Chương 4 - Đằng Sau Vụ Nổ Kinh Hoàng

Ông ta ngồi ở ghế giữa nhà tôi hút thuốc lào, tàn lửa trong nõ bập bùng hắt sáng vết sẹo dài như con rết trên cổ ông ta, trông như sắp bò ra ngoài.

“Em dâu, anh không nhận chuyện nhận nuôi nữa đâu. Đưa giấy tờ đây.”

Ông ta nhổ một bãi đờm vàng đặc xuống nền gạch vừa được mẹ tôi quét sạch sẽ:

“Đền bù giải toả mà tính theo hộ khẩu, chuyển Phương Tuyền sang cho em thì anh thiệt quá rồi!”

Tôi đập mạnh hũ dưa muối xuống mép bàn, mảnh gốm vỡ bắn trúng ống quần ông ta, lòng bàn tay tôi vì va chạm mà trầy rớm máu, rát bỏng:

“Bác, bác định lấy lại anh Phương Tuyền, hay muốn lấy lại tiền và nhà của ảnh?”

Nghe tôi nói vậy, ông ta không lòng vòng nữa, mở miệng thẳng thừng:

“Em dâu, anh nói thẳng nhé.”

“Phương Tuyền tuy đã qua nhà em, nhưng anh nuôi nó hai mươi năm rồi, không thể trắng tay được.”

“Vả lại mới chuyển hộ khẩu có hai ngày mà em đã định lấy luôn phần tiền với nhà của nó, vậy có quá đáng không?”

“Đây đâu phải số tiền nhỏ, một căn hộ lớn ba phòng với ba trăm nghìn tệ tiền mặt!”

“Phương Tuyền thì em cứ giữ mà nối dõi đi, nhưng tiền và nhà, anh phải lấy về!”

Tôi cười nhạt, tiếp lời:

“Bác à, sao lại bảo là không hợp lý?”

“Anh Phương Tuyền đã là con nhà cháu, hộ khẩu cũng nhập vào nhà cháu rồi, giờ là người nhà, vậy nhà cháu giữ phần của anh ấy có gì sai?”

“Nếu giờ bệnh của anh ấy chữa được, phải cần một triệu tệ, bác có chịu bỏ tiền không?”

Phương Khánh Sơn chưa kịp suy nghĩ, đã ngẩng cổ lên nói cứng:

“Có chứ! Đương nhiên là có!”

“Dù sao nó cũng là con ruột của anh, chẳng lẽ anh lại trơ mắt nhìn nó sống đần độn cả đời?”

“Nếu chữa được, anh nhất định chữa, có phải bán nhà bán đất cũng chữa!”

Nghe được câu này, mẹ tôi lập tức cười tươi, rút từ trong túi ra một tờ giấy chẩn đoán y tế.

Trên đó ghi rõ: Tình trạng của Phương Tuyền rất có thể là do bị sốc tâm lý nghiêm trọng, nếu can thiệp y tế hợp lý thì sẽ có tiến triển tích cực, nhưng chi phí điều trị cực cao, ước tính ban đầu khoảng 800 nghìn tệ.

Phương Khánh Sơn vừa nhìn thấy tờ giấy liền biến sắc, mặt càng đen như than:

“Em dâu, em bày sẵn cả cái bẫy này chờ anh à?!”

“Bệnh viện chữa được đau, chữa được ngứa, nhưng tôi chưa từng nghe nói có thể chữa được… ngốc!”

“Không phải là em bị lang băm nào đó lừa rồi đấy chứ?”

Đúng lúc đó, giọng của trưởng thôn vang lên:

“Phương Khánh Sơn, anh đang nói ai là lang băm đấy?”

Không sai, tờ giấy chẩn đoán kia chính là do con gái trưởng thôn – bác sĩ bệnh viện tâm thần thành phố – ký tên.

Mà trưởng thôn, cũng là người tôi cố ý mời đến.

10

Vừa thấy trưởng thôn, Phương Khánh Sơn lập tức hiểu ra mọi chuyện.

Ông ta nghẹn lời, mặt cứng đờ, không dám nói gì. Trưởng thôn cười lạnh, mỉa mai:

“Con người ta ấy mà, không thể ôm bụng xấu được. Không thì chưa kịp tính kế ai đã tự hại mình, báo ứng đến còn nhanh hơn chớp.”

“Phương Khánh Sơn, anh thấy tôi nói có đúng không?”

Phương Khánh Sơn đỏ bừng mặt, chỉ còn biết gật đầu câm nín.

Sau khi bị xua đuổi ra khỏi nhà tôi, trưởng thôn quay sang nói với mẹ tôi:

“Vợ Khánh Hải à, tôi thấy tên Phương Khánh Sơn kia chắc chắn sẽ không dễ dàng bỏ qua đâu. Theo tôi, hay là chia cho hắn một phần của Phương Tuyền, coi như bỏ tiền giải xui.”

Khi mẹ tôi bị Khánh Sơn ép đến mức phải nhượng bộ, chẳng một cán bộ làng nào đứng ra bênh vực.

Trong mắt họ, bố tôi chết rồi, mẹ con tôi góa bụa đơn độc, chẳng có chỗ dựa, chẳng bằng tặng Khánh Sơn chút lợi lộc, biết đâu hắn còn nhớ tới tình nghĩa mà nhường nhịn.

Còn bây giờ, chỉ vì Khánh Sơn vô tình nói xấu con gái trưởng thôn mà đã bị trả đũa ngay tức thì.

Quả đúng là: không bị đao rạch vào người thì không biết đau.

Tôi nghĩ nhanh rồi nảy ra một ý.

Hôm sau, tin con gái trưởng thôn nói với mẹ tôi rằng bệnh của Phương Tuyền có thể chữa được nhưng chi phí lên đến vài triệu, lập tức lan truyền khắp làng.

Ai nấy đều bàn tán: tiền đền bù còn chưa về tay mà nhà tôi đã bị nhắm tới rồi.

Chuyện đó nhanh chóng đến tai trưởng thôn. Ông đập bàn chửi ầm lên:

“Hôm qua Phương Khánh Sơn mò đến nhà vợ Khánh Hải đòi tiền của Phương Tuyền, bị tôi bắt gặp.

Tôi mắng cho một trận, bảo đừng có ăn hiếp phụ nữ góa con côi, vậy mà hắn nhớ dai đến mức quay sang bịa chuyện nói xấu tôi!”

“Đúng là thứ tiểu nhân! Định thò tay vào tài sản của em trai mình, ép con trai ngốc cho chị dâu goá để ăn trọn, ai ngờ chưa ăn được miếng nào đã phải tặng nhà lớn cho người ta!”

“Muốn tính kế người khác mà bị ông trời vả cho sấp mặt!”

“Cái loại này, đến trời còn chẳng muốn dung tha, nên mới bị vả cho tan nát như thế đấy!”

Đến trưởng thôn còn ghét bỏ hắn, dân làng càng chẳng kiêng dè gì nữa. Họ thi nhau chế giễu, không nể nang.

Phương Khánh Sơn hoàn toàn trở thành trò cười của cả làng.

Gặp ai, người ta cũng không quên chọc ghẹo:

“Khánh Sơn ơi, mất nguyên căn nhà to cho nhà em trai mà không thấy tiếc hả?”

Phương Khánh Sơn tức đến giậm chân, nhưng chỉ có thể nhịn, còn phải gượng cười ra vẻ chẳng có gì.

Kiếp trước, Phương Khánh Sơn chưa từng phải nuốt nhục thế này, càng không tổn thất đến mức ấy.

Mẹ tôi chỉ nói miệng rằng sẽ nhận nuôi Phương Tuyền, nhưng bị hắn xúi bẩy, cuối cùng cũng chỉ coi là diễn trò cho qua.

Hộ khẩu của Phương Tuyền vẫn ở nhà họ Phương, nên tiền đền bù, nhà cửa đều vào tay Phương Khánh Sơn.

Nhưng kiếp này, mọi chuyện đã hoàn toàn khác.

Dù Phương Khánh Sơn có gây rối thế nào, khoản đền bù vẫn chuyển thẳng vào tài khoản mẹ tôi một cách chắc chắn.

Không thể ngồi yên thêm được nữa.