Chương 1 - Cứu Con Hay Đền Tiền

Kỳ nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1/5), tôi đưa con đi du lịch và tiện thể ghé thăm chồng.

Lúc chuẩn bị rời khỏi đường cao tốc, ở trạm ra có một bà nông dân đứng chắn bên lề.

Không ngờ bà ta bất ngờ ném một bao tải nông sản ra giữa đường, chặn ngay đầu xe tôi!

Mà khi ấy tôi vẫn chưa kịp đạp phanh!

Tôi hoảng loạn hét lên, bánh xe cán thẳng vào bao tải, xe mất lái, lao mạnh vào lan can bên đường!

Túi khí bật ra ngay lập tức, đập thẳng vào ngực tôi!

Lúc tai nạn xảy ra, tôi đang đeo tai nghe một bên để gọi điện thoại cho chồng.

Anh ấy nghe thấy tiếng va chạm, lập tức hoảng hốt hỏi:

“Vợ ơi, có chuyện gì vậy? Em sao rồi?”

Tôi đau đến mức thở không nổi, gắng gượng đáp:

“Bị tai nạn rồi…”

Tôi ôm ngực, chẳng kịp nghĩ đến bản thân, vội quay đầu kiểm tra tình hình của con gái.

Khi nãy con bé còn ngồi ngoan trên ghế an toàn, tay cầm bánh quy vừa ăn vừa líu lo.

Vậy mà giờ đây, mặt con đỏ bừng, hai mắt ngấn nước, rõ ràng rất đau đớn nhưng lại không khóc nổi!

……

Từng hơi thở ngắt quãng như có gì đó mắc kẹt trong cổ họng.

Tôi không màng đến cơn đau, tháo dây an toàn rồi trèo ra ghế sau, áp tai vào ngực con.

Tôi nghi con bị hóc bánh quy, đang định tháo dây đai ghế để bế con ra thì đột nhiên bị bà nông dân kia túm lấy, vừa kéo vừa la hét:

“Đền tiền mau! Bao đông trùng hạ thảo của tôi bị cô cán nát hết rồi!”

Giọng bà ta the thé đầy chua ngoa khiến tôi sững cả người, lúc ấy mới phát hiện không chỉ có một mình bà ta, mà còn cả nhóm người dân trong thôn đang vác bao tải lục tục kéo đến.

Tức quá, tôi hất mạnh bà ta ra. Bà ta ngã ngồi phịch xuống đất, lập tức giở trò ăn vạ, vỗ tay đập đất, khóc lóc ầm ĩ như thể bị oan trời giáng đất vậy!

Tôi đâu còn thời gian để quan tâm đến mấy lời vớ vẩn của bà ta, lập tức xuống xe, tháo dây an toàn cho con gái.

Mặt con càng lúc càng đỏ gay, tôi nghi con thực sự bị hóc, vội vàng bế con ra khỏi ghế, xoay người bé lại ôm vào lòng.

Tôi cố gắng thực hiện phương pháp Heimlich, để con quay lưng lại, hai tay siết chặt phần bụng con và ép mạnh từng nhịp một.

Mỗi lần tôi ấn xuống, lưng con lại đập thẳng vào ngực tôi.

Đau muốn ngạt thở.

Tôi cũng không rõ xương ức mình có bị thương không, nhưng mỗi lần va vào là từng cơn đau buốt khiến tôi vã cả mồ hôi lạnh.

Thế nhưng nhìn khuôn mặt nhỏ bé đang nghẹn đến đỏ bừng của con, tim tôi như bị xé nát, sao có thể dừng tay được!

Ngay vào lúc khẩn cấp giành từng giây ấy, mấy người dân làng lại xông tới.

Họ mặc kệ tôi đang cấp cứu cho con, từng người một kéo lấy tôi, lớn tiếng mắng nhiếc:

“Cán hỏng đồ còn đánh người! Tôi tận mắt chứng kiến đấy nhé!”

“Đừng hòng bỏ đi! Phải đền tiền ngay!”

Tôi cắn răng chịu đau, yếu ớt nói:

“Buông tôi ra… con gái tôi đang bị hóc…”

Nghe tôi nói vậy, mấy người dân kia mới vội vàng cúi xuống xem tình trạng của con bé.

Vừa thấy con thực sự bị hóc, họ lập tức xôn xao hẳn lên, rồi không ngờ – họ giằng lấy con gái tôi ra khỏi vòng tay tôi!

Con bé còn rất nhỏ, chưa đầy hai tuổi.

Bị người lạ bế đi, con hoảng sợ tột độ, nước mắt giàn giụa, đưa tay về phía tôi, run rẩy cầu cứu, muốn tôi ôm lại.

Tôi cứ ngỡ họ muốn giúp đỡ cấp cứu.

Ai ngờ, họ lại ôm con gái tôi lùi ra phía sau, giấu bé sau lưng, còn bà nông dân kia thì hớn hở la lớn:

“Đền tiền đi! Cô đền tiền thì chúng tôi sẽ trả con cho cô cứu!”

Những người khác cũng gật đầu rối rít, phụ họa theo lời bà ta:

“Đúng đấy! Không thì con bé hóc chết cũng đừng trách!”

“Cán nát đồ của người ta thì phải đền, đạo lý quá rõ ràng rồi còn gì!”

Tôi không thể tin nổi — trên đời này lại có những người độc ác đến mức như vậy.

Họ ôm lấy đứa con chưa đầy hai tuổi của tôi, rõ ràng biết con bé đang trong cơn nguy kịch, vậy mà lại đem sinh mạng của con ra làm điều kiện để tống tiền tôi!

Trong tai nghe, giọng chồng tôi đột nhiên vang lên:

“Vợ ơi, em bị bắt nạt à? Em đang ở đâu vậy?”

Sợ họ nghe thấy tôi đang gọi cho chồng, tôi vội nói:

“Em đang ở lối ra cao tốc. Mấy người này chặn đường là sai rồi! Mau trả con cho em, nó sắp không qua khỏi rồi!”

Tôi biết, bọn họ là kiểu người không thể nói lý.

Những lời đó, tôi cố tình nói cho chồng nghe, để anh ấy biết vị trí của tôi và tình hình hiện giờ đang nguy cấp đến mức nào!

Rất nhanh, giọng chồng tôi gào lên trong tai nghe, giận dữ ra lệnh:

“Dỡ hết hàng khỏi xe tải! Tất cả công nhân lên xe, mang theo dụng cụ!”

“Gọi xe cứu thương! Tới ngay lối ra cao tốc!”

Bà nông dân kia không biết tôi đang nói vị trí cho chồng, vẫn hăng máu chỉ vào tấm bảng mã QR đeo trên cổ, hằm hằm nói:

“Tôi mặc kệ con cô thế nào, chỉ biết là cán nát đồ thì phải đền! Toàn là đông trùng hạ thảo rừng đấy! Mười vạn tệ!”

Tới lúc này tôi mới hiểu — vì sao họ lại dám làm ra chuyện thất đức đến vậy.

Đông trùng hạ thảo đó chắc chắn không thể là hàng rừng, nhưng bây giờ họ đang dùng con gái tôi làm con tin.

Chỉ cần tôi chuyển tiền, thì coi như hết đường lấy lại.

Kể cả có báo cảnh sát cũng vô ích — đến lúc đó, bà ta chỉ cần nằm vật ra đất giả vờ lên cơn đau tim, để mặc cho cảnh sát đưa đi tạm giữ vài hôm là xong.

Thật sự, đừng bao giờ tin rằng cảnh sát có thể giải quyết hết mọi chuyện. Cùng lắm cũng chỉ hòa giải theo kiểu dĩ hòa vi quý, chẳng ai thực sự phải chịu trách nhiệm.

Tôi hiểu quá rõ bọn họ đang toan tính điều gì.

Nhưng tôi vẫn lập tức tháo chiếc vòng vàng trên tay, rồi giật luôn sợi dây chuyền vàng trên cổ xuống.

Đó là bộ tam kim mà tôi nhận được khi cưới chồng.

Là cha mẹ, tôi không có thời gian mặc cả, tôi chỉ muốn cứu con càng nhanh càng tốt.