Chương 2 - Tạ Tuỳ Của Tôi
3.
Tháng ba mưa nhiều.
Sau giờ tự học buổi tối, mưa phùn bắt đầu rơi tí tách.
Tiếng chuông vừa reo, cả lớp ùa ra như ong vỡ tổ, ai cũng tranh thủ chạy thật nhanh ra cổng trường.
Diêu Uẩn thấy tôi thu dọn sách vở một cách chậm chạp bèn hỏi: “Cậu không nhanh lên à? Không sợ cha mẹ đợi sốt ruột hả?”
Đúng là trước cổng trường có rất nhiều phụ huynh đứng chờ, mang ô và đón con của họ tan học.
Nhưng trong số đó sẽ không có cha mẹ tôi.
Khi xuống tới nơi thì gần như mọi người đã đi hết.
Chỉ còn lại một bóng dáng gầy gò quen thuộc là Tạ Tùy.
Cậu ngồi xổm một bên, chán nản cầm ô chọc chọc nền xi măng.
"Tạ Tùy, cậu vẫn chưa về à?" Tôi lên tiếng.
Cậu đứng bật dậy, vẻ mặt hơi ngượng ngùng: “Ừ, trùng hợp thật, cậu không mang ô hả? Có muốn đi chung không? Khụ, tiện đường thôi mà."
Tôi ngoan ngoãn tiến lên một bước, đứng ngang hàng với cậu.
“Được thôi.”
Cậu hơi luống cuống mở ô ra.
Ô rất to, đủ che cho cả hai chúng tôi, nhưng tôi vẫn cố ý nhích sát vào cậu thêm một chút.
Tạ Tùy đơ người.
Tôi ngẩng đầu hỏi: “Cậu chưa về là đang cố ý chờ tớ đúng không?”
Tai cậu lập tức đỏ bừng.
“Không, không có, cậu đừng nói bậy.”
Tôi cố nhịn cười.
Đúng là Tạ Tùy ở độ tuổi này dễ bị trêu chọc thật.
Mưa ngày càng nặng hạt, đi được nửa đường, Tạ Tùy nghiêng phần lớn chiếc ô về phía tôi.
Tôi đưa tay chỉnh lại ô.
“Tạ Tùy, ô lệch rồi.”
Tạ Tùy nghiêng trở lại: “Không lệch.”
Nhưng bên trái ống tay áo của cậu vì không được ô che chắn nên đã ướt sũng vì nước mưa.
Tôi cố tình thả lỏng tay, để ngón tay mình vô tình chạm nhẹ vào tay cậu.
Tạ Tùy lập tức rụt tay lại như mèo bị giẫm trúng đuôi.
Tôi giữ lại cán ô: “Tớ nói rồi mà, cậu ầm ô lệch rồi.”
Tạ Tùy im lặng một lúc lâu không đáp lại.
Tôi liếc sang, lúc này không chỉ tai mà cả khuôn mặt Tạ Tùy đều đỏ bừng.
Tôi và Tạ Tùy sống trong cùng một khu chung cư.
Tạ Tùy đưa tôi đến dưới tòa nhà, tôi còn chưa kịp nói lời cảm ơn thì cậu đã quay đầu bước đi rất nhanh.
Về đến nhà, quả nhiên cha mẹ tôi vẫn chưa về.
Tôi đặt cặp sách xuống, lấy bài tập, bút và một chiếc ô gấp ra.
Cha mẹ tôi rất bận rộn.
Họ mở một xưởng may, công việc chất đống, hầu hết thời gian đều bận nên không thể chăm lo cho tôi.
Tôi biết rằng trời mưa sẽ không có cha mẹ đến đưa ô như người khác nên lúc nào cũng chuẩn bị sẵn một cái trong cặp.
Còn về việc tại sao lại lừa Tạ Tùy…
Là vì tôi đã từng đọc được trong ghi chú của cậu ấy:
[Hôm nay mưa lớn quá, cha mẹ Bạch Du lại không đến đón cô ấy. Nhưng may mà cô ấy mang ô nên không bị ướt mưa. Thật mong một ngày nào đó cô ấy quên mang ô, mình có thể tiện đường đưa cô ấy về nhà.]
Tạ Tùy, từ nay về sau tớ sẽ không mang ô nữa.
4.
Tôi và Tạ Tùy là bạn học cấp hai.
Tính tôi vốn kì quặc, ít nói, lại hay so đo những chuyện nhỏ nhặt.
May mà cậu ấy tính tình hài hước, chẳng bao giờ để bụng thái độ khó ưa của tôi thậm chí còn kiên nhẫn dỗ dành.
Khi đó, cậu ấy là người bạn duy nhất của tôi.
Tiếc là lên cấp ba chúng tôi không học chung lớp nữa.
Giữa chúng tôi là cả một bầu trời.
Lúc đầu, Tạ Tùy vẫn thường tìm tôi. cậu ấy vừa đẹp trai lại hòa đồng, rất nhanh đã thu hút sự chú ý của nhiều bạn nữ trong trường.
Các bạn nữ đùa hỏi có phải tôi yêu đương với Tạ Tùy hay không.
"Không thể nào đâu, cậu ấy trầm tính như thế, sao Tạ Tùy thích nổi cậu ấy chứ?"
“Không biết, nhưng nếu là tớ ấy, cho không tớ cũng chẳng cần.”
Sau này, mỗi khi Tạ Tùy tìm tôi, tôi lại cố tình né tránh.
Lâu dần cậu cũng không đến nữa.
Đến tận năm cuối cấp.
Trước ngày thi thử lần hai, Tạ Tùy chặn tôi lại ở góc thư viện, hỏi nhỏ: “Cậu định đăng ký nguyện vọng ở đâu?”
Tôi nói là Bắc Kinh.
Ánh sáng trong mắt cậu vụt tắt.
Hồi lớp 10 Tạ Tùy từng hỏi tôi sau này muốn học ở đâu, tôi cũng đã trả lời là Bắc Kinh.
Khi đó, cậu hào hứng tuyên bố: “Bắc Kinh à, được thôi, tớ sẽ chinh phục được!”
Cậu chăm chỉ học hành suốt mấy học kỳ, thậm chí nhiều lần kéo điểm trung bình của lớp 12-7 lên cao.
Nhưng kết quả cuối cùng lại không như mong đợi.
Cậu chỉ thiếu hơn chục điểm.
Nhưng chỉ hơn chục điểm ấy đã khiến cậu không thể đến Bắc Kinh.
Trong ghi chú của mình, Tạ Tùy viết:
“Tháng 6 năm 2007.
Kỳ thi đại học kết thúc. Bạch Du, tôi không thể đến Bắc Kinh rồi.”