Chương 5 - Cuộc Chiến Với Tham Lam
5
Bố mẹ và chú Cát đem thiết bị về thành phố. Nhà ở đó còn nguyên, nên tôi bảo họ đừng vội quay lại làng, tránh thêm rắc rối. Còn tôi thì dẫn theo vài người, cùng ba kẻ kia đi gặp ông chủ của họ.
Vì dân làng đã tấn công cảnh sát, nên tên đó sợ bị truy ra, đã trốn ở một nơi khá hẻo lánh. Xe đi qua một đoạn đường núi rồi mới dừng lại trước một căn nhà hai tầng. Tôi nhìn quanh, thầm nghĩ: nơi này mà không có người dẫn, chắc tìm mỏi mắt cũng chẳng ra.
Lý Minh Lượng bước lên gõ cửa. Gõ mãi không thấy ai trả lời, hắn lại gõ mạnh hơn, nhưng vẫn không có động tĩnh. Bất đắc dĩ, hắn đành rút điện thoại gọi cho ông chủ.
Chuông đổ khá lâu mới có người nghe. Còn chưa kịp nói gì, đầu dây bên kia đã truyền đến một giọng nam trung niên, hạ thấp giọng đầy tức giận: “Tôi nói rồi mà! Cảnh sát đang chú ý, các người mau lánh đi vài hôm, đừng liên lạc với tôi nữa! Giờ còn gọi làm gì? Chẳng lẽ người đang đứng ngoài cửa là cậu? Cậu muốn hại chết tôi đấy à?!”
Điện thoại để ở chế độ loa ngoài nên tôi nghe rất rõ. Tôi bước lên, tươi cười chào hỏi: “Chào anh Tiền, anh còn nhớ tôi không? Tôi là con gái nhà ông Vương đây, hồi hội nghị nông nghiệp anh còn trò chuyện rôm rả với bố mẹ tôi cơ mà…”
Chưa kịp dứt câu, bên kia “tút” một tiếng, cúp máy không thương tiếc. Tôi nhún vai, lắc đầu than nhẹ: “Lễ phép tối thiểu cũng không có.”
Lý Minh Lượng nhìn tôi đầy ngượng ngùng, tôi phẩy tay ra hiệu hắn tiếp tục gõ cửa. Còn mình thì khoanh tay đứng một bên, đầu óc bỗng bật ra một câu thoại kinh điển: “Đừng có nín thở trong nhà, tôi biết anh đang ở đó.”
Không nhịn được, tôi bật cười, rồi gọi lớn: “Anh Tiền ơi, ra nói chuyện tí đi? Trốn cũng chẳng giải quyết được gì đâu, đúng không nào?”
Ông Tiền dường như cũng biết rằng trốn mãi không phải cách, cuối cùng vẫn phải ra mở cửa. Vẫn là cái dáng người bụng phệ quen thuộc, chỉ có điều trông ông ta tiều tụy thấy rõ, quầng thâm dưới mắt gần như chạm đến khóe miệng.
Ông ta uể oải nói với chúng tôi đang đứng ngoài cửa: “Đừng gõ nữa, có chuyện gì thì vào nói.”
Chúng tôi ngoan ngoãn bước vào. Lúc đi ngang qua ông ta, tôi nghe lờ mờ thấy ông lẩm bẩm chửi thề:
“Thằng khốn, dám xúi người khác làm chuyện phạm pháp, nhưng lại không dám gánh trách nhiệm. Vỗ mông chạy ra nước ngoài, để mình ông đây lo sốt vó. Đồ chó chết, đúng là đồ chó chết…”
Nghe mà buồn cười muốn chết.
Tôi không để ông ta có cơ hội hỏi han gì thêm, lập tức nói thẳng khi thấy ông đang định ngồi xuống ghế sofa: “Hôm nay tôi đến là để bàn một vụ hợp tác với ông. Nếu hợp tác thành công, tất cả chuyện cũ sẽ xóa sạch. Ông thấy sao?”
Nghe tôi nói vậy, ông ta liếc mắt nhìn Lý Minh Lượng, rồi gật đầu. Sau đó ra hiệu mời tôi đi theo, cùng Lý Minh Lượng bước lên cầu thang. Tôi ra hiệu cho người đi cùng cứ bình tĩnh chờ, còn mình thì theo họ lên tầng hai.
Vừa vào một căn phòng, cửa còn chưa đóng hẳn thì Lý Minh Lượng đã bất ngờ lao về phía tôi. Tôi lập tức nghiêng người né, tiện tay tung một cú đấm khiến hắn ngã lăn ra sàn, đầu còn bị tôi giẫm lên.
Tôi ngẩng đầu, nhìn ông Tiền – lúc này mặt ông ta đã biến sắc – rồi lạnh nhạt hỏi: “Sao vậy? Định thị uy với tôi à?”
Ông ta vội vã xua tay, cố gắng nặn ra nụ cười cứng đờ: “Không… không phải đâu! Hoàn toàn là hiểu lầm… đúng, chỉ là hiểu lầm thôi!”
Tôi chẳng buồn quan tâm đến sự luống cuống của ông ta, đá văng Lý Minh Lượng sang một bên, kéo ghế ra ngồi xuống rồi chậm rãi nói: “Ý ông là… không muốn hợp tác à?”
“Không không, sao tiểu thư Vương lại nghĩ vậy được? Chỉ là… tôi vẫn chưa rõ, cô muốn hợp tác thế nào?” Ông ta nói, giọng đầy dè chừng, vô thức ngồi lùi về phía sau.
“Tôi nói đơn giản thôi. Các người muốn thuê đất làng tôi đúng không? Vậy cứ tiếp tục thuê đi, tốt nhất là ký hợp đồng chính thức với trưởng thôn và những người liên quan.” Tôi vừa vuốt lại tay áo nhăn nhúm, vừa thờ ơ nói.
“Chuyện đó thì tôi được lợi gì?” – đúng là thương nhân, luôn đặt lợi ích lên trước.
Tôi chẳng muốn vòng vo nữa, nói thẳng: “Dù có ký hợp đồng, các người cũng không lấy được đất đâu. Đến lúc dân làng không giao đất được, ông có thể kiện họ vi phạm hợp đồng. Khi đó, đòi bồi thường thật cao, chẳng sợ không có tiền. Ông không cần lo họ không có khả năng trả, bố mẹ tôi giúp họ bao năm nay, mỗi nhà ít nhất cũng tích được mười mấy vạn. Tiền chắc chắn có. Vấn đề chỉ là… ông có muốn kiếm không? Tất nhiên, tôi mong ông làm chuyện này một cách hợp pháp. Vì sẽ không có ai giúp các người xóa chứng cứ lần nữa đâu.”
Ông Tiền trầm ngâm một lúc, sau đó hỏi với vẻ dò xét: “Thương vụ này rõ ràng chẳng lỗ, ai nghe cũng muốn làm. Nhưng tiểu thư Vương, sao cô lại chọn tôi?”
Tôi mỉm cười thân thiện: “Vì thương vụ này không lỗ tiền, nhưng lỗ nhân phẩm. Nếu không có thù oán riêng, chưa chắc người ta đã dám làm. Mà dù có đồng ý, nửa chừng cũng có thể đổi ý. Nhưng ông thì khác… vì tôi có bằng chứng giữ ông trong tay rồi, ông không dám phản bội đâu.”
Nói xong, tôi đứng dậy, bước nhanh đến bàn, cầm lấy điện thoại của ông Tiền, dí thẳng vào mặt ông ta để mở khóa. Nhìn thấy giao diện đang ghi âm, tôi liếc ông ta một cái, nửa cười nửa không. Sau đó, tôi trực tiếp khôi phục cài đặt gốc điện thoại, lau sạch dấu vân tay bằng tay áo, rồi tiện tay ném trả lại cho ông ta và xoay người bước ra cửa.
Tay đặt lên tay nắm cửa, tôi quay đầu nhìn ông Tiền – lúc này vẫn đang đứng bất động cứng đờ – mỉm cười nói: “Vậy phiền ông Tiền làm đúng như tôi nói nhé. Dù sao thì đây cũng là một vụ hợp tác không tồi đâu!”
Xuống tới tầng một, tôi thấy người của trang trại đã kiểm tra toàn bộ ngôi nhà, đảm bảo không có camera hay thiết bị nghe lén. Tôi gật đầu ra hiệu, bảo họ dọn sạch mọi dấu vết, sau đó cả nhóm cùng xuống núi quay về thành phố.
Hơn mười ngày sau, những người dân từng bị tạm giữ bắt đầu lần lượt được thả về. Còn ba người của Lý Minh Lượng thì đã “cao chạy xa bay”, viện cớ là đất đã được thuê chỗ khác, thời gian không đợi người.
Người làng nhìn mảnh đất chỉ còn lại dây leo khô héo mà bối rối, không biết phải làm gì. Có người thậm chí muốn đến xin bố mẹ tôi quay lại tiếp tục thuê đất, nhưng bị trưởng thôn ngăn lại.
Đúng lúc cả làng đang rơi vào cảnh mù mịt, một “đại diện công ty nghiên cứu nông sản” xuất hiện, ngỏ ý muốn thuê đất của họ với giá vẫn là hai trăm nghìn một năm.
Dân làng mừng rỡ, vội vàng ký hợp đồng với người đại diện đó, mặt mày rạng rỡ như thể tiền sắp đổ vào nhà.
Nhưng ngay ngày hôm sau khi hợp đồng được ký, tôi đệ đơn kiện toàn bộ dân làng ra tòa vì tội xâm chiếm đất đai.
Ở nông thôn, đất thuộc diện khoán theo chế độ nhận thầu. Mấy năm trước, thời hạn khoán đất của người làng hết hiệu lực, họ cũng không để tâm, cho rằng đã cho bố mẹ tôi thuê rồi thì chẳng cần quan tâm gì thêm, không thèm đi ký lại.
Khi ấy, trưởng thôn cũ còn tại chức. Biết bố mẹ tôi đã cống hiến rất nhiều cho làng, ông tính bàn với dân để khi ký tiếp hợp đồng khoán mới thì giao luôn đất cho nhà tôi sử dụng miễn phí, vì mỗi năm nhà tôi đã đưa họ rất nhiều tiền và quà.
Nhưng bố mẹ tôi không đồng ý. Dù cùng là dân làng, nhưng tiền thuê đất vẫn phải rõ ràng.
Tôi thì nhìn thấy sự lười biếng ngày càng tăng của người làng, lo sau này sẽ xảy ra tranh chấp nên đã âm thầm bàn với trưởng thôn cũ: để nhà tôi đứng ra khoán toàn bộ đất của làng, vẫn trả tiền như thường.
Trưởng thôn cũ hiểu chuyện, lập tức đồng ý.
Từ khi ông mất, chỉ còn tôi biết chuyện đó. Trưởng thôn mới được điều từ nơi khác về, chỉ nghĩ đến thành tích để thăng chức, nhưng lại kém hiểu biết, chẳng buồn đọc lại tài liệu cũ, dẫn đến tình trạng hỗn loạn sau này.
Tại phiên tòa, dân làng hốt hoảng. Trưởng thôn mặt mày tái mét, không ngờ mọi chuyện lại thành ra thế này. Họ cố gắng biện minh, nhưng trước những bằng chứng rõ ràng, tất cả lời cãi đều vô nghĩa.
Cuối cùng, tòa tuyên bố: toàn bộ dân làng phải bồi thường và nộp phạt số tiền lớn cho nhà tôi. Còn hợp đồng thuê đất với ông Tiền – đương nhiên không có giá trị, số tiền đã nhận một nửa cũng bị yêu cầu hoàn trả.
Dân làng phút chốc tay trắng. Muốn kiếm tiền thì phải đi làm thuê, nhưng đất trong làng đều đã thuộc về nhà tôi. Họ chỉ còn cách ra ngoài lao động, mà nhiều người đã sống quen an nhàn, hoàn toàn không theo kịp xã hội. Đặc biệt là đám thanh niên chưa từng làm việc, có đứa còn quay về ăn bám bố mẹ.
Dần dần, ngày càng nhiều người trong làng quay sang trách móc kẻ cầm đầu khi xưa – người đã xúi họ chống đối nhà tôi. Có vài người còn bị trùm bao đánh mỗi ngày, mặt mũi bầm tím. Có người đi báo công an, nhưng chẳng ai biết ai làm, báo cũng vô ích.
Kẻ cầm đầu đành bất lực rời khỏi ngôi làng ấy. Tiếc là, cứ mỗi lần hắn chuyển đến nơi mới chưa bao lâu, dân làng lại lần ra được chỗ và tìm tới tẩn cho một trận. Hắn buộc phải sống lén lút, chạy trốn khắp nơi. Còn trưởng thôn thì vì chuyện từng bị tạm giam nên coi như hết đường thăng tiến, sự nghiệp chính trị ngắn ngủi chấm dứt, lặng lẽ quay về quê nhà.
Tôi, với tư cách là một công dân tuân thủ pháp luật, luôn theo nguyên tắc: kẻ xấu thì nhất định không được tha. Trước khi ông Tiền kịp tìm tôi tính sổ vì không lấy được tiền, tôi đã chủ động kiện ông ta cùng công ty vì tội đánh cắp bí mật thương mại. Đúng lúc cậu con trai phá phách, thủ đoạn vô liêm sỉ của ông ta cũng vừa về nước…
Hồi đó, trong làng không có việc gì làm ra tiền, chỉ có thể trồng trọt mà cũng chẳng lời lãi là bao. Người đi làm ăn xa ngày một nhiều, đất trong làng bỏ hoang càng lúc càng nhiều.
Thật ra, ngay sau hội nghị nông nghiệp năm đó, ông Tiền đã ngỏ ý muốn mua kỹ thuật trồng dưa của nhà tôi nhưng bố mẹ không đồng ý. Thế là công ty của ông ta bắt đầu giở trò với trang trại dưa. Tôi sớm phát hiện ra những hành động mờ ám đó, và bắt đầu âm thầm để mắt tới cậu con trai của ông Tiền. Vì lúc ấy họ chưa gây hại thực sự cho bố mẹ nên tôi chỉ cho người theo dõi, chờ bán xong vụ dưa rồi mới tính tiếp.
Khi kế hoạch của họ mới đi được nửa đường, tôi đã nhìn thấu toàn bộ. Dù họ nhắm nhầm chỗ, nhưng tôi có thể mượn tay họ để đạt được mục tiêu của mình.
Dân làng vốn đã bất mãn với bố mẹ tôi từ lâu. Tôi từng nghe họ nói xấu bố mẹ không biết bao nhiêu lần, nào là ích kỷ, không rộng rãi. Mà bố mẹ tôi thì lớn tuổi rồi, làm việc mỗi ngày vất vả đến kiệt sức. Tôi luôn muốn họ rời làng lên thành phố sống với tôi, nhưng họ lại không nỡ rời mảnh đất đã gắn bó cả đời. Thế nên tôi chỉ còn cách… khiến họ tự nguyện buông bỏ.
Ông Tiền sớm bị bắt, còn con trai ông ta thì bị còng tay ngay trước lúc lên máy bay. Nhưng mục tiêu của tôi… mới chỉ hoàn thành được một nửa.
Bố mẹ tuy không còn làm việc vất vả như trước, nhưng cũng không chịu lên thành phố sống với tôi. Họ bán toàn bộ trang trại và kỹ thuật trồng dưa cho con trai chú Cát, rồi nhận làm cố vấn kỹ thuật. Vẫn gắn bó với đất đai, nhưng khối lượng công việc giảm đi hai phần ba, nhàn nhã hơn nhiều.
Tôi cũng không ép họ phải rời bỏ nơi mình yêu thương. Như bây giờ là quá ổn rồi.
Căn nhà cũ trong làng đã không thể ở nổi. Ngày nào cũng có người đến xin bố mẹ tôi cho tiền, phiền phức vô cùng. Thế là dứt khoát chọn một khu đất gần nhà kính để xây vài căn nhà hai tầng, tiện thể chuyển luôn ký túc xá nhân viên đến đó. Quanh khu nhà kính được rào dây thép, thuê thêm bảo vệ trông coi, dân làng không thể tự tiện vào nữa. Dù mỗi ngày vẫn có vài người không cam lòng đứng rình bên ngoài, nhưng vì đứng xa quá, chúng tôi cũng chẳng thấy, lại càng không quan tâm.
Vài tháng sau, tôi và bố mẹ nằm trên ghế tựa ngoài sân, thong thả tán gẫu. Một cuộc gọi lạ vang lên, lại là tiếng khóc lóc xin bố mẹ tôi tiếp tục giúp đỡ tiền bạc. Tôi uể oải nhận điện thoại, nói rõ ràng từng chữ:
“Không đời nào!”
Tắt máy xong, tôi cau mày nói với bố mẹ: “Hay bố mẹ chặn luôn mấy số lạ đi, cứ thỉnh thoảng lại gọi đến khóc lóc, phiền chết.”
Bố tôi gật đầu, rồi lại lắc đầu thở dài: “Con người ấy mà, lòng tham chẳng bao giờ có điểm dừng.”
Mẹ vỗ tay bố, mỉm cười: “Thôi được rồi, đừng than nữa. Trời hôm nay đẹp thế, đi xem lứa mạ mới gieo thế nào đi.”
Bất chấp tôi viện lý do từ chối, hai người vẫn kéo tôi đi theo. Trong nhà kính, những khóm mạ chen chúc mọc san sát, xanh mướt, tràn đầy sức sống.
Ngay khoảnh khắc ấy, tôi dường như đã hiểu… vì sao bố mẹ tôi lại chưa từng buông bỏ mảnh đất này.
End