Chương 4 - Ô Mai và Cuộc Hôn Nhân Đổ Vỡ
Phó Hằng nói: “Tiểu Doanh không phải loại người như vậy, chuyện trước kia giữa hai người chẳng qua chỉ là hiểu lầm. Hiểu lầm thì sẽ có lúc hóa giải được.”
Tôi tiếp tục chế nhạo: “Tôi thấy anh khỏi cần phí sức nữa. Mau chóng làm thủ tục ly hôn đi, tôi nhường chỗ lại cho hai người.”
“Đến lúc đó anh chưa vợ, cô ta chưa chồng, có lăn lộn với nhau trên cùng một cái giường cũng chẳng ai phán xét gì về đạo đức nữa đâu.”
Không biết câu nào của tôi đã đụng đến chỗ đau của Phó Hằng.
Anh ta nổi giận đùng đùng quát tôi: “Em có thể đừng suốt ngày treo miệng ly hôn ra nữa được không? Tiểu Doanh chỉ là một cô gái một thân một mình nơi đất khách, anh chăm sóc cô ấy một chút thì sao chứ?”
“Em nhớ cho rõ, đây là nhà anh, là phòng của anh, anh muốn ai ở thì đó là quyền của anh, em không có tư cách phản đối.”
Tôi nhàn nhạt nói: “Đã vậy thì anh quyết sao cũng được, tôi không ý kiến.”
Thấy tôi đổi giọng, Phó Hằng cứ tưởng tôi đã mềm lòng.
Anh ta hạ giọng dịu dàng: “Chỉ cần em đừng nóng nảy nữa, anh sẽ luôn ở bên em.”
Nhưng tôi thì lại chẳng hề muốn sống tiếp với anh.
Lý do tôi không phản đối nữa, là bởi tôi vừa nghĩ ra một cách để rời khỏi Phó Hằng thật gọn gàng.
Mà việc để Tiểu Doanh dọn vào ở, chính là một phần trong kế hoạch ấy.
Không có cô ta nhập cuộc, thì màn kịch sau còn khó mà diễn tiếp được.
6
Tiểu Doanh vẫn giữ nguyên phong cách “trà xanh vừa ngây thơ vừa trơ trẽn của mình.
Ngay ngày thứ hai sau khi cô ta dọn vào, tôi đã thấy cô ta mặc đồ của tôi.
Phó Hằng lúng túng giải thích với tôi: “Em mang thai rồi, sau này sẽ càng ngày càng béo, mấy bộ đồ cũ chắc cũng không mặc vừa nữa. Thay vì để đó lãng phí, chi bằng cho Tiểu Doanh mượn mặc.”
Tôi không nói gì, chỉ gật đầu.
Sau đó, tôi tìm một góc khuất không ai chú ý, cố tình cào rách chiếc áo bông đang mặc, làm thủng mấy lỗ.
Tiếp đó tôi đi thẳng ra bờ sông, đứng ngẩn người nhìn dòng nước chảy xiết.
Thời tiết hôm nay khá đẹp, ven sông có mấy bác gái đang giặt đồ.
Thấy tôi đứng thất thần, mặt mày héo úa, các bác liền bước tới quan tâm hỏi han.
Tôi âm thầm véo mạnh một cái vào tay mình, đau đến đỏ cả mắt.
Nước mắt lưng tròng, tôi bắt đầu giãi bày khổ sở với các bác.
“Phó Hằng nói khu tập kết của thanh niên trí thức quá kham khổ, cứ nhất định đòi cho Tiểu Doanh dọn vào nhà em.”
“Cô ta không chỉ chiếm phòng của em, mà còn lấy luôn cả quần áo. Em thật sự không biết lần tới cô ta còn muốn lấy đi thứ gì nữa.”
“Phận em thật là khổ quá mà.”
“Không biết sau khi chết có kiếp sau không… không biết kiếp sau em có được sống tốt hơn không…”
“Bác à, bác nói xem… nước sông sâu thế này, liệu có đủ để dìm chết một người không?”
Với bộ dạng chán đời và những lời tôi nói, ai nhìn cũng tưởng tôi thật sự đang có ý định tự tử.
Thế là mọi người xúm lại khuyên nhủ.
Nào là “còn núi xanh thì không sợ thiếu củi đốt”, nào là “đàn ông chỉ bị hoa dại làm mờ mắt tạm thời, cuối cùng cũng sẽ quay về với gia đình”.
Trong làn sóng an ủi đó, ánh mắt tôi dần trở nên kiên định.
Tôi tỏ ra mạnh mẽ, nói: “Mọi người yên tâm, em sẽ không làm chuyện dại dột đâu.”
Màn diễn này của tôi hoàn toàn không uổng phí.
Ngay tối hôm đó, chuyện giữa Phó Hằng và Tiểu Doanh đã truyền khắp cả làng.
Tâm tư của đám đàn ông thì tôi không rõ, nhưng mấy bà mấy cô trong làng thì ai cũng tỏ ra thông cảm với tôi.
Sáng hôm sau, tôi lại tiếp tục “diễn lại vở cũ”.
Chỉ khác lần này, người tôi tâm sự duy nhất là vợ của trưởng thôn.
“Bác à, thật sự là con hết cách rồi nên mới tìm đến bác nhờ giúp đỡ.”
“Hồi con lấy chồng, nhà con có cho theo một cái máy khâu làm của hồi môn. Nhưng giờ Tiểu Doanh lại muốn chiếm làm của riêng, mà Phó Hằng cũng hùa theo bênh cô ta.”
“Vì chuyện này, con đã cãi nhau một trận lớn với họ.”
Vợ trưởng thôn sửng sốt: “Máy khâu là đồ quý giá biết chừng nào, Tiểu Doanh mà cũng dám giành à?”
Tôi nói: “Chứ còn gì nữa, cái máy khâu đó là loại đắt nhất, nhà con phải bỏ ra đến 300 đồng mới mua được.”
“Vé mua máy khâu hồi đó còn phải đổi mất 100 đồng nữa cơ.”
“Nghĩ đến của hồi môn nhà mình vất vả gom góp, giờ lại rơi vào tay Tiểu Doanh, con tức đến cả đêm không ngủ được.”
“Vậy mà Phó Hằng còn nói con nhỏ mọn.”
“Con nghĩ, miễn là cái máy khâu còn ở đây, sớm muộn gì cũng bị Phó Hằng đem đi nịnh bợ người ta. Thế nên con tính bán nó đi luôn cho xong, khỏi phải cãi nhau nữa.”
“Bác giao thiệp rộng, không biết có ai trong làng đang muốn mua máy khâu không ạ?”
“Máy nhà con tuy là hàng cũ, nhưng dùng chưa được mấy lần, nhìn qua còn như mới. Con cũng chẳng hét giá gì đâu, ai cho con 100 đồng là con bán.”
Nghe vậy, mắt vợ trưởng thôn lập tức sáng rực lên.
Con trai bà sắp lấy vợ, lại cưới được một cô gái thành phố.
Nếu trong nhà có được cái máy khâu, ra ngoài cũng nở mày nở mặt hơn.