Chương 7 - Cuộc Hôn Nhân Chỉ Là Vỏ Bọc

Chia cho Giang Dự, cậu ta chỉ hừ lạnh: “Tôi không thèm.”

Lên tiểu học, tôi lười biếng chép bài của Giang Dự, bị Giang Dĩ không chút nể tình mách với thầy giáo.

Tôi bị phạt đứng ngoài hành lang, Giang Dự đi ngang qua, cười hả hê: “Đáng đời!”

Lên cấp hai, tôi đứng bên sân bóng hét to: “Anh Giang Dĩ, cố lên!”

Dưới ánh nắng hè gay gắt, Giang Dự đầm đìa mồ hôi chạy ngang qua.

Anh ta trừng mắt lườm tôi: “Thẩm Hoài Thư, im miệng ngay, ồn chết đi được!”

Tôi sợ đến mức câu “Giang Dự, cố lên!” đang định nói cũng nuốt lại.

Lên cấp ba, thiếu niên thiếu nữ bước vào tuổi dậy thì, tình cảm đầu đời bắt đầu nảy nở.

Một nữ sinh nhờ tôi chuyển thư tình cho Giang Dự.

Tôi thực sự bối rối.

Không biết từ khi nào, tôi phát hiện ra rằng mỗi lần có ai đó gửi thư tình cho Giang Dự, tôi đều cảm thấy khó chịu.

Hơn nữa, từ nhỏ đến lớn, người lớn đều nói với tôi rằng, khi tôi trưởng thành, tôi sẽ kết hôn với Giang Dự.

Vì thế, tôi cũng ngang ngược cho rằng Giang Dự không được phép nhận thư tình của người khác.

Giang Dĩ thấy vậy, dịu dàng giúp tôi từ chối: “Giang Dự đã có hôn ước với Thư Thư rồi, cậu ấy không tiện nhận thư đâu.”

Từ đó, tin tức “Giang Dự là người của Thẩm Hoài Thư” lan truyền khắp trường.

Giang Dự cực kỳ khó chịu, dùng ngón tay cào cào hàng chân mày rậm, bực bội nói: “Thẩm Hoài Thư, cô giỏi lắm đấy!”

18

Kể từ hôm đó, cứ có ai đưa thư tình cho tôi, Giang Dự liền trả đũa bằng cách ném thẳng vào thùng rác ngay trước mặt họ.

Không còn ai dám gửi thư cho tôi nữa.

Theo lời anh ta: “Đào hoa của ông đây bị cắt hết rồi, cô cũng đừng hòng!”

Sau chuyện này, Giang Dự dường như càng không ưa tôi hơn.

Tôi cảm thấy rất khó hiểu.

Liền đi hỏi Giang Dự: “Anh trai, có phải Giang Dự không thích em không?”

Giang Dĩ mỉm cười dịu dàng: “Sao em lại hỏi vậy?”

“Nếu cậu ấy không thích em, vậy sau này em sẽ không cưới cậu ấy nữa.”

Tôi sớm đã hiểu, nếu cưới một người không yêu mình, hôn nhân chẳng khác gì một nấm mồ.

Đối phương có thế giới của họ, còn mình thì bị vùi chôn, trở thành bi kịch suốt đời.

Giống như ba mẹ tôi.

Giang Dĩ im lặng rất lâu, rồi hỏi: “Em thật sự thích Giang Dự đến vậy sao?”

Tôi gật đầu chắc nịch.

“Vậy em thích cậu ấy ở điểm nào?”

Tôi không trả lời được.

Tình cảm thời niên thiếu, vốn chẳng có lý do.

Nếu Giang Dĩ là cơn mưa xuân nhẹ nhàng tưới mát vạn vật.

Thì Giang Dự chính là cơn gió lớn nơi đồng hoang, tự do, mãnh liệt.

Tôi muốn chạy theo cơn gió ấy.

Giang Dĩ thấy tôi mãi không đáp, chỉ lặng lẽ thu mắt lại: “Thư Thư, cậu ấy cũng thích em đấy.”

Dừng một chút, anh cười nhẹ: “Thằng nhóc đó, chỉ là quá trẻ con thôi.”

“Hả?” Tôi mở to mắt, khó hiểu: “Nếu thích em, sao cậu ấy còn trêu chọc em?”

Tôi không hiểu được tình cảm của con trai.

Giang Dĩ nhìn xuống cuốn sách đang mở trước mặt, chậm rãi nói: “Mỗi người có một cách thể hiện tình cảm khác nhau.”

Lời của Giang Dĩ, tôi luôn tin tưởng tuyệt đối.

Trái tim thiếu nữ không kìm được mà rung động.

Trong một buổi tiệc tại nhà họ Giang, tôi lén tránh khỏi đám người lớn, lẻn đến trước cửa sổ phòng Giang Dự.

Anh ta vốn ghét nhất những buổi tiệc như vậy, càng không thích nghe người lớn càm ràm.

Hôm ấy, khi mở cửa sổ ra, anh ta vẫn còn đang mải chơi game, đầu cũng không ngẩng lên: “Đừng làm phiền ông đây.”

Tôi chống tay lên cửa sổ, nghiêng đầu nhìn anh ta, giọng trong veo: “Giang Dự, cậu thích tôi đúng không?”

Giang Dự giật mình, tay run lên, điện thoại rơi xuống đất, màn hình hiện lên dòng chữ Game Over.

Tôi cười tít mắt nhìn anh ta: “Mặt đỏ cái gì vậy?”

“Thẩm Hoài Thư.” Giang Dự nghiến răng nghiến lợi: “Cô có phải con gái không vậy?”

“Tôi là con gái mà.”

“Vậy thì cô—”

Anh ta gằn từng chữ: “Cố mà giữ chút tự trọng đi!”

Tôi chớp chớp mắt: “Cậu trả lời tôi trước đã.”

Giang Dự bắt đầu mất kiên nhẫn, nghển cổ hừ lạnh: “Chó mới thích cô.”

“Cạch.”

Anh ta đóng sập cửa sổ.

Tôi sững người, trái tim lập tức vỡ tan tành.

Trùm kín chăn, khóc rưng rức cả đêm.

Tình yêu tuổi trẻ, lúc nào cũng dữ dội đến vậy.

Cơn giận của tôi với Giang Dự kéo dài suốt cả mùa hè năm đó.

Ngày công bố điểm thi đại học, Giang Dĩ nhận được giấy báo trúng tuyển vào trường danh giá nhất.

Tôi thi với kết quả tạm ổn, nhưng nhờ những giải thưởng violin trước đó cộng điểm, cũng đủ vào được trường như ý.

Còn Giang Dự thì bị ông nội Giang đánh cho một trận.

Để thưởng cho Giang Dĩ, ông nội Giang hào phóng vung tay, sắp xếp xe đưa cả nhóm bạn thân của chúng tôi đến khu nghỉ dưỡng trong núi.

Không có người lớn quản thúc, tất cả đều thả lỏng đến mức hoang dã.

Lần đầu tiên trong đời, tôi uống rượu.

Khó uống thật sự.

Bị sặc đến mức mặt nhăn nhó, nước mắt giàn giụa.

Giang Dự nhướng mày, giọng điệu cà khịa: “Chỉ nhiêu đó mà cũng bày đặt uống rượu?”

“Liên quan gì đến cậu.”

“Tôi chẳng rảnh mà quan tâm cô.”

Càng cãi nhau với Giang Dự, tâm trạng tôi càng tệ.

Trong cơn bực bội, tôi uống thêm mấy ly nữa.

Kết quả không ngoài dự đoán, say đến mức chẳng biết trời đất là gì.

Giữa tiếng nhạc xập xình, bạn bè nhảy nhót điên cuồng, tôi gục xuống ngủ mê man.

Khi động đất xảy ra, tôi còn tưởng mình bị chóng mặt.

Mọi thứ diễn ra quá nhanh, mặt đất rung chuyển, bê tông và thép gãy đổ ầm ầm.

Tiếng hét kinh hoàng vang lên khắp nơi, hỗn loạn đến cực điểm.

Lúc Giang Dĩ lao đến che cho tôi, tôi thậm chí còn chưa kịp phản ứng.

Chỉ kịp nhìn thấy thanh xà nhà sập xuống, đè lên đôi vai gầy của cậu ấy.

19

Không biết bao lâu sau, tôi tỉnh lại từ cơn hôn mê.

Bóng tối nhấn chìm tất cả, không thấy dù chỉ một tia sáng.

Cả người đau nhức, nhưng không rõ đau ở đâu.

Tôi muốn cử động, nhưng bị đè chặt, không thể nhúc nhích.

Không phải bị gạch đá vùi lấp, mà là cơ thể của một thiếu niên vẫn còn hơi ấm.

“Anh Giang Dĩ…” Tôi không thể cử động, nước mắt rơi lã chã.

Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận rõ rệt hơi thở của cái chết.

Chất lỏng nóng hổi, sền sệt nhỏ xuống cổ tôi, hơi thở của Giang Dĩ rất yếu, khẽ phả trên đỉnh đầu.

“Thư Thư, đừng khóc.” Giọng nói của cậu ấy mỏng manh như sợi chỉ.

“Anh chảy nhiều máu lắm…” Tôi khóc dữ hơn, sợ cậu ấy sẽ chết.

Tôi cảm nhận được cậu ấy rất đau, cơ thể run rẩy không kiểm soát được.

Nhưng cậu ấy vẫn cười, dịu dàng trấn an tôi: “Đừng sợ, Giang Dự sẽ đến cứu chúng ta.”

Cậu ấy nói, lúc động đất xảy ra, chỉ có Giang Dự không ở trong biệt thự.

Anh ta nhất định sẽ đến cứu chúng tôi.

Trong tuyệt vọng, Giang Dự trở thành tia hy vọng duy nhất của chúng tôi.

Bám vào hy vọng đó, chúng tôi cầm cự trong bóng tối, chống lại tử thần.

Giang Dĩ bảo, chúng tôi không thể ngủ quên.

Vậy nên, chúng tôi nói với nhau rất nhiều chuyện.

Nhưng sau này, tôi không còn nhớ rõ chúng tôi đã nói gì.

Chỉ nhớ những câu cuối cùng, giọng cậu ấy ngày càng yếu dần.

Như một tiếng thì thầm xa xăm.

“Sau này… phải sống thật tốt với Giang Dự nhé, anh không thể làm cầu nối giữa hai đứa nữa rồi.”

“Thư Thư, xin lỗi em…”

“Nếu lúc đó… em chọn anh thì tốt biết bao.”

Giang Dĩ không đợi được đến khi Giang Dự dẫn người đến cứu chúng tôi.

Ngày hôm đó, trong số những người bị vùi lấp, hơn nửa được cứu sống, nhưng không có Giang Dự.

Công tác cứu hộ vẫn tiếp tục, xung quanh đầy rẫy hỗn loạn, ý thức của tôi mơ hồ, đến cảm giác đau cũng không còn rõ ràng.

Lẫn trong những âm thanh huyên náo, tôi mơ hồ nghe thấy giọng nói của nhiều người.

Tiếng Giang Dự gào khóc, kéo dài, thê lương.

Một chàng trai, đau thương đến mức trời long đất lở.

Tôi nghĩ, ngày hôm đó, Giang Dự đã khóc cạn nước mắt cả đời này.

Sau này, dù có trải qua bao nhiêu năm, anh ta vẫn sống buông thả, bất cần, nhưng chưa bao giờ đỏ mắt lần nào nữa.

Tôi hôn mê rất lâu trong bệnh viện, bỏ lỡ tang lễ của Giang Dĩ.

Giang Dự cũng chưa từng đến thăm tôi.

Xuất viện xong, tôi mới nghe nói anh ta đã ra nước ngoài.

Ông nội Giang kể, trước khi đi, Giang Dự đã quỳ rất lâu ở nhà.

Anh ta cố chấp nói: “Người đáng chết ngày hôm đó là tôi.”

Tôi chưa bao giờ biết lý do tại sao đêm đó Giang Dự đột nhiên rời đi.

Cũng không hiểu vì sao Giang Dĩ lại nói câu “xin lỗi”.

Năm ấy, ba người từng nghĩ rằng sẽ mãi mãi không rời xa nhau, cuối cùng đều bị bánh xe số phận cuốn đi theo những hướng khác nhau.

Giang Dĩ mãi mãi dừng lại ở tuổi mười tám.

Giang Dự quyết tuyệt rời đi, suốt bốn năm không đặt chân về quê nhà.

Tôi mang theo cảm giác day dứt, dần dần nảy sinh sự tội lỗi.

Tôi cam tâm tình nguyện chấp nhận xiềng xích của số phận, mặc cho cuộc đời sụp đổ cũng không phản kháng.

Đúng sai không còn quan trọng nữa, sự cứu chuộc trở thành một hành trình dài đầy đau đớn.

Giật mình khi phát hiện nước mắt đã nhỏ xuống bức ảnh.

Tôi lau đi những vệt nước làm nhòe tấm hình, rồi nhẹ nhàng kẹp nó trở lại album.

Sau đó, cẩn thận xếp gọn vào hành lý.

Dường như, hai mươi bảy năm quá khứ của tôi, đến cuối cùng, chỉ còn lại trong một quyển album dày cộp.

Thật sự chẳng còn lại gì cả.

20

Những món quà Giang Dự từng tặng tôi.

Lặng lẽ nằm trong tủ kính của phòng thay đồ, lấp lánh ánh sáng, giá trị khó đo lường.

“Thiếu gia hào môn tiêu tiền như rác để đổi lấy nụ cười mỹ nhân”, chuyện ấy đối với anh ta mà nói chẳng có gì to tát.

Nhưng thật lòng thì lại chẳng có bao nhiêu.

Tôi đặt cây đàn violin bên cạnh tủ kính.

Nhìn lướt qua, có lẽ chỉ mỗi cây đàn này, là mang theo một chút chân tình.

Rời khỏi căn nhà này, tôi chỉ mang theo quần áo của mình.

Khi xe vừa rẽ sang khúc cua, Trần Du cẩn trọng lên tiếng:

“Hình như Giang tổng quay lại rồi.”