Chương 2 - Khi Trái Tim Ngừng Đập
(3)
Tôi ở bên Tùy Hoài ba năm.
Hồi đại học, Tùy Hoài là hình mẫu trong mộng của tất cả nữ sinh. Tôi cả đời cũng không quên được dáng vẻ anh ấy lên phát biểu với tư cách đại diện tân sinh viên.
Ánh đèn trong hội trường rọi sáng sân khấu, mọi người đều chìm trong bóng tối, chỉ có anh đứng dưới ánh đèn.
Khoảnh khắc đó, ánh sáng như tung tóe khắp nơi.
Mà khi đó anh và Bùi Chi là cặp đôi khiến ai nhìn vào cũng phải ghen tỵ.
Năm tư, gia đình Bùi Chi cho cô ấy ra nước ngoài, nhân đó cô ấy đề nghị chia tay.
Tôi không hiểu sao có người lại bỏ một chàng trai ưu tú, tốt đến vậy. Cô ấy không nhìn ra Tùy Hoài đã buồn đến mức nào à?
Nhưng tôi vẫn phải cảm ơn cô ấy. Nếu ngày đó cô ấy không tuyệt tình đến vậy, không dứt khoát chia tay, thì Tùy Hoài chắc đã chẳng bao giờ đồng ý lời tỏ tình của tôi.
Khoảnh khắc anh gật đầu, tay tôi run đến mức không cầm nổi đồ.
Tôi nghĩ Bùi Chi không yêu anh cũng không sao, tôi sẽ yêu anh, sẽ thật lòng yêu anh.
Nhưng khi đó tôi quên mất rằng, tình cảm chỉ từ một phía thì chẳng bao giờ có kết cục tốt.
Giống như ai cũng tự tin mình sẽ là chiếc chìa khóa cuối cùng mở được cánh cửa.
Nhưng nếu ngày đó tôi không tỏ tình với Tùy Hoài thì sao?
Ba năm rồi, tôi chưa từng nghĩ đến câu hỏi đó.
Nhưng nếu như…
Hồi đó ở trường cũng không thiếu người theo đuổi tôi, họ tuy không xuất sắc bằng Tùy Hoài, nhưng lâu ngày sinh tình, biết đâu một ngày tôi cũng sẽ thích họ?
Hai người cùng thích nhau, chúng tôi cũng sẽ yêu nhau bình thường như bao cặp đôi khác.
Nếu như…
Tôi giật mình ngồi bật dậy, đưa tay lau mồ hôi lạnh trên trán.
“Ác mộng à?”
Hiếm khi giờ này Tùy Hoài còn ở nhà, anh cũng ngồi dậy, nghiêng đầu nhìn tôi, vẻ mặt đầy lo lắng.
Tôi nhìn vào mắt anh, khẽ gật đầu, rồi lại do dự lắc đầu.
Tùy Hoài kéo chăn ra:
“Anh đi làm bữa sáng cho em.”
“Không cần đâu.” Tôi gọi anh lại. “Trong bếp có bánh mì nướng.”
Tùy Hoài quay đầu lại, vẻ mặt như có chút bất ngờ. Lúc đó tôi mới nhận ra, Tùy Hoài chưa từng nấu cho tôi bữa nào, vậy mà hôm nay tôi lại từ chối.
Tôi nhìn anh, đoán xem anh có giận không, nhưng giây tiếp theo, tôi lại thấy Tùy Hoài cười.
“Nếu em muốn ăn thì ăn bánh mì nướng đi.”
Bên bàn ăn, Tùy Hoài từ bếp đi ra, đưa tôi một hộp sữa:
“Uống cái này.”
Tôi đưa tay nhận lấy, rồi với thêm một lát bánh mì nướng hạt.
Tùy Hoài sững lại, nói:
“Em không bị dị ứng hạt à?”
Tôi ngước mắt nhìn anh một cái.
“Người bị dị ứng hạt là Bùi Chi, anh nhớ nhầm rồi.”
Khoảnh khắc cái tên đó thốt ra từ miệng tôi, không khí như đông cứng lại.
Nụ cười trên mặt Tùy Hoài biến mất thấy rõ, anh cau mày, giọng hơi tức:
“Em nhắc cô ta làm gì?”
Thấy cảm xúc của anh bùng lên, tự nhiên tôi thấy buồn đến mức bất lực, chẳng còn muốn nói gì thêm nữa.
“Không có gì, tại em lỡ miệng thôi.”
Tùy Hoài hơi khựng lại, có vẻ không ngờ tôi bỏ qua chuyện này nhanh như vậy. Anh ngả người tựa ghế phát ra tiếng kêu chói tai, rồi đứng dậy nói:
“Anh no rồi, em ăn đi.”
Cánh cửa đóng lại, tôi khẽ cười chua chát, nhìn hộp sữa trên tay.
Tùy Hoài, ba năm rồi, anh vẫn không nhớ em bị bất dung nạp lactose sao?
(4)
Tôi và Tùy Hoài im lặng cả một ngày, cùng ở trong một căn nhà nhưng yên ắng đến lạ.
Chiều tối, anh mặc áo khoác rồi ra ngoài, chưa lâu sau, điện thoại tôi nhận được một tin nhắn—
“Tối nay anh có việc, không ăn cơm.”
Tôi chỉ nhìn một cái rồi tắt màn hình.
Một cảm giác nghẹt thở lại dâng lên trong lồng ngực.
Tôi đại khái đoán được là chuyện gì, dù sao Bùi Chi vừa đăng một bài nói tối phải tăng ca.
Họ có thể đi ăn với nhau, Tùy Hoài sẽ ở dưới chờ cô ấy tan làm, đến đêm…
Đêm nay, Tùy Hoài còn về nhà không?
Tôi hít sâu một hơi, cũng cầm chìa khóa đi ra ngoài.
Mùa đông vẫn chưa qua không khí lạnh khô, cây cối trơ trụi hết lá nhưng vẫn chưa có tuyết rơi.
Tôi cứ đi vô định như vậy, rõ ràng đã tới giờ cơm tối mà chẳng cảm thấy đói chút nào.
Trong đầu tôi miên man nghĩ: giờ này Tùy Hoài với Bùi Chi đang làm gì nhỉ?
Chắc vừa ăn xong? Trước đây tôi với Tùy Hoài ra ngoài ăn, tôi thích lẩu, thích nướng, nhưng anh luôn chê những món nhiều dầu nhiều cay.
Còn nếu đi với Bùi Chi, chắc anh sẵn lòng ăn hết những thứ cô ấy thích nhỉ?
Ngày trước tôi cứ không hiểu ra, thật ra mấy năm yêu đó đã sớm biến thành một sự cố chấp, một thứ không cam lòng.
Mỗi khi ở bên Tùy Hoài, tôi lại nghĩ đến Tùy Hoài và Bùi Chi.
Nếu Bùi Chi là bông hồng trong lòng Tùy Hoài, thì cô ấy chính là cái gai cắm sâu trong tim tôi.
Ba năm qua mấy cái gai ấy càng ngày càng đâm sâu, cho đến khi tôi hoàn toàn tê liệt.
Đi mãi, tôi đi ngang một quán bar, tiếng hát của ca sĩ vang ra từ cánh cửa mở hé. Như bị ma xui quỷ khiến, tôi bước vào.
Trong bar rất ít người, chắc vì còn sớm. Ca sĩ ngồi trên sân khấu, ôm đàn chỉnh âm, thỉnh thoảng hát vài câu.
Tôi gọi một ly rượu ngọt, ngồi xa xa nheo mắt nhìn về sân khấu.
Ánh đèn mờ mờ, khiến người ta không nhìn rõ mặt nhau.
Uống hết một ly, mặt tôi đã bắt đầu nóng bừng. Tôi biết tửu lượng mình kém, nên uống xong liền định ra ngoài.
Ra đến cửa, trời đã tối hơn, lạnh hơn. Tôi rùng mình một cái, vừa định lấy điện thoại gọi xe thì sờ khắp túi mà không thấy.
Đúng lúc đó, sau lưng chợt vang lên một giọng nói—
“Quả Quả!”
Tôi sững người.
“Quả Quả” là biệt danh hồi cấp ba của tôi. Khi đó mặt tôi tròn tròn, lại hay đỏ hây hây, nên bạn bè đặt cho tôi cái tên đó.
Tôi quay đầu lại, thấy một bóng người đang chạy về phía mình.
Tôi nheo mắt nhìn kỹ, từ quần áo mới nhận ra đó chính là ca sĩ vừa ngồi trên sân khấu hát.
Tôi đứng yên chờ cậu ấy chạy tới. Miệng cậu ấy phả ra hơi nóng, thở hổn hển mãi mới bình thường lại, rồi nhét điện thoại vào tay tôi.
“Mấy năm rồi mà cậu vẫn hậu đậu y như cũ.”
Tôi nhìn điện thoại, rồi ngước lên nhìn cậu ấy, ánh mắt đầy nghi hoặc.
Cậu ấy có vẻ ngạc nhiên, nhướng mày:
“Không nhớ ra hả? Là mình, Trình Hàm đây.”
Trình Hàm?
Sao tôi quên được.
Bạn cùng bàn hồi cấp ba của tôi, thích chơi bóng rổ, thích ngủ nướng, còn hay lim dim mắt vào tiết tự học sáng sớm để xin chép bài.
Giáo viên lúc đó thường mắt nhắm mắt mở cho qua dù sao cuộc đời Trình Hàm chỉ cần một bài văn “Người cha làm chủ tịch quận” là đủ để tả hết.
Hồi ấy ai cũng nghĩ cậu sẽ có một con đường thuận buồm xuôi gió, cho đến năm lớp 12 cậu nằng nặc đòi theo âm nhạc, cãi nhau ầm ĩ với gia đình rồi bỏ đi, sau đó thôi học, biệt tăm luôn.
Cậu nhìn vẻ mặt tôi rồi cười khẽ.
“Sao? Nhớ ra chưa?”
Tôi gật đầu, rồi kéo khăn quàng lên cao hơn che cằm:
“Lâu quá không gặp, cậu làm ở đây à?”
Trình Hàm lắc đầu:
“Quán của bạn mình thôi, ca sĩ chính hôm nay bận đột xuất, gọi mình tới thế chỗ.”
Tôi gật đầu, nhưng ngay sau đó lại không biết nói gì thêm.
Tôi từng gặp nhiều bạn cũ, lớn lên rồi ai cũng trở nên chín chắn, ít nói.
Mấy đứa ngày xưa khoác vai nhau đi vệ sinh chung giờ thành mấy anh thanh niên chỉ biết nịnh nọt nhau trên bàn nhậu.
Những cô bạn từng nửa đêm nghe mình kể khổ, tới lúc cưới còn chẳng buồn gửi thiệp.
Người ta nói đó là bình thường, là trưởng thành.
Mà giữa cái “bình thường” bị dòng đời cuốn đi đó, dường như chỉ có Trình Hàm là đứng yên một chỗ.
Cậu vươn tay phải khoác nhẹ vai tôi:
“Đi thôi, để mình đưa cậu về.”
Khoảnh khắc đó tôi như trở về mười năm trước. Khi chúng tôi mười sáu tuổi, cậu ấy chơi bóng xong lười nhác khoác vai tôi đang làm bài tập:
“Đi thôi, ra căng-tin với mình.”
Nhưng khi đó tôi gật đầu nói “ừ”, còn mười năm sau tôi chỉ biết lúng túng nghĩ cách từ chối.
Trình Hàm nhìn ra vẻ ngại ngùng của tôi, cười gian gian:
“Thôi đi, tự soi cái mặt cậu đỏ đến mức nào kìa. Học sinh ngoan năm nào cũng biết uống rượu rồi hả?”
Mặt tôi vốn đã đỏ vì rượu giờ lại càng đỏ hơn.
Chưa kịp nói gì, Trình Hàm đã lấy chìa khóa xe ra:
“Chờ đây, để mình đi lấy xe.”
Chỉ một lát sau, một chiếc Mercedes đỗ trước mặt tôi. Trình Hàm hạ kính xe xuống gọi to:
“Lên đi.”
Có lẽ vì con người bây giờ của Trình Hàm khiến tôi nhớ lại bọn mình hồi trước, nên tôi cũng bớt căng thẳng đi phần nào.
Tôi kiếm chuyện hỏi:
“Hồi đó cậu đi đâu vậy? Nói đi là đi luôn.”
Trình Hàm mím môi:
“Thì cãi nhau với nhà chứ gì. Mình một mình chạy lên Bắc Kinh, ký hợp đồng với một công ty. Công ty chi tiền cho mình đi học nhạc ở nước ngoài.”
Tôi “ồ” một tiếng:
“Công ty đó cũng tốt ghê.”
Ai ngờ Trình Hàm quay đầu nhìn tôi, bật cười.
“Trên đời làm gì rơi xuống cái bánh ngon vậy. Sau này mình mới biết, là mẹ mình không nỡ nhìn mình khổ nên âm thầm liên lạc với công ty nhờ họ giúp.”
Tôi lại khẽ “ồ” một tiếng.
Trong xe bỗng trở nên im ắng.
Lúc xe dừng ở đèn đỏ, Trình Hàm bất ngờ siết chặt tay lái.
“Thật ra cũng không hẳn là biến mất không lời từ biệt.”
Tôi ngẩn ra:
“Hả?”
Trình Hàm bất chợt nhếch môi cười, lộ ra chiếc răng nanh sắc như con thú nhỏ.
“Lúc đó mình có quay về trường tìm cậu đấy, leo tường vào, khi đó các cậu đang học thể dục. Mình nhìn một cái rồi đi luôn.”
Ánh mắt cậu ấy nhìn thẳng vào tôi làm tôi hơi luống cuống, nhưng cuối cùng, tôi chỉ nghĩ đó là vì cậu ấy không nỡ xa bạn cũ.
Tôi nói:
“Cảm ơn cậu nhé.”