Chương 3 - Người Đàn Ông Không Biết Đau
Dù gì anh ta cũng là chồng con gái một, mất mặt hay được mặt đều ảnh hưởng đến nhà tôi.
Khi anh ta đầu tư thua lỗ, bố mẹ tôi phải đứng ra trả nợ giúp.
Thậm chí còn giới thiệu anh ta làm dự án với công ty của họ.
Nhờ gió đông đó, sự nghiệp của anh ta lên như diều gặp gió.
Cho đến năm năm trước, bố mẹ tôi cùng qua đời trong một vụ tai nạn giao thông.
Từ đó, Tề Trạch Dự bắt đầu đi công tác triền miên, lấy lý do “ra nước ngoài làm dự án”.
Ngay cả khi Nhã Nhã mất, anh ta cũng chỉ về dự tang lễ đúng một ngày rồi biến mất.
Dù vậy, tôi cũng không nghi ngờ gì nhiều.
Công việc của tôi rất bận: trực lâm sàng, nghiên cứu khoa học, dạy học – mọi áp lực đều dồn lên tôi.
Nhiều khi nửa tháng mới sực nhớ: “Ủa, Tề Trạch Dự chưa gọi điện cho mình” – mà tôi cũng không biết anh ta đang ở đâu.
Giờ nghĩ lại, mấy năm qua chắc hẳn anh ta lo chơi bời với mấy cô bên ngoài, không còn thời gian quan tâm đến nhà cửa.
Dựa vào thái độ của anh ta với việc Nhã Nhã mất, không chừng còn có con riêng ở đâu đó cũng nên.
Anh ta từng nhiều lần nói:
“Sinh con gái là lỗ vốn, không sinh được con trai thì vô dụng.”
Một người học đại học chính quy bốn năm mà lại thốt ra mấy lời đó, tôi cũng thấy khó hiểu thật.
Tôi lại nhớ tới chiếc vòng tay vàng quen thuộc trong tấm hình.
Theo lý, người chết đuối trôi sông mà thi thể còn không tìm được thì vòng tay sao còn?
Trừ khi… có ẩn tình gì khác.
Nghĩ tới đó, tôi nhớ ra con trai bạn cũ của bố tôi – người từng suýt trở thành đối tượng xem mắt của tôi – Lý Gia An.
Từ sau khi tốt nghiệp, cậu ấy mở một văn phòng thám tử tư, luôn bị gia đình chê là không làm nghề đàng hoàng.
Nhưng bây giờ lại chính là người thích hợp nhất để giúp tôi điều tra vụ này.
Cũng tiện thể giúp tôi thu thập chứng cứ ngoại tình của Tề Trạch Dự.
Lý Gia An nhanh chóng đồng ý, đảm bảo trong vòng ba ngày sẽ có kết quả.
Tôi về nhà sau ca trực đêm, gọi điện cho Tề Trạch Dự.
“Anh yêu, anh đang ở đâu vậy?”
“Đang họp, có gì không em?”
“Hôm nay là Tết mà.”
“Năm mới vui vẻ nhé.”
Tôi nghe tiếng phụ nữ nói chuyện phía bên kia điện thoại, không biết có phải là cô gái đêm qua không, nhưng tôi cũng chẳng quan tâm.
“Năm mới vui vẻ. Khi nào anh về nước? Gần đến ngày giỗ của Nhã Nhã rồi.”
“Chắc mùng Ba. Anh sẽ cho người đón em về quê.”
“Ừ. Anh à, bên đó tối rồi nhỉ? Ngủ sớm nhé.”
“Ừ. Họp xong anh ngủ luôn.”
“Vất vả rồi.”
“Vì gia đình mình, không vất vả đâu.”
Cúp máy xong, tôi nhìn điện thoại.
Quốc gia mà anh ta nói đang đi công tác hiện tại là giữa trưa, không phải buổi tối.
Trong lòng tôi thấy chua chát.
Nhìn quanh căn nhà trống trải này, tôi nhớ lại hồi mới yêu, chúng tôi từng hòa hợp như đàn và hát.
Chỉ là, không biết từ khi nào mọi thứ đã thay đổi.
Hay là… từ đầu đến cuối đều chỉ là sự giả tạo?
Nhưng thôi, không còn quan trọng nữa rồi.
Làm bác sĩ có một cái hay – chính là nhìn chuyện đời rất thoáng.
Chứng kiến nhiều cảnh sinh ly tử biệt, nhiều câu chuyện quái gở, rồi cũng học được cách bình thản đối mặt.
Giờ điều tôi cần làm là bảo vệ quyền lợi của bản thân.
Bạn thân vẫn là chỗ dựa đáng tin nhất.
Sau khi tôi ngủ bù xong ca trực đêm, cô ấy đã lên cho tôi một kế hoạch ly hôn chi tiết.
Sau Tết Nguyên đán, cô ấy sẽ giúp tôi điều tra rõ ràng tài sản.
Còn bây giờ, việc tôi cần làm là nắm đủ bằng chứng ngoại tình của Tề Trạch Dự.
Cách làm thì… chính anh ta đã chỉ cho tôi rồi.
Tối mùng Một Tết, tôi ghé qua ngôi nhà cũ của bố mẹ.
Dự định dọn dẹp một chút rồi sau Tết đem bán.
Đã năm năm rồi, cuối cùng tôi cũng đủ can đảm bước vào lại nơi này.
Tôi nhớ lại cảnh bố mẹ từng phản đối chuyện tôi lấy Tề Trạch Dự — đúng là câu nói đó chẳng bao giờ sai: người mà bố mẹ đồng ý thì có thể không lấy, nhưng người họ phản đối, tuyệt đối không được cưới.
Tôi tình cờ lật được một quyển nhật ký của mẹ.
Bà là kiểu người trí thức cổ điển, sinh ra trong gia đình nho học, nét chữ viết như hoa như phượng.
Từng trang, từ khi còn trẻ đến lúc già, đều được bà ghi lại — khiến tôi đọc mà nước mắt rơi mấy lần.
Nhưng đến vài trang cuối cùng, tôi phát hiện một chuyện trước giờ chưa từng biết.
Em gái và em rể của Tề Trạch Dự từng đến nhà tôi vào đúng ngày hôm trước khi bố mẹ gặp tai nạn.
Tôi hoàn toàn không biết cái cô em chồng ngỗ nghịch, học hành chẳng tới nơi tới chốn ấy từng đến nhà tôi trước hôm bố mẹ tôi mất.
Mẹ tôi tuy không ưa cô ta vì thô lỗ vô lễ, nhưng vẫn tiếp đãi rất lịch sự.
Tôi có linh cảm có gì đó không ổn, liền kể việc này cho Lý Gia An.
“Tôi không có bằng chứng, chỉ là cảm giác có gì đó lạ thôi. Nhưng năm năm rồi, chắc khó điều tra lắm.”
“Không sao, để anh lo. Anh Gia An bảo đảm sẽ điều tra rõ ràng cho em.”
Giọng điệu anh ấy vẫn tự do, phóng khoáng như năm nào — như thể thời gian chưa từng mài mòn được anh ấy.
“Vậy thì cảm ơn anh. Báo giá đi, em chuyển khoản.”
“Sao lại lấy tiền? Việc nhà mình mà, em nói thế là xa cách rồi.”
Anh ấy nhất quyết không nhận tiền, tôi cũng đành thôi. Tính sau này sẽ mời bố mẹ anh ấy đi du lịch coi như trả nghĩa.