lấy một triệu bốn trăm năm mươi nghìn, anh hai cũng lấy một triệu bốn trăm năm mươi nghìn.
Còn phần của tôi.
Bố nói: “ Phan Phan luôn không so đo mấy chuyện này, không cần chia.”
Mẹ nói: “Hay là cho nó mười vạn đi, mình ăn ở chung với nó cả mà, giữ tiền trong tay cũng chẳng để làm gì.”
Vì chuyện có nên cho tôi mười vạn hay không, họ cãi nhau đến tận nửa đêm.
Tôi vừa nghe vừa bật khóc.
1
Khi cuộc cãi vã mãi không có hồi kết, rạng sáng bố tôi xông thẳng vào phòng tôi.
Ông bật đèn “tách” một cái.
Mang theo đầy bực dọc, ông hỏi:
“Con có muốn lấy mười vạn này không? Tự con nói với mẹ con đi, khỏi để bà ấy suốt ngày nghĩ là bố đang ngược đãi con.”
“Mình làm cái gì thế? Sáng sớm ra, lại đi quấy rầy con bé ngủ à?”
Mẹ tôi cũng bất lực bước vào theo, sốt ruột kéo ông ra ngoài.
Nhưng bố tôi không nhúc nhích.
“Tôi đã nói là con bé không lấy đâu, bà cứ nhất định tranh cãi với tôi, thì tôi sang hỏi cho rõ đây, khỏi để bà nghĩ tôi bạc đãi cô con gái bảo bối của bà!”
“Tôi cũng đã nói rồi, con bé có lấy hay không, tôi cũng nhất định phải cho. Mình ở nhờ nhà nó suốt mười mấy năm nay, ăn mặc đi lại chưa tính, đến cả lúc bệnh nằm viện cũng đều là nó lo hết, giờ nhà cũ bị giải tỏa, cho nó mười vạn thì sao chứ, ông tranh với tôi làm gì?”
Mẹ tôi cũng giận dữ.
Giọng bà càng lúc càng to, không chịu nhún nhường mà cãi lại.
Bố tôi dường như cũng biết mình lý lẽ không vững.
Ông thở phì phò trong cơn giận, nói không nên lời.
Nhưng ánh mắt thì vẫn đầy không cam lòng nhìn tôi.
Chờ tôi lên tiếng.
Ông đang chờ điều gì vậy?
À phải, chờ tôi mở miệng…
Từ chối số tiền này.
Giống như mọi lần trước.
Những lần ông nhập viện, tôi thanh toán toàn bộ chi phí, họ đưa tiền lại cho tôi.
Những lần họ bỗng thấy áy náy, nói tôi tiêu tiền vì họ quá nhiều, muốn lấy khoản lương hưu mới nhận để trả lại cho tôi.
Chưa lần nào tôi nhận.
Tôi đã quen rồi.
Quen với việc chỉ cho đi mà không mong được đáp lại.
Vì bố tôi luôn than nghèo, than đau lưng mỏi gối, không thể đi làm kiếm tiền nữa.
Vì mẹ tôi luôn khóc lóc kể lể, làm mẹ chồng rất khổ, không dám đòi tiền hai anh trai tôi, vì sợ chị dâu tỏ thái độ.
Khi họ lần lượt nuôi nấng con cái cho hai anh, rồi lại bị đuổi về quê.
Khi họ gọi điện cho tôi hết lần này đến lần khác, nói nhà cũ ẩm thấp, lạnh lẽo, không thể ở được.
Khi họ nói cái đầu gối bệnh tật đã quen với sự ấm áp mùa đông và mát mẻ mùa hè ở nhà cao tầng, làn da cũng quen với nước nóng bốn mùa, giờ không thể sống nổi ở nhà cũ nữa.
Khi họ ôm tôi khóc, hết lần này đến lần khác, nói sinh con trai cũng vô dụng, con gái mới là người thấu hiểu.
Tôi cứ như bị ma xui quỷ khiến, ôm lấy áp lực khổng lồ, đón hai ông bà về nhà tôi sống.
Vì điều đó, chồng tôi luôn bất mãn, thường xuyên cãi nhau với tôi.
Sau khi con gái tôi học cấp ba và chuyển vào ký túc xá, anh ấy lấy lý do bận rộn, dọn hẳn đến công ty ở.
“Tại sao anh lại không thể bao dung bố mẹ em chứ? Họ đã nuôi em khôn lớn, em phụng dưỡng họ là chuyện hiển nhiên mà.”
Vì bố mẹ, tôi đã nhiều lần cãi nhau đến khản cả giọng với Dương Quốc Số.
“Anh đâu có nói em không được hiếu thảo. Nhưng em thử nghĩ xem, họ có hai người con trai, nếu nói đến chuyện dưỡng già, lẽ ra hai anh trai em phải là người có trách nhiệm trước. Tại sao lại đến lượt em? Ngoài chuyện bố mẹ em thiên vị và chẳng chút xót thương em, anh không nghĩ ra lý do nào khác.”
Nhưng những lời đó, tôi không nghe lọt một chữ.
Dù tôi là con gái, còn hai anh là con trai, tôi vẫn luôn tin rằng bố mẹ chưa bao giờ thiên vị.
Từ nhỏ đến lớn, họ luôn đối xử công bằng như nhau.
Họ nuôi chúng tôi ăn học, dưỡng dục chúng tôi trưởng thành — họ đã làm tròn trách nhiệm của một cặp cha mẹ bình thường đến mức tận tâm tận lực.
Vì nghèo, họ không cho tôi của hồi môn nào.
Nhưng cũng chưa từng giữ lại một đồng sính lễ của tôi.
Họ cho hai anh một khoản để lập gia đình, là bởi vì xã hội này vốn đặt ra tiêu chuẩn vật chất khắt khe hơn cho con trai.
Một người con gái không có của hồi môn thì vẫn có thể lấy chồng.
Nhưng một người đàn ông mà đến tiền đặt cọc mua nhà cũng không có, sẽ chẳng có cô gái nào muốn lấy.
Hai người đó là anh trai ruột thịt của tôi, là những người thân thiết nhất sau bố mẹ.
Sao tôi có thể vì một chút gọi là “công bằng” mà trơ mắt nhìn họ cô độc đến cuối đời?
2
Tôi luôn tin rằng, nếu bố mẹ tôi thật sự giàu có, họ nhất định sẽ không vì tôi là con gái mà lạnh nhạt hay bỏ bê.
“Nếu bố mẹ thiên vị con trai, thì sao lại chịu khó nuôi tôi ăn học như hai anh chứ?”
Đối với một gia đình nghèo, học đại học là một khoản chi phí không nhỏ.
Huống chi, nếu nghỉ học sớm, ra ngoài làm công từ sớm, thì trước tuổi trưởng thành cũng đã có thể tích góp được một khoản kha khá.
Khoản tiền đó có thể dùng làm sính lễ cho hai anh, cũng có thể làm của hồi môn cho tôi.
Dù tính thế nào, thì cũng đều có lợi cho bố mẹ cả.
Nhưng họ không làm vậy.
Dù có phải bán hết nồi niêu xoong chảo, họ cũng vẫn cho tôi đi học đại học.
Vì thế, tôi luôn biết ơn bố mẹ.
Tôi cũng tin chắc rằng, tình yêu của họ dành cho tôi không thua gì hai anh.
Chỉ là xã hội này vốn dĩ không chấp nhận việc đối xử tốt với con gái.
Trong tay họ lại chẳng có bao nhiêu tài nguyên.
Mẹ tôi thường bảo đã đối xử thiệt thòi với tôi, nói rằng cảm thấy rất có lỗi.
“Nhà thì vốn phải để lại cho con trai, nhưng hai anh con, bố mẹ coi như cũng trọn tình trọn nghĩa rồi, đã cho tiền cưới vợ, còn giúp họ trông cháu.”