Chương 1 - Mối Tình Đầu Giấu Kín
1
Hôm đó, tôi phát hiện ra cô em họ xa mà chồng nhờ tôi chăm sóc, thật ra là mối tình đầu của anh ta cách đây bốn mươi năm.
Đối mặt với câu hỏi của tôi, chồng tôi thản nhiên đáp:
“Anh chỉ sợ em không đồng ý nên mới giấu.
“Nhà cô ấy đều ở nước ngoài, cô ấy bị gãy xương phải nằm viện, thuê người chăm thì anh không yên tâm.”
Con trai thì nói:
“Chỉ là đưa cơm giúp dì Tống một bữa thôi mà, chuyện nhỏ vậy mẹ làm quen rồi còn gì, đừng làm quá lên.”
Con dâu thì nói:
“Mẹ, cùng là phụ nữ, con hiểu mẹ mà. Mẹ về nhà trước đi, cháu nội mẹ còn cả đống đồ bẩn chờ giặt đấy.”
Nghe những lời đó, trong đầu tôi chợt vang lên một giọng nói lạnh lùng như máy móc:
“Chị Triệu Lan Anh, chị đã dành cả nửa đời mình cho những người như vậy.
“Chị có hối hận không?”
Tôi tất nhiên là hối hận.
Nhưng điều khiến tôi hối hận hơn nữa, là đến lúc nhận ra người thân của mình chưa bao giờ thực sự tôn trọng mình.
Tôi đã sáu mươi ba tuổi rồi.
Quá già rồi.
Cũng quá muộn rồi.
Trong đầu lại vang lên tiếng nói kia:
“Già lắm sao? Chồng chị sáu mươi tư tuổi, mối tình đầu của ông ta năm mươi chín, họ có vẻ đâu có nghĩ mình già, vẫn còn muốn yêu lại từ đầu đấy.”
Nghe đến đây, tôi lại nhớ về ngày mà mình phát hiện ra sự thật.
Tôi thấy Hạ Nhàn – người mà chồng gọi là “em họ xa” – đang được anh ta nắm tay:
“Khinh Khinh à, gân cốt tổn thương phải dưỡng trăm ngày, em phải chăm sóc bản thân đấy nhé.
“Chờ em xuất viện, chúng ta về nhà ở. Anh sẽ bảo Lan Anh tiếp tục chăm sóc em thật tốt.”
Tống Khinh thở dài:
“Cú ngã này khiến em phải chấp nhận là mình già rồi.”
Hạ Nhàn giả vờ trách móc:
“Vừa thế đã nhận già rồi à? Không phải em còn nói sau khi khỏe sẽ leo núi cùng anh à?”
“Đúng thật, vì lời hứa của hai ta, em nhất định phải dưỡng bệnh cho tốt.”
Những người cùng phòng bệnh nhìn họ mà trầm trồ, ngưỡng mộ:
“Ông bà đúng là tình cảm quá đi mất.”
Hạ Nhàn chủ động lên tiếng, giọng nói dịu dàng đầy tình ý:
“Khinh Khinh là mối tình đầu của tôi.”
“Ồ ồ, thế thì đúng là vợ chồng sâu nặng nghĩa tình rồi!”
Hạ Nhàn và Tống Khinh nhìn nhau mỉm cười.
Nhưng họ không hề đính chính rằng, họ đâu phải là vợ chồng.
Lúc đó tôi đang đứng ngay ngoài cửa, tay run đến mức suýt đánh rơi cả bình giữ nhiệt.
Trong bình là món canh bổ dễ tiêu dành cho người bệnh.
Những tin nhắn giữa tôi và Hạ Nhàn trên WeChat từ trước tới nay luôn ngắn gọn, khô khan.
Thế mà từ khi “em họ” nhập viện, ngày nào anh ta cũng gửi cho tôi mấy đoạn tin nhắn thoại thật dài.
Không biết mệt mà dặn dò tôi phải hầm canh sao cho vừa ngon vừa bổ dưỡng.
Thời gian này, tôi vừa phải chăm người trong viện, vừa phải lo cho cả nhà một đống việc, bận đến mức gần như không có thời gian chợp mắt.
Vậy mà hóa ra… đâu phải em họ gì hết.
Tôi còn đang đứng ngẩn ngơ ngoài cửa, lại nghe thấy ai đó lên tiếng hỏi:
“Bác ơi, người giúp việc mà bác mời chăm bà thật sự rất chu đáo.
“Cháu bận việc không thể ở nhà được, nếu tiện thì bác cho cháu xin số chị ấy được không? Cháu muốn mời chị ấy đến chăm bố cháu mấy hôm.”
Hạ Nhàn sững người một chút.
Rồi lấp liếm cho qua chuyện, không trả lời thẳng.
Khoảnh khắc ấy, tim tôi như chết lặng.
Anh ta mặc nhiên để người ta hiểu lầm.
Vì mối tình đầu của mình – Khinh Khinh – mà anh ta thà để người khác nghĩ, người vợ thật sự của mình chỉ là một người giúp việc.
Sự phẫn nộ cuộn trào trong lồng ngực khiến tôi gần như không kiềm chế nổi, chỉ muốn xông vào chất vấn hai con người đó.
Nhưng giây tiếp theo, tôi lại khựng lại.
Tấm gương ở hành lang phản chiếu rõ bóng dáng tôi lúc ấy…
Tống Khinh vốn mười ngón tay chưa từng dính nước xuân giờ lại thêm chân bị gãy, đi lại bất tiện.
Ngày nào tôi cũng giúp bà ta lau người, thay đồ, mọi việc chẳng phải đụng tay vào một chút nào.
Vì thế, Tống Khinh còn dư thời gian để chăm chút bản thân.
Bà ta tô son đỏ, tốn cả nửa tiếng để búi một kiểu tóc thật thanh nhã bằng trâm cài.
Ngồi bên mép giường bệnh là Hạ Nhàn – dù đã ngoài năm mươi – nhưng vẫn giữ được dáng vẻ nho nhã, lịch thiệp.
Chiếc sơ mi trên người anh ta là do chính tay tôi cẩn thận ủi, phẳng phiu không một nếp nhăn.
Chỉ có tôi…
Tôi nhìn vào gương.
Trong gương là một người phụ nữ đầu tóc bù xù, nhan sắc nhạt nhòa, trông không khác gì mấy bà thím ngoài chợ.
Trên người tôi là chiếc áo sơ mi và quần dài rộng thùng thình mua trên mạng giá rẻ, tay còn xách theo một chiếc bình giữ nhiệt cũ kỹ.
Lúc đến bệnh viện, tôi chen lên xe buýt chật cứng để tiết kiệm tiền, mồ hôi đầm đìa.
Vài sợi tóc bạc dính bết vào trán, càng làm tôi trông nhếch nhác hơn.