Chương 5 - Người Lái Taxi Đặc Biệt

Tôi lập tức tràn đầy năng lượng, thầm nghĩ chờ đấy, hôm nay tao phải ăn cho mày hết sạch tiền, đừng hòng thoát! “Tôi đi lấy thêm bát canh.”

Lúc tôi bưng bát canh quay về thì thấy chỗ mình ngồi có một cô gái lạ hoắc ngồi đó.

Đưa mắt liếc một vòng liền hiểu ngay — cả căn tin này, anh Vương trắng như phát sáng.

Bình thường tôi cũng chẳng thấy anh đẹp trai lắm, nhưng đặt vào giữa đám chú bác trong xưởng thì gương mặt anh đúng kiểu sáng bừng, nổi bật không ai bì kịp.

Cô gái kia cười ngại ngùng, ríu rít không ngừng, còn anh Vương cúi đầu ăn cơm, chẳng thèm ngẩng lên.

Tôi đặt bát canh xuống bàn, vỗ vai anh Vương:

“Bố thằng nhỏ, tranh thủ húp canh đi, ăn no chiều còn đi làm, ở nhà đứa nhỏ còn chờ tiền lương đóng học phí mẫu giáo đấy. Ơ? Cô gái này là ai vậy? Anh quen à?”

Nụ cười trên mặt cô gái lập tức đông cứng, ngơ ngác nhìn anh Vương.

Anh Vương cũng rất phối hợp, cầm bát canh uống một hơi cạn sạch:

“Biết rồi, anh sẽ kiếm nhiều tiền để về quê nuôi lợn, cố gắng có thêm đứa thứ ba.”

Cô gái lúng túng bỏ đi, hai đứa tôi ngồi đó, che miệng cười trộm với nhau.

“Nếu thật sự như thế… hình như cũng chẳng tệ.”

Tôi liếc anh một cái, quả nhiên là cậu ấm nhà giàu, chưa từng nếm trải nỗi khổ đời người.

“Anh từng đi vệ sinh hố xí ngoài đồng chưa? Loại có ruồi nhặng đầy ấy? Từng gánh phân chưa?”

Anh Vương đặt khay cơm xuống, cầm đi cất:

“Thôi bỏ đi, vặn ốc tiếp còn hơn.”

8.

Nhưng công việc này cũng không cực như tôi tưởng, làm được một tuần thì bọn tôi được điều sang xưởng khác nhẹ nhàng hơn, chỉ cần trông máy chạy là xong.

Ngày ngày hai đứa mặc đồng phục công nhân, lăn lộn trong xưởng, người thì lấm lem bụi bẩn.

Có điều, tôi thật sự muốn hỏi:

“Tôi hiểu anh muốn sống ẩn danh, khiêm tốn, nhưng sao anh lại lái Mercedes-Benz đi làm vậy? Anh thấy cái thân phận công nhân vặn ốc của bọn mình hợp nổi Mercedes à?”

Thiếu gia khẽ ho một tiếng:

“Anh đâu có cái xe nào khiêm tốn hơn đâu.”

Được lắm, tôi đúng là rảnh hơi mới hỏi.

“Thế tôi quyết định rồi, mai hai đứa mình đi làm bằng xe đạp công cộng.”

“Vì sao?”

Tôi nhìn ánh mắt dò xét ngoài cửa sổ, bất đắc dĩ nói:

“Trong xưởng vặn ốc vít ai lại đi Mercedes chứ, anh không thấy nhiều người nhìn anh tò mò sao? Hơn nữa, quá nhiều chị em đến làm quen anh rồi, tôi chắn cũng không nổi nữa.”

Anh nhướng mày, nhìn tôi với vẻ trêu chọc:

“Anh có bảo em chắn đâu?”

“Ồ? Không cần tôi chắn hả? Vậy càng hay, mai anh cứ đi ăn trưa với Tiểu Hoa, Đại Quyên đi, tôi tự đi ăn, yên tĩnh. Đỡ phải ngày nào cũng bị hỏi anh rốt cuộc là làm cái gì.”

Kết quả, thiếu gia cũng chịu nhượng bộ, đem xe đỗ ở ga tàu điện ngầm, hằng ngày cùng tôi đạp xe công cộng đi làm.

Thêm hai tuần nữa, bọn tôi lại bị điều sang xưởng liên quan đến dầu máy, người ngợm tay chân loang lổ đen vàng lem nhem.

Nhưng tôi giờ đã là một công nhân trưởng thành, mấy chuyện nhỏ này không làm khó nổi tôi.

Lúc tôi đang hăng hái làm việc, mồ hôi ướt đẫm cả người, thiếu gia tới vỗ vai tôi:

“Anh quên mất, nay là sinh nhật dì Trương, hai đứa mình phải đi ngay.”

Đi thì đi, tôi nhận lương là để làm việc thôi mà.

Nhưng tôi vẫn không nhịn được hỏi:

“Đi… đi luôn với bộ dạng này hả?!!! Hả?!!!”

Thiếu gia vẫn cái vẻ mặt chẳng quan tâm gì:

“Ừ, không kịp nữa đâu. Qua đó chào hỏi xong về luôn, về muộn là ảnh hưởng tiến độ, bị trừ lương.”

Được rồi, hòa nhập nhanh đấy, làm như tôi mới là con nhà giàu vậy.

Người ta không để tâm, tôi cũng chẳng cần làm màu.

Nhưng mà…

“Đi xe đạp à?!!!”

Thiếu gia đã quét mã, leo lên yên:

“Ừ, anh xem bản đồ rồi, đường tắc lắm, xe đạp còn nhanh hơn, đi xe đạp nửa tiếng, đi ô tô phải mất một tiếng.”

Cứu tôi với, tôi thật sự muốn khóc.

Người ta trong phim đi dự tiệc, phải xe sang, lễ phục lộng lẫy.

Đến lượt tôi, đạp xe công cộng, mặc đồng phục công nhân, tự mang theo hương mồ hôi đặc trưng. Ai biết thì biết đi ăn sinh nhật, ai không biết lại tưởng tôi với anh bị gọi đi… thông cống.

Đợi tới lúc tôi mồ hôi nhễ nhại đến nơi, tôi càng chết lặng hơn — đây không phải nhà anh ấy, mà là… một khách sạn.

Mà còn là… khách sạn 5 sao siêu sang chảnh.

Chẳng ngoài dự đoán, ngay cổng đã có người chặn chúng tôi lại.

Cuối cùng vẫn là anh Vương phải gọi điện cho ba mình nhờ người ra đón mới được dẫn vào.

Không thì hai đứa tôi đứng ngoài cửa cũng chẳng ai thèm để ý.

Vừa bước vào trong, tôi lập tức có cảm giác mười đầu ngón chân của mình thi nhau đào đất, chỉ hận không thể bới luôn được một đoạn Vạn Lý Trường Thành mà chui xuống cho xong.

Đến hội trường, toàn cảnh trước mắt là váy áo lộng lẫy, ánh đèn phản chiếu lấp lánh, rượu vang sóng sánh, người người cười nói giao lưu.

Tôi với anh Vương trông chẳng khác nào hai kẻ ăn xin lạc vào giới thượng lưu, ánh mắt người ta nhìn bọn tôi đúng kiểu khinh thường, hận không thể cách xa tám trăm dặm.

Nhưng mà, đúng là thiếu gia có khác, mặt mũi vẫn bình tĩnh như không, thản nhiên quay đầu nắm tay tôi, ngẩng cao đầu, hiên ngang bước thẳng vào trung tâm hội trường, đi tìm ba anh và dì Trương.

Hôm nay dì Trương ăn diện đặc biệt lộng lẫy, cái vòng cổ trên người bà ta lấp lánh suýt làm mù mắt tôi. Tôi đi mua đồ nhựa giả cũng chẳng dám chọn viên nào to thế.

Dì ấy nhíu mày, trong mắt hiện rõ vẻ ghét bỏ, sau lại nhận ra là anh Vương, muốn làm thân lại dè dặt hỏi:

“Dữ Xuyên? Con đi đâu ra cái bộ dạng này vậy?”

Ba anh Vương thì lại có phần ngạc nhiên, nhếch mép cười ha hả:

“Ồ, nhóc này, xuống xưởng làm à?”

Nhưng nhìn quanh thấy ánh mắt mấy người xung quanh, có vẻ lại thấy mất mặt:

“Dì Trương con sinh nhật, mà con ăn mặc thế này tới à? Không biết phép tắc, làm mất mặt cha con rồi! Không lẽ ba không cho con tiền mặc đồ? Mau đi thay đồ sạch sẽ tử tế rồi quay lại.”

Thiếu gia vẫn cười nhàn nhạt:

“Dì Trương, chúc dì sinh nhật vui vẻ, quà con sẽ gửi sau. Trong xưởng còn việc, con xin phép về trước.”

Ông cụ bên kia lập tức quát giữ lại:

“Đứng lại, ai cho mày đi! Hôm nay tiểu thư nhà họ Hà cũng tới, nhớ không, con gái lớn của chú Hà, nhà làm bên tài chính ấy.”

Vừa nói vừa ngoắc tay gọi từ xa:

“Tiểu Hà à, lại đây, Dữ Xuyên cũng tới rồi, hai đứa cùng tuổi, chắc hợp nhau lắm.”

Dì Trương thì liếc mắt thấy tôi đang co rúm phía sau, liền mỉa mai:

“Cậu dẫn nó tới làm gì? Cậu định để nó làm trò cười cho cha cậu sao?”

Anh Vương nắm chặt tay tôi:

“Con không thấy mất mặt.”

Từ xa, một cô gái mặc váy voan trắng bước lại, vừa nhìn là biết kiểu con gái được cưng chiều từ bé, khí chất nhẹ nhàng, làn da trắng hồng mịn màng, cười cũng rất dịu dàng:

“Cháu chào chú Vương, chào anh Dữ Xuyên.”

Đúng là người có giáo dưỡng, nhìn thấy anh Vương thế này mà vẫn chẳng hề tỏ vẻ chê bai, ngoan ngoãn chào hỏi rồi đứng một bên.

Hai bên đặt cạnh nhau, đúng là đối lập quá rõ.

Tôi lén gỡ tay anh Vương ra, nhỏ giọng nói sau lưng anh:

“Em về trước nhé, anh cứ tiếp chuyện đi.”

Anh Vương mỉm cười gật đầu với cô gái, rồi quay lại nhìn tôi, cất cao giọng:

“Chờ anh chút, để anh chào hỏi em họ xong rồi về xưởng cùng em.”

Chữ em họ vừa thốt ra, ai cũng hiểu rõ ý anh.

Cô gái nhỏ kia cũng chẳng hề tỏ vẻ khó chịu, chỉ hơi ngẩng cằm, vẫn giữ nụ cười:

“Anh Dữ Xuyên đúng là người có chí khí, có trách nhiệm. Em nghe danh đã lâu, hôm nay gặp mặt, quả nhiên không hổ danh người trong lòng em ngưỡng mộ. Nếu anh có việc bận, em cũng không làm phiền. Em qua kia gặp bạn chút. Chú dì, con xin phép ạ.”

Đúng là tiểu thư nhà danh giá, thái độ khéo léo, đoan trang, khiến người như tôi cũng thầm ngưỡng mộ.

Bên kia ba anh Vương vừa thấy mối hôn sự tốt thế lại bị anh phá hỏng, sắc mặt lập tức sa sầm, trong mắt lộ rõ tức giận:

“Con gái nhà người ta điều kiện tốt thế, nhân phẩm cũng tốt, con không cần, cứ phải bám cái thứ không ra gì này mới cam à? Mày có bệnh hả?!”

Thiếu gia nắm chặt tay tôi, kéo tôi ra đứng hẳn ra ngoài:

“Đường Đường chẳng qua chỉ không có xuất thân bằng người ta, ngoài ra em ấy chẳng thua kém ai hết. Em ấy chịu theo tôi xuống xưởng vặn ốc vít, làm suốt cả tháng trời, tôi không tin mấy tiểu thư kia ai làm được vậy.

Ba ngày nào cũng nói muốn tôi gánh vác nhà máy, giờ tôi xuống tận xưởng, bẩn thỉu, lấm lem cả người, chẳng lẽ ba không nhìn thấy ánh mắt thiên hạ nhìn tôi sao?

Những người hôm nay bám lấy tôi, bám lấy ba, chẳng qua vì nhà ta còn tiền. Có mấy ai thật lòng hiểu được nỗi khổ khi phải lấm lem kiếm sống hả?”

Mấy câu này nói trúng ngay nỗi đau trong lòng ông Vương.

Hồi ông tiếp quản nhà máy, xưởng của nhà họ Vương đã xuống dốc lắm rồi.

Lúc đó, cha mất sớm, mẹ lại yếu đuối chẳng gánh nổi việc, ông phải bỏ học về nhà lo liệu. Cố gắng suốt mười năm mới vực dậy nổi sản nghiệp.

Để nhà máy phát triển hơn, ông cưới mẹ anh Vương, môn đăng hộ đối, giàu có xứng đôi.

Tiếc rằng tuy môn đăng hộ đối, nhưng tam quan, tính tình hoàn toàn trái ngược.

Một người từng trải khổ cực, chẳng biết phong hoa tuyết nguyệt là gì, một người thì từ bé sống trong nhung lụa, cầu kỳ thanh tao. Hai người sớm muộn cũng thành người xa lạ.

Báo cáo Nếu phát hiện thiếu chương hoặc bất kỳ vấn đề nào, hãy phản hồi cho tôi! :)