Chương 2 - Món Nợ Cuộc Đời
Mẹ tôi vẫn lạnh nhạt, Sau vài giây im lặng, bà chỉ nói: “Người sống… thì phải tiếp tục sống.”
Anh tôi sắp thi đại học, áp lực học hành rất lớn. Nhưng anh lại không vội làm bài tập.
Anh đi đến bàn học của tôi, nhìn đống tập vở bày bừa ra khắp mặt bàn, chỉ biết lắc đầu bất lực.
Anh bắt đầu dọn dẹp, bỗng thấy quyển bài tập Ngữ Văn của tôi.
Vừa mở ra, đã thấy tôi vẽ hai con gà trống dưới chân Tô Thức, để ông ấy cưỡi như cưỡi bánh xe lửa.
Anh bật cười, rồi cầm bút chì viết một dòng bên cạnh:
“Không chịu học hành hả, nhóc con.”
Sau đó, anh gom hết bài tập của tôi lại, cẩn thận viết cho tôi một kế hoạch học tập chi tiết trong cuốn sổ.
Anh tính toán rất kỹ, mỗi ngày tôi nên học bao nhiêu từ vựng, làm bao nhiêu bài tập, rồi viết hết vào đó.
Phía sau còn kèm thêm một dòng nhỏ trong ngoặc:
“(Không làm xong cũng không sao, chỉ cần hôm nay tốt hơn hôm qua là được.)”
Lập xong kế hoạch, anh vươn vai một cái.
Rồi như nhớ ra điều gì…
Anh viết thêm một câu cuối cùng vào cuối bảng kế hoạch:
“Nhóc à, học hành chăm chỉ… là vì chính bản thân em.”
“Anh mong em sẽ sống thật tốt.”
Viết xong, anh mỉm cười dịu dàng, như thể đã tưởng tượng ra cảnh tôi đọc được câu đó sẽ hăng say học tập thế nào.
Mẹ tôi đang ở trong bếp nấu ăn. Từ bé, tôi đã rất thích ở trong bếp cùng mẹ.
Mỗi lần mẹ nấu ăn, tôi đều đứng bên phụ giúp, đưa cái này cái kia. Lúc nào cũng làm với vẻ mặt nghiêm túc.
Tôi tưởng tượng đây là một phòng phẫu thuật, mẹ là bác sĩ chính, còn tôi là cô y tá nhỏ đứng bên cạnh đưa dụng cụ.
Hồi nhỏ, tôi còn hay bắt chước y tá lau mồ hôi cho bác sĩ, cầm khăn mặt lau trán cho mẹ. Mẹ luôn bị tôi chọc cười, mỗi lần đều dịu dàng gọi:
“Cô y tá nhỏ, đưa trứng cho mẹ nào.”
Ngày này qua ngày khác, mẹ đã quen với việc trong bếp chỉ có hai mẹ con tôi.
Việc nấu ăn không còn đơn độc, vụn vặt và buồn chán nữa.
Người ta vẫn nói, khi ai đó mới qua đời, cảm giác mất mát không đến ngay lập tức.
Vậy là khi nào ta mới thực sự cảm nhận được rằng người ấy đã không còn?
Có lẽ là vào khoảnh khắc như thế này——
“Lấy hai quả cà chua nhé.”
Mẹ đã đánh xong trứng, không nghĩ nhiều liền đổ trứng vào chảo xào lên.
Xào xong, mẹ múc ra đĩa, quay đầu cầm dao, đưa tay đón cà chua tôi “đưa”.
Bỗng nhiên, động tác khựng lại.
Mẹ ngẩng đầu lên, căn bếp trống hoác, không một bóng người. Cả ngôi nhà cũng yên tĩnh đến lạ thường.
Mẹ lặng đi một lúc. Nước mắt lập tức dâng đầy trong khóe mắt.
Bà siết chặt tay, dồn hết tiếng khóc và cảm xúc vào trong, cố gắng kiềm nén.
Bà gắng làm như không có gì, mặc cho nước mắt tuôn rơi không kiểm soát.
Trên mặt vẫn là vẻ lạnh lùng, trừng mắt ra vẻ cứng rắn, giả vờ không sao cả.
Rồi bà mở tủ lạnh, lấy cà chua ra, cúi đầu cắt.
Lúc ấy, bà chợt nhớ ra—— Bà chưa từng hỏi tôi một câu nào khi nấu ăn: “Nhóc à, hôm nay con muốn ăn gì?”
Nhưng bà từng hỏi anh tôi. Anh đáp: “Gì cũng được.”
Còn tôi sẽ tựa vào cạnh bà, ngọt ngào nói:
“Con thích tất cả những món mẹ nấu.”
Còn ở quê, cậu đang lo liệu hậu sự cho tôi.
Cậu đưa tôi đi hỏa táng, rồi một mình ôm hũ tro cốt quay về căn nhà nhỏ ấy.
Lúc cậu trở về đã là buổi tối. Xung quanh tối đen như mực.
Cậu bước vào căn nhà, bên trong không bật đèn.
Trong đầu chợt hiện lên hình ảnh tôi nằm ở đó, thoi thóp chờ chết khi còn sống.
Lưng tôi quay về phía cửa, mặt đối diện với bức tường.
Cậu đặt hũ tro xuống, rồi đi dọn lại chăn đệm.
Dưới ánh trăng, cậu nhìn thấy bức tường mà tôi ngày ngày hướng về.
Trên đó, là những dấu gạch thời gian tôi tự khắc lên.
Tôi dùng những viên đá nhỏ khắc ký hiệu đếm ngày.
Bên cạnh là một dòng chữ xiêu vẹo:
“Khắc xong dấu này, mẹ sẽ đến đón con về nhà.”
Dưới dòng chữ ấy, dãy gạch đếm ngày vẫn còn thiếu một nét cuối cùng.
Tôi đã chết vào đêm hôm đó.
Cậu khựng lại, cau mày, gấp chăn rồi quay người rời đi.
Khi về tới nhà, bà ngoại đang ngồi ở sân, dưới ánh đèn mờ.
Bà đeo kính lão, nheo mắt nhìn vào chiếc điện thoại cũ kỹ như cục gạch của mình.
Bà trông có vẻ rất tức giận.
Tôi biết vì sao bà giận.
Trước kia, cứ cách một ngày là tôi gọi điện cho bà nói chuyện.
Có lần chỉ chậm hai ngày, bà đã giận dữ nói:
“Con đã nửa tháng không gọi cho bà rồi!”
Tôi cười nói:
“Làm gì mà nửa tháng, rõ ràng mới có hai ngày thôi mà!”
Bà ngoại hừ lạnh đầy kiêu ngạo:
“Hai ngày thì cũng có lý à? Sao lại hai ngày không gọi cho bà, không chịu liên lạc? Vậy thì đừng gọi cả đời luôn đi, coi như bà chết rồi!”
Tôi bị cái vẻ dỗi hờn kiêu ngạo của bà chọc cười không ngừng, liền nhẹ nhàng dỗ dành.
Hứa chắc như đinh đóng cột sẽ gọi điện cho bà cách ngày một lần.