Chương 3 - Người Yêu Cũ Bất Ngờ Gặp Lại

6

Hôm đó câu lạc bộ tổ chức đi xem phim, tôi đang ở gần rạp nên tranh thủ đến sớm ngồi đợi Hứa Tư Trì.

Chúng tôi quen nhau từ CLB kịch nghệ của trường. Tôi tham gia chỉ để kiếm điểm hoạt động, Hứa Tư Trì cũng thế.

Lần đó, kịch bản là một vở cổ tích phiên bản tráo vai. Tôi bốc trúng vai một chú lùn, Hứa Tư Trì là chú lùn khác.

Lúc không đến lượt diễn, hai đứa ngồi ở hậu trường tám chuyện, tôi có đồ ăn vặt cũng chia cho anh, nói qua nói lại rồi thành bạn ăn chung.

Cứ thế thành đồng đội kiếm điểm suốt ba tháng.

Đến gần ngày diễn, nam sinh ban đầu đóng vai công chúa bị ốm đột ngột.

Vì Hứa Tư Trì đẹp trai nên bị chỉ định làm công chúa mới.

Kết quả là, công chúa Hứa Tư Trì thì lạnh lùng với bạn học khoa xinh đẹp đóng vai hoàng tử, còn rảnh rỗi ngày nào cũng ngồi tám chuyện với tôi.

Anh xem xong cảnh hôn với hoàng tử thì đề nghị đổi kết cục vở kịch, nhất quyết bảo rằng công chúa nên yêu chú lùn.

Đạo diễn suýt phát điên: “Cậu là Bạch Tuyết! Công chúa thì phải yêu hoàng tử chứ!”

Hứa Tư Trì mặc váy phồng ngồi vắt chân trên sân khấu, hùng hồn nói:

Tại sao chứ?

“Bạch Tuyết bị đuổi ra ngoài bao lâu nay, hoàng tử không làm gì cả, luôn là mấy chú lùn chăm sóc, ăn uống cùng công chúa, sống với cô ấy mỗi ngày. Giờ tự nhiên xuất hiện một hoàng tử là tôi phải yêu à?”

Anh nhướng mày: “Tôi thích chú lùn cơ.”

Tôi kéo anh sang bên khuyên nhủ: “Chỉ là diễn thôi, anh đừng quá nhập tâm.”

Hứa Tư Trì nghiêng người lại gần tôi, gương mặt đẹp đến mức đóng vai công chúa còn chẳng ai thấy kỳ, lúc này mang theo chút mê hoặc nhẹ nhàng…

“Nhưng anh là nghiêm túc đấy.”

Không biết anh đã thuyết phục kiểu gì, mà cuối cùng đạo diễn thật sự sửa lại kịch bản, để công chúa đến với chú lùn.

Đến cảnh hôn cuối cùng, ai cũng tưởng chỉ là giả vờ.

Nhưng đúng lúc đó, ánh đèn sân khấu chiếu vào mắt Hứa Tư Trì, con ngươi vốn đen láy của anh bỗng ánh lên một tia sáng kỳ lạ.

Tôi nhìn thấy trong mắt anh — chính mình, đang rung động đến mức tim đập loạn.

Khi nụ hôn đó rơi xuống, không hiểu vì sao, tôi lại không né.

Sau này tôi mới biết, Hứa Tư Trì biết tôi từ lâu rồi, sớm hơn nhiều so với lúc tôi biết anh.

Ngay lần đầu tiên thấy tôi ở thư viện, anh đã để tâm.

Sau đó cố tình vào cùng câu lạc bộ với tôi, tạo cơ hội tiếp cận — tất cả đều là nhờ ý tưởng của Trần Kế Dã.

Trong rạp chiếu phim, máy lạnh bật rất mạnh, tôi co người lại vì lạnh, thì có ai đó bất ngờ khoác áo lên người tôi.

Mùi hương lạnh mát của gỗ tùng khiến tôi ngẩn ra.

Trần Kế Dã ngồi xuống bên cạnh một cách tự nhiên:

“Trùng hợp ghê.”

Sắc mặt tôi trầm xuống:

“Sao anh lại ở đây?”

“Anh cũng là người của CLB kịch mà, sao lại không thể đến?” Anh thản nhiên, chẳng hề tỏ ra ngại ngùng.

Tôi nghiến răng. Cái chiêu này mà anh còn dám dùng lại?!

Tôi tức đến mức định đứng lên đổi chỗ thì anh đột nhiên gọi tôi lại:

“Mạnh Tri, em còn nhớ không… chúng ta từng xem bộ phim này rồi.”

Tôi siết chặt tấm vé trong tay — đây là lần tái chiếu thứ hai của Tâm trạng khi yêu.

Lần đầu, là khi chúng tôi còn học cấp ba.

Trong rạp tối om, tôi nghe giọng mình có chút nghèn nghẹn:

“Trần Kế Dã, chúng ta chưa từng xem phim này cùng nhau.”

“Hôm đó anh vì đưa Tống Tịnh đi mà không đến. Anh quên rồi sao?”

Cả đời tôi chỉ trốn học đúng một lần — là để đi hẹn hò xem phim với Trần Kế Dã.

Trước đó, tôi đã rất lâu không được đi riêng với anh.

Anh càng lúc càng bận.

Vì vào mùa đông, chân Tống Tịnh ngày càng đau, cô ấy thường xuyên gọi anh về.

Và Trần Kế Dã chưa từng từ chối.

Mùa đông ở quê không giống miền Bắc, không khô mà là cái lạnh ẩm ướt ngấm thấu vào xương.

Tôi đứng ở cửa rạp chờ Trần Kế Dã.

Tôi chờ… và chờ mãi, cho đến khi các cặp đôi khác cười nói tay trong tay đi vào rạp.

Chờ đến lúc phim bắt đầu, người càng lúc càng ít, trời càng lúc càng tối.

Nhưng Trần Kế Dã vẫn không tới.

Gọi điện thì anh không nghe máy.

Nhắn tin cũng chẳng có hồi âm.

Tôi thu mình đứng nép bên cửa, thở ra làn khói trắng, dậm chân nhỏ nhẹ cho ấm, lòng theo ánh sáng mờ dần mà lạnh lẽo hơn từng chút.

Không biết qua bao lâu, những cặp đôi vừa bước vào lúc nãy giờ tay trong tay bước ra, ríu rít bàn về nội dung phim.

Cô gái khoác áo khoác của bạn trai, trên mặt vẫn còn vệt nước mắt cảm động, bị anh lau đi rồi chọc cười lại trong phút chốc.

Tôi đứng một mình trong góc, cảm giác như trái tim đang đóng băng từng chút một.

Rất lạc quẻ, tôi lại nhớ đến Digimon mà tôi từng xem hồi nhỏ.

Digimon của Kari bị tách khỏi các Digimon khác từ lúc còn là quả trứng, nó không biết sứ mệnh của mình là gì, chỉ biết bản thân luôn đang đợi ai đó.

Nó cứ chờ, chờ mãi… nhưng cuối cùng, người đến không phải Kari.

Mà là Devimon.

Ở bên Trần Kế Dã, tôi cũng giống như vậy — luôn là người chờ đợi.

Chờ anh chăm sóc xong Tống Tịnh, mới dư thời gian quay lại với tôi một chút.

Cuối cùng anh cũng tới, thở dốc vì chạy, đứng bên cạnh tôi, ánh mắt áy náy:

“Xin lỗi, anh đến trễ. Hôm nay Tống Tịnh bảo chân đau, tâm trạng tệ, muốn anh ở bên.

“Bác sĩ từng chẩn đoán cô ấy bị trầm cảm mức trung bình, anh không dám để cô ấy ở nhà một mình…”

Tôi lạnh lùng nói: “Thế sao anh không bắt máy điện thoại của tôi?”

Trần Kế Dã sững người:

“Anh không nghe thấy có cuộc gọi nào cả. Tống Tịnh nói điện thoại cô ấy bị hỏng, buồn chán muốn mượn điện thoại anh chơi, nên anh đưa cho cô ấy. Anh còn bảo cô ấy nhắn cho em, nói em cứ vào xem phim trước, đừng chờ anh—”

Anh nắm lấy tay tôi, bỗng chốc trở nên hoảng loạn:

“Sao tay em lạnh thế này? Em đứng đây đợi anh suốt à? Em không thấy tin nhắn sao?”

“Em không thấy tin nhắn nào cả.”

Trần Kế Dã ngẩn người, theo bản năng nói:

“Có lẽ cô ấy quên mất… Xin lỗi Trí Trí, lần sau—”

Nghe quá nhiều lời giải thích, tôi đã tê dại rồi.

Bỗng dưng, tôi thấy rất mệt mỏi.

Tôi rút tay về, nhẹ giọng nói:

“Trần Kế Dã, anh hãy chăm sóc Tống Tịnh cho tốt nhé.

“Chúng ta… tạm thời đừng liên lạc nữa.”

7

Nói ra thì lạ, không biết có phải vì máy lạnh trong rạp quá mạnh, mà cái lạnh trong ký ức cũng lan ra thật sự khiến tôi run rẩy.

Tôi kéo áo khoác của Trần Kế Dã xuống, ném trả lại cho anh:

“Không cần.”

Trần Kế Dã còn định khoác lại cho tôi, thì áo bỗng bị một bàn tay khác giật lấy, ném sang một bên.

Hứa Tư Trì đứng bên, nhìn xuống Trần Kế Dã từ trên cao, đôi mắt đen sâu không lường được cảm xúc:

“Cô ấy nói không cần, cậu không hiểu tiếng người à?”

Dù Trần Kế Dã đang ngồi, khí thế vẫn không hề yếu:

“Cô ấy đang lạnh, cậu không nhìn ra à?”

Tôi tưởng Hứa Tư Trì không mặc áo khoác thì sẽ thôi đi, ai ngờ anh lại cười — trong ánh sáng mờ mờ, hàm răng trắng nổi bật như có chút khiêu khích.

Sau đó anh cởi áo hoodie đen trên người ném lên người tôi.

Cơ thể rắn chắc của anh chuyển động, cơ bắp săn chắc kéo căng, mùi gỗ đàn hương bao phủ lấy tôi.

“Vợ à, mặc áo của anh nè.”

Mặt tôi đỏ bừng, vội vàng kéo anh lại:

“Hứa Tư Trì, anh điên à! Một lát nữa có người vào thì sao?!”

“Vào thì đã sao?” Anh tỉnh bơ:

“Anh đẹp trai như này, không thu phí mà cho họ nhìn cũng coi như họ lời rồi.”

Nói xong anh ngồi hẳn xuống bên cạnh tôi, thản nhiên khoác vai tôi, cười toe toét:

“Bạn gái của anh, lạnh cũng chỉ được mặc đồ của anh thôi.”

Mặt Trần Kế Dã đen đến mức có thể nhỏ ra nước, khí thế điềm tĩnh ban đầu đã hoàn toàn tan biến, chỉ còn lại một tầng u ám bủa vây quanh người.

Phim bắt đầu chiếu, người cũng ngày càng nhiều.

Tôi bị kẹp giữa mùi gỗ tùng và mùi đàn hương, khó chịu đến mức như ngồi trên đống kim chông.

Cuối cùng tôi chịu hết nổi, mượn cớ đi vệ sinh để trốn ra ngoài.

Rửa mặt xong, tôi thở dài bước ra khỏi nhà vệ sinh.

Không ngờ lại gặp Trần Kế Dã đang tựa người vào tường ở hành lang.

Rõ ràng anh đang đợi tôi.

Tôi thực sự không thể chịu nổi nữa, gào lên gần như vỡ òa:

“Trần Kế Dã, chúng ta đã chia tay ba năm rồi, anh còn muốn gì nữa?!”

Anh bước từng bước về phía tôi.

“Mạnh Tri, anh thi vào đây là vì em. Em nói xem, anh muốn gì?”

Tôi thấy chuyện này vừa buồn cười vừa nực cười đến mức không nói nên lời.

Một lúc sau, cảm xúc phẫn nộ trong tôi như bị rút cạn.

Tôi chỉ thấy mọi thứ thật vô nghĩa.

Tôi nhắm mắt lại: “Trần Kế Dã, anh còn nhớ vì sao em chọn ngôi trường này không?”

Năm lớp 12, tôi và Trần Kế Dã từng hứa sẽ cùng nhau thi vào trường S.

Thật ra chuyên ngành mà hai đứa muốn học, cả trường S và trường Y đều tốt, chỉ là trường S gần nhà hơn, thời tiết cũng dễ chịu hơn.

Lúc đó tôi nghĩ, với thành tích của Tống Tịnh chắc chắn không đỗ được S, có lẽ bọn tôi sẽ thoát khỏi cô ấy.

Cho đến sau hôm ở rạp chiếu phim, tôi bắt đầu mơ hồ.

Tôi không còn chắc mình có thể thoát khỏi cái bóng của Tống Tịnh, cũng không chắc Trần Kế Dã có thể buông được cô ấy.

Lần đầu tiên, tôi bắt đầu nghi ngờ tình cảm của chúng tôi.

Trần Kế Dã vẫn kiên trì tìm tôi, giải thích rằng giữa anh và Tống Tịnh thật sự không có gì, van xin tôi cho anh thêm một cơ hội.

Tôi, không có tiền đồ, lại mềm lòng lần nữa.

Tôi thật sự đã từng thích anh ấy.

Tình cảm thuở thiếu thời chưa từng vướng chút tạp niệm, tôi mãi mãi nhớ đêm mất điện ấy, hai bàn tay ẩm ướt đan chặt và tiếng tim đập dữ dội.

Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi thích một người.

Và cuối cùng, tôi vẫn nộp nguyện vọng vào đại học S.

Cho đến ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển, tôi tiện tay lên trang web kiểm tra lại lần cuối — kết quả là phát hiện nguyện vọng của mình đã bị đổi!

Từ đại học S bị đổi thành một ngôi trường xa tít mù ở tận đâu đó tôi chưa từng nghe tên!

Cả đầu tôi như nổ tung, mồ hôi lạnh trào ra sau lưng, tôi đứng sững giữa phòng, như thể bị ai điểm huyệt.

Có người đã đổi nguyện vọng của tôi?

Nhưng tại sao? Là ai?

Hệ thống đã khóa, không thể chỉnh sửa được nữa. Tôi run rẩy bấm đi bấm lại con trỏ chuột đã xám màu, nước mắt chảy ướt cả bàn tay.

Rất lâu sau, tôi ngã người dựa vào ghế, mơ hồ, rệu rã.