Chương 11 - Người Chồng Bất Ngờ Từ Trên Trời Rơi Xuống
Ta cong mắt, cười tươi như hoa:
“Cha từng nói, yêu một người thì phải nói cho người ấy biết, làm cho người ấy thấy. Khi biết mình được yêu chân thành, thì ai ai cũng sẽ vui vẻ cả.”
“Cho nên phu quân, giờ chàng có thấy vui không?”
“…Ừm.”
Cố Tố Chiếu từ từ cúi đầu, nhẹ nhàng dựa trán vào vai ta, giọng trầm thấp mà dịu dàng:
“…Ta rất vui, A Lựu, ta chưa từng thấy vui như thế này bao giờ.”
Ta mãn nguyện ôm lấy chàng: “Vậy là đủ rồi đó!”
“Phu quân chỉ cần nhớ kỹ, A Lựu rất rất rất thích chàng!”
Một cánh tay lớn vòng ra sau lưng ta, ôm lấy thật chặt.
“A Lựu cũng phải nhớ…”
“Vi phu cũng vậy, rất rất rất… thương A Lựu.”
16
Ngày qua ngày cứ thế êm đềm trôi đi.
Ta vẫn như trước, sáng sớm lên thư đường, nghỉ học thì đến cửa tiệm giúp đỡ, ngoài ra thời gian còn lại đều ở nhà với Cố Tố Chiếu, chẳng muốn đi đâu xa.
Ta luôn cảm thấy chàng cô đơn.
Không kìm được mà cứ muốn ở bên chàng nhiều một chút.
Từ nhỏ ta đã lắm lời, phụ thân thường bảo ta ríu rít như chim sẻ. Nhưng Cố Tố Chiếu thì chưa từng nói ta phiền.
Chàng lúc nào cũng nghiêm túc lắng nghe ta nói.
Ta kể ở học đường hoa mai đã nở, chàng hỏi hoa màu gì; ta nói trên đường về gặp một chú cún con, chàng hỏi nó có chạy theo ta hay không. Chàng luôn chăm chú nhìn ta, lặng lẽ nghe từng lời ta nói.
Thế nhưng mỗi lần nhìn vào đôi mắt đẹp ấy, ta lại thấy có chút gì buồn buồn.
“Phu quân…”
Ta nâng mặt chàng lên, nghiêm túc nói: “Đừng cứ mãi nghe thiếp nói, thiếp cũng muốn được nghe chàng nói nữa.”
Cố Tố Chiếu khẽ mỉm cười, ánh mắt đầy nhu hòa: “A Lựu muốn nghe điều gì?”
“Gì cũng được.”
Ta nhìn chàng, nhẹ giọng rằng: “…Dù là chuyện vui hay chẳng vui, thiếp đều sẽ nghiêm túc lắng nghe, tựa như chàng đối với thiếp vậy.”
Vì thế, Cố Tố Chiếu kéo ta vào lòng, bắt đầu kể chuyện ngày xưa.
“Vi phu lớn lên nơi Lạc Kinh, trong một dòng tộc phú quý. Phụ thân chỉ có duy nhất một thê thất, nhà có ba huynh đệ, vi phu đứng thứ hai.”
“Khi còn nhỏ, vốn nghịch ngợm tinh ranh, thường gây họa, nên phụ thân đối với ta nghiêm khắc vô cùng.”
“Mẫu thân ăn chay niệm Phật, lại chẳng mấy thân thiết với ta.”
Khi ấy, Cố Tố Chiếu tính tình ngỗ nghịch, không được lòng người, thường mười hôm nửa tháng cũng chẳng được gặp song thân lấy một lần.
Năm chàng lên sáu, mẫu thân hạ sinh tiểu đệ, ai cũng được vào thăm, chỉ riêng chàng là không.
Không cam lòng, chàng lén lút lẻn đến viện mẫu thân.
Nhưng vừa đứng nơi cửa, đã trông thấy người mẹ xưa nay luôn lãnh đạm hờ hững, đang khom người trước nôi em nhỏ, dịu dàng hát ru.
Chàng lại tìm phụ thân, thì thấy người cha vốn luôn nghiêm khắc với mình, đang nở nụ cười ôn hòa, cầm tay đại ca dạy viết từng chữ.
“Hôm ấy ta mới hiểu, thì ra bọn họ chẳng phải không biết thương con, mà là con họ thương, không phải ta.”
“Nhưng biết làm sao đây? Ta vẫn rất muốn được mẫu thân yêu thương.”
“Vì thế ta cố gắng ngoan ngoãn, càng chăm chỉ đọc sách, luyện võ, nhưng mẫu thân lại càng chán ghét ta hơn.”
“Mãi sau này ta mới hay, thì ra ta chẳng phải con ruột của bà.”
“Mẫu thân sinh ra ta, đã sớm qua đời khi vừa sinh ta ra.”
Ánh mắt Cố Tố Chiếu dõi về phía khung cửa sổ, giọng chàng nhẹ tênh như gió thoảng:
“…Ta với A Lựu giống nhau, đều là đứa trẻ không mẹ.”
Ta ngẩn ngơ nhìn chàng, trong lòng đau nhói từng cơn.
“Phu quân…” Ta khẽ gọi một tiếng, nhưng chỉ gọi được một tiếng ấy.
Cổ họng như mắc phải mảnh sỏi bén nhọn, mài vào từng thớ thịt, khiến ta đau đến chẳng thể mở miệng.
Lệ trào ra không kìm được.
Ta mím môi, òa lên khóc.
“Đừng khóc, đừng khóc.”
Cố Tố Chiếu đưa đầu ngón tay nhẹ lau lệ trên má ta, dịu giọng dỗ dành: “A Lựu đừng khóc, đều là lỗi của vi phu, khiến nàng thương tâm rồi.”
“Không phải!”
Ta vội lắc đầu, nức nở nhìn chàng: “Thiếp chỉ là nghĩ… thiếp có phụ thân, có Mộc Lan, có Oanh Oanh nhi, có rất nhiều người thương ta, bầu bạn với ta… còn phu quân, chàng chẳng có gì cả…”
Chàng chưa từng được ai yêu thương chân thành.
Chàng chỉ lặng lẽ, cô đơn mà lớn lên.
Nước mắt nóng hổi lăn dài, sống mũi cay xè, giọng nói cũng nghẹn lại:
“Thiếp không muốn chàng chẳng có ai cả, khi vui thì một mình, lúc buồn cũng một mình… Thiếp không muốn chàng cô đơn! Phu quân, thiếp… thiếp…”
Ta thở dốc, buốt ngực chẳng nói nên lời.
“A Lựu!”
Cố Tố Chiếu biến sắc, vội đưa tay áp nhẹ vào ngực ta, giúp ta điều tức.
Ta ngấn lệ nhìn chàng: “Phu quân… thiếp đau lòng cho chàng lắm…”
Cố Tố Chiếu sững sờ.
Một hồi lâu, chàng mới khẽ lẩm bẩm:
“Thì ra… được người thương… là như thế này sao…”
Đuôi mắt đã phiếm hồng.
Ta thương xót đưa tay chạm nhẹ vào má chàng, nước mắt lại tuôn xuống.
“Phu quân à… cha từng hát cho thiếp nghe rất nhiều bài hát ru trẻ con, thiếp đều thuộc cả.
Từ nay về sau, để thiếp hát cho chàng nghe nhé.”
Ta hít mũi, bắt đầu khe khẽ hát:
“Trương đánh sắt, Lý đánh sắt, rèn cây kéo đem tặng chị, chị giữ thiếp ở lại nghỉ, thiếp chẳng nghỉ…”
Hát tới đây, lại hát không nổi nữa.
Ta nghẹn ngào, đau lòng như muốn vỡ cả lồng ngực.
Chuyện tuổi thơ không thể bù đắp, về sau có thế nào… cũng không thể vá được.
Giống như cha có hát cho ta bao nhiêu bài hát, cũng chẳng phải khúc ru mà mẹ đã từng hát.
Còn Cố Tố Chiếu…
Vào những ngày nhớ mẹ…
Vào những lúc thấy người khác được yêu thương…
Trong những tháng năm dài dặc, bao lần chỉ có một thân một mình như thế…
Không biết trong lòng chàng, đã từng đau đớn đến nhường nào.
Ta càng nghĩ, lại càng xót lòng, đến mức không kìm được nước mắt.
Cuối cùng vẫn là chẳng nhịn nổi.
Ta nhìn chàng, nấc lên thành tiếng mà khóc òa.
Một bàn tay lớn nhẹ nhàng từ phía sau vươn tới, Cố Tố Chiếu dịu dàng xoa đầu ta, khẽ khàng áp ta vào lòng.
“Đừng khóc nữa, đừng khóc nữa.”
Chàng nhẹ vỗ lưng ta, giọng như gió thoảng:
“Về sau, chúng ta chớ nhắc lại những chuyện khiến lòng đau như vậy nữa.”
Lệ được lau đi từng giọt, trên đỉnh đầu vang lên tiếng thở dài khe khẽ.
“A Lựu mà khóc, lòng ta cũng tan nát mất rồi…”
17
Tháng mười một, tiết trời càng lúc càng lạnh hơn.
Đến ngày Đông chí, phụ thân ta hào phóng mua hẳn hai cân thịt dê, hầm chung với rau cải và dưa muối nấu thành một nồi lớn canh thịt dê cho ta và Cố Tố Chiếu cùng thưởng thức.
Cơm nước xong xuôi, phụ thân bỗng từ trong tay áo lôi ra một tờ giấy cuộn lại.
“Ăn thì ăn đủ rồi.” Ông hừ lạnh một tiếng: “Giờ đến lúc… đánh cũng phải đánh cho đủ!”
Lòng ta lập tức trỗi lên dự cảm chẳng lành.
Quả nhiên, trong tay ông là bài kiểm tra toán ta giấu dưới đệm ngồi.
“Thiệt tức chết cái thân già này mà! Ngày thường bảo ngươi ăn cơm cho nhiều, ngươi chẳng nghe. Giờ thì hay rồi — Giáp, Ất, Bính, Đinh… kết quả ngươi thi hạng Đinh cho ta?!”
Ông tiện tay túm lấy cái phất trần trên tủ.