Chương 4 - Di Sản Bị Lãng Quên

Bệnh tình của bà ngày càng nặng.

Thuốc giảm đau không còn tác dụng, bác sĩ phải cho y tá đến tận nhà tiêm thuốc mới đỡ.

Từ chỗ còn có thể đi lại chậm chạp, giờ bà nằm liệt giường, không gượng nổi nữa.

Tết trôi qua ai nấy cũng về lại trường, lại chỗ làm.

Vậy mà lạ thay, các con của bà vẫn chưa ai chịu rời đi.

Trước lúc tôi rời nhà để trở lại trường, tôi tình cờ nghe lén được cuộc nói chuyện giữa bác cả và cô út.

Bác thì thầm:

“Tao tra rồi, sổ đỏ bà cầm là thật. Căn tứ hợp viện đó ít nhất cũng cả trăm tỷ! Còn cái vòng bà đeo cũng phải vài triệu tệ! Nhưng mà… không biết bà có định chia cho nhà thằng Hai không.”

Cô út hừ lạnh:

“Con bé nhà họ khéo mồm, dẻo miệng, suốt ngày bày trò lấy lòng bà. Lúc nào cũng bảo không cần gì, rõ là đang đóng kịch thôi!”

“Nếu là tao, tao đã đuổi quách nó đi cho rồi, đỡ để bà mềm lòng.”

Ba tôi không biết đã đứng sau lưng từ lúc nào, vỗ mạnh vào vai tôi:

“Nghe thấy hết rồi chứ? Đừng có về trường vội, ở lại lo chuyện bà mày đi, cả nhà mình nhờ vào đó mà phất lên. Có tiền rồi, cưới vợ cho thằng em mày cũng dễ!”

Trong lòng tôi trào lên một cơn giận dữ, tôi hất tay ông ra, hét:

“Tôi không đi, nhưng không phải vì tiền! Tôi ở lại để trông chừng các người! Dù bà có nằm liệt giường, các người cũng không được phép bắt nạt bà!”

Bác cả và cô út bước ra, mặt đầy khinh khỉnh:

“Hừ, muốn tiền thì cứ nói đại ra đi, bày đặt đạo lý!”

Cuối cùng, cái ngày ấy cũng đến.

Bà dần rơi vào trạng thái lơ mơ, lúc tỉnh lúc mê, càng lúc càng ít thời gian tỉnh táo.

Bác cả và cô út thì ngày càng sốt ruột.

Bởi bà chưa viết di chúc.

Họ sợ bà để lại hết tài sản cho tôi nên luôn tìm cách ngăn tôi lại gần bà.

Cho đến hôm ấy, bà bỗng khoẻ lên rõ rệt, sắc mặt hồng hào, tinh thần minh mẫn lạ thường.

Tôi biết…

Đó chính là hồi quang phản chiếu – dấu hiệu báo trước giờ phút cuối cùng đã đến.

Bà nội gọi tất cả mọi người lại, mời luật sư đến để chính miệng đọc di chúc.

“Căn tứ hợp viện, má để lại cho anh cả. Nhà anh đông con, cần chỗ ở, cần tiền nhiều.”

“Địa chỉ chôn giấu các món đồ cổ, má giao cho thằng Hai. Sau này, con phải đối xử tốt với con Yaya của chúng ta đấy.”

“Còn lại số tiền tiết kiệm, má để lại cho thằng út. Nhà con khá hơn, thì lấy ít một chút.”

Dù cố gắng giữ vẻ bình tĩnh, bác cả vẫn không giấu nổi khoé miệng đang khẽ cong lên vì mừng rỡ.

Còn ba tôi thì vui đến mức cười toét cả miệng, hào hứng đáp ngay:

“Má yên tâm, Yaya là con gái ruột của con, chắc chắn con sẽ thương nó!”

Chỉ có cô út là mặt sầm lại, giọng chua chát:

“Dựa vào đâu tôi chỉ được có tí tiền vậy? Má thiên vị quá! Biết thế tôi chẳng thèm về! Mấy chục triệu đó làm được gì chứ?”

Bà nội đáp giọng nhàn nhạt:

“Vậy thì khỏi cần lấy.”

Cô út khựng lại, rồi lập tức gào lên:

“Không được! Tôi đã hầu hạ bà bao lâu nay, sao bà không cho tôi? Tôi phải lấy!”

Bà không nói thêm gì, chỉ vẫy tôi lại gần.

“Yaya, lại đây nào. Bà chẳng còn gì để lại cho con cả… Con phải nhớ lời bà, học hành chăm chỉ, học giỏi mới nên người, nghe chưa?”

Nước mắt tôi lăn dài không ngừng, tôi gật đầu thật mạnh:

“Bà ơi, con biết… con nhất định sẽ học giỏi!”

Bà nhìn tôi một lần cuối, ánh mắt dịu dàng và ấm áp, rồi khép mắt lại vĩnh viễn.

Tôi òa khóc nức nở.

Trong khi đó, bác cả và cô út vẫn mải cãi nhau vì di chúc, chẳng ai nhận ra… bà nội đã ra đi.

Theo tục lệ ở quê tôi, khi người lớn mất, con cái phải để tang đủ bảy ngày.

Thế nhưng cô út vì không hài lòng với cách chia tài sản nên bỏ đi luôn.

Trước khi đi, cô còn ghé sát tôi, cười nhếch mép:

“Mày đúng là đứa ngu, bà già không để lại cho mày một xu mà còn khóc lóc thảm thiết!”

“Tao biết bà là loại người thế nào rồi. Đáng đời, chết vì đau đớn cũng phải thôi! Đồ thiên vị con trai, tao khinh!”

Tôi nghiến răng, giận đến run người:

“Nếu khinh thì trả tiền lại cho bà đi! Bà mất rồi mà cô còn chửi bà, cô không phải là người!”

Cô trợn tròn mắt, giơ tay định tát tôi:

“Con ranh, mày tưởng bà che chở mày thì tao không dám đánh hả? Tao đánh mày thì ba mày cũng chẳng dám hó hé gì đâu!”

Đúng lúc đó, ba tôi và bác cả nghe thấy ồn ào liền quay lại.

Nhưng biết mình cũng chẳng hơn gì, họ chỉ đứng im không dám cãi nhau với cô út.

Bác cả còn ngậm điếu thuốc, thản nhiên nói:

“Yaya à, nếu cô mày muốn đánh, thì cứ để cho cô mày đánh chút cho hả giận…”

Tôi suýt bật cười vì tức:

“Sao không để cô đánh chú đi? Mấy người ba người y chang nhau – đều là đồ rác rưởi!”

Bác cả nổi giận, giơ tay định tát tôi.

Nhưng đúng lúc ấy, một cơn gió ùa tới, cánh cửa sập mạnh lại, tay bác đập thẳng vào chiếc đinh nhọn trên khung cửa.

Một tiếng “phập” vang lên. Máu phun ra, bác rú lên đau đớn.

Tôi khịt mũi, gió mát khẽ thổi qua hong khô nước mắt tôi.

Tôi biết, là bà đang bảo vệ tôi.

Tôi không trách bà vì không để lại cho tôi một đồng nào.

Vì cả cuộc đời bà… đã dành hết cho tôi rồi.

Mặc dù trong lòng tôi cũng từng thắc mắc vì sao bà không để lại cho tôi bất kỳ thứ gì, nhưng tôi hiểu… tất cả những gì bà làm, đều là vì muốn tốt cho tôi.

Sau khi bà mất, di chúc chính thức có hiệu lực.

Cả nhà tụ họp ăn mừng tại một nhà hàng sang trọng.

Bác cả uống vài ly, mặt đỏ bừng, cười ha hả:

“Tôi đã bảo con trai, con dâu rồi – bán luôn cái nhà đang ở, cả nhà mình chuyển hẳn lên thủ đô sống cho xứng với tầm!”

“Cả đời bà già chẳng làm nên trò trống gì, chết rồi mới thấy có chút giá trị.”