Chương 2 - Không Còn Là Con Gái Ngoan

Từ sau cuộc điện thoại lần trước, bố mẹ không còn liên lạc với tôi nữa.

Tôi thì nhẹ nhõm vô cùng, toàn tâm toàn ý thực hiện kế hoạch phát triển của mình.

Hai tháng sau, tôi làm xong thủ tục nghỉ việc, lên tỉnh thành và vào làm ở một công ty thiết kế thời trang.

Tôi học chuyên ngành thiết kế thời trang từ đại học, nên khi vào công ty làm việc, đúng là như cá gặp nước.

Tôi nắm bắt mọi cơ hội học hỏi, liên tục khảo sát thị trường, chân thành hỏi han các tiền bối – chẳng mấy chốc đã bắt đầu tỏa sáng trong công ty.

Ngay trong năm đầu tiên, mấy mẫu thiết kế của tôi đã trở thành hàng bán chạy, tôi cũng trở thành gương mặt nổi bật trong ngành.

Trong khoảng thời gian đó, mẹ tôi gọi cho tôi hai cuộc điện thoại.

Cuộc thứ nhất là báo tin chị dâu sinh con trai.

Kiếp trước, khi chị ta sinh con, tôi còn gửi một phong bì 2 triệu, đó là số tiền tôi chắt chiu từng đồng mà có được, vậy mà chị ta khinh khỉnh, bĩu môi nói tôi keo kiệt.

Giờ thì sao? Với kẻ từng giết mình, tôi đời nào còn đưa phong bì mừng!

Cuộc điện thoại thứ hai, mẹ tôi lại bắt đầu than vãn.

Nói chăm chị dâu ở cữ cực khổ ra sao, đến mức trẹo lưng, không xuống nổi giường.

Kiếp trước, chỉ vừa nghe chuyện đó, tôi đã lập tức xin nghỉ phép một tháng để về quê chăm chị ta.

Giờ thì tôi chỉ lạnh nhạt đáp:“Mẹ, chị dâu không có mẹ ruột à?”

Mẹ tôi lập tức nổi cáu: “Đấy là cháu nội của mẹ đấy! Làm sao mà để bên thông gia tới chăm được!”

Tôi nói: “Không nỡ à? Thế thì mẹ cứ ráng chịu đựng mà chăm đi.”

Đầu dây bên kia, bố tôi giật lấy điện thoại: “Chân Chân à, mẹ con nằm bẹp trên giường không dậy nổi, còn chịu đựng kiểu gì nữa? Con không phải lúc nào cũng thương mẹ nhất sao? Về nhà một chuyến đi.”

Tôi dửng dưng từ chối: “Con không rảnh.”

Bố tôi lập tức phát cáu: “Sao con lại trở nên máu lạnh thế này? Mẹ ruột của con đấy!”

Tôi bật cười lạnh:“Có phải con khiến mẹ phải nằm bẹp giường đâu. Chuyện nhà các người thì tự mà giải quyết.”

Nói xong tôi không chờ ông đáp lại, dứt khoát cúp máy.

Từ đó, tai tôi được yên tĩnh hẳn.

Tôi lại càng tập trung hơn vào ngành thiết kế thời trang.

Tham gia vài cuộc thi lớn và mang về không ít giải thưởng – danh tiếng nhanh chóng lan rộng.

Hai năm sau, một nhà đầu tư nhìn trúng tiềm năng của tôi, chủ động mời tôi cùng lập một công ty thiết kế thời trang.

Anh ta đề nghị trước tiên đưa tôi đi du học nửa năm, trong thời gian đó sẽ hoàn tất mọi thủ tục thành lập công ty. Đợi tôi về nước, công ty chính thức khai trương – anh ta đầu tư vốn, tôi góp kỹ thuật, và tôi sẽ nắm giữ 40% cổ phần.

Đây là cơ hội thay đổi vận mệnh của tôi – tôi vui vẻ đồng ý.

Trước ngày đi nước ngoài, tôi lại nhận được điện thoại của mẹ.

Nhìn dãy số quen thuộc ấy, lòng tôi lạnh ngắt, do dự hồi lâu mới bấm nghe máy.

Ngay lập tức đầu dây bên kia vang lên tiếng mẹ tôi khóc lóc thảm thiết:

“Chân Chân ơi, mẹ không muốn sống nữa đâu. Hôm nay chị dâu con bảo mẹ nấu mặn, rồi tát mẹ hai cái, đánh rụng cả một cái răng! Con bảo xem, sao nó lại ác thế chứ! Hu hu hu…”

Lời lẽ đó quá quen thuộc, khiến tôi bất giác rùng mình.

Kiếp trước cũng là cú điện thoại này. Tôi nổi giận lôi đình, lập tức quay về nhà tìm chị dâu tính sổ.

Anh tôi thấy tôi khí thế hùng hổ, chẳng những không can ngăn mà còn bênh vợ chằm chặp.

Mẹ tôi thì chỉ biết khóc. Bố tôi thì đứng thở dài: “Đúng là xui xẻo, bất hạnh cho gia đình này…”

Tôi tự cho mình là người bảo vệ bố mẹ, cãi nhau ầm ĩ với chị dâu.

Chị ta bắt đầu động tay đẩy tôi ra cửa, anh tôi đứng một bên không những không ngăn mà còn giúp sức. Chị ta càng được đà, lấn tới.

Khi xô đẩy đến cửa, tôi bị vấp ngưỡng cửa, ngã ngồi xuống đất.

Chị ta vẫn chưa chịu buông tha, đạp tôi một cú khiến tôi lăn xuống cầu thang, đầu đập trúng viên gạch sắc nhọn, chết ngay tại chỗ.

Bố mẹ nghe tiếng động chạy ra, vừa định khóc thì bị anh tôi quát: “Mau kéo xác vào nhà, đừng để hàng xóm thấy rồi báo công an!”

Mấy người đó sợ bị người ta thấy, hoảng hốt khiêng xác tôi vào nhà.

Bố mẹ khóc một trận trước thi thể tôi, sau đó lại quay sang nói với người ngoài rằng tôi không cẩn thận trượt chân té chết, vội vàng đưa tôi đi hỏa táng.

Đến cả một chỗ chôn cũng không nỡ bỏ tiền mua, chỉ tùy tiện rải tro cốt tôi xuống sông.

Vừa rải vừa khóc: “Chân Chân, con gái ngoan của bố mẹ, con nhất định sẽ hiểu cho chúng ta…”

Ha! Tôi đúng là một đứa ngu hết chỗ nói.

Nhưng bây giờ thì tôi không ngu nữa rồi.

Tôi không kiềm được cơn giận, hét vào điện thoại: “Báo công an đi! Gọi cảnh sát tới bắt nó lại!”

Mẹ tôi lập tức ngừng khóc: “Cái gì? Báo công an? Không được! Truyền ra ngoài thì thành trò cười mất!”

Cơn tức của tôi lại bốc lên: “Răng cũng bị đánh rụng rồi mà còn sợ người ta cười? Báo công an ngay! Không thì sau này mẹ còn khổ nữa đấy!”

Chỉ nghe thấy tiếng bố tôi hét trong điện thoại:

“Không được báo! Nếu để lại tiền án, sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cháu đấy!”

Ồ, hóa ra sợ ảnh hưởng tới cháu nội nên chấp nhận để chị dâu đánh mắng mình à?

Mẹ tôi vẫn nức nở: “Chân Chân, sao mẹ lại khổ thế này? Vất vả chăm cháu, cuối cùng lại bị nó đánh, hu hu hu…”

Khổ gì mà khổ? Tự chuốc lấy thôi!

Kể với tôi làm gì, muốn tôi ra mặt giành công lý hộ à? Đừng mơ!

Tôi chẳng buồn nói thêm lời nào, cúp điện thoại rồi tháo sim vứt thẳng vào thùng rác!

Tôi phải cắt đứt hoàn toàn với quá khứ, hướng đến một tương lai hoàn toàn mới!

Ba năm sau, công ty thời trang “Chân Mỹ” của chúng tôi đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành thời trang tại tỉnh, doanh thu hằng năm vượt mười tỷ.

Tôi không chỉ có tài sản hơn chục triệu mà còn có một tình yêu ngọt ngào – bạn trai tôi chính là con trai của nhà đầu tư năm đó.

Anh ấy học ngành quản trị doanh nghiệp. Ngày trước, bố anh đưa cả hai chúng tôi ra nước ngoài học nâng cao, và chính trong thời gian đó, tình cảm giữa tôi và anh nảy nở.

Anh nói với tôi:“Chân Chân, anh ngưỡng mộ nhất là những cô gái như em – mạnh mẽ, không ngừng tiến về phía trước. Em chính là nữ thần của anh.”

Giờ đây, ngay cả tôi cũng đã yêu say đắm con người hiện tại của mình – một cô gái có nguyên tắc, có chính kiến, và luôn nỗ lực vươn lên.

Tuổi trẻ, nữ giới, khởi nghiệp thành công – bao nhiêu hào quang đổ dồn lên người tôi, danh hiệu cũng liên tục kéo đến.

Trường cũ mời tôi về làm diễn giả truyền cảm hứng, hội trường chật kín, tôi còn thu hút được một lượng fan không nhỏ.

Tôi được vinh danh là gương mặt tiêu biểu khởi nghiệp trẻ toàn tỉnh, nhận lời mời phỏng vấn từ đài truyền hình tỉnh, bài phỏng vấn được đăng lên trang nhất báo Phụ nữ tỉnh. Video phỏng vấn cũng lan truyền khắp mạng xã hội.

Tôi trang điểm rạng rỡ, khí chất thanh lịch, ánh mắt tự tin – lại thu hút thêm một đợt fan cuồng mới.

Chỉ trong thời gian ngắn, tôi trở thành người nổi tiếng, ánh hào quang chói lóa, video phỏng vấn nhận được hàng loạt lượt thích, bình luận cũng ngập tràn lời khen.

“Chị đúng là tấm gương truyền cảm hứng cho tụi con gái tụi em.”

“Ai nói con gái không bằng con trai, chị chính là minh chứng sống!”

“Wow, vừa xinh vừa giỏi, phải học theo chị mới được!”

Tôi chỉ mỉm cười lướt qua mấy bình luận đó.

Nhưng bạn trai tôi thì vô cùng hào hứng, suốt ngày đọc từng dòng bình luận, còn bấm thích lia lịa, rồi quay sang khen tôi không ngớt, mặt mũi đầy vẻ tự hào.

Haha, nhìn dáng vẻ “não cá vàng vì yêu” của anh ấy mà tôi buồn cười không chịu được.

Thế nhưng vài ngày sau, bạn trai tôi phát hiện bình luận trong phần comment bắt đầu có chiều hướng lạ.

Có người vào đó bóc phốt:

“Tôi biết con nhỏ này, người cùng quê với tôi, chỉ biết trèo cao, bỏ mặc bố mẹ anh em.”

“Mẹ nó giờ thành người thực vật rồi, vậy mà nó không thèm về thăm lấy một lần.”

“Nhà lo cho nó học đại học, rồi khi lên tỉnh làm việc là biến luôn, đúng là đồ vong ân bội nghĩa!”

Vừa có người đăng, lập tức kéo theo một đống bình luận phụ họa:

“Hiếu thảo là điều quan trọng nhất, đối xử với bố mẹ thế này thì quá đáng rồi.”

“Giàu thế mà không lo cho bố mẹ sao?”

“Không hiếu với cha mẹ thì không xứng đáng làm người!”

Khi yêu nhau, tôi đã kể rõ hoàn cảnh gia đình mình cho bạn trai nghe, anh hiểu rõ tất cả mọi chuyện.

Vì thế khi thấy những bình luận kia, anh yêu cầu tôi phải lập tức lên tiếng đính chính, nếu không sẽ nhanh chóng bị bạo lực mạng tấn công dữ dội!

Tôi nghĩ, đã đến lúc kể cho mọi người nghe câu chuyện của mình.

Tất nhiên, tôi không tranh luận tay đôi với dân mạng trong phần bình luận.

Mà tôi đã đăng một bài viết nhỏ lên trang cá nhân.

Trong bài viết, tôi dùng giọng văn điềm tĩnh, kể lại tất cả những gì tôi từng trải qua trong gia đình mình.

Những nỗi tủi hờn vì từ nhỏ đã bị bố mẹ nhồi vào đầu tư tưởng phải hy sinh vì gia đình.

Nỗi khổ khi phải ăn bánh bao chấm dưa muối từng bữa để gom đủ 10 vạn cho anh trai lấy vợ.

Sự cay đắng vì ba căn nhà tái định cư mà đến một căn cũng không được nghĩ đến.

Nỗi bất công khi anh tôi thì đương nhiên có được tất cả, còn tôi thì chẳng có gì trong tay…

Tất cả nhanh chóng chạm đến nỗi lòng của rất nhiều cô gái.

Cuối bài viết, tôi viết rằng: Câu chuyện của tôi vẫn chưa kết thúc.

Với bố mẹ, tôi sẽ làm tròn bổn phận cần làm.

Phần bình luận dưới bài viết nổ tung.