Chương 5 - Người Mẹ Kế Bí Ẩn

7

Trước năm mười ba tuổi, tôi vẫn được xem là may mắn.

Dù sống trong trại trẻ mồ côi cũ kỹ, điều kiện thiếu thốn, nhưng ít nhất vẫn được đảm bảo an toàn.

Nhưng sau khi trại cải tổ, vật chất có khá hơn – mỗi ngày có thịt ăn, có sách đọc – thì tôi lại bắt đầu thấy bất an.

Dường như đi đến đâu, tôi cũng cảm nhận có một ánh mắt âm thầm dõi theo.

Áo lót phơi ngoài sân biến mất.

Đồ đạc trong phòng bị lục tung.

Thậm chí, có đêm đang ngủ, tôi cảm thấy có người sờ vào chân mình.

Tôi không dám nói với ai… vì kẻ đó là viện trưởng.

Tôi nhẫn nhịn suốt hai năm, cho đến cái ngày lão ta gọi tôi vào văn phòng và định cởi quần tôi ra.

Tôi đá ông ta một cú rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa gào lên cầu cứu.

Trại trẻ nằm ở vùng hẻo lánh, người qua lại không nhiều. Thi thoảng có người đi ngang, viện trưởng sẽ nói tôi là con gái ông ta, đang nổi loạn.

Không ai dừng lại giúp.

Khi ông ta gần đuổi kịp, bên tai tôi vang lên tiếng “bốp” của một chai nước bay qua.

Sau lưng truyền đến tiếng kêu đau của viện trưởng.

Tôi không dám quay đầu, chỉ sợ chậm một bước là bị bắt lại.

Tôi nhìn về phía người ném chai — là một cậu thiếu niên.

Cậu ấy cười toe:

“Chạy nhanh lên! Có muốn đi với tôi không?”

Tôi chẳng còn đường lui, chỉ biết liên tục kêu cứu.

Cậu ấy nắm tay tôi, kéo tôi chạy như bay lên một chiếc xe buýt. Ngay khi viện trưởng đuổi đến, xe vừa vặn rồ ga lăn bánh.

Ác mộng bị bỏ lại phía sau.

Cậu ấy giúp tôi mua vé, rồi dắt tôi ngồi xuống hàng ghế cuối cùng.

Ở đó đã có một cô bé trạc tuổi tôi.

Cô bé dụi mắt nhìn cậu ấy:

“Anh, sao đi vệ sinh mà lại dắt thêm đuôi theo về vậy?”

Về sau tôi mới biết, họ là anh em ruột.

Vì bị bố bạo hành trong thời gian dài, hai người đã trốn khỏi nhà.

Chiếc xe buýt ấy sẽ đi đến đâu, chúng tôi không ai biết.

Nhưng thiếu niên ấy vẫn cười lạc quan, ánh mắt sáng rỡ:

“Chiếc xe này… đang chạy đến tương lai tươi sáng đấy.”

Ngay cả khi còn chưa thật sự quen nhau, cậu ấy đã nói với tôi rằng: Rồi sẽ đến lúc, em cũng có một tương lai tươi sáng.

Đêm đầu tiên ở thành phố mới, ba đứa chen chúc nhau trong một nhà nghỉ rách nát.

Một bát mì gói chia nhau ăn.

Tôi và cô em gái ăn mì, cậu ấy chỉ uống nước súp.

Ba đứa nằm ngang trên chiếc giường cũ, ai cũng trằn trọc không ngủ được.

Có háo hức, có hoang mang, cũng có lo sợ.

Chúng tôi vừa thoát ra khỏi vực sâu cũ, nhưng chẳng biết phía trước có phải là một cái vực mới hay không.

Rồi cậu ấy chợt ngồi bật dậy, hỏi có muốn đổi tên không.

Cậu ấy nói: Hôm nay là ngày đầu tiên bước về phía ánh sáng, nên phải có một cái tên mang ý nghĩa tốt.

Và thế là chúng tôi chọn tên chữ, nhưng không ai quyết được nên theo họ gì.

Họ không muốn giữ họ cũ. Còn tôi — thậm chí không biết mình họ gì.

Cuối cùng, cậu ấy chỉ vào quyển “Tam bách bài Đường thi” rách nát trên bàn:

“Vậy thì… mình mang họ Đường đi.”

Đường Diệu, Đường Noãn, Đường Chiêu.

Tên và số phận — đã gắn kết ba con người xa lạ lại thành một gia đình.

Hôm sau, Đường Diệu ra ngoài, khi về thì báo tin đã thuê được phòng.

Cậu ấy vốn có để dành chút tiền, hôm bỏ trốn còn tranh thủ lấy thêm một ít từ cha mình, nhưng cũng không nhiều.

Căn hộ nằm trong khu phố cũ, chỉ có một phòng ngủ và một phòng khách, nhỏ xíu, cũ kỹ…

Nhưng đó là tổ ấm đầu tiên của ba đứa chúng tôi ở thành phố lạ.

Ổn định chỗ ở xong, chúng tôi bắt đầu đi làm thêm.

Vì tuổi còn nhỏ nên không thể xin được việc đàng hoàng, chỉ có thể đi phát tờ rơi, bưng bê, làm mấy việc linh tinh.

Đường Diệu hơn tôi và Noãn hai tuổi, nhưng cũng chưa đủ tuổi trưởng thành.

Vậy mà cậu ấy dường như việc gì cũng biết làm — nấu ăn, giặt giũ, chăm sóc cho tôi và Noãn.

Cậu ấy nhanh trí, lại biết cách ăn nói. Đi siêu thị bán hàng giúp người ta, thành tích rất tốt, các cô chú trong siêu thị còn thường xuyên cho cậu thêm rau củ.

Ba đứa cùng cố gắng.

Cuộc sống không dư dả, nhưng ít ra không bị đói.

Đường Diệu luôn lạc quan:

“Cuộc sống rồi sẽ ngày càng tốt hơn.”

Giữa vòng xoáy khổng lồ của cuộc sống, ba đứa tôi ôm nhau mà sưởi ấm.

Dù có chông chênh, nghiêng ngả, nhưng ít ra vẫn cảm thấy an toàn và yên lòng.

Sau đó có một hôm, Đường Diệu mang về một miếng thịt, bảo có tin tốt muốn chia sẻ với bọn tôi.

Anh kể lúc làm việc ở siêu thị có quen một thầy giáo, người đó nói sẵn sàng giúp tôi và Đường Noãn quay lại đi học.

Chúng tôi đều từ chối.

Đường Noãn từ nhỏ đã không giỏi học, cũng không hứng thú với chuyện học hành. Dạo này chị ấy đang làm học việc ở một tiệm làm đẹp, rất thích, nên không muốn quay lại trường.

Còn tôi thì… là vì ngại.

Nhưng rồi hai anh em họ thay phiên nhau thuyết phục tôi, Đường Noãn nói nhìn tôi là biết có tố chất thi đại học, bảo tôi cố gắng học, sau này có báo đáp cũng được.

Nhưng tôi biết, họ không cần tôi trả ơn. Họ thật lòng xem tôi là người trong nhà.

Có lúc thế giới này rất rộng lớn, lớn đến mức một đời người chỉ có thể gặp một số ít người.

Cũng có lúc thế giới lại nhỏ bé đến mức, chỉ một sợi dây mỏng manh tình cờ cũng đủ để gắn kết những người xa lạ thành người thân.

Vậy nên cuối cùng thành ra: hai người họ đi làm, tôi thì đi học. Cuối tuần hay sau giờ học, tôi tranh thủ làm thêm, toàn mấy việc nhẹ nhàng như trông tiệm, một ngày được 30 đồng, có thể vừa làm vừa học bài.

Tôi âm thầm tích góp từng chút một. Việc đầu tiên khi dành dụm đủ tiền là mua cho Đường Diệu một chiếc giường gấp.

Bởi vì căn phòng chỉ có một giường – tôi và Đường Noãn ngủ chung – còn anh ấy cao to, phải nằm ghép trên cái ghế sofa nhỏ trong phòng khách, chân lúc nào cũng thò ra ngoài.

Anh tiếc tiền mua giường cho mình, nhưng lại chẳng chớp mắt khi bỏ tiền mua tài liệu học cho tôi.

Hôm nhận được chiếc giường, Đường Diệu xoa đầu tôi, cười tít mắt:

“Được đấy, còn biết mua giường cho anh, không uổng công anh thương em.”

Tôi nhìn anh, tim đập loạn xạ, vừa vui… mà cũng vừa không vui.

Tôi không muốn gọi anh là “anh trai”.

Sau này, trong vô số đêm khuya, khi tôi ngồi ôn bài, làm đề thi bên bàn học, thì Đường Diệu nằm trên giường gấp, tính toán chi tiêu.

Anh luôn là người đầu tiên phát hiện khi cốc nước của tôi cạn, và lặng lẽ rót đầy lại.

Khi tôi học đến nửa đêm, anh sẽ nấu một bát mì, còn thêm một quả trứng lòng đào.

Anh thường cười dịu dàng nhìn tôi, nói:

“Chiêu Chiêu nhất định sẽ có tương lai thật tốt.”

Tôi từng hỏi anh:

“Tại sao lúc ấy lại kéo em chạy theo anh?”

Anh nói, anh tưởng tôi bị bắt cóc — vì tôi chẳng giống con gái của gã viện trưởng chút nào cả.

Lúc đó có rất nhiều người nghe tôi kêu cứu, nhưng chỉ có anh là đưa tay ra đón lấy.

Lên lớp 12, áp lực học tập càng nặng, tan học cũng muộn hơn.

Nhất là mùa đông, trời vừa tối nhanh, vừa lạnh thấu xương.

Đường Noãn mua cho tôi đôi giày tuyết dày nhất, mỗi ngày còn nhét một túi sưởi tay vào cặp tôi, nói rằng ngồi yên một chỗ sẽ rất dễ bị lạnh.

Đường Diệu thì ngày nào cũng đứng đợi tôi trước cổng trường, trong tay luôn là một chai sữa nóng và hai quả trứng gà luộc. Anh nói tôi dùng não quá nhiều, phải bổ sung dinh dưỡng.

Anh đến nhiều đến mức, học sinh trong trường ai cũng biết anh.

Anh đẹp trai, nói chuyện khéo léo, nên rất được lòng mọi người – nhất là các bạn nữ. Nhiều người nhờ tôi đưa thư tình, quà cáp, cuối cùng còn chêm thêm một câu: “Giúp mình đưa cho anh của bạn nha~”

Tôi từ chối hết.

Tôi nói: “Anh ấy không yêu đương.”

Đến Giáng Sinh, anh lại như thường lệ đứng trước cổng chờ tôi.

Từ xa tôi đã thấy có một bạn nữ mặt đỏ ửng, tặng anh một quả táo. Anh không chỉ nhận, mà còn móc ra từ túi áo một củ khoai nướng tặng lại.

Suốt đường về tôi không nói chuyện với anh, anh xách cặp tôi, kéo tôi lại, cau mày hỏi:

“Ở trường bị bắt nạt à?”

“Tên anh quản chắc?!”

Tôi thừa nhận, tôi giận đến mất kiểm soát.

“Nếu không phải anh quản thì ai quản?!”

“Chiêu Chiêu, anh thấy em càng lúc càng gan to rồi đấy!”

Anh chắn trước mặt tôi, mặt nghiêm lại:

“Em đang yêu sớm đấy à?”

Tôi chỉ tay vào quả táo trong tay anh, tức đến nghẹn:

“Anh còn dám nhận quà người ta tặng, sao em không thể yêu sớm?”

Anh sững lại một lúc, rồi bật cười, đôi mắt sáng long lanh như ánh sao trong đêm.

Anh cúi xuống nhìn tôi, giọng dịu dàng như thôi miên:

“Chiêu Chiêu của anh… đang ghen với anh trai à?”

Khoảnh khắc ấy, tôi bỗng nhận ra — mọi tâm tư của mình trước anh đều không thể giấu nổi.

Tôi luống cuống muốn chạy trốn, anh lại kéo tôi vào lòng.

Dù cách mấy lớp áo, tôi vẫn cảm nhận được nhịp tim mạnh mẽ của anh.

“Cô ấy nói là bạn học của em nên anh mới nhận, anh cũng đã tặng lại rồi mà. Anh chỉ muốn em hoà đồng với bạn bè thôi.”

“Nếu Chiêu Chiêu không vui thì lần sau anh sẽ không nhận nữa.”

Gió lạnh lùa qua hai bên, nhưng chẳng thể xua đi sự nóng rực trên má tôi.

Từ hôm đó, giữa tôi và Đường Diệu bắt đầu có chút thay đổi.

Không rõ là thay đổi gì, nhưng luôn cảm thấy… có điều gì đó không còn như trước.

Thường xuyên chạm mắt rồi vội vàng tránh đi, đôi tay vô tình đụng nhau thì lại như bị điện giật mà rụt lại.

Những hành động từng rất bình thường, giờ bỗng trở nên đặc biệt.

Nhưng chẳng ai nhắc đến, cũng chẳng ai nói ra.

Cho đến một tối, khi tôi đang sấy tóc, Đường Noãn chợt hỏi:

“Chiêu Chiêu, em đang yêu anh trai chị đúng không?”

“Không thì sao mặt em đỏ dữ vậy?”

Tôi: …

Ủa? Mọi chuyện rõ ràng đến vậy luôn hả?

Tôi còn chưa kịp trả lời, chị ấy đã thở phào nhẹ nhõm:

“Tốt quá rồi, lần sau đồng nghiệp nào định cưa anh trai chị, chị sẽ bảo chị có chị dâu rồi.”

Tôi dở khóc dở cười.

Thật ra, tôi cũng không biết mình có được xem là “chị dâu” chưa nữa.

Hôm thi xong đại học cũng là sinh nhật tôi.

Đường Noãn vì có chuyến công tác xa nên chỉ gọi video để chúc mừng.

Chị ấy thần thần bí bí, bảo đã chuẩn bị quà rồi, giấu trong ngăn kéo đầu giường bên phía tôi.

Khi tôi thổi tắt nến, Đường Diệu chống cằm nhìn tôi, nhẹ nhàng nói:

“Chiêu Chiêu, chúc em tuổi mới luôn bình an.”

Giây phút ấy, tôi chợt cảm thấy… ước mơ của mình thật ra chẳng hề xa vời.

Tôi chỉ mong, mỗi năm sinh nhật đều có thể cùng Đường Diệu và Đường Noãn bên nhau.

Chiếc bánh sinh nhật tuổi 18 — tôi và Đường Diệu chia đôi, ăn hết sạch.

Sau khi tắm xong quay về phòng, tôi tìm thấy món quà mà Đường Noãn nói.

Cầm trong tay chỉ thấy nóng ran, đúng lúc Đường Diệu đang đứng ngay cửa phòng.

Chúng tôi nhìn nhau, mặt ai cũng đỏ bừng.

Anh khép cửa phòng tôi lại, nói:

“Ngủ sớm đi.”

Giữa mùa hè oi bức, chiếc quạt cũ trong đêm phát ra tiếng kẽo kẹt khó chịu, khiến người ta càng thêm bức bối.

Tôi trằn trọc mãi không ngủ được, cuối cùng lặng lẽ rời khỏi phòng, chui vào lòng Đường Diệu.

Chiếc giường gấp nhỏ xíu, chúng tôi nằm sát vào nhau.

Đường Diệu hơi khựng lại, rồi vòng tay ôm tôi:

“Ngủ không được à?”

Tôi gối đầu bên cổ anh, thật ra đã hơi buồn ngủ, nhưng vẫn khẽ gật đầu.

Anh bắt đầu hỏi tôi muốn thi đại học ở đâu.

Tôi đã suy nghĩ kỹ từ lâu — chọn một trường sư phạm trong thành phố, học phí được miễn hoàn toàn suốt bốn năm, lại gần nhà.

Đường Diệu xoay mặt tôi lại:

“Không được. Với thành tích của em, hoàn toàn có thể đỗ vào trường tốt hơn.”

“Tiền nong em đừng lo, em chỉ cần học cho giỏi, những việc khác cứ để anh lo…”

Anh chưa kịp nói hết câu thì tôi đã bịt miệng anh lại.

Anh thật sự rất hay càm ràm.

Lần đầu hôn nhau, tôi căng thẳng tới mức quên cả thở, suýt nữa tự nghẹt mà chết.

Đường Diệu buông tôi ra, vừa buồn cười vừa bất lực:

“Chưa biết đổi hơi đã học người ta hôn cưỡng chế, bản lĩnh quá nhỉ.”

Bóng tối che giấu gương mặt đỏ rực của tôi, đến nói tôi cũng chẳng dám mở lời.

Một lúc sau, anh xoa đầu tôi.

“Chiêu Chiêu, em rất giỏi. Em nên ra ngoài nhìn thấy một thế giới rộng lớn hơn. Em sẽ gặp được nhiều người tốt hơn.”

“Đừng tự giới hạn bản thân, cũng đừng lo cho tụi anh.”

“Anh không muốn sau này em hối tiếc vì đã bỏ lỡ một điều gì đó quan trọng.”

Anh luôn như vậy.

Dốc hết sức để nâng đỡ tôi, chỉ mong tôi có thể chạm tới cái gọi là “tương lai tươi sáng” mà anh từng nói.

Tôi ôm chặt eo anh, kiên quyết lắc đầu:

“Không có gì quan trọng bằng hai người hết.”

“Em không đi đâu hết, em muốn ở lại đây.”

Sau đó, Đường Noãn trở về.

Nghe xong suy nghĩ của tôi, chị ấy nhìn chúng tôi mà mặt đầy bất lực:

“Bị gì vậy trời? Chiêu Chiêu đi học ở đâu thì tụi mình đi theo tới đó chứ. Trên đời đâu chỉ có mỗi cái thành phố này?”

Ừm… tôi chỉ có thể thừa nhận: Yêu vào đúng là dễ mất não.

Cả tôi và Đường Diệu đều xấu hổ đến mức không thốt nổi một lời.

Cuối cùng, tôi đăng ký một trường đại học ở phía Bắc.

Chúng tôi lại cùng nhau rời thành phố này, bước vào một nơi hoàn toàn mới.

Lúc đi, chẳng ai trong bọn tôi luyến tiếc gì căn nhà đã ở suốt 4 năm ấy.

Vì chúng tôi đều hiểu: chỉ cần ba người vẫn còn ở bên nhau, nơi đâu cũng là nhà.

Đọc tiếp

Báo cáo Nếu phát hiện thiếu chương hoặc bất kỳ vấn đề nào, hãy phản hồi cho tôi! :)