Chương 8 - Lời Hứa Đằng Sau Lần Cuối

14

Ba ngày sau đó, tôi không gặp bất kỳ ai khác ngoài Lương Hữu Dự.

Trong căn biệt thự rộng lớn, chỉ có tôi và anh ta. Bất kể anh ta nói gì, tôi đều im lặng.

Về sau, anh cũng không nói gì nữa, chỉ lặng lẽ, mắt đỏ hoe nhìn tôi như kẻ mất hồn.

Thậm chí có một đêm, tôi tỉnh giấc lúc nửa đêm, thấy anh ta đứng yên lặng cạnh đầu giường, gầy gò đến đáng sợ, nhưng vẫn không rời mắt khỏi tôi.

Anh nói khẽ:

“Thẩm Yên… từ ngày biết sự thật, anh không ngủ nổi một đêm nào. Chỉ cần chắc chắn em ở cạnh anh… anh mới thấy mình còn chút bình yên.”

Nhưng… ai mà chưa từng thức trắng giữa những đêm dài như địa ngục?

Đến ngày thứ tư, Tạ Hứa Bạch cuối cùng cũng tìm được tôi.

Người đàn ông gần như hóa điên ấy đã vứt bỏ hết phong độ, lý trí.

Nếu không nhờ phu nhân Tạ cản lại, có lẽ anh ấy đã rút dao ra và cắt ngay vào cổ Lương Hữu Dự.

Anh gầy đi thấy rõ, ôm chặt lấy tôi, tay run bần bật:

“Xin lỗi… xin lỗi… là anh đến trễ quá…”

Lương Hữu Dự bị xô ngã sang một bên, ánh mắt thảm hại nhìn chúng tôi, bật cười cay đắng:

“Thẩm Yên… làm sao em có thể không nợ anh gì chứ? Em có thể xoay người nhào vào vòng tay người khác, sinh con, xây dựng lại một trái tim mới…”

“Nhưng trái tim anh đã bị em giẫm nát… ai… ai sẽ đền cho anh đây?”

Tôi nhẹ nhàng đẩy Tạ Hứa Bạch ra, bước đến trước mặt Lương Hữu Dự, ngồi xổm xuống.

“Anh luôn nói tôi nợ Lương Ngọc một mạng. Thế anh có biết, anh cũng nợ tôi một mạng sống không?”

Lương Hữu Dự ngước lên, nước mắt đầy mặt: “Em… nói gì cơ?”

Tôi đặt tay lên bụng, giọng rất khẽ:

“Anh có biết, nơi này… từng mang một đứa con của anh không?”

Ánh mắt anh ta như bị lưỡi dao đâm trúng:

“Cái… cái gì cơ?!”

Tôi bình tĩnh nói, như thể đang kể lại chuyện của người khác:

“Ngay ngày trước khi Lương Ngọc bị bắt cóc, tôi phát hiện mình mang thai. Ban đầu, tôi định lấy đó làm quà sinh nhật tặng anh.”

Cả người anh ta bắt đầu run lẩy bẩy, nước mắt rơi không ngừng.

“Đừng nói nữa… Thẩm Yên… anh xin em…”

Tôi nhìn anh ta một cái, cười khẩy:

“Nhưng hôm đó, khi tôi mang chứng cứ đến đưa anh, anh đuổi tôi ra khỏi cửa…

và đứa bé ấy, đã tan thành máu ngay hôm đó.”

“Có lẽ vì tôi uống quá nhiều thuốc giảm đau, hoặc có lẽ… là do cú đẩy của anh hôm ấy.”

“Chúng ta đều là hung thủ. Là những kẻ giết người thật sự.”

Lương Hữu Dự quỳ rạp xuống, mắt đỏ rực, nức nở như đứa trẻ bị bỏ rơi giữa cơn bão.

Anh ta như một bệnh nhân mắc bệnh nan y — trống rỗng và tuyệt vọng đến chết lặng.

Tôi không nói thêm gì nữa, để mặc cho Tạ Hứa Bạch bế tôi rời khỏi căn phòng ấy.

15

Sau này, tôi không bao giờ quay lại Hồng Kông nữa.

Tạ Hứa Bạch đã cùng tôi đi qua rất nhiều nơi: California nắng ấm, Hà Lan trời xanh không gợn, cả những đồng cỏ đầy sức sống và những dãy núi phủ đầy tuyết trắng.

Vẻ đẹp bao la của thế giới, và tình yêu không giới hạn của Tạ Hứa Bạch, đã chữa lành những cơn mưa u tối kéo dài suốt nửa đời của Thẩm Yên.

Khi biết về quá khứ tôi không dám ngoảnh lại nhìn, gia đình nhà họ Tạ không hề khinh thường, chỉ đầy xót xa và cảm thông.

Biết tôi từng sảy thai, mẹ chồng tôi đã tìm đủ mọi thầy thuốc Đông y để điều dưỡng cơ thể cho tôi, thậm chí đích thân nấu từng bát cháo thuốc mỗi ngày.

Còn Tạ Hứa Bạch — anh ấy đã chuyển phần lớn tài sản của mình sang tên tôi, rồi còn thuê luật sư soạn sẵn hợp đồng tiền hôn nhân: nếu anh ấy phạm lỗi, sẽ ra đi tay trắng.

Anh nói: “Nghe thì hơi sáo rỗng, nhưng yêu một người thật sự… sẽ luôn cảm thấy mình chưa đủ tốt.”

Rõ ràng cũng là người đàn ông ngoài ba mươi, vậy mà có một đêm, anh lặng lẽ đứng ở ban công, khóc đến đỏ cả mắt.

Tiểu Quyên nói: “Anh Xero nói từ giờ anh sẽ không tự nhận là người ‘toàn năng’ nữa. Vì anh thấy mình đã không bảo vệ được chị.”

Aizz… đó là một Tạ Hứa Bạch — nhạy cảm nhưng dịu dàng, dễ tổn thương nhưng vẫn hết lòng yêu thương.

Rồi vào một ngày trời xanh mây trắng, tôi nhận được một tờ cáo phó từ Hồng Kông.

Là của Lương Hữu Dự.

Sau khi tôi rời đi, anh ta bị trầm cảm nặng, nhiều lần phát bệnh thần kinh.

Cuối cùng, trong căn biệt thự lạnh lẽo giữa cơn mưa bão ở Hương Sơn, anh ta cắt cổ tay tự sát.

Nhà họ Lương mất liên tiếp hai đứa con. Tập đoàn Lương thị cũng sụp đổ vì vướng vào các hoạt động kinh doanh phi pháp.

Phu nhân Lương tóc bạc trắng, tinh thần suy sụp, đi lang thang khắp nơi, trở thành người giống hệt những kẻ “tầng đáy xã hội” mà bà ta từng khinh bỉ.

Tôi buông tay, thả tờ cáo phó ấy xuống hồ nước.

Tờ giấy rơi xuống yên lặng đến mức không tạo nên một gợn sóng.

Cái kết của nhà họ Lương lại một lần nữa chiếm sóng các mặt báo ở Hồng Kông.

Cùng với đó là scandal của tiểu thư nhà họ Đỗ — mang thai trước hôn nhân.

Bị Lương Hữu Dự bỏ rơi, nhưng cô ta vẫn kiên quyết sinh con.

Nhà họ Đỗ vì mất mặt nên từ chối nhận con gái.

Giới truyền thông thi nhau khai thác cuộc sống của cô — làm mẹ đơn thân, bị ruồng bỏ, bị thương hại.

Mãi đến khi một bài viết làm dậy sóng bị buộc phải gỡ xuống.

Người viết bài phản hồi là một cô gái trông khá quen, mặc vest công sở, lời lẽ đanh thép mà chân thành:

“Từ xưa đến nay, lỗi lầm và tình ái của đàn ông đều do phụ nữ gánh chịu. Đàn ông chỉ cần bị cười cợt một câu ‘phong lưu đa tình’, còn phụ nữ thì mất cả danh dự và lòng tự trọng.”

Tôi nhấn nút “thích”, rồi bình tĩnh lướt qua.

Ngoài cửa sổ, trời nắng rực rỡ.

Không còn mùa mưa nào kéo dài mãi nữa.

Ngoại truyện Tạ Hứa Bạch

Lần đầu tôi gặp Thẩm Yên… sớm hơn cô ấy tưởng rất nhiều.

Đó là một ngày tình cờ, tôi nhìn thấy cô trên một tờ báo cũ của Hồng Kông.

Lúc ấy, cô vẫn chưa mang danh “vợ cũ tai tiếng” của nhà họ Lương.

Chỉ là một cô gái tị nạn đến từ nội địa.

Tấm ảnh đen trắng cũ kỹ không thể che đi ánh sáng trong đôi mắt cô.

Bài báo khi đó viết về những điều tốt đẹp mà cô đã làm: một cô bé 16 tuổi tốt bụng, giúp đỡ một bà cụ gục ngã bên đường, giúp ông lão ở khu tị nạn tìm lại chiếc ví bị đánh rơi.

Cô làm rất nhiều việc tốt.

Vì một mình đi làm thuê nuôi mẹ và em trai, câu chuyện của cô đã được phóng viên phát hiện.

Trúng dịp chính quyền đưa ra chính sách xoa dịu người tị nạn, thế là bài viết đó ra đời.

Tôi cũng không rõ tại sao mình lại nhìn thấy bài báo đó.

Rõ ràng nó chỉ chiếm đúng một góc nhỏ, bằng lòng bàn tay…

Nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ — dáng vẻ bình tĩnh, kiêu hãnh của cô gái Thẩm Yên năm nào,

rõ ràng xuất thân thấp kém, nhưng chưa từng cúi đầu hay tự ti.

Tôi còn nhớ một câu cô từng nói: “Chỉ cần trong tim có ánh sáng, thì không gì là không thể.”

Hồi đó, tôi — Tạ Hứa Bạch — phải sống chung với chiếc xe lăn. Căn bệnh từ nhỏ khiến tôi để lại di chứng nặng nề. Khi bạn bè đồng trang lứa sống trọn tuổi thanh xuân thì tôi làm bạn với bệnh tật và sự yếu ớt.

Tôi cũng từng là nhân vật quen mặt trên báo lá cải Mỗi lần họ nhắc đến tôi, họ gọi tôi là “phế nhân”, là “con mèo bệnh”, là “thằng sắp chết”.

Còn cô gái đó, lại xuất hiện trên báo và nói rằng mình có thể làm được tất cả.

Tại sao chứ? Rõ ràng cô mới là người từ dưới đáy xã hội bò lên.

Tôi từng ghen tị, từng phẫn nộ, nên kỳ báo nào có tin về cô, tôi đều không bỏ sót.

Nhưng dần dần, tôi bị cô cuốn hút. Cô chỉ là một nhân vật nhỏ, rất ít được nhắc đến. Ngoài bài báo đầu tiên, chỉ còn một bức ảnh cô cười rạng rỡ trước khu nhà tạm bợ.

Từng ấy năm qua cô đã dùng mọi cách để níu kéo Lương Hữu Dự, nhưng trái tim tôi lại vì cô mà kỳ lạ bình yên trở lại.

Sau đó, tôi đồng ý với cha mẹ sang nước ngoài học và trị bệnh.

Mỗi đêm mưa nơi đất khách, tôi đều nhớ đến bức ảnh của cô. Tôi từng viết thư, gửi đồ cho cô.

Nhưng vì nhầm lẫn, tất cả đều không đến được tay người cần đến — vì tôi chỉ nhớ mang máng tên cô là Thẩm Yến, một chữ sai, nên cô chưa bao giờ biết đến tôi.

Lần tái ngộ, cô đã khác. Trầm lặng và cam chịu.

Tôi mang theo đầy oán hận: muốn chất vấn gã chồng cũ khốn nạn, muốn chất vấn đám báo chí độc mồm độc miệng, muốn chất vấn Hồng Kông với những cơn mưa không dứt:

Tại sao lại tàn nhẫn như thế? Tại sao lại khiến một Thẩm Yên từng rực rỡ, từng “không gì là không thể”, bị ép đến mức không còn dám lên tiếng?

Vậy thì, những năm tháng mà cô bị cướp mất, hãy để Tạ Hứa Bạch tôi — đến để bù đắp.

Vì ngay từ ánh nhìn đầu tiên, tôi đã rung động vì cô.