Chương 1 - Đứa Trẻ Đó Là Con Tôi
Làm thư ký cho Chu Từ đến năm thứ ba, anh ấy đính hôn.
Vị hôn thê muốn anh sa thải toàn bộ nữ nhân viên thân cận.
Tôi nằm trong danh sách bị đuổi việc.
Để bù đắp, anh ấy giới thiệu tôi đi xem mắt với anh trai mình.
“Giàu hơn tôi, ‘đồ to, kỹ năng tốt’, chỉ là có một đứa con.”
“Nếu em không ngại thì thử gặp đi?”
Tôi không ngại.
Dù sao thì… đứa trẻ đó là con tôi sinh ra.
1.
Tôi từng có một đoạn tình cảm với Chu Cẩn Chi.
Chuyện này, Chu Từ không biết.
Nếu không, anh ấy đã không vô tâm đến thế, sai bảo tôi như một con chó.
Khi quen Chu Cẩn Chi, tôi 22 tuổi.
Mới ra trường, vụng về và non nớt.
Lúc ấy anh ấy đang đi khảo sát thực tế, còn tôi thì tưởng nhầm anh là một người lao động thất nghiệp giống mình.
Anh ta trông thảm hại.
Mặc vest mà đầy bụi đất, mặt mũi mệt mỏi, đang ngồi bên vệ đường ăn cơm hộp.
Bên cạnh là một xấp tài liệu dày cộp.
Cảnh tượng cực kỳ tàn tạ.
Tôi thì vừa bị từ chối nhận việc, tâm trạng suy sụp.
Tôi mua hai phần cơm giò heo có gấp đôi thịt, đưa cho anh một hộp.
“Ăn cái này đi,” tôi nói. “Phần kia chay quá, không đủ no.”
Toàn là rau với thịt vụn khô queo.
Tôi ngồi cách anh ba thước, vừa ăn vừa tự thương thân.
Tưởng tượng nếu sau này mình không xin được việc, liệu có phải cũng sẽ ngồi ăn cơm được người ta thương tình cho thế này không?
Tôi quá nhập vai.
Nên không thấy được vẻ mặt ngạc nhiên, khó tin và đầy hứng thú của Chu Cẩn Chi.
Một bữa cơm, hai người trò chuyện đơn giản, kể sơ về bản thân.
Còn trao đổi tên tuổi.
Đó chính là khởi đầu sai lầm.
Tôi mặc định anh cũng xuất thân bình thường như mình.
Mà Chu Cẩn Chi thì cũng rất vui vẻ nhập vai người bình dân.
Từ sau đó, tôi thường xuyên “tình cờ” gặp anh.
Lần nào cũng giống như duyên phận sắp đặt.
Cho đến khi anh tỏ tình, tôi vẫn nghĩ đó là định mệnh.
Cho đến khi một tình tiết “máu chó” y như trong tiểu thuyết ngôn tình xảy ra—
Tôi đến trung tâm thương mại cao cấp để chọn quà trung thu cho sếp mang tặng khách VIP.
Thì “vô tình” gặp Chu Cẩn Chi đang vung tiền như nước.
Anh nhét một tay vào túi quần, lưng hơi cong, dáng vẻ lười biếng.
Mũi giày gõ nhẹ xuống sàn, trông có vẻ thiếu kiên nhẫn nhưng vẫn cố gắng giúp một cô gái chọn đồ.
Đợi đến khi cô gái ấy chọn được món mình ưng ý, anh mới thở phào, ra hiệu cho nhân viên ghi hoá đơn.
Rõ ràng tối hôm trước, anh còn nằm trong phòng trọ nhỏ của tôi, nhờ tôi xoa đầu vì mệt, than vãn ông chủ hà khắc, áp lực nhiều.
Tôi nghĩ rất lâu.
Đắn đo giữa việc tiếp tục giả vờ yêu đương hay lật bài và đòi bồi thường.
Cuối cùng tôi chẳng chọn cái nào.
Tôi chọn phương án lỗ nhất.
Tôi vạch trần anh, nhưng lại không đòi bất cứ thứ gì.
Anh không ngạc nhiên.
Chỉ dứt khoát thừa nhận thân phận thật.
Rồi mở lời mời tôi về nhà anh chơi.
Là ngôi nhà thực sự của anh.
Một toà biệt thự có giá trị… chắc tôi phải bắt đầu từ thời nhà Tần mới kiếm đủ tiền mua nổi.
Tôi thấy trong thư phòng anh chất đầy tài liệu.
Thì ra anh là thái tử gia – người thừa kế – có trách nhiệm vô cùng.
Hóa ra lần gặp gỡ đầu tiên ấy, anh đang đến cảng giám sát công trình.
Cảng đó là dự án trọng điểm của tập đoàn nhà anh.
Gặp sự cố.
Mùa hè nắng gắt.
Anh dẫn theo đống bản vẽ và các kỹ sư đến tận nơi khảo sát.
Tìm ra lỗi, điều chỉnh phương án, phân bổ lại nguồn lực.
Thư ký ghi lại biên bản họp dày cả tập.
Không ai ngờ anh sẽ đích thân ra công trường.
Nên chẳng chuẩn bị đồ ăn trưa gì cho anh.
Đến giờ cơm, anh cầm biên bản họp, ngồi bên lề đường, vừa ăn vừa xem, đợi cấp dưới báo cáo kết quả.
Rồi… gặp tôi.
Tôi thấy mình đúng là ngu thật.
Không nhận ra giá trị chiếc đồng hồ anh đeo, cũng chẳng để ý bộ vest kia cắt may tinh xảo ra sao.
Anh hỏi tôi có nhất định phải chia tay không.
Anh nói, yêu ai cũng giống nhau, điều quan trọng nhất là lợi ích.
Lúc ấy tôi 24 tuổi, còn quá trẻ.
Trẻ đến mức tin rằng tình yêu không chấp nhận được bất kỳ một hạt cát nào.
“Không giống đâu.”
Tôi đáp.
“Chúng ta không giống nhau.”
Tôi không khóc, cũng không chào tạm biệt.
Tôi lên xe rời đi, bình tĩnh như thể vừa bị công ty sa thải.
Nhưng đời không như mơ.
Chỉ sau một tháng, tôi đã ý thức rõ ràng được sự quan trọng của tiền.
Vì một tháng rồi, dì cả tôi vẫn chưa tới.
Tôi mang thai.
Cùng lúc đó, công ty đang cắt giảm nhân sự một cách quy mô, đến cả phụ nữ mang thai cũng bị cho nghỉ.
Sếp còn tuyên bố thẳng:
“Đền tiền thì đền cho đủ, nhưng mấy cô nghỉ thai sản thì cút về nhà mà trông con. Từ nay về sau, không tuyển nhân viên nữ nữa cho đỡ phiền.”
Tôi nhân lúc bụng chưa nhô lên, lập tức thể hiện sự trung thành với sếp.
Cam kết sẽ không ảnh hưởng đến bất kỳ dự án nào.
Thuận tiện xin nghỉ ba ngày, để đi phá thai.
Sếp rất hài lòng, còn lấy tôi làm hình mẫu cho cả công ty học theo.
Tôi nhìn vào gương, thấy bản thân chẳng khác gì trâu ngựa, chẳng còn chút nhân tính nào.
Bị đồng nghiệp đâm sau lưng, cũng không cãi nổi lời nào.
Tôi đặt lịch phá thai, đến bệnh viện.
Nhưng lại bị vệ sĩ của Chu Cẩn Chi chặn xe giữa đường.
Lúc đó, Chu Cẩn Chi đang ở nước ngoài.
Ngay trong đêm anh đáp chuyến bay về, sáu tiếng sau đã đến thành phố tôi sống.
Anh bảo tôi giữ lại đứa bé.
Điều kiện trao đổi rất hậu hĩnh.
Tôi đồng ý.
Để tránh dây dưa tình cảm, ngày cô bé chào đời, tôi thậm chí không nhìn lấy một cái.
Chu Cẩn Chi đón con bé về, đặt tên là Khả.
Khả — viên ngọc đẹp.
Tôi nghĩ chắc anh thật lòng yêu con bé.
Vậy thì cũng không cần tôi phải bận tâm nữa.