Chương 6 - Nữ Phụ Không Chịu Thua

Mấy đứa lan truyền tin đồn về tôi cũng không ngờ mọi chuyện lại thành ra thế này, kinh ngạc trừng mắt nhìn rồi cũng vội cúi đầu, không dám đối diện.

Một vài phụ huynh khác nhanh chóng kéo mẹ tôi lại.

Bà cũng dần lấy lại lý trí, quay sang cười nịnh với giáo viên:

“Cô thông cảm, Đỗ Nam nhà tôi từ nhỏ đã ương bướng, chẳng ngoan ngoãn hiểu chuyện như An An.”

Cô giáo thở dài, nhẹ nhàng giải thích:

“Phụ huynh à, chị hiểu lầm rồi. Hứa Đỗ Nam luôn có biểu hiện rất tốt ở trường. Hôm nay tôi mời mọi người đến là để nói chuyện về mấy tin đồn đang lan truyền trong trường.”

“Chuyện gia đình vốn dĩ không phải việc của tôi, nhưng thời điểm này là giai đoạn then chốt, cả lớp vì chuyện này mà chẳng còn tâm trí học hành.”

Nghe xong đầu đuôi, mấy phụ huynh còn lại liếc nhìn mẹ tôi đầy ẩn ý.

Mặt bà tái nhợt, lắp bắp mở lời:

“Đỗ Nam tuy… tuy là con nuôi, nhưng vợ chồng tôi từ trước đến giờ luôn coi như con ruột…”

Giọng bà càng lúc càng nhỏ, ánh mắt lảng tránh, không dám nhìn tôi.

Về đến nhà, từ phòng bố mẹ vang ra tiếng cãi vã kịch liệt.

Hứa Dĩ An đi ngang qua tôi, tức tối mắng:

“Đúng là sao chổi, ba mẹ đáng lẽ không nên nhận nuôi mày!”

Trong bữa tối, bố gắp cho tôi một miếng thịt kho tàu.

“Ăn nhiều vào, người gì mà gầy như khỉ, ai nhìn vô lại bảo tụi tao ngược đãi mày.”

Ông dừng lại một lúc rồi nói tiếp:

“Từ giờ việc nhà không cần làm nữa, lo mà học hành cho tốt, kiếm chút thể diện cho nhà này.”

Tôi cắn một miếng thịt kho, mềm mềm, đậm đà, thơm ngậy — thật sự rất ngon.

Thịt kho trong nhà lúc nào cũng tính từng miếng, thường chỉ dành cho bố và Hứa Dĩ An.

Chớp mắt đã đến cuối năm lớp 12.

Ngày 7 tháng 7, trời nắng.

Mẹ đưa cho tôi và Hứa Dĩ An mỗi người hai chiếc bánh ú và một bình nước.

“Thi cho tốt vào, đồ đạc mang đủ chưa đấy?”

Hứa Dĩ An ríu rít đáp lời, vui vẻ ngồi lên yên sau xe đạp.

Chúng tôi thi ở hai điểm khác nhau, nhà lại chỉ có một chiếc xe đạp, nên bố chọn chở cô ta đi.

Tiếng chuông xe leng keng dần xa, Hứa Dĩ An quay đầu lại nhìn tôi, khẽ nhép môi:

“Mày xong đời rồi.”

Thật là… cô ta vẫn ngu như ngày nào.

Thí sinh xếp hàng dài kiểm tra giấy tờ để vào phòng thi.

Tôi cẩn thận kiểm tra đề, xác nhận không sai sót rồi bắt đầu làm bài.

Khi tôi vừa về đến nhà, liền thấy Hứa Dĩ An đang tựa vào lòng mẹ, khóc nức nở.

Vừa thấy tôi, ánh mắt cô ta bừng lên sự căm hận, lao tới túm lấy cổ áo tôi:

“Hứa Đỗ Nam, có phải mày đốt giấy báo danh của tao không?! Sao mày có thể độc ác như thế!”

Cô ta càng khóc to hơn.

“Ba mẹ, sao ba mẹ lại nhận nuôi nó chứ?!”

Bố tôi mắt đỏ ngầu, giơ tờ giấy báo danh cháy sém hơn nửa lên chất vấn:

“Mày ghét chị mày đến vậy sao? Đây là kỳ thi đại học đấy! Nó đến điểm thi mà không có giấy báo danh, phải chạy về lấy, mất tận mười phút mới được vào thi!”

“Mười phút đấy, mày biết làm được bao nhiêu câu không?!”

Tôi đi vòng qua ông, lấy một mảnh giấy còn cháy dở khác từ phòng mình ra.

“Đêm qua tôi đang ngủ thì nghe tiếng lục lọi, tỉnh dậy thì thấy giấy báo danh của tôi đã bị đốt thành tro.”

Tôi thản nhiên nói:

“Nên tôi tiện tay đốt luôn của Hứa Dĩ An. Sao? Lấy gậy ông đập lưng ông thì có gì sai à?”

Bố tôi run rẩy nhận lấy mảnh giấy, quay đầu nhìn Hứa Dĩ An đầy kinh hoàng, không thể tin nổi.

Hứa Dĩ An mặt cắt không còn giọt máu, toàn thân run rẩy, không thốt nổi lời nào.

Mẹ tôi không nỡ, hỏi:

“Vậy… vậy con làm sao vào được phòng thi?”

“À, tính con mê tín mà, nên in sẵn… bảy bản giấy báo dự thi.”

Bị bóc trần âm mưu, Hứa Dĩ An cũng không giở thêm thủ đoạn gì nữa.

Ba ngày thi đại học diễn ra suôn sẻ.

Từ sau kỳ thi, Hứa Dĩ An gần như ngày nào cũng ru rú trong phòng, khóc đến sưng cả mắt, không bước chân ra khỏi nhà.

Bố mẹ thì sốt ruột, suốt ngày nghĩ cách nấu món ngon, mua váy vóc đẹp đẽ để dỗ dành cô ta.

Cuối tháng 7, điểm thi đại học và điểm chuẩn lần lượt được công bố.

Chiều tối, tôi vừa dạy phụ đạo xong đang từ ngoài ngõ trở về thì thấy bác hàng xóm hấp tấp chạy về phía nhà tôi.

Vừa chạy vừa hô:

“Đỗ Nam, mau, mau về nhà đi! Chị con có chuyện rồi!”