Chương 5 - Cuộc Hôn Nhân Kiểu AA Và Bí Mật Đằng Sau
Tôi từng ngây thơ nghĩ — khi Bùi Hữu An công thành danh toại, chúng tôi sẽ phá bỏ được mối quan hệ méo mó đó.
Có năm, anh tôi mắc bệnh nặng, tình hình rất nghiêm trọng.
Chị dâu phải đích thân tới nhà tôi cầu cứu.
Tôi không gom đủ tiền, đành mở lời với Bùi Hữu An.
Ba vạn đồng — với anh ta lúc đó, chẳng khác nào tiền lẻ.
Thế nhưng, sau khi ăn sạch sẽ món vịt hầm hương liệu, cá kho và măng xào mà tôi cất công nấu cho anh ta…
Bùi Hữu An bình thản lau miệng, dứt khoát từ chối.
Anh ta nói:
“Tân Doanh, đó là chuyện của nhà em, em nên tự nghĩ cách giải quyết. Anh đã rất vất vả mỗi ngày rồi, em không giúp được gì thì thôi, đừng kéo anh theo cùng gánh rắc rối.”
Tôi xấu hổ đến đỏ mặt.
Vò nắm áo, lắp bắp giải thích: “Chỉ là mượn tạm thôi… Em sẽ trả lại.”
Bùi Hữu An hừ lạnh, không thèm để tâm:
“Trả? Dựa vào đâu? Dựa vào 1.600 tệ tiền lau dọn mỗi tháng của em à? Định trả đến Tết công gô chắc?”
Vì vậy, anh tôi không đủ tiền làm phẫu thuật.
Cái chân ấy, từ đó mang tật suốt đời.
Chị dâu vì thế mà cắt đứt liên lạc với tôi.
Nhưng, cho dù như vậy…
Kiếp trước, khi tôi bị đuổi khỏi nhà, phải lang thang ngoài đường, chị dâu vẫn dắt anh trai chống nạng đi khắp nơi tìm tôi.
Cuối cùng, cả hai bị cuốn vào gầm xe trong một vụ tai nạn…
Sách nói rằng, khi thấy chuyện bất bình, người ta có thể chọn cách bồi thêm một đá.
Thế nên, khi gặp mẹ của Bùi Hữu An — bà Vương Lan — hằm hằm chạy về quê, hỏi dò chỗ ở của Lý Lệ Kiều…
Tôi không chần chừ, lập tức chỉ đường.
Nghe nói, năm đó Bùi Hữu An được đi học đại học là nhờ mẹ anh ta vay mượn khắp xóm làng gom đủ tiền học phí.
Vậy mà chưa đầy nửa năm, anh ta bị người ta tố cáo vì dẫn Lý Lệ Kiều đi nhảy đầm trong vũ trường — bị buộc thôi học.
Hai ngày gần đây, nhà Lý Lệ Kiều đã rối tung rối mù.
Cha mẹ cô ta đều mất sớm, từ nhỏ sống nhờ nhà bác cả.
Bác gái rất phản đối việc cô ta học đại học, đã sớm chọn sẵn cho Lý Lệ Kiều một mối — bên đàng trai hứa sính lễ tới ba trăm tệ.
Lý Lệ Kiều ngoài mặt gật đầu đồng ý, nhưng ngay sau khi nhận sính lễ, cô ta lập tức cuỗm tiền bỏ trốn lên thành phố đi học.
Kiếp trước, số tiền đó — chính là Bùi Hữu An dụ tôi trả thay!
Khi ấy, dưới sự nuôi nấng ngày đêm không ngừng nghỉ của tôi, Bùi Hữu An đã mang dáng vẻ tri thức, lịch lãm của một người thành phố.
Anh ta mặt không biến sắc nói:
“Tân Doanh, chỉ là ba trăm tệ thôi mà. Em ráng chút giúp Lệ Kiều trả đi. Dù gì cô ấy cũng là bạn thân nhất của em, tay yếu chân mềm, biết làm gì được?”
Phải rồi…
Chính là đôi bàn tay ấy, sau này siết chặt lấy cổ tôi — trắng nõn, mềm mại, rõ ràng là sống sung sướng, được nuông chiều đủ đầy.
9
Sau khi bị đuổi học, Lý Lệ Kiều không còn mặt mũi nào quay về nhà bác cả.
Cô ta chỉ còn cách mặt dày tới trú ở nhà Bùi Hữu An, ăn nhờ ở đậu suốt nửa tháng.
Vốn dĩ nhà Bùi Hữu An đã chen chúc bốn người trong căn phòng chưa tới ba mươi mét vuông.
Thêm Lý Lệ Kiều nữa, cái giường 1m2 của Bùi Hữu Nam cũng phải chia đôi — dĩ nhiên cô ta không vui.
Hai chị em từng thân thiết như hình với bóng, lập tức trở mặt.
Bị lườm nguýt, lạnh nhạt, Lý Lệ Kiều vẫn cố nhịn.
Nhưng cô ta không ngờ, để đuổi mình đi, bà Vương Lan thậm chí còn ngừng luôn việc nấu cơm.
Tối hôm trước.
Lý Lệ Kiều đói đến mức chịu không nổi, lén ăn nốt nửa cái bánh bao trắng mà bà Vương cố tình giấu lại cho Hữu Nam.
Ai ngờ bị bắt quả tang — bà Vương Lan lập tức mắng chửi ầm lên, đuổi cô ta ra khỏi nhà.
Bà chỉ thẳng vào mặt cô ta mà chửi:
“Loại con gái hư hỏng, mặt dày vô liêm sỉ!”
Lý Lệ Kiều mặt mày tái nhợt, nằm co quắp trước hiên nhà, run rẩy tỏ vẻ đáng thương, mong Bùi Hữu An lên tiếng bênh vực.
Nhưng cô ta không ngờ, Bùi Hữu An chỉ cúi đầu im lặng, lặng lẽ ăn hết bát cơm rồi quay vào phòng.
Đêm hôm ấy…
Lý Lệ Kiều ngồi ngoài cửa hứng gió lạnh suốt cả đêm.
Bị ép đến đường cùng, không còn chốn dung thân, cuối cùng cô ta đành run rẩy quay về làng.
Nào ngờ, chân trước cô ta vừa đặt tới cửa, chân sau Vương Lan đã đuổi tới nơi.
Bà ta nằm lăn ra ngay trước cửa nhà bác cả của Lý Lệ Kiều, đập đùi khóc rống:
“Trời ơi là trời! Nhà ai nuôi phải đồ trộm cắp thế này? Không danh không phận mà cứ mặt dày bám lấy người ta, tay chân còn chẳng sạch sẽ!”
Mặt Lý Lệ Kiều đỏ bừng rồi chuyển sang trắng bệch, môi vốn hồng hào giờ run lẩy bẩy như sắp ngất.
Bác gái đứng một bên, ánh mắt đầy khinh miệt, bốp — tát thẳng vào mặt cô ta.
Rồi nhổ một bãi nước bọt, mắng thẳng: “Mất mặt ê chề!”
Sau này, qua sự can thiệp của trưởng thôn, mới biết:
Sau khi Lý Lệ Kiều rời khỏi, Vương Lan kiểm tra lại lương thực trong nhà thì phát hiện chiếc nhẫn bạc trong hũ gạo đã biến mất.
Chiếc nhẫn ấy là vật gia truyền của bà nội Bùi Hữu An để lại.