Chương 4 - Màn Kịch Hoàn Tiền Đầy Nguy Hiểm

7.

Đến tầm trưa, tôi nghe thấy tiếng động ngoài cửa.

Qua mắt mèo, tôi thấy một người đàn ông đang gõ cửa nhà tôi, nhìn cách ăn mặc thì chắc là nhân viên giao hàng thuê.

“Ai đấy?”

“Dạ… bên giao hàng ạ.”

Anh giao hàng hơi bối rối, cứ đi qua đi lại trước cửa.

Cửa được mở ra, là mẹ tôi. Bà nhìn người ngoài cửa rồi hỏi:

“Cậu cần gì?”

“Ờm…”

Anh kia gãi đầu.

“Nhà mình gần đây có đặt miếng lót bàn ăn đúng không ạ?”

Lót bàn ăn? Tôi nhớ không nhầm thì là đơn đặt hàng chung với túi rác của em tôi.

Hôm đó nó còn nói miếng lót này là loại cao cấp, bé tí mà mấy trăm nghìn.

“Đúng rồi, sao vậy?”

“Tôi là người được chủ shop nhờ đến. Cô ấy nói nhà mình gửi yêu cầu chỉ hoàn tiền, mà cô ấy còn con nhỏ cần nuôi. Cô ấy muốn hỏi nhà mình có thể trả lại chút tiền không, tính theo giá gốc cũng được. Dạo gần đây cô ấy nhắn tin cho nhà mình mãi mà không ai trả lời nên mới nhờ tôi qua hỏi trực tiếp.”

Nghe vậy tôi mới nhớ lại, đúng là hôm đó em tôi đặt chung túi rác và miếng lót bàn.

Lót bàn giao đến trước một ngày.

Không rõ có phải bên shop thao tác nhầm không, nhưng họ hoàn tiền ngay mà chẳng cần hỏi lý do, khiến em tôi mừng rỡ chạy vòng vòng trong nhà.

“À chuyện đó hả.”

Mẹ tôi nghe xong thì tỏ vẻ suy nghĩ, giọng vẫn khá nhẹ nhàng.

“Tôi cũng không rõ đầu đuôi, để tôi gọi đứa mua món đó ra nói chuyện với cậu.”

Tưởng bà gọi em gái tôi ra, ai ngờ bố tôi lại bước ra kế tiếp — ông giáng thẳng một đấm vào mặt anh giao hàng.

“Ái da!”

Anh kia ngã dúi dụi xuống đất, vừa ôm mặt vừa rên rỉ vì đau.

Bố tôi không đánh tiếp, chỉ tay vào mặt cậu ta rồi bắt đầu chửi rủa.

Từ mẹ cậu ta đến tổ tiên mười tám đời đều bị ông lôi ra mà mắng, khiến cậu ta không dám ngẩng đầu lên.

Cũng đúng thôi, bố tôi to con, mặt mày dữ tợn, người ngoài đường nhìn còn muốn tránh xa. Giờ đứng ngay trước mặt mà bị chửi tới tấp, có muốn cãi cũng chẳng dám mở lời.

Nhìn anh giao hàng, tôi đoán cậu ta còn trẻ, chắc cũng là sinh viên như tôi, hè đi làm thêm.

Xui xẻo thay, gặp ngay nhà tôi.

Mắng đã miệng, bố tôi cúi xuống vỗ một cái lên đầu anh ta, ép cậu phải ngẩng lên nhìn mình.

“Gọi ngay cho con đàn bà bán miếng lót bàn đó! Tao muốn nói chuyện với nó!”

Anh giao hàng không dám trái lời, run rẩy lấy điện thoại ra, bấm số rồi đưa cho bố tôi.

“Alô? Có phải bên bán đồ lót bàn Bi An Hoa không?”

Chắc đầu dây bên kia vừa xác nhận, bố tôi lập tức gào lên:

“Tao nói cho con đĩ mày biết! Cái miếng lót rách nát của mày mà còn dám sai người đến tận nhà tao hỏi tội à? Đồ mặt dày vô liêm sỉ! Mày còn cho ai tới nữa là tao cầm dao chém chết mày đấy! Nhổ vào! Đẻ con ra cũng chết sớm cả lũ!”

Vừa chửi, ông vừa nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất — không may lại đúng ngay chân anh giao hàng.

Anh chỉ biết cúi đầu đứng yên, không dám lau, cũng không dám nói gì.

Gọi xong, bố tôi vứt điện thoại xuống đất rồi quay vào nhà, sập cửa cái “rầm”.

Tôi thấy anh giao hàng đứng thừ ra rất lâu, không nhặt điện thoại lên, chỉ nhìn chằm chằm xuống nền nhà như mất hồn.

8.

Tối, chị Trương đi làm về. Tôi kể lại chuyện xảy ra trong ngày.

Chị thở dài một lúc lâu, bảo tôi phải nhanh chóng quay về nhà lấy hết giấy tờ, rồi tạm thời đừng trở lại nữa.

Tôi cũng thấy nhà tôi giờ đã quá giới hạn, chuyện kiểu này sớm muộn gì cũng tự phản lại họ.

Trước đây, mỗi lần em tôi làm mấy chuyện trời ơi đất hỡi, bố tôi còn nói nó vài câu.

Tôi mới nghĩ thử dựa vào ông để răn dạy em gái một lần.

Ai ngờ giờ bố tôi cũng tham gia vào mớ hỗn loạn ấy, thậm chí còn đóng vai chính.

“Gia Khánh, em biết vì sao bố em lại thành ra như vậy không?”

“Sao ạ?”

“Lúc chiều chị về, thấy bố em đang ngồi dưới sân chung cư. Ông ta đang khoe là cuối cùng cũng ‘đuổi được đứa ăn cháo đá bát ra khỏi nhà’, giờ chỉ còn một đứa con gái mà thấy vui lắm.”

Tôi chợt hiểu ra.